Dân tâm và dân chủ
Dân chủ với dân tâm gắn với nhau như bóng với hình. Để thu phục được dân tâm để giành dân tâm thì phải thật lòng thực thi dân chủ, thật lòng mở rộng dân chủ. Để giành dân tâm, không có gì đơn giản hơn điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho cán bộ của Đảng và Nhà nước ngay từ những ngày mới giành được chính quyền từ Cách mạng Tháng tám năm 1945: “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh
Hình như từ rất lâu rồi, người ta đã quên mất chuyện “trưng cầu ý dân” khi cần phải giải quyết một việc, một công vụ, một kế hoạch ở cộng đồng liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Người ta cũng đã quên mất công đoạn điều tra “tiện và bất tiện” khi cần triển khai một dự án, một dịch vụ, một công việc nào đấy, có khi do một cơ quan nhà nước, một công ty, hoặc có khi do một hộ gia đình có ảnh hưởng liên quan đến cộng đồng. Thế mà giải tỏa, di dân, thay đổi căn bản cả cuộc sống của cả một cộng đồng bằng mệnh lệnh, có nơi, đến 80% hộ phải di dời phải sống vật vờ vì khu tái định cư chưa xây xong! Gọi chuyện này là gì nếu không phải là “thất dân tâm”? Xảy ra những chuyện đại để như thế có khi không hẳn là do những cán bộ “thất nhân tâm” gây ra, mà còn do cơ chế, hoặc còn phải đợi “lộ trình”! Nhưng dù gì thì gì, để người dân trên danh nghĩa là chủ mà “quyền của dân”, “những quyền không ai có thể xâm phạm được”, bị xử sự như vậy thì nói chi đến quyền làm chủ!
Từ xưa tới nay, bất cứ thể chế chính trị nào cũng phải cố “thu phục nhân tâm” và cố “giành dân tâm”. Không hiểu huyền thoại về Nghiêu Thuấn có được bao lăm chất liệu hiện thực, song khát vọng về một đấng minh quân thương dân hết mực: “Một người dân đói, hãy nói rằng ta làm cho người dân ấy đói, một người dân rét hãy nói rằng ta làm cho người dân ấy rét” (nhất dân cơ, viết ngã cơ chi, nhất dân hàn viết ngã hàn chi) thì tạo ra hình tượng vua Nghiêu, người nói câu nổi tiếng ấy, là sự gửi gấm một lý tưởng, một khát vọng của đạo lý Khổng Mạnh. Chẳng thế mà, sợ rằng nếu “vua coi dân như cỏ rác” thì dân sẽ “coi vua như cừu thù” nên Mạnh Tử phải bàn đến cái lẽ “dân vi quý” (dân có vị trí cao nhất so với vua và nước), “dân vi bang bản” (dân là gốc nước), và tâu vua rằng “được lòng dân là được mệnh trời”. Chẳng những thế, vị á thánh của đạo nho còn dám lớn tiếng mắng vua: “Bếp vua có thịt béo, tàu vua có ngựa mập mà dân thì có sắc đói, đồng ruộng la liệt những người chết đói, như vậy khác nào nhà vua sai thú ăn thịt người”! Bản lĩnh ấy cần cho mọi thời đại, và xem ra nó cũng rất “hiện đại”! Nhưng “mắng” vua như vậy hoàn toàn không để nhằm thực thi “dân chủ”, không nhằm đề xướng “dân chủ”. Thực chất của việc các nhà nho muốn “được lòng dân” chính vì mục tiêu “được mệnh trời”, khi họ xác định “dân là gốc nước” cũng chính là nhằm để “giữ mệnh trời, bảo vệ ngôi vua” chứ không phải để đem lại quyền làm chủ cho người dân. Cho nên, tuy khẳng định “dân vi quý”, thậm chí “vua lấy dân làm trời” nhưng nho gia rất triệt để trong tư tưởng ngu dân: “dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi” (dân có thể khiến họ noi theo, không thể khiến họ hiểu biết). Hệ tư tưởng nho giáo rất nhất quán trong quan điểm: dân phải biết giữ phận “dân đen con đỏ”, cái số phận đã được an bài đó cũng là “mệnh trời”, không được cưỡng mệnh trời. “Hiện đại hóa” cái mệnh trời này, đặt cho nó một cái tên thật cập nhật, ta sẽ hiểu ra được khối điều. Chính vì thế, nhà nho xưa cứ muốn giành “dân tâm” nhưng lại rất kỵ “dân chủ”, rất sợ dân chủ!
Xem ra thì một số cán bộ thoái hóa biến chất ngày nay, những “ông quan cách mạng” bây giờ, như Bác Hồ đã từng cảnh báo, cũng có nỗi sợ đó. Những người đó nói đến dân chỉ ở đầu lưỡi, nói về dân như trưng ra một vật trang sức theo “mốt” thời thượng của những người “sành điệu” chứ không xuất phát tự gan ruột. Họ cũng muốn “giành dân tâm” để yên vị trên cái ghế quyền lực của họ. Không thiếu những câu cách mạng đầu lưỡi, mị dân vì mục tiêu “giành dân tâm” kiểu đó nhưng lại quá thiếu những việc làm thiết thực vì lợi ích của dân, tôn trọng quyền làm chủ của dân. Vì dự liệu được điều đó mà ngay từ những ngày nhà nước dân chủ cộng hòa còn trong trứng nước, Bác Hồ đã nghiêm khắc và thiết tha căn dặn cán bộ phải là “công bộc của dân”, là “đầy tớ thật trung thành của dân”, “không được đè đầu cưỡi cổ dân”, “không được bịt miệng dân”! Cũng có nghĩa phải thực thi dân chủ, phải chứng tỏ trong thực tế “dân là chủ”, phải tạo ra cơ chế để dân thực sự làm chủ. Phải có luật pháp đảm bảo quyền làm chủ của dân, phải xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Bác Hồ đã nghiêm khắc và thiết tha căn dặn cán bộ phải là “công bộc của dân”, là “đầy tớ thật trung thành của dân”, “không được đè đầu cưỡi cổ dân”, “không được bịt miệng dân”! Cũng có nghĩa phải thực thi dân chủ, phải chứng tỏ trong thực tế “dân là chủ”, phải tạo ra cơ chế để dân thực sự làm chủ. |
Hiến pháp của ta, từ Hiến pháp 1946 cho đến Hiến pháp 1992 đã thể hiện rất rõ dân là chủ. Thế nhưng do luật pháp chưa được hoàn chỉnh và đồng bộ nên trong thực tế, quyền làm chủ của dân thường xuyên bị vi phạm. Cứ lật một trang báo ngày, đã có thể thống kê ra bao nhiêu điều vi phạm ấy. Vụ các quan chức ở Tây Ninh dựa vào chương trình 327 để lừa dân, chiếm đất lập đồn điền, làm trang trại là một ví dụ. Mà đâu chỉ ở Tây Ninh! Vụ chia chác đất công ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng) cũng lại dựa vào dự án Đồng Rào do chính quan chức ở đây lập ra. Hãy chỉ đọc danh sách các quan chức Hải Phòng được chia đất làm nhà ở đây mà báo Pháp Luật TP. HCM ra ngày 18.9.2005 đã nêu đủ thấy các “công bộc của dân” đã ăn tàn phá hại của dân, làm xói mòn niềm tin của dân như thế nào!
Thế mà, phát hiện và đưa ra ánh sáng những vụ việc đại loại như hai ví dụ trên phần lớn đều là do báo chí và dư luận quần chúng chứ không phải là do các tổ chức Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị ở những nơi xảy ra chủ động kiểm tra làm rõ. Điều này càng nói rõ tính bức xúc của việc hoàn thiện hệ thống luật pháp để có điều kiện công khai hóa sự vận hành guồng máy quản lý kinh tế xã hội, tạo điều kiện để người dân giám sát, kiểm tra nội dung hoạt động và phẩm chất, năng lực của những người đang gánh vác trách nhiệm trước dân.
Đó là một đòi hỏi rất cơ bản của nhà nước pháp quyền. Cùng với cái đó, xây dựng và củng cố xã hội dân sự nhằm tạo ra điều kiện phát huy tính phản biện xã hội của nhân dân, quần chúng từ cơ sở. Đây chính là cách phát huy tinh thần làm chủ của người dân một cách cụ thể nhất, thiết thực nhất, cũng là cách “giành dân tâm” một cách thông minh và có hiệu quả nhất.