Cơ chế xin-cho “đúng đắn” quá lâu!

Cơ chế xin-cho là một trong những tàn dư còn sót lại của thời kỳ bao cấp. Nét đặc trưng quan trọng nhất của cơ chế này là quyền tự do ý chí to lớn của người cho, và vị thế thấp kém của người xin, một vị thế “Bắt ở trần phải ở trần-Cho may ô mới được phần may ô”.

Công bằng mà nói, cơ chế xin-cho, cũng như mọi loại cơ chế, đều có hoàn cảnh lịch sử riêng của nó. Với một hoàn cảnh lịch sử nhất định, xin-cho, cũng như bao cấp, đều là cần thiết và đúng đắn. Vấn đề chỉ là: nó “đúng đắn” quá lâu, và trong điều kiện mới, khi những ràng buộc chặt chẽ về pháp lý, về tư tưởng và đạo đức không còn, cơ chế xin-cho đang là một thứ máy cái đẻ ra tiêu cực.

Về mặt pháp lý, trước đây sở hữu tư nhân không được pháp luật công nhận. Việc khai thác cơ chế xin-cho để làm giàu vì vậy ít có động lực và cơ hội để xảy ra. Mặc dù, những chuyện như lấy lòng cô mậu dịch để mua được mấy lạng thịt ngon hơn, hay làm quen với cô bán gạo để đỡ phải xếp hàng thì vẫn xảy ra. Những chuyện này làm chúng ta khó chịu, nhưng không gây tổn hại quá lớn đối với sự công bằng xã hội. Ngày nay, thì mọi chuyện đã khác. Các tỷ lệ phần trăm từ các dự án, các hợp đồng, các nguồn tín dụng… đang chảy vào túi của cả người cho, lẫn của người xin. Và sở hữu tư nhân được pháp luật công nhận có thể bắt đầu từ những nguồn mà pháp luật hoàn toàn không công nhận.

Về mặt tư tưởng-đạo đức, sức ép to lớn của những yếu tố điều chỉnh hành vi này đang mất dần tác dụng. Chúng ta không tỏ ra vô thần hơn, nhưng rõ ràng đang vô đạo hơn. Đã vậy thì khai thác cơ chế xin-cho là một cách làm giàu dễ được lựa chọn.

Vấn đề đặt ra là xin gì và cho gì?

Ở ta hiện nay có thể xin rất nhiều thứ và cho cũng rất nhiều thứ. Ngân sách, chức tước, bằng cấp, dự án, tín dụng, đất đai, các nguồn tài nguyên v.v. và v.v. là những thứ đều có thể xin và đều có thể cho. Kể hết ra thì nhiều thứ lắm, nhưng chung quy vẫn là hai thứ quan trọng nhất: tiền và quyền.

Chuyện xin-cho liên quan đến tiền xảy ra vì thông thường từ 22-23% GDP của đất nước được tập trung vào ngân sách. Và đây là tiền do Nhà nước chi tiêu. Tiền do Nhà nước chi tiêu còn có cả tiền vay của dân và của nước ngoài. Đây là một khối lượng tiền rất lớn. Quy trình phân bổ ngân sách chặt chẽ đến mấy thì vẫn còn có rất nhiều kẽ hở. Và những câu hỏi tại sao lại chi cho nội dung này mà không phải nội dung kia, chi cho tỉnh này mà không phải tỉnh kia nhiều khi thật không dễ trả lời.

Để hạn chế chuyện xin-cho liên quan đến đầu tư từ ngân sách có ba việc có thể làm: Phân cấp và phân quyền về tài chính, ngân sách; phân bổ ngân sách bằng cách thảo luận và quyết định theo đa số tại các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng Nhân dân); xác định hợp lý tỷ lệ GDP được tập  trung cho ngân sách.

Còn chuyện xin-cho liên quan đến quyền đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Trước hết, các quyền này nhiều vô kể. Một số trong những quyền quan trọng nhất là: quyền tiếp cận tín dụng, quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội, quyền tiếp cận thị trường và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên (trong đó có đất đai). Rủi ro lớn nhất ở đây là không dễ thiết kế các tiêu chí để xác định ai được, ai không được và xác thực ai đáng được ai không. Tiêu cực vì vậy rất dễ xảy ra. Để vượt qua rủi ro này, điều quan trọng là phải xác lập nguyên tắc quyền tiếp cận bình đẳng của mọi công dân. Nghĩa là, nếu ông A có quyền vay vốn, thì bà B cũng hoàn toàn có quyền như vậy. Ngoài ra, cần xây dựng một bộ máy thực thi công vụ công tâm và có đạo đức.

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)