Có thể phải điều chỉnh lại tiến độ tổng thể của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường vừa có báo cáo giám sát gửi Quốc hội, nêu những yêu cầu cụ thể đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, báo cáo còn nhận định: đây là dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam có quy mô lớn và công nghệ rất phức tạp, trong khi đó nguồn nhân lực của Việt Nam còn thiếu cả về số lượng và kinh nghiệm; hệ thống văn bản pháp quy đang xây dựng, trong đó quy định rõ các công việc cần tiến hành, các yêu cầu cụ thể về nguồn lực và thời gian cho từng bước thực hiện. “Việc thực hiện các quy định này có thể dẫn đến phải điều chỉnh lại tiến độ tổng thể của dự án cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cao nhất”, báo cáo này nhấn mạnh.
Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan sớm triển khai lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy đảm bảo phòng, tránh, giảm nhẹ tác động của sóng thần có thể xảy ra; thực hiện các công việc cần thiết để đảm bảo tiến độ khởi công xây dựng công trình với công nghệ đảm bảo an toàn và hiệu quả cao nhất.
Về tiến độ của hai nhà máy, báo cáo cho biết, dự kiến đến tháng 3/2013 sẽ hoàn thành hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, còn dự án Ninh Thuận 2 là tháng 8/2013. Tuy nhiên, đối với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, báo cáo cũng nói rằng: công tác quan trắc khí tượng, hải văn chưa được triển khai thực hiện nên có khả năng ảnh hưởng chậm tiến độ. Nguyên nhân do thủ tục tạm ứng phía Nga chậm, tư vấn chậm trễ trong việc lập và trình một số phương án kỹ thuật. Đối với tiến độ một số hạng mục đáng chú ý, báo cáo cho hay: dự án trung tâm Quan hệ công chúng về điện hạt nhân sẽ được hoàn thành vào quý 2 năm sau; khu quản lý vận hành và dự án di dân tái định cư sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2014; các dự án đường giao thông, điện, nước phục vụ thi công dự kiến hoàn thành trước quý 4/2017, trước khi nhà thầu EPC tiến hành san gạt mặt bằng, xây dựng cảng. Hiện nay các bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu để triển khai thực hiện nghiên cứu, đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác urani trong nước, quy hoạch, kế hoạch để xây dựng khu vực xử lý chất thải hạt nhân…
Dẫu vậy, báo cáo giám sát cũng lưu ý, sau sự cố Fukushima Nhật Bản, các nước trên thế giới đang tiến hành điều chỉnh chính sách năng lượng, trong đó có điện hạt nhân. “Sự cố trên cũng nhắc nhở chúng ta trong việc đặt an toàn hạt nhân lên cao nhất, kể cả công nghệ, quy trình quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Khâu khảo sát, lựa chọn địa điểm, chuẩn bị xây dựng đóng vai trò quan trọng. Các báo cáo khảo sát phải đánh giá được đầy đủ những tác động và dự báo những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra, đồng thời đưa ra phương án cụ thể để phòng ngừa và ứng phó với sự cố… EVN cũng nên đưa ra các số liệu cụ thể về độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận”, báo cáo của uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường yêu cầu.