Đại diện cho lợi ích Quốc gia

Quốc hội không phải là tỉnh hội. Vì vậy, Quốc hội phải đại diện cho lợi ích của quốc gia hơn là lợi ích của các tỉnh. Lý là vậy, nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy.

Các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII tham dự kỳ họp thứ nhất tại Hà Nội hẳn cũng sẽ cảm nhận được thực tế này ngay từ những ngày hoạt động đầu tiên. Cụ thể, trong việc sắp xếp chỗ ngồi, việc bảo đảm quyền phát biểu, việc thành lập các Ủy ban của QH v.v. và v.v. sức ép phải cân đối lợi ích giữa các tỉnh sẽ luôn luôn hiện hữu.

Sức ép phải cân nhắc và đại diện cho lợi ích của địa phương trước hết do nền tảng bầu cử tạo ra. Phần lớn các vị đại biểu QH của chúng ta đều do các tỉnh giới thiệu (333/500). Số 167 đại biểu do Trung ương giới thiệu thì đều phải về ứng cử tại các tỉnh. Khi trúng cử, họ đều đương nhiên trở thành đại biểu của các tỉnh tương ứng. Hệ thống bầu cử được thiết kế trùng khớp với hệ thống hành chính là nguyên nhân cơ bản gây ra hiện tượng này.

Việc tăng cường tính chất đại diện cho địa phương của Quốc hội còn được củng cố bởi việc các địa phương đều có đại biểu chuyên trách của mình, và việc văn phòng của các Đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng Hội đồng nhân dân của các tỉnh được nhập với nhau làm một. Từ một thiết chế tương đối lỏng lẻo, các đoàn đại biểu Quốc hội đã càng ngày càng xác lập được vị thế của mình, và càng ngày càng được cử tri địa phương nhìn nhận như một tổ chức có thể đại diện được cho quyền lợi của họ. Hệ quả là tâm lý lựa chọn “người nhà” để đại diện cho tỉnh nhà cũng được tăng cường. Trong những nghiên cứu gần đây, tỷ lệ cử tri dành sự lựa chọn cho các ứng cử viên địa phương luôn chiếm tỷ lệ lên đến trên 76%. Với tâm lý này, rủi ro thất cử của các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về ứng cử tại các tỉnh là có thật và sẽ ngày càng tăng cao.

Đại diện cho các địa phương ở cấp Trung ương là điều cần thiết. Trong các nền quản trị quốc gia điều này đều được tính đến ở những mức độ khác nhau. Một số nước, ví dụ như Đức, còn thành lập cả Thượng viện để đại diện cho các tỉnh. Tuy nhiên,  ở cấp Trung ương thì việc xây dựng cơ chế đại diện cho lợi ích của quốc gia (nghĩa là lợi ích của toàn dân) quan trọng hơn nhiều. Nếu chúng ta không làm được điều này, thì việc nhiều ứng cử viên của Trung ương thất cử chỉ là một hệ lụy rất nhỏ của xu hướng đại diện cho địa phương. Các hệ lụy to lớn hơn là các ưu tiên của quốc gia dễ bị các ưu tiên của tỉnh thành chi phối; là nguồn lực quốc gia bị phân bổ phân tán; là xung đột lợi ích giữa việc giám sát các Bộ trưởng và việc tránh đụng chạm để lợi ích của địa phương không bị ảnh hưởng… 

Có lẽ, đã đến lúc cần nghiên cứu để xây dựng một nền tảng bầu cử của quốc gia (của Trung ương) để thay thế cho nền tảng bầu cử của địa phương đang vận hành hiện nay. Trong lúc chưa làm được điều này, các vị đại biểu Quốc hội cần tuân thủ yêu cầu của Hiến pháp là: “không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị đã bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước” (Hiến pháp 1992, Điều 97).

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)