Dân chủ và vốn xã hội

Nếu quan niệm vốn xã hội như tổng mạng những quan hệ phi chính phủ giữa những thành viên một cộng đồng trong một thể chế nhất định để giải quyết việc chung sống thì vận hành thông suốt của nó là điều quan trọng nhất.

Nếu quan niệm vốn xã hội như tổng mạng những quan hệ phi chính phủ giữa những thành viên một cộng đồng trong một thể chế nhất định để giải quyết việc chung sống thì vận hành thông suốt của nó là điều quan trọng nhất.
Một ách tắc nhỏ không chỉ ảnh hưởng đến cục bộ mà có khả năng gây ảnh hưởng khó lường đến toàn bộ. Vì những mối liên hệ này không vận hành theo hệ tuyến tính đơn giản mà là hệ phức hợp của mạng.
Trong số những định nghĩa nổi tiếng của Bourdieu, Coleman, de Soto,… tôi có thiện cảm hơn cả đối với định nghĩa của Fukuyama vì nó nhấn mạnh đến yếu tố tin cậy.
Độ tin cậy chính là cơ sở, đồng thời là động lực bảo đảm sự phát triển bền vững của vốn xã hội.
Độ tin cậy ấy chỉ có thể được xây dựng trên cơ cấu những liên hệ minh bạch cố gắng thỏa mãn những quyền lợi khả thể của mọi thành phần trong cộng đồng trên cơ sở thương lượng, đối thoại.
Vì cộng đồng xã hội là một cộng đồng sống nên không thể có những giải pháp cố định, hoàn chỉnh “một lần cho tất cả”, mọi giải pháp đều chỉ có tính chất tối ưu nhất thời ngắn hoặc dài hạn.
Trong các mối quan hệ rằng rịt này, quan trọng nhất là quan hệ giữa vốn xã hội và công quyền, hay nói một cách dễ hiểu hơn: giữa xã hội dân sự và Nhà nước.
Thời kỳ cách mạng “chia nhau dằng dặc tù đày”, mối quan hệ đó tương đối đơn giản. Quyền lợi của Đảng cách mạng với nhân dân nô lệ cơ bản là một, cùng chung một khát vọng “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Trong số những định nghĩa nổi tiếng của Bourdieu, Coleman, de Soto,… tôi có thiện cảm hơn cả đối với định nghĩa của Fukuyama vì nó nhấn mạnh đến yếu tố tin cậy.
Độ tin cậy chính là cơ sở, đồng thời là động lực bảo đảm sự phát triển bền vững của vốn xã hội.

Cách mạng thành công đã đem lại một thay đổi cực kỳ quan trọng. Người đầu tiên nêu lên sự cố này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người nhấn mạnh đến sự kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền cũng như nguy cơ những Ông quan Cách mạng.
Đáng tiếc rằng lưu ý của Chủ tịch chưa được các thế hệ sau quan tâm đúng mức. Nhiều người chưa chú ý thỏa đáng đến sự cố: đòi hỏi của Nhà nước cai trị và người dân bị cai trị không còn trùng khớp như trước mà nhiều trường hợp vênh nhau, nếu không kịp thời điều chỉnh có thể dẫn đến chỗ mâu thuẫn đối nghịch.
Tôi xin lấy một ví dụ.
Trước thời kỳ Đổi mới, chính sách lớn Hợp tác hóa nông nghiệp của Nhà nước đã không còn phù hợp với quyền lợi của đông đảo nông dân nữa, nông dân lúc đó đã phân hóa thành hai bộ phận: bộ phận của những “chủ nhiệm mua đài mua xe” và bộ phận của đông đảo nông dân lao động “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Quyền lợi của hai bộ phận trở thành đối nghịch.
Chúng ta chưa đánh giá đúng công lao của bí thư Vĩnh Phúc Kim Ngọc và chính sách khoán “chui” của ông.
Bí thư Kim Ngọc không phải là một nhà lý luận có trình độ văn hóa cao, ông chưa từng theo một trường đại học chính quy nào.
Nhưng người cố nông này, mặc dầu lúc đó đã trở thành một công chức cao cấp trong bộ máy công quyền đã không bị chiếc ghế ngồi che khuất tầm mắt cũng như những lập luận hoa mỹ “nhân danh sự trung thành với chủ nghĩa” mê hoặc, ông đã chân đất đi thẳng tới một câu hỏi hết sức cơ bản và nguy hiểm: chế độ ghi công chấm điểm hiện hành của Hợp tác xã phục vụ cho quyền lợi của ai? Của đám quan cách mạng mua đài mua xe hay của đông đảo nông dân lao động đã sinh ra ông? Và mặc dầu thái độ không hưởng ứng, thậm chí phản đối của bộ máy công quyền, ông vẫn lựa chọn con đường gian khổ của thiểu số “đúng trước giờ quy định” và đa số người dân “cực khổ bần hàn”. Những phiền hà, những hoạn nạn xảy ra đối với ông là điều tất nhiên. Đất mẹ hãy ghi công người con hiếu thảo này!
***
Chính sách Khoán 10 trong nông nghiệp có thể coi là một đột phá khẩu của đường lối đổi mới. Nó đã góp phần quan trọng giải quyết nạn tắc nghẽn động mạch, trả lại hệ tuần hoàn dân chủ thông suốt tối cần cho sức khỏe cộng đồng.
Ta có thể nói trình độ dân chủ của một quốc gia tỷ lệ thuận với ý thức giác ngộ của bộ máy Nhà nước đối với vai trò hàng đầu của vốn xã hội, nó là điều kiện sống còn bảo đảm sự phát triển bền vững của quốc gia đó.

Phát triển bền vững vốn xã hội không phải một vận hành đơn thuần kinh tế mà còn là một vận hành đạo đức.

Chúng ta hoan nghênh mọi nguồn tài trợ đến từ các nước bạn, nhưng nguồn tài trợ này chưa bao giờ là nhân tố cơ bản giúp ta xóa hết đói, giảm hết nghèo.
Nước Việt Nam từ một quốc gia nghèo và đứt bữa trở thành một quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, bắt đầu có của ăn của để chủ yếu là nhờ nguồn tài trợ hùng hậu của vốn xã hội.
Một trong những bài học đáng nhớ nhất của thời kỳ Đổi mới là mối bận tâm của Nhà nước trong việc giải phóng đến mức tối đa có thể những tiềm năng của vốn xã hội thông qua những chính sách thông thoáng tin cậy. Việc gì xã hội làm được thì nên hết lòng khuyến khích xã hội làm, kiên quyết tránh lạm nhiệm, cản trở.
Phát triển bền vững vốn xã hội không phải một vận hành đơn thuần kinh tế mà còn là một vận hành đạo đức.

***
Trong hệ tư tưởng của Mác cũng như chủ nghĩa Lênin có một luận điểm quan trọng, theo tôi, chưa được nghiên cứu một cách thỏa đáng: đó là luận điểm về quá trình tự hủy của Nhà nước (le dépérissement de l’Etat). Rất mong các nhà lý luận thâm canh luận điểm này, nhất là trong tương quan của nó với sự phát triển bền vững của vốn xã hội./.

Lê Đạt

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)