Đại biểu dân cử cần có nhóm cử tri riêng
Cử tri, dù ở trong thể chế nào, đều có những lo toan, trăn trở, bức xúc gắn với cuộc sống, công việc đời thường của mình: người nông dân mong muốn giá cả nông phẩm ổn định ở mức cao, còn giá vật tư, nguyên liệu, thuốc trừ sâu, cũng như các loại thuế ổn định ở mức thấp; doanh nhân chờ đợi sự cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh và sự bảo đảm đối với quyền sở hữu; người dân vùng quy hoạch trông đợi chính sách đền bù và tái định cư hợp lý; người nhập cư hy vọng có được một quy chế hành chính khả quan... Trong khi đó thì hầu hết đại biểu dân cử lại không biết đa số những người bỏ phiếu cho mình mang thân phận xã hội nào, đang theo đuổi lợi ích cơ bản nào trong cuộc sống dân sự.
Thực ra, ứng viên có thể khai thác nhiều mối quan hệ có tác dụng tạo nguồn thu gom phiếu của cử tri: quan hệ nghề nghiệp, bè bạn, tình cảm, trang lứa… Nhưng cam kết bảo vệ lợi ích thiết thân của người bỏ phiếu nhất định là biện pháp hữu hiệu nhất để tranh thủ sự tín nhiệm của cử tri phổ thông không quen biết.
Quan hệ giữa ứng viên và người bỏ phiếu tín nhiệm (do tin tưởng vào lời cam kết của ứng viên) mang đầy đủ tính chất của quan hệ uỷ quyền: bằng lá phiếu, cử tri xác nhận việc giao cho ứng viên quyền đại diện cho mình để bảo vệ các lợi ích của mình tại thiết chế quyền lực. Cử tri theo dõi, giám sát, đánh giá hành vi, thái độ của người được mình bầu ra; rồi, tuỳ theo kết quả thực thi cam kết của người đại biểu, cử tri quyết định liệu có tiếp tục dành cho người này sự tin cậy trong các nhiệm kỳ sau.
Chính vì phải chịu sức ép thường xuyên của nguy cơ đánh mất sự tín nhiệm của nhóm cử tri có lợi ích được đại diện, mà người đại biểu phải tỏ ra tích cực trong việc bảo vệ lợi ích đó, nhất là trong quá trình tham gia hoạch định chính sách hoặc xây dựng pháp luật. Sự mẫn cán, tận tuỵ của đại biểu được tưởng thưởng bằng sự trung thành của cử tri. Giống như khách hàng trung thành của thương nhân tạo nên giá trị của thương hiệu trong thế giới kinh doanh, cử tri trung thành của đại biểu dân cử tạo ra tên tuổi, uy tín, niềm tự hào và thế lực của người đại biểu trong đời sống chính trị.
Ở Việt Nam, người ta dần dần đã quen với việc coi bầu cử không chỉ như là cách hợp thức hóa lộ trình đi vào cơ quan quyền lực nhà nước của những người được lựa chọn trước. Đặc biệt, những ứng viên được các thiết chế công chính thức đề cử, nghĩa là được giao sứ mạng, mang tính công vụ, giành lấy vị trí người đại biểu qua cuộc sàng lọc của nhân dân, đã nhận biết được sự cần thiết của việc tự mình chủ động tìm kiếm sự tín nhiệm của cử tri; ít nhất, bản thân ứng viên phải có những nỗ lực nhằm hạn chế các rủi ro bị loại bởi những lá phiếu ngoài tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, cho đến nay, người đại biểu Quốc hội, đại biểu dân cử nói chung, không xây dựng đội ngũ cử tri trung thành của mình, đúng hơn là không biết và không bận tâm đến việc đó. Đứng trước người bỏ phiếu tiềm năng, ứng viên thường chỉ tìm cách cho thấy tâm huyết của mình đối với việc bảo vệ một lẽ phải, lẽ công bằng chung chung. Ứng viên xuất xứ từ một khu vực nghề nghiệp nào đó xây dựng chương trình hành động cho phép phát huy năng lực nghề nghiệp của mình. Chẳng hạn kiểm sát viên cam kết đấu tranh cho việc bảo đảm tuân thủ pháp luật; lãnh đạo ngành công nghiệp cam kết thúc đẩy phát triển công nghiệp; nhà giáo có kế hoạch cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục; lãnh đạo hội phụ nữ dự kiến đẩy mạnh phong trào bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự tiến bộ của phụ nữ. Ứng viên đang giữ vị trí then chốt trong bộ máy nhà nước được trông đợi sẽ dùng ảnh hưởng của mình, quyền hạn trong tay mình để can thiệp nhằm thúc đẩy việc thông qua các chính sách, quy định có lợi cho địa phương nơi ứng cử.
Trong điều kiện người ứng cử không đề ra mục tiêu nào cụ thể, gắn cuộc sống, công việc đời thường của cử tri, cho nhiệm vụ đại biểu của mình, người bỏ phiếu tất nhiên không thể nhắm đến mục tiêu cụ thể nào khi quyết định đặt sự tín nhiệm của mình vào người được bỏ phiếu. Trong trường hợp điển hình, cử tri của đại biểu là toàn thể nhân dân địa phương, tức là một cộng đồng người gắn với một phần lãnh thổ. Nhiều đại biểu không biết đa số những người bỏ phiếu cho mình mang thân phận xã hội nào, đang theo đuổi lợi ích cơ bản nào trong cuộc sống dân sự.
Với hệ thống đang vận hành, cơ quan đại diện dân cử vẫn phản ánh được cánh cấu trúc thành phần xã hội, nhưng không phản ánh được cấu trúc lợi ích xã hội. Người đại biểu, mỗi khi lên tiếng tại diễn đàn của các thiết chế công, không đại diện cho một nhóm cử tri nào có chung các đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội, thậm chí không đại diện cho thành phần xuất thân, nghề nghiệp của mình. Đại biểu chỉ đại diện cho tỉnh, thành nơi mình ứng cử và, nói chung, cho lợi ích của dân tộc, của quốc gia.
Tất cả những điều đó dẫn đến một hệ quả logic: cho đến bây giờ, người đại biểu dân cử ở Việt Nam thực hiện chức năng đại diện, phần lớn trường hợp, theo cung cách một công chức, chứ không phải một nhà chính trị; cơ quan đại diện dân cử, về phần mình, cũng được hành chính hóa thành thiết chế quản lý quyền lực nhà nước. Có thể hiểu tại sao cơ quan lập pháp cứ miệt mài “sáng tác” ra luật để đưa vào cuộc sống; trong khi chức năng đích thực của cơ quan lập pháp là, trên cơ sở cân phân các lợi ích khác biệt được các đại biểu khác nhau bảo vệ, chuẩn hóa các lề thói, xu thế ứng xử tích cực trong cuộc sống, thành luật.
Mặt khác, trong điều kiện cơ quan hành pháp chịu trách nhiệm chuẩn bị các dự án luật, việc người đại biểu dân cử không bảo vệ một lợi ích nào đặc thù cho phép cơ quan hành pháp thông qua cơ quan lập pháp để luật hóa việc ưu tiên bảo vệ các lợi ích được cơ quan hành pháp (có lẽ đúng hơn, các cá nhân nắm quyền trong cơ quan hành pháp) theo đuổi.
Thế còn việc cơ quan hành pháp, trong quá trình xây dựng pháp luật, lựa chọn lợi ích được bảo vệ như thế nào giữa các lợi ích không giống nhau, tất nhiên, nằm ngoài tầm hiểu biết, kiểm soát của người dân.
ẢNH:Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp xúc cử tri Hà Nội