Dân chủ trực tiếp với Dự luật Trưng cầu dân ý

Dự luật Trưng cầu dân ý vừa qua đã được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề cập nhiều vấn đề về phạm vi, nội dung, điều kiện, tiêu chí, quy mô, quy trình trưng cầu ý dân và được đưa vào chương trình Quốc hội họp kỳ này. Tinh thần Dự luật đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định dứt khoát: “Sau khi trưng cầu, ý dân phải là quyết định cuối cùng” vốn thuộc nội hàm khái niệm (DCTT) và Dân chủ gián tiếp (DCGT).

DCTT và DCGT là hai thành tố cấu thành khái niệm “Dân chủ” mà bất kỳ nhà nước nào trong thời đại này đều phải giải quyết, để thể hiện được nhà nước đó do dân làm chủ, tức “của dân do dân vì dân”.

Khái niệm DCTT dùng để chỉ: 1- Phương sách “trưng cầu dân ý”, 2- Được thực hiện trong một hệ thống chính trị, qua đó những người có quyền bầu cử được tự do bỏ phiếu đối với những quyết định chính sách: – cần đến họ, hoặc: – họ cần. Với nội hàm trên, có thể coi trưng cầu dân ý như bầu cử tự do. Chỉ khác nhau ở chỗ: Bầu cử tự do nhằm chọn người thay mặt mình quyết định chính sách nhà nước, nên được gọi là DCGT (hiểu theo nghĩa qua người thay mặt); còn với trưng cầu dân ý, tự người dân quyết định chính sách đó, vì vậy mới có tên gọi DCTT.

Theo nội hàm trên, cả trưng cầu dân ý trong DCTT lẫn bầu cử trong DCGT chỉ mới là điều kiện “cần có” của một nhà nước dân chủ, điều kiện “đủ” là hệ thống chính trị phải bảo đảm được hai quyền đó được thực hiện tự do. Nói cách khác, không phải cứ áp dụng bầu cử và trưng cầu dân ý là lập tức nhà nước trở thành dân chủ, mà chỉ khi bảo đảm được cho dân chúng tự do thực hiện quyền đó. Có thể viện dẫn lịch sử Đức để chứng minh. Luật Trưng cầu Dân ý Đức được ban hành lần đầu tiên vào năm 1933, do Hitler ký, chỉ vỏn vẹn bốn điều, toàn văn chưa được một nửa trang giấy A4 (giản lược): “Chính phủ có quyền trưng cầu dân ý dự luật, kể cả thay đổi Hiến pháp chỉ cần quá bán; giao Bộ Nội vụ ra nghị định triển khai thực hiện”. Nhưng kết cục luật này lại phá bỏ dân chủ; ngày 24/3.1933, Hitler bất chấp Hiến pháp, áp dụng Luật trưng cầu dân ý, thông qua “Luật áp dụng tình huống khẩn cấp bảo vệ nhân dân và nhà nước”, biến Đức thành thể chế độc tài, tiêu diệt Đảng Cộng sản, loại bỏ mọi đảng khác ra khỏi Quốc hội, chỉ còn Đảng Quốc xã cầm quyền.

Khi nào áp dụng DCTT, DCGT?

Dân chủ là một khái niệm vô cùng, không phải một đại lượng đo bằng con số, giải thích tại sao thế giới chỉ có thể xếp hạng thứ bậc dân chủ từ cao xuống thấp, chứ không thể định lượng. Thành tố của nó, DCTT và DCGT cũng vậy.

Vậy ở các nước dân chủ (hiểu theo nghĩa nằm ở thứ bậc dân chủ hàng đầu theo bảng phân loại trên thế giới), khi nào thì họ phải trưng cầu dân ý? Câu trả lời xuất phát từ khái niệm Dân chủ dựa trên định đề: Nhân dân là chủ nhân nhà nước. Họ có quyền quyết định toàn bộ công việc nhà nước, tức đồng nhất Dân chủ với DCTT. Nhưng điều đó là không tưởng, nên buộc phải bầu người đại diện quyết định thay, đồng nghĩa với DCTT khi đó được thay thế bằng DCGT. Nói cách khác DCGT là hệ quả, khi DCTT không thể thực hiện (chứ không phải bị cấm).

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò dư luận mới đây ở Đức vốn thuộc quốc gia có thứ bậc dân chủ hàng đầu thế giới, cho thấy thực tế 34% người dân được hỏi nói rằng, thông qua bầu cử (DCGT), họ không tác động được gì nhiều tới chính sách, tức mặc nhiên đồng nhất DCGT với ít dân chủ. 72% ủng hộ trưng cầu dân ý, nghĩa là đồng nhất Dân chủ với DCTT.

Từ định đề đã trình bày và thực tế diễn ra như kết quả điều tra dư luận trên, ở các thể chế dân chủ, hiến pháp và luật của họ quy định: DCTT được ưu tiên áp dụng một khi hoặc: – người dân, hoặc: – nhà nước cần. Nói cách khác, một khi người dân đòi hỏi, hoặc nhà nước thấy cần (một trong hai), đều buộc phải áp dụng phương sách trưng cầu dân ý! (khái niệm nhà nước ở họ được hiểu theo nghĩa các cấp chính quyền).

DCTT được áp dụng trong một quốc gia dân chủ như thế nào?

Theo hai cách: 1- Nhà nước đưa quyết sách của mình như luật hay văn bản dưới luật hay quyết định hành chính dự kiến, trình trưng cầu dân ý, thường xảy ra khi dự thảo có nhiều ý kiến tranh cãi nội bộ, buộc phải lấy dân làm thước đo. Một thí dụ điển gần nhất, ngày 18/9/2014, Scotland trưng cầu dân ý: đồng ý độc lập hay vẫn nằm trong Vương Quốc Anh, kết quả quá bán người dân chẳng cần độc lập. 2- Người dân hay tổ chức hội đoàn có sáng kiến (sáng kiến viên) đưa ra đề xuất chính sách gửi cho chính quyền, cơ quan dân cử hoặc cơ quan hành pháp, hành chính các cấp, đòi trưng cầu dân ý.

DCTT hay DCGT đều chi phối hoạt động nhà nước, nên do hiến pháp và luật điều chỉnh, như ở Đức trước hết được hiến định tại Điều 20 đoạn 2: “Mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Nó được thực hiện thông qua người dân bầu cử (DCGT), và tham gia quyết định chính sách (DCTT)”. Các chính sách dù thông qua trưng cầu dân ý hay do cơ quan dân cử, hành pháp, hành chính quyết định, đều có giá trị pháp lý ngang nhau. Trước hết cả hai không thể thay đổi những gì hiến pháp không cho phép, nếu trước đó không được quốc hội lập hiến thông qua sửa đổi điều khoản hiến pháp liên quan. Cả hai đều mang tính chế tài, quy định thời điểm hiệu lực, và đều phải thông qua cơ quan thẩm quyền ban hành theo trình tự pháp lý; chỉ khác nhau: nếu nội dung trưng cầu dân ý do sáng kiến của người dân, thì chính quyền cũng có quyền đưa dự thảo khác của mình, để người dân so sánh lựa chọn. Người bỏ phiếu chỉ có thể đồng ý một trong hai hoặc phủ định cả hai. Quy trình tiến hành trưng cầu dân ý tương tự như bầu cử.

Thời điểm cho Luật Trưng cầu dân ý ở Việt Nam?

Về nguyên lý, trưng cầu dân ý xuất phát từ ý thức, quyền, trách nhiệm người dân tham gia xây dựng đất nước, và do Hiến pháp điều chỉnh. Về thực tế, nước ta xưa nay chưa xảy ra sự kiện gì bức bách sống còn tới mức buộc nhà nước phải đặt ra và giải quyết vấn đề trưng cầu dân ý. Nhưng hiện tại nền tảng pháp lý nước ta đã thay đổi, khi Điều 70, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn: “15- Quyết định trưng cầu ý dân”; Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Tình hình thực tế cũng đã thay đổi, khi sự kiện chặt thay thế 6.700 cây xanh Hà Nội sôi động cả nước, được đông đảo dân chúng tham gia lên tiếng, thể hiện ý thức, quyền, trách nhiệm chủ nhân đất nước của họ; được toàn bộ hệ thống chính trị quan tâm từ Đảng tới chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, từ cấp thành phố tới cấp trung ương chính phủ; lần đầu tiên truyền thông báo chí đã đặt ra câu hỏi chính thức: Có cần hỏi ý kiến dân hay không? Câu trả lời của Bí thư Phạm Quang Nghị, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội, nơi xảy ra sự kiện, đã trực tiếp đề cập tới nội hàm trưng cầu dân ý, coi đó là cốt lõi giải quyết vấn đề: “Giá như vừa rồi chúng ta cứ đưa ra thảo luận, trao đổi với nhân dân, khu phố, quận phường, thêm các nhà khoa học nữa, nếu đồng thuận thì chúng ta làm ngay, chưa đồng thuận thì giải thích, giải thích xong thông thì làm, giải thích nữa cũng chưa thông thì chưa làm” thì “chắc sự việc không như vừa rồi”.
Thế giới có tới 167 quốc gia vùng lãnh thổ có Luật Trưng cầu dân ý. Cả nguyên lý và thực tế ở trong lẫn ngoài nước hiện đã đáp ứng đầy đủ cả hai điều kiện “cần” và “đủ” cho nó ra đời, Hy vọng Luật Trưng cầu dân ý sẽ được Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí toàn dân, thông qua!

Tham khảo thực tế Đức

Đầu năm 2015, báo cáo trưng cầu dân ý Đức cho biết: Năm 2014, nước họ có 300 lần đề xuất sáng kiến đưa ra trưng cầu dân ý, bình quân mỗi ngày làm việc nước Đức có một sáng kiến – thể hiện người dân rất có ý thức trách nhiệm thường nhật tham gia vào công việc nhà nước. Kết quả có 85 lần thỉnh nguyện thư được pháp luật thừa nhận (gần 1/3), trong đó có 22 lần được đưa trưng cầu dân ý (bình quân một tháng gần hai lần). Có những sáng kiến như ở tiểu bang Bayern đòi hợp pháp hóa cần sa, coi nó như một dược liệu, cần tới 25.000 chữ ký. Ở tiểu bang Brandenburg, để chống lại xây dựng đường bay thứ ba ở sân bay Berlin-Schönefeld, từ 8/5/2014 đến 14/1.2015, nhóm sáng kiến thu thập được 29.000 chữ ký, vượt quá ngưỡng 20.000 luật định, bởi vậy Quốc hội hoặc sẽ phải chấp nhận hoặc phải trưng cầu dân ý.

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)