Đánh giá lại quy trình ứng phó rủi ro
Đã hai tuần trôi qua kể từ vụ cháy nhà máy Rạng Đông làm phát tán thủy ngân và các hóa chất khác ra môi trường, tuy nhiên việc cung cấp thông tin cho người dân sau vụ việc vẫn còn nhiều bất nhất, đôi khi chính các cảnh báo từ phía các cơ quan chức năng còn trái chiều khiến dư luận xã hội thêm hoang mang, thậm chí mất niềm tin trước khả năng ứng phó sự cố ở mức độ cơ quan chức năng đang kết luận chỉ là “cấp cơ sở”. Chúng tôi cùng trao đổi với ông Lê Quang Bình, Chủ tịch nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) nhằm phân tích trách nhiệm giải trình, khả năng quản lý rủi ro trong trường hợp này cũng như bài học rút ra để cải thiện năng lực ứng phó.
Rạng Đông sau đám cháy, nhìn từ trên cao. Ảnh: VTV.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường về vụ cháy của Rạng Đông, không khí quanh khu vực xảy ra đám cháy không ghi nhận bất thường do xuất hiện mưa lớn ngay sau cháy, tuy vẫn có lo ngại ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm. Nhưng ngay sau vụ cháy, người dân rất lo lắng do không nhận được một khuyến cáo kịp thời, rõ ràng từ chính quyền – trước hết là cấp quận Thanh Xuân- đã phủ nhận cảnh báo của phường Hạ Đình và nói là sẽ đợi kết quả quan trắc, còn cấp thành phố thì… một tuần sau sự cố mới lên tiếng. Ông đánh giá như thế nào về quy trình thông tin này?
Ông Lê Quang Bình: Tôi nghĩ việc chính quyền cung cấp thông tin thiếu nhất quán gây ra hoang mang cho người dân là điều đáng tiếc. Trước một tai nạn liên quan đến hóa chất như cháy nhà máy Rạng Đông bao giờ người dân cũng đặt ngay câu hỏi điều gì đã xảy ra, các hóa chất nào có trong nhà máy và chúng phát tán ra xung quanh không, các chất độc phát tán sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của họ, họ có an toàn ở lại nhà mình hay cần phải di dời đi nơi khác? Đây là tâm lý thông thường sẽ xuất hiện trong bất cứ tai nạn nghiêm trọng nào.
Chính vì sự nghiêm trọng của các tai nạn liên quan đến hóa chất nên trong quy trình quản lý bao giờ cũng gồm có ba hợp phần. Hợp phần đầu tiên là phòng ngừa để làm sao đảm bảo sự an toàn cao nhất cho các nguồn hóa chất mà các cơ sở, nhà máy sử dụng. Hợp phần thứ hai là luôn chuẩn bị tốt cho bất cứ sự cố gì xảy ra, ví dụ như giám sát thường xuyên, lên kế hoạch ứng phó với tai nạn và đào tạo cho các bên liên quan về ứng phó. Hợp phần thứ ba – mà chúng ta đang nói ở đây chính là phản ứng với tai nạn, nó bao gồm việc hạn chế tối đa ảnh hưởng, cung cấp các hỗ trợ ngay lập tức và cần thiết cho những người bị ảnh hưởng, và đánh giá tác động để từng bước khôi phục lại trạng thái bình thường.
Như vậy, việc thiết lập cơ chế cung cấp thông tin chính xác, với một cơ quan phát ngôn chính thức và kịp thời cho người dân là nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền nhằm giúp người dân biết phải làm gì để tránh hoặc giảm tối đa tác động của hóa chất lên sức khỏe của họ. Nếu chính quyền không cung cấp được thông tin kịp thời thì người dân sẽ tự tìm kiếm các nguồn thông tin khác, thậm chí các đồn thổi trên mạng xã hội gây hoang mang và bất ổn xã hội. Nói cách khác, nếu chính quyền không làm được nhiệm vụ này, chính quyền sẽ vô hình trung tạo ra một “tai nạn” khác, tai nạn rối loạn xã hội.
Đối với vụ việc này, ai ngồi ở vị trí của những người có trách nhiệm trong chính quyền cũng sẽ rối trí vì chưa từng chuẩn bị. Đây cũng chính là một trường hợp quan trọng để tất cả các bên cùng học, rút ra bài học mà cải thiện quy trình ứng phó rủi ro.
Có người cho rằng khi chính quyền chưa có được thông tin chính xác về tai nạn thì cũng không thể đưa ra khuyến cáo cho người dân. Nếu đưa khuyến cáo mạnh quá, ví dụ dẫn đến việc phải di dời hàng trăm hoặc hàng nghìn hộ dân; hoặc đưa khuyến cáo nhẹ quá, ví dụ như không có ảnh hưởng gì đâu và sau này lại phát hiện có hóa chất và hàng nghìn người dân bị nhiễm thủy ngân thì đều để lại hậu quả. Theo ông trong trường hợp này chính quyền nên làm gì?
Việc chính quyền có được thông tin chính xác, nhanh chóng là rất quan trọng khi tai nạn liên quan đến hóa chất xảy ra. Chính vì vậy mà trong quản lý chúng ta cần tới ba giai đoạn như tôi đã chia sẻ ở trên. Ở giai đoạn phòng ngừa và và giai đoạn chuẩn bị thì doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng vì họ là người trực tiếp triển khai các hoạt động này, chính quyền đóng vai trò kiểm tra và đảm bảo chuẩn mực an toàn được áp dụng. Nhưng trong giai đoạn phản ứng với tai nạn thì chính quyền lại là bên có vai trò và trách nhiệm quan trọng nhất.
Khi tai nạn xảy ra, doanh nghiệp phải ngay lập tức hợp tác và cung cấp thông tin chính xác cho chính quyền. Dựa vào thông tin của doanh nghiệp và những đánh giá nhanh ban đầu của cơ quan chuyên môn, chính quyền sẽ xác định mức độ nguy hiểm của tai nạn để cung cấp thông tin và khuyến cáo cho người dân. Rất khó để biết chính xác ngay hậu quả của tai nạn, nhưng theo kinh nghiệm và nguyên tắc phản ứng với các tai nạn hóa chất trên thế giới thì sức khỏe của người dân, an toàn của cộng đồng và của những người tham gia vào giải quyết tai nạn như lính cứu hỏa, lực lượng y tế, cán bộ địa phương…phải được ưu tiên hàng đầu. Nói cách khác, trong tình thế 50/50 thì hạn chế rủi ro sức khỏe của người dân phải được ưu tiên hơn các rủi ro về kinh tế khác.
Sáng 13/9, 1.313 học sinh trường Tiểu học Hạ Đình và 423 học sinh trường THCS Hạ Đình được các bác sĩ khám sức khỏe. Ảnh: VTCnews.
Tôi biết nhiều người lo lắng nếu làm quá, ví dụ như đưa ra khuyến cáo ngay lập tức về sức khỏe hoặc thậm chí khuyến cáo di dời tạm thời sẽ gây ra hoang mang và bất ổn xã hội. Điều này không hẳn đúng vì nếu sau tai nạn chính quyền ngay lập tức khởi động bộ máy phản ứng với tai nạn, thiết lập cơ chế cung cấp thông tin cho người dân, và từng bước cung cấp thông tin cho người dân một cách kịp thời thì sẽ tạo được sự tin tưởng ở người dân, thậm chí nếu có phải sơ tán thì họ cũng sẽ biết cách bình tĩnh ứng phó chứ không hẳn sẽ gây ra hoang mang trong xã hội. Trong các vụ tai nạn thì cái quan trọng nhất người dân cần là thông tin chính xác, là họ biết chính quyền và nhà máy đang hành động có trách nhiệm và lợi ích của họ thì họ sẽ an tâm hợp tác và làm theo các hướng dẫn của chính quyền.
Trong tai nạn Rạng Đông dường như chính quyền thành phố đã xử lý khủng hoảng “ngược”, thay vì đối diện với sự cố, cung cấp thông tin đúng đắn và kịp thời ngay từ đầu, thì họ lại chần chừ, để cơn giận dữ ngày càng đầy ứ lên, niềm tin vào chính quyền thành phố suy giảm?
Vì không có được các thông tin về cách chính quyền phản ứng với vụ cháy nhà máy Rạng Đông nên tôi cũng không rõ chính quyền có né tránh không, hay thực sự họ cũng không có được thông tin chính xác để khuyến cáo người dân nên làm gì. Tôi chỉ có thể nói rằng việc không cung cấp thông tin, ngay cả thông tin chính quyền đang làm gì, hoặc cung cấp thông tin bất nhất, cấp này thu hồi văn bản của cấp kia, cơ quan này phản pháo lại kết luận của cơ quan kia đã tạo ra hoang mang thậm chí mất lòng tin trong người dân về năng lực và trách nhiệm giải quyết hậu quả tai nạn của chính quyền.
Chính vì vậy, tôi hy vọng sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông thì chính quyền có thể thiết lập lại bộ máy phản ứng với tai nạn để có thể phản ứng ngay lập tức.
Thước đo nào để đánh giá là các chính quyền đã ứng phó với các khủng hoảng như thế này hiệu quả hay không hiệu quả? Kịp thời hay không kịp thời, trách nhiệm hay không?
Việc đánh giá hiệu quả của chính quyền trong việc đối phó với tai nạn vừa khó, vừa dễ. Nếu mọi thứ đều công khai, minh bạch thì ai cũng có thể có được đánh giá của mình. Ngược lại, nếu không có thông tin chính quyền đã làm gì, quá trình quyết định đã xảy ra như thế nào…thì rất khó để đánh giá. Tuy nhiên, điều này cũng không phải là không thể vì người dân sẽ có câu trả lời của họ. Họ sẽ biết trong khi bối rối thì tôi được hỗ trợ những gì? được cung cấp thông tin rõ ràng đến đâu? Tôi có bị ảnh hưởng gì không? Ngoài ra, các chuyên gia cũng sẽ đánh giá được vì họ biết các chuẩn mực và họ có thể có được thông tin từ phía người dân.
Nhưng quan trọng hơn là bản thân người dân, chuyên gia và các tổ chức xã hội cần đánh giá cả hai công đoạn phòng ngừa tai nạn và chuẩn bị đối phó với tai nạn có được làm tốt không. Vì quan tâm đến sự tham gia của người dân, và bản thân người dân là một trong ba thực thể quan trọng bên cạnh nhà máy và chính quyền, nên tôi xin nói về các chỉ số liên quan đến họ nhiều hơn.
Thứ nhất, người dân và cộng đồng sống xung quanh nhà máy cần phải được biết về các hóa chất được sử dụng và các hậu quả của nó trong trường hợp có tai nạn xảy ra. Họ cần phải biết ai có thể cung cấp thông tin cho họ. Nhưng quan trọng hơn, đại diện cộng đồng, ví dụ như tổ trưởng dân phố, cần có đường dây liên lạc với đại diện nhà máy và đại diện chính quyền phụ trách việc quản lý hóa chất. Ngoài ra, các tổ chức xã hội như công đoàn, các tổ chức phi chính phủ cũng có thể tham gia để hỗ trợ người dân và công nhân giám sát việc lắp đặt và sử dụng hóa chất an toàn.
Ngay sau đám cháy, báo chí ghi nhận nhiều hộ gia đình cho con nghỉ học hoặc tạm lánh đi nơi khác. Trong tuần này, nhiều báo đã cập nhật tình hình mới – cư dân khu vực lân cận Rạng Đông đã quay trở lại nhịp độ bình thường. Trong ảnh là hàng quán buổi sáng ở khu vực đối diện cổng chính nhà máy Rạng Đông vào 8h ngày 17/9. Ảnh: Hoàng Nam.
Thứ hai, đại diện của người dân cần được tham gia vào xây dựng các kế hoạch phản ứng với tai nạn, tham gia diễn tập vào các tình huống tai nạn giả định, và đưa ra các góp ý từ thực tế địa bàn và dân cư của họ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi người dân được tham gia vào tiến trình này thì hậu quả sẽ được giảm tối đa khi tai nạn xảy ra.
Thứ ba, người dân cần phải biết các tín hiệu báo động liên quan đến tai nạn, trong trường hợp tai nạn xảy ra thì người dân biết ai là người cung cấp thông tin cho họ, và đặc biệt họ sẽ phải làm theo hướng dẫn của ai.
Nói chung, năng lực của chính quyền được thể hiện cả ở việc họ đảm bảo các nhà máy tuân thủ chuẩn mực an toàn thế nào, họ có xây dựng và thể chế hóa được cơ chế phòng ngừa, chuẩn bị và phản ứng với tai nạn không, họ có huy động được người dân và các tổ chức xã hội tham gia và đóng góp cho toàn bộ chu trình quản lỷ rủi ro hay không.
Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin đến người dân ra sao?
Như đã chia sẻ ở trên, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tuân thủ các chuẩn mực an toàn về cháy nổ, quản lý hóa chất. Họ là một bên tham gia vào việc xây dựng, diễn tập và thực hành các kế hoạch phòng ngừa và phản ứng với tai nạn.
Trong trường hợp có tai nạn như vụ Rạng Đông vừa qua, cụ thể là hậu quả vượt ra ngoài hàng rào nhà máy thì doanh nghiệp phải ngay lập tức báo cho đại diện chính quyền phụ trách phản ứng với các tai nạn, rủi ro. Chỉ có chính quyền mới có thể khởi động hệ thống phản ứng rủi ro, trong đó có việc cung cấp thông tin và hướng dẫn hành động cho công chúng. Khi đó, nhà máy sẽ hợp tác với chính quyền bằng việc cung cấp thông tin, cung cấp trang thiết bị và các chuyên môn nếu có. Cần lưu ý, chính quyền sẽ chịu trách nhiệm phản ứng với rủi ro nhưng nhà máy vẫn là đơn vị chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn và các hậu quả do tai nạn gây ra. Chính vì vậy, việc nhà máy thông báo kịp thời về tai nạn cho chính quyền, cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực rất cần thiết để cho chính quyền hành động đúng, hạn chế hậu quả và từ đó cũng giảm thiểu thiệt hại đền bù cho nhà máy.
Tôi được biết rằng chúng ta đã có rất nhiều quy định pháp luật, từ Luật hóa chất, các thông tư hướng dẫn quy định trách nhiệm của từ chính quyền địa phương cho tới các công ty sở hữu hóa chất trong việc ứng phó với các sự cố. Nhưng rõ ràng khi đối diện với một trường hợp cụ thể, chính quyền đô thị vào hạng lớn nhất cả nước lại lúng túng. Phải làm sao để chính quyền ứng phó một cách chủ động và kịp thời hơn trong những kịch bản tương tự?
Tôi được biết khủng hoảng môi trường này được xếp vào hạng “cơ sở”, nhưng cho dù có xếp nó mức độ nào thì điều quan trọng là cần có một quy trình rõ ràng, các bên liên quan biết về quy trình đó và có thể hợp tác trong việc hạn chế và giải quyết hậu quả. Còn về phía quy định, luật và nghị định nhiều cỡ nào thì cuối cùng cơ chế hoạt động trên thực tế là gì?
Chính vì vậy, đề phòng với những khủng hoảng môi trường như thế này, bao giờ cũng cần có đánh giá rủi ro. Ở mức độ tổng quát nhất là phải đánh giá rủi ro của tất cả các nhà máy trong đô thị để từ đó có kế hoạch ứng phó nếu thảm họa xảy ra: cháy thì trách nhiệm của Ban chỉ đạo là gì, từng Sở chuyên môn như thế nào, các tuyến đường thoát hiểm, lệnh sơ tán cư dân ai phát ra, các bệnh viện nào phải trực chiến… Bao giờ cũng phải đánh giá và xây dựng kế hoạch để ứng phó.
Tiếp theo là các diễn tập thường xuyên, với sự tham gia của tất cả những người liên quan, chịu ảnh hưởng khi sự cố xảy ra. Ở Việt Nam, chúng ta chuẩn bị cho phòng chống thiên tai như bão lụt tốt bởi các địa phương vẫn diễn tập thường xuyên…như vậy khi xảy ra thì người dân biết đi đâu, phải làm gì và không bị rối loạn. Khi có bão là các loại thông báo rất nhất quán, yêu cầu thuyền bè phải vào bến, người dân di tản đi đâu… Sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông tôi hy vọng các thành phố lớn, mật độ đông, và chưa có nhiều kinh nghiệm như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh cùng học, rút ra kinh nghiệm cải thiện quy trình để hạn chế thiệt hại và tăng sự tin tưởng của người dân.
Có một thực tế mà chúng ta đều biết đó là dù có làm nghiêm ngặt đến đâu tai nạn vẫn có thể xảy ra. Chính vì vậy, việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm, có nhiều rủi ro hóa chất độc hại ra khỏi các khu dân cư là cần thiết thực hiện ngay. Việc di dời này cũng là cơ hội để thành phố tăng thêm các diện tích công viên, tăng diện tích không gian công cộng để người dân có thêm điều kiện thực hành lối sống khỏe mạnh, giao lưu, và kết nối với nhau. Di dời nhà máy vừa giảm rủi ro tai nạn vừa tăng diện tích cây xanh là một chính sách đúng, góp phần làm cho Hà Nội đáng sống hơn.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!□
Bảo Như thực hiện