Đánh giá Nghiên cứu cơ bản: Công bố quốc tế- tiêu chí quan trọng nhất
Tiêu chí rõ ràng hơn Trong dự thảo Quy định về việc đánh giá kết quả thực hiện các đề tài NCCB trong khoa học tự nhiên (KHTN) kết thúc năm 2006 của Bộ KH&CN, lần đầu tiên, tiêu chí “công bố quốc tế” sẽ được coi là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng một công trình nghiên cứu cơ bản (NCCB). Theo dự thảo này, những đề tài NCCB có công bố quốc tế trong danh sách của ISI sẽ được tính điểm cao nhất: 5 điểm; nếu công bố ở các tạp chí quốc tế khác sẽ được 3 – bằng điểm với công bố ở các tạp chí khoa học quốc gia loại 1 (sẽ có danh mục kèm theo).
Theo TS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học), việc định lượng tiêu chí đánh giá là sự thay đổi lớn, bởi trước kia trừ ngành Toán có đánh giá theo tiêu chí “công bố quốc tế”, còn ở các ngành KHCB khác, các tiêu chí đánh giá như “tầm quan trọng của đề tài” hay “ý nghĩa ứng dụng của đề tài”… đều rất “tùy tiện” và “phụ thuộc cảm tính của Hội đồng”. Tuy nhiên, theo ý kiến của GS Phạm Lợi Vũ thì mức điểm công bố quốc tế trong danh sách SCI chỉ gần gấp đôi mức điểm công bố trong nước là thấp. TS Chính cũng cho biết, nhiều viện NCCB của Trung Quốc chỉ chấp nhận mức đánh giá của ISI và “điểm công bố quốc tế của họ có khi gấp 20 lần điểm công bố trong nước”. Song TS Chính cũng nhận định “thực tế khoa học Việt Nam” hiện không thể “theo” được cách đánh giá như vậy, và “bài báo quốc tế loại 1 (SCI) nên là 6 điểm, quốc tế loại 2 là 4 điểm; bài báo quốc gia loại 1 là 3 điểm…”.
Ở một số tiêu chí khác, TS Chính cho rằng Báo cáo hội nghị quốc tế (tổ chức ở nước ngoài hay Việt Nam) được đăng toàn văn bởi nhà xuất bản quốc tế có uy tín được 3 điểm, nhưng nếu được đăng bởi nhà xuất bản trong nước (một vài hội nghị quốc tế tại Việt Nam) thì cũng chỉ được 2 điểm.
Ngoài ra, nên giới hạn tổng số điểm báo cáo hội nghị và bài báo quốc gia loại 2 được tính không vượt quá 1/2 số điểm mỗi đề tài…
Ngoài ra, để tránh tình trạng “đánh trống ghi tên”, với công trình nhiều tác giả thì số điểm phải được chia đều cho các tác giả. Và nên bỏ điểm kết quả ứng dụng vì “ngay cả nghiên cứu ứng dụng cũng còn khó đánh giá”.
“Cực đoan” hơn, GS Ngô Việt Trung- Viện trưởng Viện Toán- cho rằng không nên tính điểm báo cáo hội nghị. Đồng ý với ý kiến này, song GS Hoàng Tụy bổ sung: Nên tính báo cáo được mời, vì “nghiên cứu phải rất có giá trị mới được Hội nghị Toán học quốc tế mời báo cáo”.
Cần “giám khảo” thực sự uy tín
Việc đánh giá các đề tài NCCB được thực hiện thông qua các Hội đồng khoa học chuyên ngành do Bộ trưởng Bộ KH&CN thành lập trong các lĩnh vực Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Khoa học Sự sống và Khoa học Trái đất. Theo Dự thảo, Hội đồng sẽ có từ 9 đến 14 thành viên là những nhà khoa học có uy tín, có trình độ (tiến sĩ trở lên) và nhất là phải có công trình được công bố khoa học quốc tế và quốc gia trong 5 năm gần đây. TS Chính nhấn mạnh thành viên Hội đồng ngành “cần ưu tiên chọn người có thành tích công bố quốc tế những năm gần đây”, đồng thời “Hội đồng cần được thay đổi theo nhiệm kỳ. Các thành viên lâu năm đã tới tuổi hưu (hơn 60 tuổi) mà những năm gần đây không có công bố quốc tế nên rút lui để nhường bước cho thế hệ trẻ hơn vì lợi ích chung. Sẽ rất tốt nếu có một số cán bộ trẻ tuổi từ 30-40 có thành tích công bố quốc tế, nhất là các TS trẻ mới từ nước ngoài trở về, tham gia Hội đồng”. Đồng ý thành viên Hội đồng “nhất thiết phải có công bố quốc tế”, song GS Ngô Việt Trung cho rằng nên giới hạn thời gian có công trình công bố quốc tế là trong 10 năm. GS Trung cũng đề nghị hình thức đánh giá phải bằng bỏ phiếu kín để tránh tình trạng nể nang.
Theo TS Chính, tất cả các hình thức đánh giá NCCB được đề xuất ở trên chỉ là bước đầu để khuyến khích các nhà khoa học tâm huyết: “Nhiều người không có công trình công bố quốc tế lại được nhận nhiều đề tài trong nước, còn số nhỏ “nhà khoa học SCI” lại bị “cơ chế xin-cho” bỏ qua. Một số người phải ra nước ngoài làm thuê kiếm tiền. Một ví dụ: TS 34 tuổi Lê Minh Quý khoa Cơ khí ĐH Bách Khoa Hà Nội từng bảo vệ luận án TS xuất sắc ở Hàn Quốc về chi tiết máy vật liệu gốm, có một số bài đăng SCI, rất say mê khoa học, nhưng về nước thì phải dạy thêm. Sẽ có lợi hơn nhiều nếu TS Quý có đề tài NCCB để tập trung làm khoa học. Thậm chí, nếu cấp kinh phí NCCB ứng theo điểm công trình 5 năm gần đây, TS Quý sẽ vượt được nhiều vị chủ trì chức bậc cao, khỏi phải “chạy sô” dạy thêm. TS Quý mới sang Đức theo diện học bổng “tinh hoa” Humboldt – một “cứu cánh” đúng lúc với sự nghiệp khoa học của một cá nhân”.
GS Hoàng Tụy cho rằng về lâu dài, phải bỏ quy trình “nghiệm thu” trong đánh giá từng đề tài NCCB. Ông đặc biệt lưu ý: Nếu quá coi trọng “tính điểm”, dù được coi là chặt chẽ tới đâu, cũng sẽ dẫn tới cực đoan máy móc. Trước kia, đánh giá của ta chỉ thiên về “định tính” thì nay cũng không thể chỉ thiên về “định lượng”. Cần phải có những nhà khoa học hàng đầu thực sự để đánh giá kết quả NCCB. “Giống như trong y học, không thể chỉ chẩn bệnh bằng kết quả xét quả xét nghiệm máu, chiếu chụp… Kết quả xét nghiệm rất cần, nhưng còn cần cả kinh nghiệm của bác sĩ”. Việc chuyển từ thái cực “xem thường công bố quốc tế” sang coi tiêu chuẩn công bố quốc tế là tiêu chuẩn đúng đắn duy nhất sẽ lại là sai lầm.
Một số tiêu chí đánh giá đề tài NCCB (Theo Dự thảo Quy chế)
Tên sản phẩm khoa học Thang điểm đánh giá
Công trình công bố trên các tạp chí
khoa học quốc tế
– Loại 1(có tên trong danh sách 5
SCI do ISI công bố)
-Loại 2 (các tạp chí quốc tế khác) 2
Công trình đã công bố trên các tạp chí
khoa học quốc gia (theo phân loại trong
danh mục kèm theo)
-Loại 1: 3
-Loại 2: 1
Báo cáo chính tại các hội nghị khoa học
-Quốc tế 3
-Quốc gia: 1
Báo cáo đăng ký (poster) tại các hội nghị:
-Quốc tế: 5
-Quốc gia: 1
Sách chuyên khảo đã xuất bản 2
Kết quả ứng dụng (nếu có) 3