Có nên đấu thầu đề tài nghiên cứu khoa học?
Theo thông báo, năm 2006 Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ dùng ngân sách cấp kinh phí cho 95 đề tài khoa học cấp Nhà nước thuộc các lĩnh vực KHCN. Sau khi công bố danh mục các đề tài ấy và mời các nhà khoa học tham gia đăng ký xin thực hiện các đề tài, Bộ KH&CN tổ chức đánh giá các hồ sơ đăng ký và chọn hồ sơ xứng đáng nhất để cấp kinh phí. Cách làm này, gọi tắt là “đấu thầu”, đang được Bộ KH&CN xem như một sự đổi mới có tính đột phá để cải tiến phương thức đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên phương thức đấu thầu được áp dụng trong việc phân phối kinh phí thực hiện các nghiên cứu khoa học. Chẳng qua trước đây làm không nghiêm túc, lần này chỉnh đốn lại cách đấu thầu để thật sự tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ có năng lực được tham gia chủ trì các đề tài Nhà nước trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng với các “cây đa cây đề”. Đó là một cố gắng rất đáng hoan nghênh của Bộ KH&CN, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học.
Tuy nhiên, vấn đề không ở chỗ đấu thầu như thế nào để đạt được yêu cầu “chọn mặt gửi vàng” mà là cần suy nghĩ kỹ hơn, xét xem ngay cái việc chọn 95 đề tài KHCN cấp Nhà nước để đưa ra đấu thầu có gì vướng mắc không, và liệu việc đưa ra đấu thầu vài chục nhiệm vụ khoa học cấp Quốc gia theo đề án Bộ KH&CN dự định trình Chính phủ phải chăng là chính sách thích hợp để thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển trong tình hình hiện nay?
Ngày nay, nghiên cứu (nghiên cứu khoa học) có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị của mỗi quốc gia. Hoạt động nghiên cứu được tiến hành ở các đại học và viện nghiên cứu, dưới hình thức các đề tài khoa học mà việc thực hiện thường đòi hỏi phải có kinh phí, đôi khi khá lớn. Không kể mỗi trường hay viện có những khoản ngân sách riêng cho nghiên cứu, Nhà nước còn dành một khoản ngân sách quốc gia để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu trong cả nước. Ngân sách này do một cơ quan trung ương (Bộ KH&CN hoặc tương đương) nắm giữ và quản lý. Hoạt động nghiên cứu muốn có hiệu quả cần dành sáng kiến, chủ động tối đa cho từng nhà khoa học, cho nên ở cấp quốc gia thường chỉ xác định một số hướng khoa học ưu tiên để tập trung đầu tư, còn những đề tài cụ thể cần nghiên cứu trong từng lĩnh vực thì họ để cho các chuyên gia trong lĩnh vực ấy ở từng trường và viện được chủ động lựa chọn. Nhà nước không áp đặt, không chọn thay, chỉ kiểm tra hiệu quả đầu tư qua kết quả thực hiện từng đề tài để điều chỉnh sự đầu tư nhằm tác động tích cực đến hoạt động nghiên cứu. Sở dĩ như vậy vì kinh nghiệm cho biết chỉ có chuyên gia trong từng lĩnh vực, chứ không phải các quan chức hành chính, mới biết được chính xác cần nghiên cứu cụ thể đề tài gì và nghiên cứu như thế nào. Không nước nào thực hiện quản lý bằng cách cơ quan trung ương ban hành danh mục các đề tài cụ thể cần nghiên cứu trong từng ngành KHCN rồi chọn người giao nhiệm vụ và cấp kinh phí thực hiện qua cơ chế đấu thầu hoặc tuyển trực tiếp. Kiểu làm đó, về thực chất, không khác gì kế hoạch hóa tập trung quan liêu trong quản lý kinh tế mà hiệu quả thấp kém như thế nào chúng ta đã biết.
Mặt khác, cho dù việc lựa chọn 95 đề tài là chính xác đi nữa (một khả năng có xác suất thấp), thì bản thân việc đấu thầu các đề tài khoa học cũng tiềm ẩn những yếu tố tiêu cực khó tránh.
Xây dựng một nhà máy, làm một con đường cao tốc… là những việc mà công nghệ cơ bản đã được biết, chỉ có chất lượng tốt hay xấu và giá thành đắt hay rẻ tùy theo phương án, cho nên có thể đấu thầu để lựa chọn phương án tốt nhất, rẻ nhất, hiệu quả nhất. Điều đó hoàn toàn hợp lý và là cách làm phổ biến trong kinh tế. Còn nghiên cứu khoa học là dò dẫm, tìm cái chưa biết, phát triển tri thức mới để giải quyết một vấn đề chưa có giải pháp sẵn, đó là một quá trình sáng tạo không chắc chắn 100%, thường có những yếu tố bất ngờ, nếu nhà khoa học bị buộc phải hứa hẹn kết quả thì họ sẽ hứa vong mạng hoặc chỉ hứa chung chung, không ích lợi gì.
Vì lý do đó, trong quản lý khoa học ở các nước tiên tiến, người ta không đấu thầu để giao kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu định sẵn. Khi nhà khoa học xin tài trợ cho một đề tài do họ tự đề xuất, họ cũng không bắt buộc phải hứa hẹn kết quả này nọ, mà chỉ cần giải trình rõ nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng và tính khả thi của đề tài. Còn đối với những đề tài có tính cấp thiết quốc gia (như liên quan đến an ninh hoặc quốc phòng) thì phải giao việc nghiên cứu cho những chuyên gia hay tổ chức mà năng lực thực tế đã được kiểm chứng, hoặc treo giải thưởng cho thành tích nghiên cứu xuất sắc về đề tài đó nếu có thể công khai được.
Một vấn đề quan trọng khi chấm thầu là các tiêu chí đánh giá. Cách chấm thầu như đã công bố (cho điểm từng mặt theo một hệ thống tiêu chí khá chi tiết) cũng na ná như cách chấm điểm để xét chọn GS, PGS, tưởng là chặt chẽ nhưng thật ra khó đảm bảo chính xác được. Ở các nước tiên tiến, khi xét các hồ sơ xin tài trợ nghiên cứu người ta căn cứ vào sự thẩm định của những chuyên gia giỏi trong cùng ngành, ở trong nước hoặc trên quốc tế (peer review), và phải dành đủ thời gian cho các chuyên gia này xem xét kỹ từng hồ sơ. Cách làm đó chưa hẳn hoàn toàn tốt, song dù sao cũng bảo đảm hơn là đưa ra xét chọn trong một hội đồng mà nhiều thành viên không phải là chuyên gia thật sự am hiểu và không loại trừ có thể có quan hệ đặc biệt với một số tác giả hồ sơ. Tiếc thay, đây là cách làm phổ biến ở nước ta, từ việc đánh giá luận án tiến sĩ, xét duyệt GS, PGS đến hàng loạt hội đồng đánh giá khác, hầu như ở đâu cũng có bóng dáng, xa hay gần, của văn hóa “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Trên đây là giả thiết việc đấu thầu diễn ra đàng hoàng, trong sạch, không có chuyện “đi cổng sau” hay “cảm tình riêng”. Trong tình hình của ta ở giai đoạn này, khi mà ngay cả tòa án, thanh tra, công an, cũng không hoàn toàn miễn dịch với tham nhũng, lối quản lý tập trung bao hàm cơ chế xin-cho, dù ở dạng nào, cũng tiềm ẩn những yếu tố thử thách không dễ vượt qua đối với tính trung thực của nhà khoa học (dự thầu) lẫn cơ quan quản lý (chấm thầu). Ta đã có quá nhiều bài học, và theo kinh nghiệm, nên tránh sự cám dỗ hơn là đương đầu với nó.