Coronavirus tác động như thế nào đến thương mại thế giới?
Dịch do Coronavirus tác động đến sản xuất công nghiệp, ngành giao thông hàng hải và hàng không của Trung Quốc, cường quốc thương mại lớn nhất thế giới. Và không lâu nữa phần còn lại của thế giới có thể sẽ cảm thấy điều đó.
Bình thường chỉ có một số nhà quản lý ngành vận tải biển quan tâm đến Baltic Dry Index (Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic), tuy nhiên trong những ngày này các nhà kinh tế trên thế giới đều chú ý, vì Baltic Dry Index ngày càng xuống dốc. Kể từ đầu năm chỉ số này gần như giảm lien tục mỗi ngày, từ 1076 điểm hồi đầu năm nay xuống tới 415 điểm. Chỉ số này xuống thấp hơn so với hồi khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Có nhiều khả năng virus corona là nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút nhanh chóng giá cước vận tải.
Từ nhiều tuần nay dịch bệnh này đã làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc. Nó buộc chính phủ phải cô lập tỉnh Hồ bắc, áp đặt hạn chế đi lại và bắt buộc kéo dài kỳ nghỉ tết. Đến nay nhiều nhà máy xí nghiệp vẫn đóng cửa. Chính quyền chưa cho phép Foxcom, nhà cung cấp cho Apple khởi động sản xuất. Hay các dây chuyền sản xuất của các nhà máy Trung Quốc của hãng Volkswagen vẫn ngừng hoạt động ít nhất tới cuối tuần này. Toyota cũng kéo dài thời gian nghỉ đến chủ nhật; General Motors dự kiến phải tới cuối tuần này mới khởi động sản xuất tại Trung Quốc.
Liệu các vấn đề về kinh tế chỉ giới hạn trong phạm vi Trung Quốc? Hay các vấn đề đó sẽ lan rộng ra khắp thế giới? Điều rõ ràng ngay trước mắt là coronavirus đang gây tổn thất lớn mang tính toàn cầu đối với hai lĩnh vực là Vận tải và nguyên liệu.
Bảy trong số mười cảng Container lớn nhất thế giới đều tập trung ở ven biển Trung Quốc. Trong ảnh là dãy container ở Thượng Hải.
“Nhiều tàu biển sẽ trống”
Ngành vận tải biển quốc tế đã bắt đầu chịu tổn thất. Trung Quốc là đầu mối và là điểm trung chuyển đối với ngành vận tải biển quốc tế; bẩy trong số mười cảng container lớn nhất thế giới phân bổ dọc vùng duyên hải Trung Quốc. Theo điều tra của nhà cung cấp dữ liệu Alphaliner thì trong ba tuần vừa qua giao thông vận tải biển trong các cảng của TQ giảm 20%. “Sự tụt giảm Baltic Dry Index cho thấy: nhiều tầu biển sẽ bị trống”, đó là ý kiến của một chuyên gia am hiểu trong ngành này.
Điều này không chỉ xẩy ra với vận chuyển hàng rời mà cả với vận tải bằng container. Các hãng tầu biển đang bị báo động. Thứ hai vừa qua hãng vận tải biển hàng đầu thế giới Maersk vừa ra thông báo Blank Sailings, tức là tạm thời đình chỉ các chuyến đi và đến Trung Quốc đã được định sẵn. Điều này liên quan đến các cảng Rotterdam, Antwerpen, Felixstowe và Los Angeles. Trong mấy ngày vừa qua một số hãng tầu như Maersk và MSC của Italia, CMA CGM của Pháp đã huỷ nhiều chuyến đi tới Trung Quốc. Hãng tầu Hapag Lloyd của Đức cũng huỷ chuyến đi từ Qingdao tới Barcelona.
Tuy nguồn cung giảm nhưng giá cước cũng giảm: theo cổng vận tải Freightos giá vận chuyển một container từ Trung Quốc đi châu Âu trong tuần qua giảm 14 %. Theo chuyên gia của Alphaliner thì đến cuối tháng ba số container đến và đi từ Trung Quốc sẽ giảm ít nhất 6 triệu container tiêu chuẩn. Con số này tương đương 4% tổng lưu lượng container trên toàn thế giới trong một năm.
Số chuyến bay chở hàng cũng giảm
Corona không chỉ gây đình đốn trong vận tải biến. Hãng hàng không Lufthansa cũng đã bị ảnh hưởng. Trong khi các hãng hàng không đình chỉ mọi chuyến bay vận chuyển hành khách tới Trung hoa đại lục thì hãng hàng không Lufthansa Cargo của Đức vẫn vận chuyển hàng hoá tới các thành phố ở Trung Quốc như Shanghai, Peking và Chengdu. Tuy nhiên thay vì mỗi tuần 15 chuyến như trước đây nay chỉ còn 5 chuyến. Vì lý do an toàn các chuyến bay này không bay Nonstop như trước mà hạ cánh tạm thời tại sân bay của Nga ở Nowosibirsk. Tại đây sẽ có đội bay bay tiếp tới Trung Quốc và sau khi bốc dỡ hàng xong lại bay ngay sang Nga. Với cách làm này giảm được thời gian đội lái phải dừng lâu ở Trung Quốc. Hơn nữa các đội lái đều được trang bị mặt nạ hô hấp và được cung cấp thuốc khử trùng. Các hãng đều phải tạm ngừng vận chuyển động vật sống cũng như vận chuyển tốc hành hàng hoá trên tuyến đường này.
Các chuyến bay vận tải hàng hoá tới Trung Quốc đều hết công suất trong đó có cả hàng cứu trợ. Tuy nhiên các chuyến khứ hồi thường còn trống nhiều. Điều này cho thấy sản xuất ở nhiều nhà máy ở Trung Quốc bị đình trệ.
Giá dầu mỏ giảm mạnh
Theo đánh giá của ngân hàng Commerzbank thì năng lực kinh tế Trung Quốc trong quý I này giảm 3% do tác động của coronavirus. “Rõ ràng coronavirus đã sớm tác động đến thương mại thế giới”, chiến lược gia về nguyên liệu Eugen Weinberg của Commerzbank trong cuộc trao đổi với tạp chí Spiegel.
Giá các nguyên liệu như đồng, Aluminium và kẽm trong mấy ngày qua đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua; Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất đối với các kim loại này. Giá dầu thô cũng xuống dốc. Hôm thứ sáu giá một thùng (159 lít) loại tham chiếu WTI của Hoa Kỳ có lúc xuống dưới mức 50 USD – mức thấp nhất trong năm qua. Hiện tại thị trường bị giảm mỗi ngày 1 triệu thùng do cầu của Trung Quốc giảm. Trong mấy năm gần đây TQ đã vượt Mỹ và trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và là cường quốc thế giới trong lĩnh vực thương mại.
“Hiện tại chúng tôi vẫn cho rằng tốc độ lây lan mới của Corona sẽ giảm trong vài tuần tới”, theo đánh giá của Weinberg: “Nhưng nếu không giảm lây lan thì con Virus này sẽ trở thành con thiên nga đen đối với kinh tế thế giới” – có nghĩa là đây là một sự kiện không lường trước có thể dẫn tới sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới. Trong những năm qua Trung Quốc là đầu tầu của tăng trưởng toàn cầu. “Nếu đầu tầu bị trục trặc thì rất khó để duy trì mức tăng trưởng trên số không. Không ai muốn nghĩ tới viễn cảnh này.”
Mọi sự lúc này đều lệ thuộc vào việc Trung Quốc có thể kiểm soát được virus này lâu hay chóng. Nếu chính phủ thành công trong việc kiềm chế sự lây lan bệnh hay các nhà nghiên cứu tìm ra được một loại thuốc hữu hiệu thì nền thương mại thế giới có thể nhanh chóng hồi phục và lấy lại được đà phát triển. Khi đó giá cước vận tải và giá nguyên liệu sẽ lại tăng lên nhanh chóng.
Nguyễn Xuân Hoài lược dịch theo Spiegel. Ngày truy cập: 10.02.2020