Công lý khí hậu: Khái niệm định hình thảo luận khí hậu thế kỷ XXI?
Ai đã và đang gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu, và ai gánh chịu tổn thương từ đó?
Một người dân Nam Sudan mỗi năm thải ra khoảng 0.2 tấn carbon* – khí thải nhà kính được xác định là tác nhân khiến Trái đất nóng lên. Đây là số lẻ của 14,2 tấn phát thải trung bình của một người Canada cùng thời kỳ. Nam Sudan là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất1 bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ trung bình ở đây đang tăng với tốc độ nhanh hơn 2,5 lần so với mức thế giới, khiến nước này rơi vào tình trạng hạn hán và lũ lụt nặng nề liên tiếp, đẩy 64% dân số phải đối mặt với nạn đói. Canada được xếp2 vào nhóm những nước ít chịu ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu. Thậm chí, Công ty Tái bảo hiểm toàn cầu Swiss Re còn nhận định ngành nông nghiệp và du lịch của đất nước ở vĩ độ cao này có thể hưởng lợi từ nhiệt độ trung bình tăng.
Bức tranh đối lập này là nền tảng cho khái niệm bất công khí hậu xuất hiện và trở nên phổ biến những thập niên gần đây. Nó xoay quanh câu hỏi ai đã và đang gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu, và ai gánh chịu tổn thương từ đó. Trong khi thế giới đang tìm cách đạp phanh cho tình trạng biến đổi khí hậu ngày một mất kiểm soát, giữa những câu hỏi ngổn ngang ai nên làm gì, nhiều học giả và nhà vận động xã hội tin rằng “công lý khí hậu” – bài thuốc cho tình trạng bất công nêu trên – sẽ là khái niệm định hình cho cuộc thảo luận sắp tới, và thậm chí là lời đáp cho câu hỏi: Chúng ta có thể cùng nhau sống sót qua thảm họa khí hậu sắp ập đến?
Món nợ lịch sử
Hiện tượng nóng lên toàn cầu mà chúng ta đang đối mặt ngày nay đã được ghi nhận từ cuộc công nghiệp hóa vào những năm 1800. Gần 200 năm con người khai thác triệt để, sản xuất bất cần, không màng thiên nhiên, và bơm lượng khổng lồ khí nhà kính vào khí quyển đã dẫn đến một Trái đất “phát sốt” theo nghĩa đen. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng3 thêm hơn 1°C kể từ năm 1880. Hai phần ba mức nóng lên này xảy ra rất gần đây: từ sau năm 1975. 50 năm trước, các nhà khoa học bắt đầu kết nối mối quan hệ nhân quả hiện tượng này với tốc độ gia tăng của thảm họa thiên nhiên – gió bão, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng triền miên không theo nhịp điệu mà nhân loại chứng kiến.
Nhưng không phải tất cả các quốc gia và cộng đồng đều tham gia và hưởng lợi từ quá trình công nghiệp hóa này, và do đó, trách nhiệm phát thải 2400 tỉ tấn CO24 trong khí quyển (từ năm 1850 đến 2019) không thuộc về toàn bộ nhân loại. Một nghiên cứu của Lancet Planetary Health chỉ ra5 Bắc bán cầu chịu trách nhiệm cho 92% lượng khí thải toàn cầu kể từ năm 1850 (Mỹ 40% và EU 29%).
Ở mức độ cá nhân, người dân Arab Saudi, Mỹ, Đức, Canada, Úc và Hàn Quốc là những dân số có lối sống thiếu bền vững nhất, đứng đầu thế giới về mức thải carbon theo đầu người suốt nhiều năm. Mổ xẻ sâu hơn nữa vào những so sánh thu nhập liên quốc gia cho thấy top 10% người giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm cho 50% lượng khí thải toàn cầu, trong khi một nửa nhân loại – thuộc nhóm thu nhập thấp nhất – chỉ tạo ra 8% lượng khí thải, theo ghi nhận của Oxfam về mức phát thải tiêu dùng năm 2019 của các nhóm thu nhập từ khắp mọi nơi. Nói cách khác, các quốc gia và nhóm có thu nhập cao đã tích lũy tài sản, trở nên giàu có nhờ khai thác và tàn phá thiên nhiên suốt nhiều thế kỷ và đóng góp đại đa số lượng khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu. Nghịch lý ở chỗ, khi hậu họa xảy ra, họ không phải là những người chịu thiệt hại chính.
Trong hai năm liên tiếp, nhân loại chứng kiến hai đợt lũ lớn đổ ập xuống hai quốc gia: Đức và Pakistan. Các trận lũ năm 2021 ở Đức đã gây thiệt hại cho nước này 40 tỷ USD, trong khi hiện tượng tương tự năm 2022 ở Pakistan gây mất mát 30 tỷ USD. Theo quan sát và phân tích của Oxfam6, Đức đã nhanh chóng phân bổ các nguồn lực tài chính và kỹ thuật cần thiết để đối phó với lũ lụt từ chính kho bạc của mình. Ngược lại, Pakistan – một quốc gia vốn đã gánh nặng nợ nần đáng kể – đã không thể huy động được các nguồn lực cần thiết, và kết quả là người dân nước này tiếp tục phải gánh chịu những hệ quả lâu dài của lũ lụt. Cùng một hiện tượng thiên tai, nhưng lũ ảnh hưởng đến 40,000 người trong tổng số hơn 83 triệu dân ở Đức, còn Pakistan với dân số gần gấp ba – hơn 245 triệu người – phải chứng kiến tới 33 triệu người bị tác động.
Về lý thuyết, tàn phá của biến đổi khí hậu không phân biệt bạn đến từ đâu, thu nhập bao nhiêu, công việc là gì, hay cha mẹ bạn là ai. Trên thực tế, mức độ nó tàn phá đến đâu, khả năng bạn chống chịu và sống sót thế nào có liên quan đến nơi bạn sống, điều kiện sống, tình trạng kinh tế của bạn, và cả lịch sử cộng đồng.
Đây chính là khía cạnh thứ hai của bất công khí hậu: những trừng phạt nặng nề nhất từ các hiện tượng thời tiết cực đoan chủ yếu rơi vào những người dân thu nhập thấp và những nước nghèo hơn, ít nguồn lực chống đỡ và thích nghi hơn, dù họ vốn không gây ra tác động môi trường đáng kể. Các trận hạn hán sẽ gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng ở những quốc gia và nhóm người dân phụ thuộc kinh tế vào nông nghiệp. Bão lũ dễ dàng hủy hoại các cộng đồng không có khả năng chi trả cho đê điều hay các điểm sơ tán tránh bão vững chãi. Sóng nhiệt đặc biệt gây bức bối và đe dọa cho những ai sống ở trong các khu nhà chật chội, tồi tàn và nóng bí. Thực tế, danh sách các quốc gia chịu rủi ro khí hậu cao nhất theo Sáng kiến Thích ứng Toàn cầu của Notre Dame (GAIN) tập trung7 ở khu vực những nước đang phát triển ở châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á và các quốc đảo. Đánh giá này không chỉ dựa trên mức nghiêm trọng và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan mà còn dựa trên khả năng chuẩn bị của quốc gia để xử lý các mối đe dọa khí hậu hiện tại và tương lai. Chênh lệch về tác động khí hậu giữa các quốc gia có thể dẫn đến8 một vòng luẩn quẩn khiến một số quốc gia mãi mắc kẹt trong bẫy thiên tai-bất bình đẳng”, kìm hãm sự phát triển của họ, như một nghiên cứu về chủ đề này trên 149 nước từ 1992 đến 2018 từng nêu.
Không chỉ thiếu nguồn lực vật chất, các nước nghèo hơn cũng thiệt thòi về nguồn lực thông tin và tri thức. Như ở lĩnh vực nghiên cứu, trong khi Bán cầu Bắc luôn dồi dào nguồn tài trợ và nguồn khảo sát, phân tích khí hậu trong khu vực, thì những nhà khoa học khí hậu ở Bán cầu Nam gặp nhiều thử thách hơn trong xây dựng những công trình chất lượng. Không chỉ thiếu nguồn quỹ và tiếp cận thiết bị để làm công việc của mình, họ còn đối mặt với những rủi ro về an toàn tác nghiệp, bảo hộ, cách biệt ngôn ngữ,… Như những nhà nghiên cứu môi trường ở khu vực Trung Phi phải đề phòng9 nguy cơ bị bắt cóc hoặc vướng vào xung đột khi thu thập dữ liệu ở các vùng chiến sự. Hay tình trạng “nhảy dù khoa học”10 vẫn tồn tại dai dẳng, khi các nhà nghiên cứu từ các nước phát triển thu thập dữ liệu ở những nước nghèo hơn mà không đóng góp – thậm chí ngăn trở – cho sự phát triển hoặc năng lực khoa học địa phương. Kết quả là “nền tảng lý thuyết của công lý khí hậu lại do phía Bắc bán cầu chiếm lĩnh”, theo tiến sĩ Shilpi Srivastava từ Viện Nghiên cứu Phát triển. Khoảng cách về thông tin và dữ liệu này có thể tiếp tục khoét sâu chênh lệch chất lượng quyết sách và hành động đối phó với biến đổi khí hậu giữa các địa phương cũng như quốc gia.
Bất công khí hậu ngày nay còn có dấu ấn sâu đậm của chủ nghĩa thực dân. Không phải ngẫu nhiên các nước ở phía Bắc và phía Nam bán cầu lại có xuất phát điểm chênh khác như vậy trong cuộc vật lộn với biến đổi khí hậu gần đây. Các quốc gia cựu thuộc địa suốt nhiều thập kỷ bị các nước thực dân phương Bắc bòn rút đến kiệt quệ nguồn lực kinh tế và xã hội, bào mỏng khả năng tự cường. Những thập kỷ gần đây, công cuộc phục hồi miệt mài và chậm chạp của họ lại liên tục đổ sông đổ bể khi thiên tai triền miên, phá hủy những điện đường trường trạm họ xây dựng, làm xói mòn hơn nữa năng lực độc lập kinh tế của những nước này. Đa số nguồn vốn cho những hạ tầng này được xây bằng các khoản vay từ những tài chính quốc tế, và mỗi đợt bão lũ và hạn hán quét qua, những nước cựu thuộc địa lại thêm11 khoản nợ cho tái thiết trong khi khả năng trả của họ càng giảm xuống. Mức nợ cao đã buộc nhiều quốc gia dễ bị tổn thương phải ưu tiên cho trả nợ thay vì cho phòng chống thiên tai hoặc thậm chí là các dịch vụ xã hội cơ bản. Nói cách khác, họ bị biến đổi khí hậu liên tục xô đổ khi cố tập đứng vững trở lại trên đôi chân mình.
Món nợ lịch sử về biến đổi khí hậu còn kéo dài đến cả thế hệ sau, khi những người đi trước được hưởng lợi từ nhiên liệu hóa thạch và để lại di sản thiệt hại cho những người sinh sau đẻ muộn giải quyết và vật lộn. Một nghiên cứu12 năm 2021 phân tích sáu loại sự kiện cực đoan – bao gồm mất mùa, hạn hán và sóng nhiệt, đã chỉ ra những đứa trẻ sinh ra gần đây sẽ phải đối mặt với các sự kiện khí hậu cực đoan trong cuộc đời của mình nhiều hơn từ hai đến bảy lần so với thế hệ ông bà họ. cụ thể, nếu những người sinh năm 1960 trung bình sẽ trải qua bốn đợt sóng nhiệt trong suốt cuộc đời của họ, thì trẻ em sinh vào năm 2020 sẽ phải đón chờ 30 đợt hiện tượng này trong phần còn lại của cuộc đời, đó là nếu như các cam kết cắt giảm phát thải hiện tại theo Thỏa thuận Paris được hiện thực hóa.
Phức tạp hơn nữa, bất công biến đổi khí hậu có nguy cơ nảy sinh khía cạnh thứ ba ngoài tình trạng bất công kép nêu trên (triple injustice)13, nếu nhóm thu nhập thấp một lần nữa phải chịu thiệt thòi từ những nỗ lực và chính sách giải quyết biến đổi khí hậu không tính đến nhu cầu, lợi ích và bối cảnh của họ. Ví dụ như các tranh chấp quyền sử dụng đất của người bản địa nảy sinh trong quá trình xây dựng các dự án điện gió, và nguy cơ bóc lột cộng đồng địa phương khi khai thác khoáng sản để sản xuất tấm pin mặt trời.
Công lý khí hậu – hướng tới cách tiếp cận công bằng, với sự tham gia đa dạng của người dân và các nhóm trong hành động khí hậu – từ đó được phát triển những thập niên gần đây, với phạm vi ngày càng được mở rộng. Bên cạnh chênh lệch giữa các quốc gia, nó còn xét đến cả công bằng cho nhiều nhóm như người bản địa, người da màu, phụ nữ và người khuyết tật. Đây đều được xác định là những người chịu thiệt hại nặng nề hơn hẳn từ biến đổi khí hậu.
Như lời của Asad Rehman, Giám đốc Điều hành của tổ chức phi chính phủ chống nghèo đói War on Want, khái niệm công bằng khí hậu phần lớn được phát triển bởi các nhà hoạt động từ Nam bán cầu, trên lập luận rằng “Những khắc phục khí hậu chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta khắc phục được tất cả những bất bình đẳng khác đang tồn tại, bởi biến đổi khí hậu không chỉ gia cố những bất công này, mà còn khuếch đại chúng.”
Viện trợ hay trả nợ khí hậu?
Mục tiêu của công lý khí hậu, dẫu còn nhiều tranh cãi giữa các bên, hiện chủ yếu xoay quanh14 phân bổ công bằng cả gánh nặng của biến đổi khí hậu lẫn trách nhiệm giảm thiểu nó.
Yêu cầu chính của phong trào công lý khí hậu là các quốc gia và cá nhân giàu có – sau nhiều thập kỷ đã và đang vung tay “tiêu hoang” ngân sách carbon của nhân loại – phải thừa nhận trách nhiệm lịch sử của mình đối với lượng khí thải nhà kính, dùng nguồn lực dồi dào để nhanh chóng “khóa van” lượng phát thải và thực hiện các biện pháp loại bỏ CO2 nhằm hạn chế mức nóng lên toàn cầu ở 1,50C, phù hợp với mục tiêu tham vọng nhất của Thỏa thuận Paris. Đối với quốc gia ô nhiễm hàng đầu như Mỹ, phần trách nhiệm tương xứng này đòi hỏi cắt giảm lượng khí thải xuống 195% dưới mức năm 2005 vào năm 2030, theo ước tính Chi nhánh Mạng lưới hành động vì khí hậu (CAN) của nước này. Các tổ chức phi chính phủ ở Anh cũng kêu gọi đặt mục tiêu giảm tương tự là 200% dưới mức năm 1990. Mục tiêu hiện tại của Mỹ và Anh lần lượt là 50-52% và 68%. Không chỉ nhắm tới chủ thể các quốc gia, công lý khí hậu còn áp dụng cho chênh lệch phát thải lớn của người giàu và người nghèo trên thế giới. Báo cáo của UNEP15 năm 2020 cho thấy người có thu nhập cao thuộc nhóm 1% sẽ cần cắt giảm 97% lượng khí thải cá nhân của họ để đạt được mức “chia sẻ công bằng” vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu 1,5oC.
Do công cuộc giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu đã được xác định sẽ có hóa đơn đắt đỏ, và chi phí có thể sẽ rơi vào những quốc gia thiếu khả năng chi trả nhất, các thảo luận về công lý khí hậu còn đặt ra yêu cầu các nước phát triển sẽ phải trả cho những khoản này. Và từ năm 2009, các quốc gia công nghiệp hóa đã đồng ý16 đến năm 2020 cung cấp nguồn vốn lên tới 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ hành động khí hậu ở các quốc gia nghèo hơn. Bản thân con số 100 tỷ này được tính toán là không thấm vào đâu so với nhu cầu tài chính khí hậu thực sự của Nam bán cầu. (Từ năm 2009, các quốc gia Trung Mỹ đã yêu cầu khoản bồi thường khí hậu 104 tỷ USD từ các nước công nghiệp.) Dẫu vậy, mục tiêu này phải đến năm 2022 mới đạt được17, cùng nhiều nghi hoặc18 bị “đề cao quá mức”. Đại đa số khoản tài chính công khí hậu này là ở dạng cho vay (loans), và không phải quỹ hỗ trợ (grants), khiến các quốc gia bị thiệt thòi nhất phải mắc nợ nhiều hơn với các quốc gia Bắc bán cầu.
Các nhà vận động công lý khí hậu do đó muốn tiền và công nghệ được cung cấp “không kèm theo ràng buộc”, bên ngoài các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các chương trình viện trợ phát triển, nơi các nước giàu có có thể tác động đến cách phân phối tiền và công nghệ. Như lời nhà đàm phán người Bolivia Angelica Navarro khi kêu gọi cắt giảm đáng kể lượng khí thải cũng như chuyển giao tài chính và công nghệ từ các nước giàu hơn sang các nước nghèo hơn vào năm 2009, “Những gì chúng tôi yêu cầu là hoàn trả khoản nợ…Chúng tôi không cầu xin viện trợ. Chúng tôi muốn các nước phát triển tuân thủ nghĩa vụ và trả nợ của họ.”
Các nỗ lực khác đòi công lý, thay vì trông đợi vào tính toán của những quốc gia và cá nhân giàu có trên ô nhiễm, đến từ chính những nạn nhân. Chính phủ Đảo quốc Barbados đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thực dân khí hậu ở các thể chế tài chính quốc tế. Tổng thống Mia Mottley trong vài năm qua đã vận động những tổ chức tài chính toàn cầu cải tổ cơ chế hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận nguồn tiền cần thiết để chống biến đổi khí hậu. Cải cách bà đề xuất19, được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ, kêu gọi xóa nợ cho những nước “tiền tuyến” trước biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới tăng cường cho vay hoặc bổ sung các điều khoản về thảm họa, để các quốc gia bị tàn phá bởi khủng hoảng khí hậu có thể ưu tiên tái thiết thay vì phải để dành tiền trả nợ.
Các vụ kiện khí hậu – khi những bên chịu ảnh hưởng đưa những bên gây ô nhiễm ra tòa – cũng là một công cụ ngày càng phổ biến cho các cá nhân để đấu tranh cho công lý khí hậu. Số lượng các vụ kiện dạng này đã tăng gấp đôi20 trong vòng năm năm sau Thỏa thuận chung Paris. Năm 2023, tòa án Nhân quyền châu Âu xét xử một vụ kiện chưa có tiền lệ, khi sáu thanh niên Bồ Đào Nha tuổi từ 11 đến 24 khởi kiện chống lại 32 quốc gia châu Âu, cáo buộc những nước này không bảo vệ được họ trước cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra.
Các giải pháp đòi công lý khí hậu đến nay mới chỉ đạt được những kết quả hết sức dè dặt, và có thể còn tiếp tục đòi hỏi những thay đổi lớn lao hơn từ hệ thống, nhưng quá trình này là cần thiết để giải bài toán khí hậu mà toàn nhân loại đang đối mặt.
Harjeet Singh – người đứng đầu chiến lược chính trị toàn cầu tại Mạng lưới hành động khí hậu quốc tế – đã mất 30 năm đấu tranh cùng những nhà hoạt động khí hậu khác cho Quỹ Tổn thất và Thiệt hại (Loss and Damage) ra đời tại COP28 tại Dubai. Đây là quỹ nhằm giúp các nước đang phát triển được bồi thường những tổn thất và thiệt hại từ thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. “Quỹ Tổn thất và Thiệt hại chính thức được thiết lập, dù vẫn là chưa đủ, nhưng nó mang lại cho chúng tôi hy vọng, rằng nếu các bạn làm việc cùng nhau và đoàn kết vì mục đích đúng đắn, chúng ta sẽ có thể thực sự thay đổi mọi thứ,” ông nói. “Giờ đây còn nhanh hơn nhiều. Sẽ không mất tới 30 năm, bởi vì chúng ta thậm chí không có nhiều thời gian như vậy, nhưng chúng ta sẽ có thể làm được nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ sức mạnh công chúng là điều quan trọng nhất”.□
*Sửa lại so với bản in là 2 tấn carbon
Nguồn:
“In-depth Q&A: What is ‘climate justice’?” – Carbon Brief, 4/10/2021.
“Climate Equality: A Planet For the 99%” – Oxfam. November 2023
Climate Finance Provided and Mobilised by Developed Countries in 2013-2022, Climate Finance and the USD 100 Billion Goal, OECD 2024
——-
Chú thích
1 https://finance.yahoo.com/news/top-20-countries-most-affected-140332343.html?guccounter=1
2 https://www.swissre.com/risk-knowledge/mitigating-climate-risk/countries-economic-shock-climate-change.html
3 https://earthobservatory.nasa.gov/world-of-change/global-temperatures
4 https://www.theworldcounts.com/challenges/climate-change/global-warming/global-co2-emissions
5 https://www.thelancet.com/journals/lanplh/article/PIIS2542-5196(20)30196-0/fulltext
6 http://www.indiaenvironmentportal.org.in/files/file/Climate%20Equality.pdf
7 https://gain.nd.edu/our-work/country-index/rankings/
8 https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0959378021001084?dgcid=rss_sd_all
9 https://www.carbonbrief.org/researchers-the-barriers-to-climate-science-in-the-global-south/
10 https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0960982221000622
11 https://www.propublica.org/article/mia-mottley-barbados-imf-climate-change
12 https://www.science.org/doi/10.1126/science.abi7339
13 https://www.taylorfrancis.com/chapters/edit/10.4324/9781315537689-37/transformative-approaches-address-climate-change-achieve-climate-justice-dunja-krause
14 http://www.indiaenvironmentportal.org.in/files/file/Climate%20Equality.pdf
15 https://www.unep.org/emissions-gap-report-2020
16 https://unstats.un.org/sdgs/tierIII-indicators/files/13.a.1_Background.pdf
17 https://unstats.un.org/sdgs/tierIII-indicators/files/13.a.1_Background.pdf
18 https://www.oxfam.org/en/press-releases/true-value-climate-finance-just-third-reported-developed-countries
19 https://www.politico.eu/article/cancel-debt-climate-change-barbados-mia-mottley/
20 https://hanoimoi.vn/cac-vu-kien-ve-bien-doi-khi-hau-tang-hon-gap-doi-trong-5-nam-636499.html
Bài đăng Tia Sáng số 12/2024