Đặc quyền và đặc trách của Đại biểu Quốc hội

Ở New Zealand, pháp luật và thực tiễn xét xử thường đưa ra ba khung khác nhau dành cho ba đối tượng, đó là khung hình phạt thấp nhất dành cho thường dân; tiếp theo là các Nghị sỹ, Bộ trưởng, một số nhân viên cấp cao của chính phủ; và khung cao nhất dành cho những người làm trong các cơ quan tư pháp (thẩm phán, công tố viên, thư ký tòa...).

Quốc hội được Hiến pháp quy định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện quyền lập hiến, lập pháp và quyền định các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, các Đại biểu Quốc hội đóng vai trò cốt lõi. Thông qua lá phiếu ủng hộ, người dân đã gửi gắm nguyện vọng, ý chí của mình cho các vị Đại biểu đáng kính ấy, với mong muốn các Đại biểu hoàn thành tốt các bổn phận mà Hiến pháp giao phó trên cương vị là những người thực hiện quyền năng của cơ quan quyền lực tối cao nhất của quốc gia.

Mặc dù Điều 2 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2004 quy định “mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này”. Tuy nhiên, Hiến pháp vẫn ghi nhận đặc quyền về Tố tụng đối với Đại biểu Quốc hội, mà đôi khi, đặc quyền về Tố tụng có giá trị quyết định. Căn cứ Điều 81 Hiến pháp 2013, “Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”. Hơn nữa, việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội).

Có thể nói, đặc quyền tố tụng này được áp dụng đối với Đại biểu Quốc hội giúp các cơ quan tố tụng xem xét kỹ lưỡng hơn trong việc tiến hành các thủ tục tố tụng, tránh việc tùy tiện, lạm dụng việc bắt bớ… của các chủ thể tiến hành tố tụng, gây ảnh hưởng không tốt tới việc thực hiện vai trò dân biểu cũng như đôi khi tạo ra sức ép chính trị nào đó với những người do dân bầu nên.

Ngoài ra, ở nhiều quốc gia, Đại biểu Quốc hội (hay Nghị sỹ) còn được quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự, dân sự đối với các phát biểu trước Nghị trường. Ở nước ta, Hiến pháp năm 1946 cũng dành quyền miễn trừ này cho các dân biểu.

Có thể nói rằng, các đặc quyền này xuất phát từ cương vị là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân, và khi các Đại biểu thực hiện các chức phận vì lợi ích của cử tri, của dân tộc, mà không phải là các hành động vì mục đích tư lợi.

Đặc quyền được hưởng thì đương nhiên trách nhiệm phải tương xứng. Cùng một tội, nếu xử thường dân một thì phải xử quan hai mới hợp lý, bởi vì đối với những người có chức tước, việc phát hiện, xử lý sẽ khó hơn và thông thường họ có hiểu biết và cách thức để “lách” luật hơn. Hơn nữa, trong quá trình điều tra, cần phải xem xét việc phạm tội có liên quan gì đến cương vị đang đảm trách hay không. Nếu có liên quan, thì đương nhiên sẽ nhận lấy một hình phạt nặng hơn và có thể truy tố vì tội tham nhũng bởi tham nhũng được hiểu là nếu không trên cương vị đó thì người ấy không nhận được lợi ích (vật chất, tinh thần) hay niềm tin để giao cho họ tiền, tài sản…

Ở New Zealand, pháp luật và thực tiễn xét xử thường đưa ra ba khung khác nhau dành cho ba đối tượng, đó là khung hình phạt thấp nhất dành cho thường dân; tiếp theo là các Nghị sỹ, Bộ trưởng, một số nhân viên cấp cao của chính phủ; và khung cao nhất dành cho những người làm trong các cơ quan tư pháp (thẩm phán, công tố viên, thư ký tòa…).

Lần đầu tiên, Quốc hội nước ta có số lượng khá đông đại biểu là doanh nhân (khoảng 40 người), nhân tố quan trọng hứa hẹn đem lại một bầu không khí mới, đưa ra các kế sách góp phần cho cơ quan quyền lực nhất thiết kế lại thể chế kinh tế nước nhà. Mặc dù cơ chế hiện tại còn khá bất cập, nước ta vẫn chưa thấy các doanh nhân trở thành các chính khách như thủ tướng, bộ trưởng, nhưng dành số lượng đáng kể các doanh nhân trong diễn đàn Quốc hội cũng là một bước đi đáng ghi nhận.

Do vậy, các doanh nhân được bầu làm Đại biểu Quốc hội, thay vì đi tìm vị thế để dễ dàng kiếm những cơ hội làm ăn, cần nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề mà người dân tin tưởng, hy vọng. Họ là những người bấm nút để quyết định các vấn đề quan trọng nhất của quốc gia nên sự công tâm, tận tụy với chức phận dân biểu là đặc biệt quan trọng, có khi quyết định của họ ảnh hưởng tới bữa cơm của từng con người trong quốc gia hay sự phồn vinh của đất nước.

Tối 7/1 mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Châu Thị Thu Nga – một doanh nhân, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, để làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Như báo chí đưa tin, bà Nga đã cùng đối tác huy động nhiều trăm tỷ đồng của hàng trăm tổ chức cá nhân để triển khai dự án xây dựng khu nhà ở thương mại nhưng dự án này nay đã mất khả năng thanh toán. Nhiều nạn nhân do bà Nga lừa đảo là những người rất nghèo, tích góp gần cả đời người, được bao nhiêu thì giao cho bà Nga cả. Họ đã nộp thuế trả lương cho Đại biểu, rồi nay, Đại biểu lại lấy luôn “cơm áo gạo tiền” của họ. Như vậy, bà Nga không những không hoàn thành trách nhiệm của một dân biểu, mà còn vi phạm nghĩa vụ của một công dân, đó là chấp hành pháp luật của chính nơi bà Nga làm đại biểu ban hành ra. Do vậy, đối với bà Nga, hình phạt áp dụng phải là cao nhất trong khung hình phạt. Có vậy, pháp luật mới thượng tôn và bản án mới có tính giáo dục, răn đe đối với toàn xã hội nói chung.

*Th.S luật học

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)