Đại Hiến chương Magna Carta: Một món quà của nước Anh dành cho nhân loại

Đại Hiến chương Magna Carta là văn bản đầu tiên ghi rõ giới hạn quyền lực của giới cầm quyền, và được đánh giá là điểm mốc cực kỳ quan trọng không chỉ với lịch sử nước Anh hay châu Âu mà trên toàn cầu. Những nguyên tắc về pháp quyền được xác lập trong Magna Carta đã được kế thừa và phát triển trong hiến pháp của hầu hết quốc gia.


Bức tranh vua John ký Magna Carta.

Vào ngày 15 tháng 6 năm 1215, tại Runnymede, sau một thời gian xung đột gay gắt, vua John của nước Anh đã rơi vào thế yếu và phải chấp nhận ký kết một văn bản thoả hiệp với các lãnh chúa nước này, mà sau đó được gọi là Magna Carta, hay “Đại Hiến chương”.  

Magna Carta đầu tiên bao gồm lời mở đầu và 63 điều khoản. Với tính chất là một hiệp ước hoà bình, mục đích khởi nguyên của Magna Carta là thể hiện sự cam kết của vua Anh tôn trọng quyền lợi của giáo hội và của giới quý tộc phong kiến nước này thời kỳ ấy. Tuy nhiên, ý nghĩa của văn kiện nổi tiếng này đã vượt xa mục tiêu hạn hẹp đó, chủ yếu qua các nội dung chính đó là:

Mọi người trong xã hội, kể cả nhà Vua, đều phải tuân thủ pháp luật. Vua cũng không được đứng trên pháp luật, cụ thể là không được tùy tiện tăng thuế, bắt giữ người.

Không một công dân tự do nào bị bắt, giam giữ, trừ khi việc đó là do việc xét xử và kết tội của một tòa án được lập ra bởi các công dân khác.

Một người bị bắt giữ cần phải được nhanh chóng đưa ra toà án để xét xử và phán quyết. Không ai bị từ chối quyền và công lý bởi toà án.

Giáo hội Anh được tự do, không chịu sự kiểm soát bởi bất kỳ thế lực nào, kể cả nhà vua và Tòa Thánh Vatican.

Cả bốn nội dung nêu trên đều có ý nghĩa là nền tảng cho sự phát triển của chế độ dân chủ ở nước Anh về sau, tuy nhiên ba nội dung đầu tiên có giá trị nổi bật hơn cả.

Nội dung thứ nhất phản ánh tinh thần thượng tôn pháp luật, theo đó pháp luật là thiêng liêng và tối thượng, là cơ sở xác lập và bảo hộ cho mối quan hệ hài hoà giữa người với người trong xã hội. Thượng tôn pháp luật chính là khởi nguồn và nền tảng của tư tưởng pháp quyền  (rule of law), – một tư tưởng cột trụ của các nền dân chủ. Trong Magna Carta, luật pháp là quy tắc cư xử chung mà chính nhà vua cũng bị ràng buộc và phải tôn trọng. Điều này trên thực tế đã xoá bỏ nhận thức về vị trí và quyền lực tuyệt đối, đứng trên pháp luật của vua chúa phong kiến.

Theo nhận định của một tác giả: “Không có điều gì trong Đại Hiến chương Magna Carta ngăn cản việc ban hành và thực thi các điều luật không công bằng, nhưng nó đưa luật pháp lên một tầng cao mới, vượt qua giới hạn ý chí của những người cai trị”.1

Không chỉ vậy, nội dung đầu tiên của Magna Carta còn bao hàm ý nghĩa kiểm soát quyền lực. Đây là “văn bản đầu tiên” ghi rõ bằng giấy trắng mực đen về giới hạn quyền lực của “giới cầm quyền”, và điều này được đánh giá là “..điểm mốc cực kỳ quan trọng không chỉ với lịch sử nước Anh hay châu Âu mà trên toàn cầu” .2

Lần đầu tiên trong chế độ phong kiến của nước Anh (và có lẽ là trên toàn thế giới), quyền lực chuyên chế của nhà vua bị giới hạn và bị kiểm soát một cách công khai. Cụ thể, trong Magna Carta có một quy định rằng nhà vua không được tùy tiện tăng thuế, và các đạo luật về thuế mà nhà vua dự định ban hành phải có sự nhất trí của một Hội đồng quý tộc (sau này mở rộng thành cơ quan đại diện gồm không chỉ lãnh chúa, quý tộc mà cả thị dân). Bên cạnh đó, Magna Carta cũng thiết lập cơ chế để bảo đảm văn kiện này được thực thi, theo đó trong trường hợp nhà vua không tự nguyện tuân thủ, Hội đồng quý tộc có quyền ra lệnh chiếm giữ đất đai và các lâu đài của nhà vua cho tới khi nhà vua phải chấp nhận và khắc phục.

Nội dung thứ hai phản ánh tinh thần bảo vệ quyền con người khỏi những hành xử tuỳ tiện của vua chúa phong kiến. Trong thời kỳ phong kiến, việc thách thức quyền năng tuyệt đối của vua chúa với thần dân là rất khó khăn, vì vậy, việc bắt buộc vua chúa phải tôn trọng các quyền của người dân thật sự là một bước tiến nhảy vọt.  

Điều 39 Magna Carta qui định: “Không có bất cứ một người tự do nào có thể bị giam cầm hay bỏ tù, bị tước quyền hoặc tịch thu tài sản, bị đặt ngoài vòng pháp luật hoặc bị tước địa vị dưới bất kỳ hình thức nào, chúng ta cũng không thể dùng vũ lực để ép buộc người đó hoặc khiến người khác làm như vậy, trừ khi có phán quyết hợp pháp của những người ngang hàng với người đó hoặc bởi pháp luật nơi người đó cư ngụ qui định như vậy”.

Mặc dù ở thời kỳ đầu, quy định trên chỉ áp dụng với tầng lớp lãnh chúa, quý tộc, song đây chính là tiền đề để sau này Nghị viện Anh đã ban hành các đạo luật bảo vệ các quyền và tự do của tất cả mọi người, trong đó bao gồm Luật cấm bắt giam người trái pháp luật (Habeas Corpus, hay còn gọi là Luật bảo thân), năm 1679 – quy định một người bị bắt có quyền được nhanh chóng đưa ra một toà án để xác định tính chất hợp pháp của việc bắt giữ họ;  Luật khiếu nại về quyền (Petition of Right), năm 1628 – quy định một người chỉ có thể bị tống giam khi có phán quyết của Tòa án hoặc lệnh bắt giữ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Bộ luật về quyền của nước Anh (English Bill of Rights) năm 1689 – quy định về quyền bầu cử, quyền tự do ngôn luận và một số quyền con người khác…

Nội dung thứ ba đề cao công lý và vai trò của toà án trong việc bảo vệ công lý. Thực chất nội dung này đã tước bỏ quyền xét xử của nhà vua và trao cho một thiết chế chuyên môn độc lập là toà án. Lịch sử hiện đại của nhân loại đã chứng minh rằng hướng tiếp cận này là hoàn toàn hợp lý và có ý nghĩa đặc biệt to lớn trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ nhân quyền.

Không chỉ vậy, nội dung thứ ba còn hàm ý thúc đẩy cơ chế xét xử công bằng trong hoạt động tư pháp. Cụ thể, cụm từ “[…] trừ khi có phán quyết hợp pháp của những người ngang hàng với người đó” ở Điều 39 của Magna Carta phản ánh triết lý xét xử phải dựa trên nền tảng công lý (question of justice), chứ không chỉ bám vào luật (question of law)3. Quy định này cũng được xem là nền tảng cho chế độ bồi thẩm đoàn (trial by jury) ở nước Anh và các nước khác theo hệ thống thông luật (common law) về sau.

Tư tưởng về công lý ở Điều 39 còn được củng cố bằng quy định ở Điều 40 của Magna Carta, trong đó nêu rõ rằng:  “Sẽ không ai bị bán cho người khác; quyền hay công lý của bất kỳ ai cũng đều không bị từ chối.” Đoạn thứ hai của quy định này đã đặt ra một nguyên tắc rất quan trọng trong tố tụng, đó là ngay cả khi vụ việc chưa  có luật quy định, thẩm phán cũng vẫn phải thụ lý và xét xử, bởi “công lý bị trì hoãn cũng có nghĩa là công lý bị từ chối” (Justice delayed is justice denied).

Với những ý nghĩa tích cực nêu trên, Magna Carta không chỉ có ảnh hưởng đến sự phát triển của nền dân chủ ở nước Anh, mà còn ở rất nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là những nước theo hệ thống thông luật. Những nguyên tắc về pháp quyền được xác lập trong Magna Carta đã được kế thừa và phát triển trong hiến pháp của hầu hết quốc gia. Mười tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ thực tế là sự kế thừa các qui định của Magna Carta, đặc biệt là nguyên tắc qui trình tố tụng chuẩn tắc (due process of law) và nguyên tắc mọi người được bảo vệ một cách bình đẳng về luật pháp (equal protection of the law).4 Trong khi đó, những nguyên tắc về nhân quyền trong Đại Hiến chương đã khơi gợi cảm hứng và được sử dụng như là nền tảng trong tất cả những văn kiện nhân quyền nổi tiếng về sau của thế giới, trong đó có Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948. Không chỉ vậy, Magna Carta còn được sử dụng như là một vũ khí hiệu quả để chống lại sự lạm dụng và vi phạm nhân quyền trong thực tế. Lịch sử đã ghi nhận ở nước Anh, ngay từ thế kỷ 16, những người nông dân đã biết trích dẫn Đại Hiến chương trong các cuộc đấu tranh chống lại sự bất công5. Còn trong những năm 1640, các nghị sĩ Anh đã coi Magna Carta là một cơ sở pháp lý để lật đổ vua Charles I6. Nhiều nhà cách mạng lớn của thế giới sau này, bao gồm Nelson Mandela, đã biện minh cho những hành động của mình bằng việc dựa vào Đại Hiến chương Magna Carta7.

Tóm lại, có tính chất ban đầu là một hiệp định hoà bình thể hiện mối quan hệ giữa một vị quân chủ và các nhà quý tộc nước Anh từ hơn 800 năm trước đây, song với nội dung hàm chứa những tư tưởng tiến bộ và khai phóng vượt qua tầm thời đại (trung cổ), Magna Carta đã trở thành một biểu tượng đầy sức mạnh trong  tiến trình xây dựng dân chủ và nhân quyền ở nước Anh, châu Âu, châu Mỹ trước đây và trên toàn thế giới hiện nay. Văn kiện này đã và sẽ còn được nhắc đến như một tài liệu có tầm ảnh hưởng rộng rãi nhất về tư tưởng trong lịch sử nhân loại. Chính vì vậy, có thể xem Magna Carta là một trong những báu vật góp phần tạo lên “quyền lực mềm” của nước Anh, là một “món quà của nước Anh dành cho nhân loại”.8
—-
*PGS.TS, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội
Peter Singer, “Magna Carta at 800”, Project Syndicate, 04/6/2015, bản dịch của Nghiên cứu quốc tế, tại http://nghiencuuquocte.org/2015/06/26/nguon-goc-va-y-nghia-cua-dai-hien-chuong-magna-carta/
2 BBC Vietnamese, Anh kỷ niệm 800 năm quyền tự do, 31 tháng 12 năm 2014
3 Nguyễn Minh Tuấn, Nguồn cổ vũ đấu tranh chống độc tài chuyên chế, Tuanvietnam.net, 30/5/2015
4 Nguyễn Minh Tuấn, Nguồn cổ vũ đấu tranh chống độc tài chuyên chế, Tuanvietnam.net, 30/5/2015    
5 “What is the Magna Carta?”, History.com. Bản dịch của Nghiên cứu quốc tế, tại http://nghiencuuquocte.org/2015/11/04/dai-hien-chuong-magna-carta-la-gi/
6 “What is the Magna Carta?”, History.com. Bản dịch của Lê Hoàng Giang, tại http://nghiencuuquocte.org/2015/11/04/dai-hien-chuong-magna-carta-la-gi/
7 “What is the Magna Carta?”, History.com. Bản dịch của Lê Hoàng Giang, tại http://nghiencuuquocte.org/2015/11/04/dai-hien-chuong-magna-carta-la-gi/
8 BBC Vietnamese, Anh kỷ niệm 800 năm quyền tự do, 31 tháng 12 năm 2014.

Tác giả

(Visited 188 times, 1 visits today)