Đất đai – không gian sống

Hầu như đa số các quốc gia không có cái gọi là Luật Đất đai như chúng ta đang có. Thay vào đó, nhà nước ban hành Luật Địa chính để quản lý hành chính các mảnh đất là đối tượng của các giao dịch dân sự. Ngoài ra, để quản lý nhà nước về đất đai trong quá trình phát triển kinh tế, một loạt các công cụ khác được các quốc gia sử dụng như Luật quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Môi trường và Luật Bảo vệ tài nguyên.

Thấy gì qua vụ “Đoàn Văn Vươn” ở Tiên Lãng, Hải Phòng

Vụ cưỡng chế của chính quyền huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng vào những ngày đầu năm 2012 với sự tham gia của lực lượng vũ trang nhằm thu hồi đất do ông Đoàn Văn Vươn sử dụng, cùng với sự chống trả quyết liệt của gia đình ông Vươn đã và đang trở thành một trong những sự kiện thời sự nổi bật. Hành vi vi phạm pháp luật của ông Vươn cũng như các sai phạm về cả pháp luật và đạo lý của cơ quan chính quyền trong vụ việc này đến nay đã trở nên rõ ràng với dư luận.

Câu chuyện bi thảm này, tuy nhiên, sẽ không thể được lý giải “tận gốc” và toàn diện nếu không trả lời được một câu hỏi có tính logic và hiển nhiên là: Tại sao ông Vươn, một người có học vấn, từng trải, đã tham gia bộ đội, lại dám liều mình và liều cả sinh mạng của gia đình mình vào cuộc đối đầu “một mất một còn” với chính quyền chỉ vì lý do liên quan đến chấm dứt một hợp đồng thuê đất sản xuất kinh doanh? Có phải ông Vươn và cả gia đình đã mất hết lý trí nên không ý thức được hậu quả các hành vi của mình? Tình huống này được chứng tỏ không phải. Vậy, phải chăng chỉ có một nguyên nhân chủ đạo và hợp lẽ tự nhiên, đó là ông Vươn và gia đình đã dường như cảm thấy bị dồn đến “đường cùng” cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, do vậy buộc phải phản kháng trong nỗi tuyệt vọng đến mức sẵn sàng chấp nhận mức độ cao nhất của sự hy sinh.

Cách lý giải nói trên có thể không dễ dàng được chia sẻ bởi những người ngoài cuộc. Bởi đối với họ, khu đất và diện tích đầm, hồ mà gia đình ông Vươn khai phá và sử dụng, cho dù tới hàng chục hecta đi nữa, cũng chỉ là một loại phương tiện sản xuất đi thuê của nhà nước nhằm kinh doanh sinh lời, hết thời hạn thuê thì phải trả lại để tính một bài toán làm ăn khác vẫn cho mục đích kiếm sống và làm giàu. Và theo cách giải thích của đại diện cơ quan chính quyền sở tại, việc gia đình ông Vươn phải trả lại đất sau khi hết hạn hợp đồng thuê là đương nhiên, cho nên nếu hành xử khác đi thì vấn đề còn lại chỉ đơn giản là “vi phạm pháp luật đất đai” và tất yếu phải bị “xử lý”…    

Hãy tạm gác các vấn đề chi tiết liên quan đến sự việc này sang một bên để tập trung vào khía cạnh sâu, gốc của câu chuyện “đất đai”, và hãy đóng vai là người trong cuộc để tự trả lời câu hỏi rằng khi nào thì mỗi chúng ta sẽ cảm thấy bị dồn đến “bước đường cùng”? Chắc chắn đó là khi ta cảm thấy rằng toàn bộ công sức, tâm huyết cả đời bỏ ra và các thành quả mang lại từ đó cùng với cả khát vọng, tình yêu và niềm đam mê đến mức như lẽ sống của ta bỗng chốc biến mất do bị ai đó tước đoạt. Và một khi tất cả những điều căn bản và thiêng liêng nhất của đời sống đó gắn liền với đất, vốn ban đầu từng là “sỏi đá” nay qua “sức người” đã biến “thành cơm”1, hay còn hơn thế như nhà thơ Chế Lan Viên đã khẳng định:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở ,
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” .2  

Đặt vấn đề như thế để muốn nói rằng: Phải chăng chúng ta đã vô tình tầm thường hóa đất đai? Và tầm thường hóa đất đai chính là tầm thường hóa đời sống con người?

Sai lầm căn bản trong nhận thức và cách tiếp cận về đất đai

Gần đây, khi phát biểu về vụ việc “Đoàn Văn Vươn”, cựu Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã chỉ ra nguyên nhân gốc rễ là chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Chế độ sở hữu này bắt đầu được thực hiện từ năm 1980 khi Nhà nước bằng Hiến pháp mới tuyên bố quốc hữu hóa đất đai và coi sở hữu toàn dân (được thực hiện thông qua người chủ thực tế là Nhà nước với tư cách là “đại diện của chủ sở hữu toàn dân”) như là một hình thức duy nhất về sở hữu đất đai tại Việt Nam. Nhìn lại chiều dài lịch sử xuyên suốt của dân tộc, hành động đó có lẽ là đầu tiên và duy nhất. Những hệ quả và hậu quả của việc làm này diễn ra trên thực tế mấy chục năm qua đã và đang được xem xét, đánh giá theo nhiều chiều và dưới nhiều góc độ khác nhau. Tại thời điểm hiện tại, bên thềm của các thảo luận về sửa đổi Hiến pháp và qua sự kiện “Đoàn Văn Vươn”, chúng ta có cơ hội và dữ kiện để bàn sâu, rộng thêm về vấn đề này.

Sai lầm thứ nhất: tách rời quyền sở hữu và quyền sử dụng đất.

Khi tuyên bố đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì Nhà làm luật đã bỏ qua một việc cần làm rõ: đất đai là gì và “nhân dân” là ai? Trên thực tế, không có “đất đai” chung chung mà chỉ có các thửa đất, khu đất cụ thể mới là đối tượng của quyền sở hữu. Còn “nhân dân”, đó chỉ là khái niệm mà không phải chủ thể của quyền sở hữu, nói một cách khác, chủ sở hữu phải là những con người cụ thể. Xin lưu ý rằng, sau đó Luật Đất đai đưa Nhà nước vào làm chủ thể của quyền sở hữu này thì cũng chỉ là một sự biến tướng theo kiểu chơi chữ mà thôi, vì câu hỏi tiếp theo sẽ là “Nhà nước là ai?” v.v.. và v.v..3

Vấn đề ở chỗ dù có thể tuyên bố thế nào chăng nữa thì thực tế và sự thật vẫn là các thửa đất và khu đất phải do ai đó cụ thể chiếm hữu và sử dụng. Khác với các đối tượng vật chất khác, việc chiếm hữu và sử dụng đất thể hiện một nhu cầu và đòi hỏi có tính đặc thù đó là tính ổn định về cả không gian và thời gian, chẳng hạn: không ai có thể di chuyển đất đi đâu được, cũng như không thể “sử dụng nhanh” một mảnh đất. Ngoài ra, giá trị của đất không phải là chính nó mà phụ thuộc vào bất động sản gắn liền với đất. Bất động sản (bao gồm mọi công trình xây dựng hoặc canh tác) đương nhiên do người sử dụng đất tạo ra. Mọi lao động sáng tạo như vậy đều gắn liền với các động cơ, mục tiêu và lợi ích nhất định. Thế nhưng, người sử dụng đất với tư cách là chủ thể duy nhất biến mọi mảnh đất thành vật có giá trị cho đời sống của họ lại không có quyền sở hữu đất. Nói một cách khác, các quyền của họ liên quan đến đất hay tài sản gắn liền với đất, có hay không, có đến bao nhiêu và như thế nào đều do một người khác định đoạt. Việc này có nghĩa rằng vể bản chất, người sử dụng đất đã không còn quyền được làm chủ thật sự đối với các giá trị do mình tạo ra gắn liền với đời sống và cuộc đời của họ. Và đó chính là mâu thuẫn và sự phản cảm lớn nhất khi nói tới câu chuyện này.  

Sai lầm thứ hai: chỉ coi đất đai là phương tiện sản xuất và tài sản vật chất.

Trong suốt một thời gian dài (cho tới khi chuyển sang kinh tế thị trường và thị trường bất động sản bắt đầu bùng nổ), đất đai chủ yếu được nhìn nhận như một loại “phương tiện”, (bên cạnh các loại phương tiện khác của đời sống do con người có thể tạo ra) dù đó là phương tiện để sinh hoạt hay sản xuất, kinh doanh. Do đó, để bảo đảm và duy trì quản lý phương tiện quan trọng này, chúng ta đã phân chia ra các loại đất khác nhau theo mục đích sử dụng, mỗi loại đất lại là đối tượng của một cơ chế quản lý riêng khác nhau (đất ở, đất nông nghiệp, đất công nghiệp, đất thương mại v.v..). Thậm chí, cùng một mục đích nhưng đất đai có thể được phân loại tiếp nữa tùy theo chủ thể sử dụng (trong nước, ngoài nước, quốc doanh, tư nhân v.v..). Sự bất hợp lý nằm ở chỗ, khác với các loại phương tiện của đời sống khác mà con người có thể làm ra được, không ai có thể sáng tạo ra đất. Và vì đất đai thuộc về tự nhiên và luôn luôn có giới hạn, con người không thể làm gì khác hơn là tạo ra sự luân chuyển về mục đích, tính chất và chủ thể sử dụng. Điều này, tuy nhiên, lại rất khó thực hiện bởi phụ thuộc vào các rào cản giấy phép của cơ chế hành chính. Do đó, các tình huống “lạm dụng” và “lách luật” đã diễn ra và trở thành phổ biến.

Hầu như đa số các quốc gia không có cái gọi là Luật Đất đai như chúng ta đang có. Thay vào đó, nhà nước ban hành Luật Địa chính để quản lý hành chính các mảnh đất là đối tượng của các giao dịch dân sự.

Đến thời kỳ bùng phát của thị trường bất động sản, cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa rộng khắp, đất đai không còn đóng vai trò là phương tiện chủ yếu như trước mà nhanh chóng được coi là loại tài sản có giá trị đặc biệt (bởi đơn giản nó không “nở ra” trong khi người thì đông lên). Do đó, xu hướng buôn bán đất, đầu cơ đất đã tự nhiên hình thành và thậm chí được hợp thức và khuyến khích bởi một loạt các cơ chế chính sách và pháp luật về cái gọi là “thị trường bất động sản”. Như một quy luật tự nhiên, việc phát triển các bất động sản cùng với quyền tự do kinh doanh đã tạo nên thị trường cho loại hàng hóa này. Tuy nhiên, việc quá nhấn mạnh đất đai là tài sản đã làm biến tướng thị trường thông thường này, làm cho nó trở thành “thị trường đất đai” trên thực tế. Đồng thời, bởi đất đai tự nó không phải là hàng hóa, do đó, các nghịch lý, mâu thuẫn đã diễn ra và một cuộc khủng hoảng về thị trường này xảy ra đương nhiên là điều không tránh khỏi.  

Sai lầm thứ ba: bỏ quên nguyên lý đất đai là không gian sống.  

Quay trở lại vụ việc “Đoàn Văn Vươn” chúng ta thấy một chân lý được tái khẳng định, đó là con người không thể sống thiếu đất hay tách rời khỏi đất. Đất không chỉ là “phương tiện” hay “tài sản”, mà hơn thế, nó là không gian sống theo cả ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Không gian sống đó không chỉ là hiện hữu mà còn bao gồm đầy đủ cả ba chiều kích về thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Đối với văn hóa người Việt, đất đai còn đồng nghĩa với “hương hỏa” tổ tiên và dòng họ. Chúng tôi đã chứng kiến một vụ việc tranh chấp ở một địa phương đang công nghiệp hóa, trong đó, một gia đình nông dân đã lập luận với chính quyền rằng họ chấp nhận cho “chủ đầu tư” sử dụng mảnh đất của gia đình để xây nhà máy cho thời hạn 30 năm theo chủ trương của Nhà nước, với điều kiện sau khi kết thúc thời hạn đó phải hoàn trả cho họ để bảo tồn được đất của ông, cha để lại.

Duy trì hình thức sở hữu nhà nước duy nhất về đất đai sẽ dẫn đến sự mất quyền kiểm soát của chính nhà nước về đất đai trên thực tế cho các mục tiêu quốc kế dân sinh, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho sự phát sinh các tiêu cực như lạm dụng, thao túng của các nhóm lợi ích cũng như quá trình tư nhân hóa đất đai một cách không minh bạch.

Theo ý nghĩa này, mặc dù coi hành động phản kháng của gia đình Đoàn Văn Vươn là một trường hợp cực đoan và nhất thời, chúng ta vẫn phải thừa nhận một tình trạng khác khá phổ biến đang diễn ra, đó là sự rỗi việc, trống rỗng, mất thăng bằng của nhiều gia đình và đi theo sau là các tệ nạn đang lan rộng tại các làng quê ven đô thị hoặc bên lề các khu công nghiệp sau khi đất đai bị lấy đi. Tại sao lại có hiện trạng này? Để trả lời sẽ có người lý giải cho rằng: người nông dân sau khi bị lấy mất đất để làm công nghiệp hay xây dựng khu đô thị sẽ được đền bù một khoản tiền lớn, và nguyên nhân của các tệ nạn phát sinh như đề cập ở trên đơn giản là do thiếu công ăn việc làm và không biết sử dụng tiền đúng cách. Điều đó đúng nhưng sẽ là không đủ cho một sự lý giải thấu đáo, bởi khi lấy đất để làm công nghiệp và đô thị chúng ta chỉ coi đất của người nông dân là “phương tiện” và “tài sản” mà quên rằng toàn bộ đời sống với các thói quen, tập quán và văn hóa lâu đời của họ đã bị đảo lộn vì không còn đất, cho dù đó có thể là ngôi nhà, khoảnh sân, mảnh vườn hay thửa ruộng cày cấy. Và nếu cho rằng sự đảo lộn đó nhằm hướng tới một sự phát triển đi lên theo ý nghĩa biến người nông dân thành công nhân công nghiệp và biến các làng quê thành đô thị thì liệu rằng người nông dân cùng với gia đình, dòng mạc và cộng đồng làng xã của họ có chấp nhận và thích nghi được chăng? Nhất là một khi quá trình thay đổi đó diễn ra nhanh chóng dưới sức ép của các quyết định hành chính như thời gian vừa qua?
Đất đai, nhìn từ góc độ khác, không chỉ là biểu trưng cho thói quen, tập quán và văn hóa mà còn là nguồn gốc và con đường sống của con người. Đó chính là khi người dân tự mình khai phá đất hoang, đất mới để tạo dựng cơ nghiệp và đời sống mà trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn là một điển hình. Các mảnh đất sau khi được khai khẩn, cải tạo và phát triển với mồ hôi và cả xương máu của những con người như vậy sẽ không chỉ là không gian tồn tại mà còn là chính là cuộc sống của họ.

Cần trả lại đất đai về với con người

Chấp nhận cách nhìn nhận và đặt vấn đề như trên, chúng ta hãy bắt đầu một quá trình nhận thức lại sau 30 năm quốc hữu hóa đất đai và thi hành Luật Đất đai. Trong một cuộc hội thảo khoa học (mở rộng) bàn về sửa đổi Luật Đất đai và Luật kinh doanh bất động sản do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tháng 11 năm 2011 tại Hà Nội, nhiều luật sư tham dự đã phát biểu rằng các Luật Đất đai được sửa đổi trong suốt giai đoạn vừa qua đã đi theo hướng ngày càng phức tạp và rắc rối, trong đó đỉnh cao là Luật Đất đai năm 2003 với các khái niệm và phạm trù mới khó hiểu và khó thuộc với ngay cả chính các luật sư. 

Bình tĩnh suy xét, chúng ta có cần phải có một Luật Đất đai rắc rối và phức tạp đến như vậy không? Và thậm chí có thực sự cần phải có cái Luật Đất đai đó hay không?

Quốc gia nào cũng có đất đai và họ phải đối mặt và giải quyết tất cả các vấn đề giống nhau liên quan đến đất đai trong đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, ổn định về chính trị và hài hòa, phong phú về xã hội. Tuy nhiên, hầu như đa số các quốc gia không có cái gọi là Luật Đất đai như chúng ta đang có. Thay vào đó, nhà nước ban hành Luật Địa chính để quản lý hành chính các mảnh đất là đối tượng của các giao dịch dân sự. Ngoài ra, để quản lý nhà nước về đất đai trong quá trình phát triển kinh tế, một loạt các công cụ khác được các quốc gia sử dụng như Luật quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Môi trường và Luật Bảo vệ tài nguyên. Câu hỏi đặt ra là phải chăng sự khác biệt của Việt Nam là ở chỗ chúng ta có sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước về đất đai? Sự thực không phải vậy bởi sở hữu nhà nước (hay sở hữu công, sở hữu của chính quyền) về đất đai vốn tồn tại ở khắp mọi nơi. Do đó, chúng là chỉ có một sự khác biệt đồng nghĩa với sự bất hợp lý, đó là tồn tại một loại hình sở hữu duy nhất về đất đai. Trong tự nhiên cũng như xã hội loài người không có cái gì được coi là duy nhất tồn tại. Nếu điều đó có sẽ đồng nghĩa với sự ngụy tạo. Duy trì hình thức sở hữu nhà nước duy nhất về đất đai sẽ dẫn đến sự mất quyền kiểm soát của chính nhà nước về đất đai trên thực tế cho các mục tiêu quốc kế dân sinh, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho sự phát sinh các tiêu cực như lạm dụng, thao túng của các nhóm lợi ích cũng như quá trình tư nhân hóa đất đai một cách không minh bạch.

Cải cách hệ thống quản lý về đất đai cần bắt đầu bằng tư duy từ con người và vì cuộc sống của con người. Thế giới đang đổi thay trong quan niệm phát triển. Thay vì nhấn mạnh công nghiệp hóa hay tăng trưởng kinh tế, người ta đang nói về bảo vệ và cải thiện môi trường sống. Đó là lối tư duy nhân bản, lấy đời sống con người làm trung tâm. Chính sách và pháp luật đất đai của nước ta cần sửa đổi sao cho đất đai thật sự gắn bó với con người, để cho mỗi con người ngày càng yêu quý và trân trọng đất đai hơn như yêu không gian sống và cuộc đời của chính họ. Có lẽ chính điều này là bài học sâu xa nhất rút ra từ vụ việc “Đoàn Văn Vươn”.

Tháng 2/2012

 —

1. Ý thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông trong “Bài ca vỡ đất”.

2. Hai câu trong bài thơ “Tiếng hát con tàu

3. Xin xem them quan điểm và phân tích của tác giả về vấn đề sở hữu đất đai trên Tạp chí Tia sáng, Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 19/10/2010.

Tác giả

(Visited 41 times, 1 visits today)