CÙNG dân chứ đừng CHO dân

Thảm họa giúp bộc lộ bản chất tốt nhất của con người. Khi sự an toàn của người thân và cộng đồng bị đe dọa, những nạn nhân sẽ đoàn kết, tương trợ lẫn nhau một cách chân thành.


Lũ lụt ở Quảng Bình năm 2016.

Trong hai bài viết đầu của loạt bài này, chúng ta đã khám phá những khía cạnh ít được chú ý tới về thái độ con người trong thảm họa: trong thâm tâm, mọi người đều TỐT. Khi tai họa ập đến, chúng ta thấy họ tạm thời gạt bỏ những mâu thuẫn cá nhân: Một cơ hội mở ra, để họ có thể tạo dựng những gì tốt đẹp hơn, không phải là của cải vật chất mà là sự gắn kết cộng đồng.

Bản chất của hiện tượng mà chúng ta quan sát được sau thảm họa là sự gắn kết và mối quan hệ giữa người với người. Tất cả chúng ta đều có nhu cầu được giúp đỡ người khác. Bất kể các nhà kinh tế học có nói gì đi nữa, chúng ta không sinh ra để cạnh tranh, mà để chia sẻ. Nhưng diễn giải của những nhà cầm quyền (và công cụ truyền thông của họ), vẫn được chấp nhận rộng rãi, lại nói điều ngược lại, đã đặt chúng ta trong trạng thái đối chọi với nhau (chẳng hạn như những người trẻ thường đòi hỏi quá nhiều quyền lợi), và đối chọi với chính Trái đất (phải hi sinh môi trường để đổi lấy lợi ích kinh tế) – nguồn duy trì sự sống cho chúng ta.

Nhưng những diễn giải đó là rào cản lớn nếu chúng ta muốn các cá nhân và cộng đồng trở nên an toàn và mạnh mẽ hơn trước các nguy cơ, và nếu chúng ta muốn tránh những quyết định có thể dẫn đến rủi ro cho những cộng đồng người (phần này đã được nhắc đến trong bài trước). Nếu chúng ta chấp nhận những “câu chuyện” tiêu cực về những người khác, chúng ta đang chọn việc tin vào một lời nói dối về chính mình, chúng ta chọn việc đánh giá thấp năng lực của mình.

Kết quả là chúng ta sẽ nhầm tưởng rằng chúng ta cần phải dựa vào ai đó để “cứu”mình, vì chúng ta không đủ đáng tin để giúp đỡ người khác, rằng chúng ta cần ai đó để hỗ trợ, vì chúng ta không có khả năng chia sẻ, rằng chúng ta cần ai đó để đưa ra quyết định, vì chúng ta không đủ học thức, rằng chúng ta cần sự giúp đỡ, vì chúng ta bất lực.

Nhưng điều đó hoàn toàn không phải là sự thực. Các động đồng ở Việt Nam và quanh thế giới – những người ở nơi dễ bị tổn thương nhất – có thể năng động hơn và tăng sức chống chọi, có thể sở hữu những kiến thức và kĩ năng mà ngay cả những “chuyên gia” vẫn thường đánh giá thấp, thậm chí là khinh thường.

Tại sao năng lực địa phương lại quan trọng như vậy?

Các cộng đồng và các cá nhân trong đó thường đối diện với rủi ro, trong dài hạn (những tổn thương hằng ngày do nghèo đói, không được tiếp cận đầy đủ về y tế giáo dục, phân biệt đối xử vì chủng tộc, giới, tôn giáo…) và ngắn hạn (bởi những hiểm họa bất chợt). Bên phát triển và hỗ trợ (Chính phủ Việt Nam chẳng hạn) phải giải quyết những vấn đề được đặt ra dựa trên từng điều kiện về kinh tế, chính trị và môi trường của địa phương.

Nếu những người thụ hưởng những chính sách phát triển không được tham vấn ngay từ đầu quá trình soạn thảo chính sách, họ sẽ thiếu lòng tin vào chính quyền. Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương, đặc biệt là ở cấp chính quyền xã. Điều này có thể đem lại những kết quả tốt khi sự tham gia này thực sự gỡ bỏ những bất bình đẳng, bất công và cân bằng cán cân quyền lực.

Còn nếu thiếu sự tham gia thực chất của người dân, thì tiếng nói của cộng đồng địa phương thường sẽ bị bỏ qua. Cơ quan chính quyền nhìn từ bên ngoài vào hoặc từ trên xuống thường sẽ không thể hiểu được những điều kiện của địa phương đó – và biết được việc trân trọng năng lực của người dân khu vực này quan trọng đến thế nào.

Năng lực mà chúng ta đang nói đến ở đây chính là kiến thức, kĩ năng và tài nguyên của cá nhân và tập thể mà đang được chia sẻ giữa những người cùng sống trong cộng đồng. Khai thác nguồn năng lực địa phương có thể giúp cộng đồng ngăn chặn thiên tai, và giúp họ phục hồi sau thảm họa.

Nghiên cứu cho thấy rằng một cộng đồng năng động, được trao quyền và có sự gắn kết chặt chẽ là một cộng đồng có sức chống chọi tốt (khi thảm họa xảy ra). Khi mọi người có quyền tiếp cận với những nguồn lực và cơ hội, và cảm thấy là một phần của tập thể, họ sẽ phát triển mạnh mẽ. Con người khao khát sự kết nối. Sự phát triển lành mạnh về cả thể chất, tâm lý, tình cảm và tinh thần chính là cốt lõi khiến một cộng đồng trở nên mạnh mẽ hơn khi đối mặt với các mối đe dọa trong thế kỷ 21.


Những người hàng xóm giúp một cụ ông sơ tán trong cơn bão Harvey, Mỹ.

Khi nhìn tác động của những thảm họa gia tăng như thế nào ở Việt Nam, và ngày càng nhiều người cần sự cứu trợ như thế nào, có vẻ như năng lực của cộng đồng đang dần suy giảm. Nhưng tôi cho rằng những yếu tố làm cho cộng đồng phát triển mạnh dường như đã bị lãng quên hoặc bỏ qua – sự phát triển kinh tế dường như được đề cao quá mức và trở thành thước đo toàn cầu cho thành công của một xã hội – một điều không đảm bảo sự bền vững trong khi đó sự phát triển lành mạnh nói trên của cộng đồng bị bỏ qua. Chúng ta không thể tiếp tục ảo tưởng như vậy.

Chúng ta phải nhận thức được rằng phần lớn CHÍNH LÀ DO phát triển kinh tế quá nhanh, sự bất bình đẳng mới ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Tất cả các cộng đồng đều đạt được những thành tựu nhất định về kinh tế, điều đó không có gì phải bàn cãi, nhưng những thành tựu này không hề được phân bổ đồng đều, và điều này góp phần làm giảm sự phát triển lành mạnh, đặc biệt là của những cộng đồng bên rìa xã hội.

Tất nhiên, các chính phủ không hề có ý định tạo thêm rủi ro thảm họa. Nhưng khi quá tin tưởng vào hiện trạng kinh tế và mô hình phát triển hiện tại, họ có xu hướng tiếp sức cho những thành phần kinh tế mạnh nhất sẽ tăng trưởng, dù phải trả giá bằng lợi ích của những người khác. Sự giàu có đạt được ở nơi này sẽ luôn đi kèm với những thiệt thòi cho một ai khác, ở một nơi nào khác. Ở chính những đất nước đang tích lũy tư bản, càng dễ có những cộng đồng dễ bị tổn thương trước thiên tai.

Làm việc VỚI cộng đồng, chứ không phải VÌ cộng đồng

Trong các cộng đồng bị thiệt thòi nhất của Việt Nam, phản ứng của chính phủ thường là quan hệ gia trưởng – các quyết định từ trên xuống được đưa ra với mục đích thúc đẩy lợi ích tốt nhất của cộng đồng liên quan – trong khi quyền tự chủ, sự tham gia cộng đồng và quyền sở hữu trong quá trình phát triển kinh tế không hề được coi là một phần của con đường phát triển.

Đó là lý do tại sao “phát triển” không mang lại lợi ích công bằng cho mọi người. Các dự án không nên được đề xuất CHO những cộng đồng còn khó khăn, mà nên là CÙNG VỚI họ. Đó là cách tốt nhất để giúp họ mạnh mẽ hơn. Đây thật sự là một cơ hội tuyệt vời: các dự án nên được xây dựng dựa trên khả năng đóng góp của cộng đồng – và điều đó sẽ đảm bảo sự phù hợp, sự bền vững trong dài hạn và sự tham gia của các bên liên quan.  

Trong một dự án nghiên cứu năm 2017 được thực hiện ở Đồng Hới, Quảng Bình, chúng tôi đã nghiên cứu cách lũ lụt đô thị tác động đến các trường học trong thành phố và cách các bên liên quan có thể đóng góp cho sự an toàn của trường học cũng như đảm bảo việc giáo dục trẻ em không bị gián đoạn.

Đồng Hới đã trải qua nhiều trận bão và lũ lụt trong quá khứ – năm 2016 là thời điểm mà sự tàn phá của chúng đặc biệt nặng nề. Lũ lụt vào tháng 10 năm 2016 đã dẫn đến cái chết của 7 học sinh ở Đồng Hới, làm hư hại một phần không nhỏ vật dụng và thiết bị trường học. Các trường học địa phương bị tụt lại sau vài tuần so với chương trình học trên toàn quốc. Cũng có những tác động sâu rộng về mặt kinh tế và xã hội đối với cả cộng đồng.

Nghiên cứu của chúng tôi chỉ rõ tại sao việc các nhóm và cá nhân khác nhau tham gia vào quá trình ngăn ngừa thiên tai lại quan trọng đến vậy. Khi thực hiện dự án, chúng tôi đã nói chuyện với không chỉ những người quản lý trường học và những người thực hiện chính sách của chính phủ, mà còn cả sinh viên, phụ huynh và giáo viên. Điều chúng tôi nhận thấy là ngay cả những người có nguy cơ cao nhất ở Đồng Hới cũng có thể tận dụng khả năng của mình để giảm thiểu tác động của lũ lụt.

Ở đây, các trường đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc sống của một cộng đồng. Họ không chỉ tạo điều kiện cho việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên mà còn là nơi tập hợp xã hội. Chúng giúp tạo ra sự kết nối và tinh thần cộng đồng giữa các gia đình.

Tại Đồng Hới, chúng tôi thấy rằng cộng đồng địa phương đã có thể huy động cứu trợ sau trận lụt năm 2016 trước khi bất kỳ viện trợ nào khác đến. Điều này chính là bằng chứng mà đã được khẳng định trong nhiều trường hợp ở khắp nơi trên thế giới: cộng đồng chính là những người phản ứng đầu tiên (với thiên tai).

“Năm ngoái, khi gia đình chúng tôi hỗ trợ các nạn nhân sau lũ lụtt, một số người mà chúng tôi đến thăm đã 87 hoặc 90 tuổi. Khi chúng tôi đến, họ ôm chúng tôi và khóc”. Một phụ huynh ở Trường Tiểu học Đông Mỹ, Đồng Hới nói.

Cộng đồng có thể hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi đã được nghe kể về các gia đình đã chia sẻ nhà và nguồn lực cho những nạn nhân đến tận khi họ có thể phục hồi. Mọi người thực sự quan tâm đến nhau và điều đó xác nhận những gì chúng ta đã biết về lòng tốt của con người.

Cộng đồng thật sự đoàn kết với nhau. Nhưng nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi liệu vai trò của chính phủ trong tất cả những điều này là gì?

Chính phủ có thể thúc đẩy nhiều sự thay đổi, đặc biệt là sự giao tiếp và phối hợp giữa các cấp chính quyền và các bên liên quan khác nhau (người quản lý, giáo viên và phụ huynh) cần được cải thiện. Điều này cần phải đi cùng với các chính sách giảm thiểu những tổn thương mà cộng đồng này phải đối diện hằng ngày.

Nhắc đến những tổn thương mà những cộng đồng này phải gánh chịu khiến, chúng ta phải chất vấn tình hình kinh tế chính trị hiện tại – mà trong đó chỉ khiến tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng hơn, mà những người có trách nhiệm không dám nhìn thẳng vào điều đó.

Khi chúng ta chật vật tìm lời giải cho điều này – hãy nhớ rằng chúng ta có thể kêu gọi việc “thay đổi hệ thống” – và mọi người đều có thể yêu cầu trách nhiệm giải trình của chính phủ về những quyết định chính sách về những chương trình hành động còn nhiều thiếu sót. Nhiều tiếng nói từ các cá nhân cùng chia sẻ tầm nhìn và các giá trị với nhau đã và đang tiếp tục lên tiếng vì điều này.  

Và những tiếng nói này cần được lắng nghe và ủng hộ. Một trong những điều tốt nhất mà chính phủ có thể làm là hồi đáp những sáng kiến do cộng đồng phát triển, cung cấp bất kỳ nguồn lực cần thiết, và đơn giản là không can thiệp vào công việc của họ.

Minh Châu  dịch

 

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)