ĐBSCL: Sự bấp bênh nhân lực trong ứng phó biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự hiểu biết toàn diện và đưa vấn đề an ninh nhân lực vào kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu là điều quan trọng với cả ĐBSCL.

Thu hoạch lúa vụ hè thu 2021 ở Đồng Tháp. Ảnh: baodantoc.vn

“Vào đầu năm 2020, một đợt hạn hán khốc liệt đã xảy ra, các kênh rạch và sông ngòi gần như cạn khô. Tôi hầu như mất sạch cả vụ mùa và thu nhập”, “Mưa bão ngày một thường xuyên hơn đã ảnh hưởng đến sản lượng lúa và hành của chúng tôi, vì vậy thu nhập từ trồng trọt đã giảm xuống rất nhiều”, các nông dân ở Tiền Giang và Sóc Trăng chia sẻ với nhóm nhà nghiên cứu ở ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Wageningen, Liên minh Đa dạng sinh học quốc tế CIAT. 

Đó chỉ là một lát cắt về tác động của dị thường khí hậu lên hoạt động nông nghiệp. Ở khu vực ven biển, hàng loạt các mối đe dọa như hạn hán và xâm nhập mặn làm giảm thiểu năng suất mùa vụ và ảnh hưởng đến thu nhập từ nông nghiệp còn nhiệt độ tăng và lượng mưa khó dự đoán thúc đẩy hơn nữa sự lan tràn của sâu bệnh hại mùa và bệnh dịch. Những thách thức đó không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân mà còn làm suy yếu sức chống chịu, gia tăng nguy cơ nghèo đói và mất an ninh lương thực cho những khu vực vốn dĩ đã chịu nhiều tổn thương. 

Các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc phản hồi với những hệ quả bất lợi mà các cộng đồng phải đối mặt, bao gồm các hành động nhằm giảm thiểu tổn thương và tăng cường sức chống chịu với các nguy cơ liên quan đến khí hậu, ví dụ như thích ứng bằng việc trồng các loại giống có khả năng kháng mặn, cải thiện các kỹ thuật quản lý nước và đa dạng sinh kế. Tuy vậy không phải lúc nào các nỗ lực này cũng đem lại hiệu quả như mong muốn. Thậm chí trong một số trường hợp, việc thiết kế hoặc thực thi các biện pháp thích ứng không hiệu quả có thể làm tăng thêm nguy cơ tổn thương hoặc tạo ra những nguy cơ mới, dẫn đến việc kém thích nghi. Vậy làm thế nào chúng ta có thể tránh được điều đó? “Bằng việc áp dụng một cách tiếp cận đa chiều, chúng ta có thể hiểu tốt hơn về vô số cách thức mà biến đổi khí hậu có thể tác động đến đời sống và sinh kế cũng như sự hiệu quả của các chiến lược thích ứng trong giải quyết những thách thức đa diện”, các nhà nghiên cứu viết trong bài báo “Climate change and adaptation through the human security lens: insights from the Mekong Delta”, được xuất bản trên tạp chí International Development Planning Review (NXB Đại học Liverpool). 


Về tổng thể, những nghiên cứu hiện nay về tác động của biến đổi khí hậu lên hệ thống thực phẩm và dinh dưỡng như trái cây, hoa màu, tôm cá, đặc biệt ở khía cạnh tiếp cận, sử dụng và sự bền vững của nguồn lương thực lúc này còn giới hạn và những người nông dân vẫn chưa cảm nhận được đầy đủ.

Để hiểu rõ hơn vấn đề, họ đã xem xét tác động của biến đổi khí hậu và sự thích ứng thông qua khía cạnh an ninh nhân lực – một điều kiện mà nhờ nó, các cá nhân và cộng đồng có thể ứng phó với những đe dọa đến nhu cầu và quyền cơ bản của họ – bao gồm bảy khía cạnh là an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị.

Giữa những cách thức đó, đâu là cách thức ảnh hưởng nhiều nhất lên an ninh nhân lực của ĐBSCL? liệu chúng ta cần thay đổi hay bổ sung vấn đề gì để củng cố các chiến lược thích ứng nhằm chuẩn bị cho một tương lai bất định?

Mối lo lớn nhất là an ninh kinh tế và an ninh lương thực

Những hiểu biết hiện nay của chúng ta về tác động của biến đổi khí hậu lên vấn đề an ninh nhân lực ở ĐBSCL đã đầy đủ chưa? Câu hỏi này đặt ra khi xem xét các yếu tố khác nhau của an ninh nhân lực và đặt từng yếu tố này bối cảnh biến đổi khí hậu cũng như tác động qua lại giữa các yếu tố với nhau. 

Khi đối chiếu thông tin từ các nguồn tài liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu Web of Science và thực hiện phỏng vấn sâu trong năm 2022 về tác động của biến đổi khí hậu và hành động thích ứng ở  Sóc Trăng, Tiền Giang và Bạc Liêu – ba tỉnh ven biển ĐBCSCL chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu và các biến liên quan như nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán và lũ lụt, các nhà nghiên cứu cho biết, biến đổi khí hậu và các biến môi trường liên quan làm giảm sản lượng nông nghiệp và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng. 

Nhiều nông dân đã chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa màu, cây ăn trái. Ảnh: iStock

Những người nông dân có thu nhập phụ thuộc vào sản lượng nông nghiệp là nhóm bị tổn thương nhiều nhất, dẫn đến mất an ninh kinh tế và gia tăng nguy cơ di cư tới đô thị kiếm kế sinh nhai. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự ảnh hưởng đến an ninh lương thực của biến đổi khí hậu. Năng suất mùa vụ ở ĐBSCL được dự đoán là giảm 2,2 đến 5,6% vào năm 2030 và 6,3 đến 12% năm 2050. Là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng bậc nhất Việt Nam, ĐBSCL đóng vai trò trung tâm trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Vì thế, việc sản lượng lương thực sụt giảm ở đây cũng có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và hộ gia đình. 

Các cuộc phỏng vấn cho thấy, an ninh kinh tế là điều lo ngại lớn nhất liên quan đến biến đổi khí hậu của nhiều nông dân. Ví dụ nông dân ở Tiền Giang cho biết hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015- 2016 và 2019- 2020 ảnh hưởng trầm trọng đến sản lượng gạo và thu nhập gia đình; nông dân ở Sóc Trăng và Bạc Liêu cho biết lượng mưa lớn và bão ảnh hưởng đến sinh kế. Phần lớn nông dân trong vùng đều lo ngại về sự gia tăng của giá phân bón, nhiên liệu và các sản phẩm khác mà giá lúa lại không ổn định… Các vấn đề đó tạo thêm những thách thức trong đảm bảo lợi nhuận cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các nông hộ nhỏ. Tuy nhiên, bất ngờ là chỉ một số những người nông dân tham gia phỏng vấn coi mất an ninh lương thực là vấn đề trầm trọng mà họ phải đối diện. “Vì các điều kiện kinh tế của cộng đồng đã được cải thiện trong những năm qua, mất an ninh lương thực không phải là vấn đề với những người sống ở đây”, theo một nông dân ở Sóc Trăng. 


Theo Cơ sở dữ liệu các sự kiện khẩn cấp, những bệnh tật liên quan đến lụt lội là nguyên nhân dẫn đến số người chết cao nhất trong số người chết do bệnh ở ĐBSCL.

Hiện nay có rất nhiều cách hiểu khác nhau về an ninh lương thực. Có nguồn tài liệu lập luận, do sản lượng gạo bình quân đầu người ở ĐBSCL cao hơn mức tiêu thụ theo đầu người, vốn đang có xu hướng giảm theo thời gian, nên biến đổi khí hậu có thể không ảnh hưởng đến khả năng cung cấp gạo cho chính những người sống ở ĐBSCL. Nguồn tài liệu khác thì nhấn mạnh vào chính sách của chính phủ tập trung ưu tiên sản lượng lúa gạo và chưa quan tâm nhiều đến tiềm năng của giá trị dinh dưỡng và giá trị cao trên thị trường của nhiều sản phẩm khác như trái cây, hoa màu, tôm cá… trong khi đây cũng là những nguồn giàu dưỡng chất và protein, có thể đóng góp vào an ninh dinh dưỡng của ĐBSCL. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những sản phẩm này cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ví dụ như làm gia tăng tần suất xuất hiện dịch bệnh (ví dụ như bệnh đốm trắng ở tôm), phá hủy môi trường ao nuôi (ví dụ ô nhiễm nước). Về tổng thể, những nghiên cứu hiện nay về tác động của biến đổi khí hậu lên hệ thống thực phẩm và dinh dưỡng này, đặc biệt ở khía cạnh tiếp cận, sử dụng và sự bền vững của nguồn lương thực lúc này còn giới hạn và những người nông dân vẫn chưa cảm nhận được đầy đủ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, an ninh môi trường, đặc biệt là an ninh nguồn nước, là vấn đề mới nổi của ĐBSCL. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến an ninh môi trường thông qua việc làm thay đổi các hệ sinh thái, lún đất, thiếu nước, suy thoái rừng ngập mặn và ô nhiễm. Nhiều tác động nhân sinh như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số, thâm canh nông nghiệp… được coi là những động lực chính làm suy thoái các hệ sinh thái ở ĐBSCL nên biến đổi khí hậu và các biến môi trường làm gia tốc thêm quá trình này. Các giải pháp ngăn ngừa và kiểm soát của chính quyền và các hộ gia đình như xây dựng đê kè, đập và cống ngăn mặn, tuy có hiệu quả nhất định nhưng lại thường ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương. Có nghiên cứu bằng dữ liệu ảnh vệ tinh cho thấy sự thay đổi của môi trường do đập thủy lợi Ba Lai, một con sông lớn tại tỉnh Bến Tre: chất lượng nước của sông Ba Lai đã suy giảm và ngày một trở nên ô nhiễm. Chất lượng nước suy giảm dẫn đến sự suy thoái của các nguồn nước nuôi trồng thủy sản, qua đó ảnh hưởng đến sinh kế của nông dân sống phụ thuộc vào các nguồn lợi thủy sản đó. 

Công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé. Ảnh: VOV

Các hộ nông dân đã nhận thấy mối liên hệ giữa chất lượng nguồn nước và thu nhập của mình. “Chúng tôi không đủ nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như cho sinh hoạt trong thời kỳ hạn hán vào đầu năm 2020”, một nông dân ở Sóc Trăng kể; “Nước từ kênh quá ô nhiễm nên tôi còn không thể dẫn nước về ao tôm của mình”, một nông dân ở Bạc Liêu nói. Các cuộc phỏng vấn đều toát lên sự lo ngại về sự khan hiếm nước và ô nhiễm nước của người nông dân. Phần lớn những người nông dân đều nhắc lại tình trạng thiếu hụt nước cho sản xuất và sinh hoạt trong suốt những đợt hạn hán trầm trọng năm 2016 và 2020. Chất lượng nước cũng được quan tâm bởi nước kênh từ khu vực quanh các cửa cống thường ô nhiễm và có mùi rất kinh bởi nước không được lưu thông. 

Liên quan đến an ninh nguồn nước còn là tình trạng khai thác quá mức nước ngầm, thâm dụng đất đai, sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, ô nhiễm thượng nguồn…, trong đó khai thác nước ngầm làm tăng thêm nguy cơ lụt lội, lún đất, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt trầm trọng trong mùa khô.

Bên cạnh đó, an ninh sức khỏe với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thường liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng và vệ sinh, từ đó dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và bệnh do ký sinh trùng gây ra như sốt xuất huyết, tả. Những vấn đề sức khỏe liên quan đến khí hậu ở ĐBSCL chủ yếu bắt nguồn từ các cơn sốc khí hậu (ví dụ lụt lội, bão, sóng nhiệt) và tác động môi trường (ví dụ như ô nhiễm nước). Theo Cơ sở dữ liệu các sự kiện khẩn cấp, những bệnh tật liên quan đến lụt lội là nguyên nhân dẫn đến số người chết cao nhất trong số người chết do bệnh ở ĐBSCL. Thêm vào đó, các mức nhiệt cực đoan trong các sự kiện sóng nhiệt thường ảnh hưởng đến tỉ lệ tử vong và nhập viện cao. Nếu nhiệt độ tăng 1˚C thì nguy cơ nhập viện tăng 1,3%, trong đó đặc biệt cao với các bệnh truyền nhiễm và bệnh mãn tính. Thay đổi về khí hậu làm gia tăng số lượng nhập viện do các bệnh lây truyền qua ăn uống, khi chất lượng nước suy giảm và thiếu nước sinh hoạt. Thêm vào đó, tác động của biến đổi khí hậu đang được coi là ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần ở ĐBSCL, đặc biệt khi xảy ra các rủi ro như hạn hán và xâm nhập mặn. Tuy nhiên, phần nhiều người sống ở ĐBSCL chưa thật quan tâm đến ảnh hưởng của khí hậu tới sức khỏe. 


Biến đổi khí hậu, trong sự kết hợp với những nhân tố khác như khai thác nước ngầm, vận hành các đập thượng nguồn, dẫn đến tình trạng khan hiếm nước ngọt và xâm nhập mặn, một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thất bát mùa vụ, gia tăng tình trạng mất an ninh kinh tế. Điều này có thể dẫn đến gia tăng đói nghèo và bất bình đẳng. 

Tuy chưa thật rõ nét nhưng các nhà nghiên cứu cũng thấy bằng chứng về các vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Hầu hết hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng lên an sinh xã hội vẫn còn rất sơ khởi và mới chỉ thấy tác động gián tiếp. Ví dụ xây cơ sở hạ tầng thủy lợi có thể dẫn đến căng thẳng như đã diễn ra ở đập Ba Lại, Bến Tre, giữa các hộ trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, giữa các nông dân nuôi tôm và chính quyền địa phương. Tác động của khí hậu lên an ninh nhân lực bao hàm cả vấn đề xã hội. Một chủ hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu cũng dẫn chứng “Khi mực nước trong ruộng lúa lên quá cao do mưa dài ngày, người trồng lúa thường bơm nước ra khỏi ruộng  vào kênh chung. Không biết điều đó, chúng tôi dẫn nước từ kênh vào thẳng ao tôm của mình, tôm của tôi đã chết vì hóa chất trồng lúa đã làm ô nhiễm nước”.

Khi xem xét các khía cạnh khác nhau của an ninh nhân lực ở ĐBSCL, các nhà nghiên cứu cho rằng, biến đổi khí hậu, trong sự kết hợp với những nhân tố khác như khai thác nước ngầm, vận hành các đập thượng nguồn, dẫn đến tình trạng khan hiếm nước ngọt và xâm nhập mặn, một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thất bát mùa vụ, gia tăng tình trạng mất an ninh kinh tế. Điều này có thể dẫn đến gia tăng đói nghèo và bất bình đẳng. 

Những vấn đề này có thể kích hoạt các vấn đề xã hội khác. Một trong những ví dụ điển hình là hiện tượng di cư. Theo Cục Thống kê quốc gia, 1,3 triệu người di cư khỏi ĐBSCL trong 10 năm qua, nhiều hơn dân số của một tỉnh trong vùng. Phần lớn người dân di cư đều làm công nhân của các khu công nghiệp nhằm cải thiện điều kiện kinh tế, tuy nhiên biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân bên trong. “Một số làng ở huyện của chúng tôi hầu như vắng người vì ai cũng chuyển tới nơi khác. Sản xuất nông nghiệp không còn đem lại lời lãi nữa, vì vậy họ đành bỏ hoang mảnh đất trồng cấy”, một người ở Sóc Trăng kể. Sự suy giảm năng suất mà lại tăng nguy cơ rủi ro khiến thu nhập bấp bênh là lực đẩy đưa người nông dân đi tìm kiếm những nguồn thu và cơ hội khác. Di cư thường được coi là một chiến lược thích ứng nhưng lại tạo ra tình trạng mất an ninh nhân lực, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe và giáo dục của họ và gia đình ở nơi đến. 

Giải pháp thích ứng khí hậu từ góc độ an ninh nhân lực

Các chiến lược thích ứng khí hậu được coi là giảm đi tác động của biến đổi khí hậu và cải thiện an ninh nhân lực. Ở ĐBSCL, việc phát triển cơ sở hạ tầng và áp dụng các chiến lược thích ứng trong sản xuất nông nghiệp đã được coi là giải pháp quan trọng. Những cơ sở hạ tầng quy mô lớn như đê kè biển, cửa cống đã được xây dựng ở nhiều tỉnh ven biển để kiểm soát xâm nhập mặn và giữ nước ngọt cày cấy. Một vài công trình trong số đó là dự án Quản Lộ – Phụng Hiệp với vốn vay từ World Bank, dự án quản lý nước ở Bến Tre vốn vay từ Nhật Bản và gần đây là dự án quản lý nước Cái Lớn – Cái Bé bao phủ sáu tỉnh ĐBSCL do ngân sách đầu tư của chính phủ. Không thể không nhận thấy mặt tích cực của các dự án lớn này là đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân, đóng góp vào an ninh lương thực và kinh tế nhưng cũng không thể không quan tâm đến một số hệ quả có thể tới của nó, liên quan đến môi trường về lâu dài. 


Chính sách thích ứng khí hậu cần cân bằng giữa giải pháp ngắn hạn và dài hạn cũng như xem xét các như cầu trước mắt của cộng đồng trong khi đầu tư vào các giải pháp dài hạn để xây dựng sức chống chịu của cộng đồng trước những thách thức khí hậu tương lai.

Trong thời gian gần đây, đã bắt đầu có sự chuyển hướng chính sách đa dạng hóa hệ thống sản xuất nông nghiệp, tập trung vào nhu cầu thị trường và chất lượng hơn là sản lượng như Nghị quyết 120 của Chính phủ đã nêu. Ở cấp độ địa phương, các cuộc phỏng vấn các hộ nông dân cho thấy họ khá năng động trong các hoạt động thích ứng, ví dụ nhiều nông dân trồng lúa ở Gò Công, Tiền Giang đã chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái sau đợt hạn hán và xâm nhập mặn năm 2020 khi nhận thấy rau và cây ăn quả cần ít nước tưới hơn. Nhiều nông dân ở Bạc Liêu áp dụng mô hình tôm lúa, tuy nhiên về lâu dài, việc áp dụng các mô hình mới có thể không đem lại kết quả khi có thể vấp phải các vấn đề như thị trường tôm cung vượt cầu, các vấn đề kỹ thuật nuôi tôm, mất mát các diện tích rừng ngập mặn, giảm thiểu đa dạng sinh học. Các vấn đề này cho thấy các khía cạnh của an ninh nhân lực như an ninh môi trường và kinh tế sẽ phải hứng chịu tác động của suy giảm hệ sinh thái và làm lợi nhuận từ nuôi tôm giảm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, cần có thêm nhiều hiểu biết hơn nữa về tác động của biến đổi khí hậu và sự thích ứng thông qua khía cạnh an ninh nhân lực cho ĐBSCL để xây dựng các chiến lược thích ứng tốt hơn. Do ĐBSCL khó tránh khỏi tác động của biến đổi khí hậu nên việc hoàn thiện và củng cố các chiến lược thích ứng sẽ là điều quan trọng trong tương lai, trong đó cách tiếp cận an ninh nhân lực toàn diện sẽ là một gợi ý. 

Hiện tại, vẫn còn ít nghiên cứu để hiểu sâu hơn động lực và kết nối giữa các nhân tố của an ninh nhân lực trong khi nhìn từ lăng kính an ninh nhân lực sẽ giúp tạo ra các chiến lược thích ứng lấy con người làm trung tâm hơn là lấy cơ quan quản lý nhà nước làm trung tâm. Với ĐBSCL, điều đó có nghĩa cần nhiều nghiên cứu tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương là các hộ tiểu nông, các nhóm dân tộc thiểu số, phụ nữ để xem xét các khía cạnh khác nhau của an ninh nhân lực khiến họ bị tổn thương như thế nào và tìm hiểu về sự đánh đổi giữa biến đổi khí hậu và các chính sách thích ứng, giảm thiểu. Việc nhìn từ góc độ an ninh nhân lực cho phép nhìn vào những rủi ro của khí hậu ở một phạm vi kinh tế, xã hội ở phạm vi rộng hơn, giúp thấy được các khoảng trống mà chính sách và khoa học vẫn chưa chạm tới.

Một trong những cách để hoàn thiện hơn các chính sách thích ứng là hiểu được mối quan hệ phức tạp giữa biến đổi khí hậu, an ninh nhân lực và di cư. Khi đó, các nhà hoạch định chính sách có thể hiểu được nguyên nhân gốc rễ và hệ quả của hiện tượng này, và hình thành các biện pháp can thiệp nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản khiến người dân phải rời nhà, qua đó làm tăng cường sức chống chịu của cộng đồng địa phương. 

Khi nhìn lại các hệ quả ngắn hạn và dài hạn trong các chiến lược chống biến đổi khí hậu, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, các biện pháp ngắn hạn như thay đổi cơ sở hạ tầng có thể đem lại lợi ích nhanh chóng và làm hạ nhiệt các vấn đề cấp bách. Tuy nhiên những hành động này không giải quyết được nguyên ngân tổn thương do khí hậu và có thể dẫn đến những hệ quả dài hạn. Ví dụ, xây hồ đập có thể giải quyết vấn đề khan hiếm nước ngay nhưng có thể phá vỡ các hệ sinh thái và các cộng đồng sinh sống ở hạ nguồn trong tương lai. Nói cách khác, các chiến lược dài hạn, hướng đến môi trường có sức chống chịu cao như đầu tư vào năng lượng tái tạo, phục hồi rừng ngập mặn, nông nghiệp bền vững… có thể cần đến những khoản đầu tư lớn, dài hạn và không đem lại những lợi ích cấp tốc nhưng lại đóng vai trò cốt lõi trong đảm bảo an ninh nhân lực và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai. Do vậy, chính sách thích ứng khí hậu cần cân bằng giữa giải pháp ngắn hạn và dài hạn cũng như xem xét các nhu cầu trước mắt của cộng đồng trong khi đầu tư vào các giải pháp dài hạn để xây dựng sức chống chịu của cộng đồng trước những thách thức khí hậu tương lai.□

Bài đăng Tia Sáng số 12/2025

Tác giả

(Visited 22 times, 22 visits today)