ĐẶT CON NGƯỜI Ở VỊ TRÍ TRUNG TÂM:
Nét đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh
Có thể nói, một trong những nét độc đáo nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh là tính hệ thống đồng bộ trong những quan hệ tương tác với nhau, thâm nhập vào nhau, chuyển hóa thành nhau của chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tức là mọi chiều cạnh của cuộc sống xã hội. Và trong tổng thể xã hội ấy, Hồ Chí Minh đặt con người ở vị trí trung tâm. Đó là nét đặc sắc nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để nâng cao trình độ phát triển kinh tế của đất nước. Không coi nhẹ kinh tế, không coi nhẹ chính trị, nhưng đặc biệt coi trọng văn hóa. Cố nâng đời sống kinh tế lên cho từng người, từng nhóm người, đặc biệt cho nhóm người đang có mức sống quá thấp, để trên cơ sở đời sống vật chất được nâng cao dần lên đó, có thể đem lại hạnh phúc cho con người. Vì vậy, văn hóa là nhân tố đặc biệt quan trọng. Văn hóa bao gồm trí tuệ, tình cảm, phẩm chất, đạo đức, tóm lại là “cuộc sống người của con người”.
Với đặc sắc tư tưởng nổi bật như vậy, Hồ Chí Minh đã mở ra con đường và phương pháp xây dựng xã hội mới của Việt Nam, cũng có thể có giá trị đối với các nước đang phát triển. Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học, công nghệ, kinh tế, lý trí và trí tuệ, nhưng những cái đó không phải cái đặc sắc và sáng tạo của Hồ Chí Minh. Chỗ đặc sắc và sáng tạo của Hồ Chí Minh là nhận thức sâu sắc về tổng thể con người, về văn hóa. Tổng thể và văn hóa, tức là con người. Đó chính là tầm nhìn và cách tư duy để tìm kiếm con đường hiện đại, có thể rút ngắn đoạn đường, đi tắt để phát triển.
Nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) báo cáo kết quả SX với Chủ tịch Hồ Chí Minh (1958) |
Quán triệt điểm đặc sắc ấy của tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ tránh cho kinh tế rơi vào nền kinh tế thị trường hoang dã, chộp giật. Mà làm kinh tế, làm chính trị là để nhằm tôn vinh dân chủ, tức là người dân và con người. Nếu làm kinh tế thị trường đơn thuần và chính trị mang hàm nghĩa là những mưu lược, thì mục tiêu dù đạt được cũng dễ làm mất văn hóa, dễ “nuốt trôi” mất văn hóa. Ngược lại, xuất phát từ văn hóa, tức là từ con người thì sẽ nâng cao kinh tế và chính trị lên với những nội dung văn hóa được đưa vào. Nếu hiểu sâu sắc đặc điểm nổi trội ấy của tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ giúp hình thành một hệ thống giá trị chân chính của xã hội mới.
Từ nét đặc điểm nổi trội ấy mà nhận ra tinh thần Đại đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại đoàn kết để xây dựng xã hội mới. Mãi mãi Đại đoàn kết dân tộc. Nghĩa là với Hồ Chí Minh, trong quá trình tiến lên của cách mạng, mục tiêu, động lực và lực lượng không hề có sự sắp xếp loại bỏ, thay đổi, chỉ có sự nâng cao về chất mà không bớt đi về số tầng lớp, số người tham gia. Không có chuyện một bộ phận nào đó của nhân dân, một tầng lớp xã hội nào đó nửa chừng đứt gánh, không thể cùng chung con đường mình đang đi. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh có thể có những thay đổi về mục tiêu cụ thể, thay đổi về nhiệm vụ, chủ trương và phương pháp nhưng không có sự thay đổi về lực lượng cách mạng.
Cũng đã có một số người vì những lý do nào đó không thể đi theo Hồ Chí Minh, trong đó có người rất đau lòng, nuối tiếc vì hoàn cảnh bắt buộc và rồi sau đó họ quay trở lại với Hồ Chí Minh. Cũng có thể nói, ai đó tự loại trừ chính mình, chứ Hồ Chí Minh không loại trừ ai. Phải lưu ý nhấn mạnh điều này vì, cũng có người nhân danh cách mạng đã làm hoen ố sự chân thành, thủy chung như nhất của Hồ Chí Minh với khối Đại đoàn kết dân tộc.
Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh mùa Thu 1945 Nguồn: Triumph Forsaken |
Hồ Chí Minh rất coi trọng từng cá nhân trong cộng đồng dân tộc. Điều này gắn liền với giá trị tinh thần Việt Nam trong truyền thống văn hóa phương Đông đối với con người, và là biểu hiện xuyên suốt trong cuộc đời, trong sự nghiệp và trong tư tưởng bản chất người, bản chất dân tộc của Hồ Chí Minh. Có được điều ấy vì Hồ Chí Minh phải sống và hoạt động trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Những đốm lửa cách mạng được nhen nhóm từ trong điều kiện rất hiểm nghèo, khắc nghiệt của chế độ thuộc địa Pháp ở Việt Nam, phải chắt chiu, trân trọng gìn giữ và phát huy từng cá nhân con người, phải coi trọng từng cá nhân con người mới có thể thổi bùng lên ngọn lửa của Cách mạng Tháng Tám và ngọn lửa của các cuộc kháng chiến trường kỳ trong thế kỷ XX.
Hồ Chí Minh thực hiện một cách mẫu mực và chân thật sự bình đẳng của các cá nhân, không hề cường điệu, phân biệt giữa người bình thường với người giữ trọng trách, người ở cương vị cao chót vót. Hồ Chí Minh thường xuyên hỏi ý kiến các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước song đồng thời cũng sẵn sàng và thành thật hỏi ý kiến những đồng chí cấp dưỡng, lái xe, bảo vệ mình gặp hằng ngày.
Hồ Chí Minh nâng niu trân trọng con người, từng cá nhân con người, nhẫn nại thức tỉnh, giác ngộ, đào tạo từng người. Đi khắp năm châu bốn biển, ôm ấp một hoài bão lớn lao về giải phóng dân tộc mình, góp phần giải phóng loài người, nhưng khi trở về lại mảnh đất của quê hương, đất nước thì lại kiên trì giúp đỡ, dìu dắt, giác ngộ cho đồng bào của mình ở miền núi, từ việc nhẫn nại dạy chữ, giảng giải về hoạt động cách mạng để người đó có thể trực tiếp tham gia rồi dần dần trở thành người cán bộ cách mạng. Không chỉ là cá biệt một người, mà rất nhiều trường hợp khác cũng đã được Hồ Chí Minh trực tiếp dìu dắt, giúp đỡ mà trưởng thành. Biết đánh giá, sử dụng và phát huy từng người, cả đức và tài của họ. Trong rất nhiều trường hợp, nhất là trong những trường hợp có ý nghĩa lịch sử, thiên tài của Hồ Chí Minh thể hiện ra ở việc chọn rất đúng và rất trúng người đáp ứng được đòi hỏi của nhiệm vụ lịch sử ấy.
Hồ Chí Minh luôn tôn trọng, chăm lo, tạo điều kiện làm nảy nở và tạo dựng nên nhân cách của từng người. Hồ Chí Minh hiểu rõ thế nào là nhân cách, rất dễ dàng cảm thông, trân trọng nhân cách và cá tính của con người. Nếu nhớ lại rằng, do điều kiện đặc biệt của người chiến sĩ cách mạng, Hồ Chí Minh không có gia đình, không có được môi trường sống bình thường của một con người trong tình cảm, nghĩa vụ và ứng xử hằng ngày với ông bà, cha mẹ, vợ con, anh chị em… Hiểu như vậy mới thấy hết được cái lớn của tấm lòng cảm thông và cung cách ứng xử hằng ngày của Hồ Chí Minh với mọi người, với từng người.