Đánh giá kỹ năng và sản phẩm khoa học

Đánh giá nhân lực và sản phẩm khoa học một cách đúng đắn là yêu cầu thiết yếu cho phát triển và tiến bộ. Để thực hiện tốt việc này đòi hỏi tính liêm chính.


Ảnh: Ikon Images / Alamy/Alamy

Có lần hỏi đồng nghiệp về một số người mà tôi thấy có năng lực đặc biệt kém nhưng lại nắm giữ vị trí quản lý quan trọng; tôi nhận được câu trả lời rằng: “à, anh ấy là con ông cháu cha.” Rõ ràng, đây là điều mà chúng ta không hề mong muốn. Một đòi hỏi cơ bản khác trong đánh giá là sự khiêm tốn. Một điều xảy ra khá phổ biến trong thực tế là năng lực của người đánh giá càng yếu thì họ lại càng kiêu ngạo và kẻ cả. Yêu cầu thứ ba rõ ràng là năng lực. Năng lực hạn chế không đáng trách, nhưng hành xử tồi tệ với sự kém cỏi của mình thì thật đáng xấu hổ. Cho phép tôi bình luận đôi điều về những điểm này; nhiều điều nêu lên ở đây đã được nói nhiều, thậm chí còn được lặp đi lặp lại bởi những người thông thái hơn tôi. Một cách khiêm tốn, bản thân tôi cũng đã bình luận về chủ đề này trong một vài bài báo trên Tia Sáng.

Liêm chính khoa học hiện đang được tranh luận sôi nổi ở Việt Nam, tôi đã bình luận về vấn đề này trong một bài báo gần đây trên Tia Sáng1 và sẽ không nhắc lại nội dung bài viết đó. Liêm chính trong đánh giá khoa học và các nhà khoa học đòi hỏi phải có một hội đồng: một người, dù liêm khiết và tài giỏi hết mức mà ta có thể mơ đến, thì quan điểm của người đó vẫn cần phải được phản biện khách quan trước quan điểm của người khác. Rõ ràng, chúng ta có thể tìm được người tham gia đánh giá với khả năng cao là một trong những đồng nghiệp của người được đánh giá (hoặc công việc được đánh giá). Tuy nhiên, nếu người đánh giá và người được đánh giá đều là thành viên của một cộng đồng khoa học nhỏ, như đôi khi xảy ra ở Việt Nam thì khả năng có sự cạnh tranh về kinh phí và sự công nhận của người đánh giá, thành viên hội đồng, với người được đánh giá. Do đó, người đánh giá có thể thiên vị và không được coi là khách quan và trung lập. Để có được sự liêm khiết và khách quan, trong trường hợp này, chúng ta cần mở rộng thành phần thành viên hội đồng sang lĩnh vực khác với lĩnh vực của người được đánh giá. Tiêu chí để lựa chọn thành viên là sự liêm khiết và, để tiếng nói của họ có trọng lượng, thành viên này cần có nhiều năm kinh nghiệm, có hiểu biết rộng và phải tôn trọng nghiêm ngặt các quy tắc cơ bản của đạo đức khoa học. Tôi cho rằng, trong trường hợp này chúng ta nên mời các thành viên nước ngoài tham gia với sự lựa chọn kỹ càng. Dường như Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để làm việc này, có lẽ do những tư duy còn sót lại của thời chiến tranh và cô lập sau đó. Khi chuyển công tác sang VAST, nhóm nghiên cứu của chúng tôi được yêu cầu trình bày mong muốn của mình; chúng tôi đã yêu cầu thành lập một hội đồng tư vấn nhỏ bao gồm một hoặc hai thành viên nước ngoài nhằm giúp đánh giá chất lượng và giám sát công việc hằng năm của nhóm để từ đó đưa ra những khuyến nghị giúp phòng phát triển. Đề xuất đó đã không được chấp nhận. Một điều tưởng chừng như rất khó tin, ngay cả với Hội Vật lý Việt Nam cũng không được phép chấp nhận thành viên là người nước ngoài! Để thể hiện sự liêm chính, danh tính của các thành viên hội đồng cần phải được công khai. Liên quan đến điều này, tôi thấy việc sử dụng phản biện kín để đánh giá các bài báo khoa học của các tạp chí hết sức đáng lo ngại. Tôi có thể nêu ra nhiều ví dụ mà phản biện ẩn danh đưa ra những nhận xét hết sức tiêu cực đơn giản chỉ vì bài báo được bình duyệt có những luận điểm mâu thuẫn với công trình trước đó của anh ta. Mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm với những nhận xét, đánh giá của mình, tôi luôn ký tên vào những báo cáo phản biện của mình.

Tôi đã nói, khiêm tốn là điều kiện tiếp theo. Yếu tố chủ quan luôn tồn tại trong đánh giá: một đánh giá hoàn toàn có thể sai; dĩ nhiên, mọi cố gắng có thể đều nhằm mục đích giảm thiểu khả năng đó. Chúng ta phải nhận thức được những hậu quả nghiêm trọng về con người mà những cuộc đánh giá để lại, dù đó là đánh giá để tuyển dụng, đề bạt hay khẳng định giá trị của một công trình khoa học. Các thành viên hội đồng không nên coi mình là những thẩm phán, mà là những người phục vụ cộng đồng; họ nên tận tâm làm cho khoa học tiến bộ chứ không phải để quyết định người này tốt hay người kia xấu. Ở Việt Nam, với nền khoa học hiện đại còn non trẻ, chúng ta phải đặc biệt cảnh giác, đảm bảo những thành tựu của nó phải được giám sát và đánh giá bởi những người có động cơ tốt mong muốn khoa học Việt Nam phát triển. Mục đích của những cuộc đánh giá không phải để tìm kiếm thiên tài – chúng ta là ai mà có tham vọng như vậy? – mà nhằm để phát triển nền khoa học Việt Nam. Dù gì đi nữa, các thiên tài cũng không giúp ích nhiều; chúng ta cần tìm ra những người có kỹ năng và tài năng nhất để thúc đẩy sự phát triển của khoa học nước nhà. Trong những hội đồng từng tham dự, tôi thường thấy, một số thành viên hội đồng chỉ quan tâm đến việc thể hiện mình giỏi thế nào, hơn là tập trung đánh giá công tâm phẩm chất của người cần được đánh giá. Hẳn chúng ta còn nhớ Hồ Đắc Di đã từng nói: “Người thầy giáo nào càng đào tạo được nhiều học trò giỏi hơn mình thì càng hạnh phúc”.


Tổ chức EdLab Asia là một trong hai nơi ký DORA (tổ chức còn lại là Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Giáo dục Đại học – Đại học Nguyễn Tất Thành). Trong ảnh là một workshop về Nhà quản trị giáo dục hiện đại vào tháng 12/2019 của EdLab Asia tổ chức để đào tạo các nhà quản lý giáo dục ở các trường phổ thông. Ảnh: FB của EdLab Asia

Năng lực là điều kiện thứ ba để có đánh giá tốt. Nếu cảm thấy không đủ năng lực thì không có lựa chọn nào khác là phải tìm kiếm lời khuyên từ những người có năng lực. Thật không may, thực tế lại không phải như vậy. Người ta lại thường dựa vào người máy (robot), chúng tính toán dùng các chỉ số tác động, số lượng trích dẫn và các chỉ số khác được cho là để xếp hạng các nhà khoa học và công việc của họ, nhưng trên thực tế, việc làm này không hiệu quả. Người ta quan tâm đến việc nhà khoa học có công bố trên tạp chí có chỉ số tác động cao hay không, có là tác giả đầu hay không, công trình có thường xuyên được trích dẫn hay không, v.v… Tôi không nói rằng những thông tin này là vô giá trị, thậm chí đó cũng là những yếu tố thú vị cần được tính đến trong quá trình đánh giá. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, chúng không nên được coi là yếu tố then chốt quyết định đến kết quả xét duyệt. Nhưng, ở Việt Nam, nhiều người bị ám ảnh với việc sử dụng những chỉ số như vậy để ra quyết định. Tôi nhớ, trong một lần tham gia hội đồng, một giáo sư thành viên hội đồng trình bày về một công thức mà ông ta tự sáng tác ra, kết hợp một số chỉ số với nhau và tuyên bố sẽ đưa ra đánh giá “khách quan”!

Gần đây, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp vừa ký Tuyên bố San Francisco về Đánh giá Nghiên cứu2 (gọi tắt là DORA) làm cho tôi chú ý đến tài liệu này, tuyên bố này đề cập hết sức thích đáng đến những vấn đề nêu trên. DORA được ban hành vào năm 2013 tại San Francisco trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Sinh học Tế bào Hoa Kỳ, với khuyến nghị không sử dụng các chỉ số trong đánh giá nghiên cứu. Ở Việt Nam, Ngô Đức Thế3, và sau đó là Vũ Cao Đàm4 đã bình luận kĩ lưỡng và đầy đủ về tuyên bố này; tuy nhiên, thật không may, thông điệp của tuyên bố không được tiếp nhận một cách rộng rãi: các chỉ số tác động vẫn đang chi phối việc đánh giá nghiên cứu khoa học trong nước. Các khuyến nghị chính của DORA được phát biểu như sau:

1) Sự cần thiết phải loại bỏ việc sử dụng hệ thống đánh giá tạp chí (ví dụ như Journal Impact Factors – chỉ số tác động tạp chí) trong việc cấp kinh phí, bổ nhiệm cũng như các xem xét thăng chức, đề bạt.

2) Sự cần thiết phải đánh giá nghiên cứu dựa trên chất lượng của chính nó chứ không phải chủ yếu dựa trên tên của tạp chí xuất bản nghiên cứu đó.

3) Sự cần thiết trong việc tận dụng các cơ hội từ các ấn phẩm khoa học trực tuyến (ví dụ như nới lỏng những giới hạn không cần thiết về số từ, số hình minh họa, số tài liệu tham khảo trong bài báo và phát triển những chỉ số mới đánh giá tầm quan trọng và tác động của bài báo).

DORA đã được hơn 20.000 cá nhân và tổ chức đến từ 156 quốc gia ủng hộ, tham gia ký. Tại Việt Nam, chỉ có một cá nhân – thành viên của PATH5, hiệp hội phi lợi nhuận toàn cầu về cải thiện sức khỏe cộng đồng – và hai tổ chức – EdLab.Asia6 và CHEER7– tham gia ký.

EdLab.Asia là một nhóm nghiên cứu nhỏ hoạt động trong hai lĩnh vực giáo dục đại học và K-12 (bậc học từ mẫu giáo đến lớp 12) tại Việt Nam. Họ tập hợp các nhà nghiên cứu từ Đông Nam Á, Đông Á và Úc với mục đích hỗ trợ cộng đồng giáo dục Việt Nam và Đông Nam Á. Nhóm đã thực hiện một số dự án xã hội hỗ trợ giáo viên K-12, chẳng hạn như day-hoc.org (một ấn phẩm mở hàng tháng) và cunghoc.edu.vn, một nền tảng MOOC (các khóa học trực tuyến mở) dành cho các nhà giáo dục.

CHEER là viết tắt của Centre for Higher Education and Research (Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Giáo dục Đại học), thành lập năm 2014 dựa trên đề xuất của tiến sỹ Phạm Thị Ly với Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU), cơ quan chủ quản của trung tâm. Mục tiêu của trung tâm nhằm tăng cường hiểu biết, phổ biến những thông lệ quốc tế về giáo dục đại học. CHEER hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn và truyền bá kiến ​​thức. CHEER xuất bản Bản tin hằng tháng và gửi tới các nhà hoạch định chính sách quốc gia, quản lý đại học và các nhà nghiên cứu/giảng viên từ khoảng 400 đơn vị trên khắp cả nước. Tiến sỹ Phạm Thị Ly đã dịch tuyên bố DORA và đăng trên một trong những tờ Bản tin này8, với mong muốn độc giả sẽ nhận ra tầm quan trọng của các biện pháp thích hợp để đánh giá nghiên cứu. Thật không may, tiến sỹ Phạm Thị Ly, một người rất tích cực trong việc thúc đẩy phát triển giáo dục đại học và nghiên cứu, một cây bút quen thuộc với độc giả Tia Sáng, đã rời NTTU vào năm 2018, và CHEER hiện không còn tồn tại.

Những tiếng nói như của Ngô Đức Thế và Phạm Thị Ly thể hiện rõ những khuyến nghị quý của DORA vì sự tiến bộ của khoa học và giáo dục đại học ở Việt Nam, tuy nhiên, thật sự nản lòng khi thấy chúng khó được lắng nghe như thế nào trong giới quản lý. Mặc dù, nhìn chung DORA được đón nhận nồng nhiệt trong cộng đồng nhà khoa học và giáo viên, nhưng nó gần như bị bỏ qua ở cấp cao hơn. Nếu các tổ chức công của Việt Nam, hội đồng trường các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu lớn và các bộ (MOST và MOET) cùng ký tuyên bố DORA thì đó sẽ là một bước tiến rất đáng hoan nghênh. NAFOSTED sau khi gần đây đã nêu một tấm gương can đảm với việc đưa ra tuyên bố về liêm chính khoa học1, nên coi đây là một cơ hội để thực hiện một thành tựu khác đáng được ca ngợi.□

 

Phạm Ngọc Điệp dịch

——-

Chú thích

1 Tia Sáng, 5-05.3.2022, p.8

2 https://sfdora.org/

3 Ngo Duc The, 2013, Vietnam Journal of Science and Technology No. 12 (655)

4 Vu Cao Dam, 2014, Vietnam Journal of Science and Technology, 683

Vu Cao Dam, 2014, 2014, Tia Sang, 8-04.20.2014

Vu Cao Dam, Evaluation of scientific research, Science and Technology Publishing House, Hanoi, 2012

http://hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/tuyen-bo-dora-co-lam-thay-doi-cach-danh-gia-khoa-hoc_271%3E

https://en.moet.gov.vn/about/organization-structure/Pages/Cac-don-vi-huu-quan.aspx?CateID=1670&Details=1

5 https://www.path.org/

https://www.path.org/where-we-work/vietnam/

6 https://www.facebook.com › Edlabasia

7 https://cheer.edu.vn/

8 http://www.lypham.net/?p=1610

Tác giả

(Visited 119 times, 1 visits today)