Để hạt gạo thoát thân phận “chiếu dưới” ?

Sự kiện gạo ST25 của Việt Nam (VN) được vinh dự trao giải nhất thế giới vào tháng 11/ 2019 tại cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” (World’s Best Rice) tổ chức tại Philippines đã khiến người Việt, nhất là người nông dân, các nhà khoa học (KH) nông nghiệp và giới doanh nhân xuất nhập khẩu nông sản tự hào. Đây là sự thừa nhận của cộng đồng thế giới về phẩm cấp của hạt gạo VN, và điều đó cũng khẳng định: từ đây vị thế thương hiệu của hạt gạo Việt đã bước sang một trang sử mới, lấy chất lượng và giá trị gia tăng trong chuỗi hàng hóa làm thước đo. Đó lại là công trình của nhóm tác giả thuộc công ty tư nhân nhỏ mang tên Hồ Quang Trí, có trụ sở tại một nơi thôn dã: Ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; nhiều năm qua, họ tự tiến hành các nghiên cứu (NC) đầy khó khăn và thách thức để vươn tới đỉnh cao về đẳng cấp hạt gạo mà không hề có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Nhìn vào thành quả của công ty Hồ Quang Trí, chúng ta thấy nhiều điều đáng suy ngẫm về cách thức tổ chức NC giống lúa ở khu vực công mấy chục năm nay.


Kỹ sư Hồ Quang Cua và sản phẩm gạo ST25. 

Không thể tiếp tục trọng số lượng

Trên 30 năm đổi mới, 30 năm xuất khẩu gạo, với sự vào cuộc của đội ngũ các cán bộ KHCN làm về di truyền và chọn tạo giống lúa của hàng trăm viện, trường, với hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho việc chọn tạo giống lúa, chúng ta đã đạt được nhiều thành tích: Tính riêng giai đoạn 2009 – 2017, Bộ NN&PTNT công nhận 309 giống cây trồng và 203 tiến bộ kỹ thuật mới, các giống lúa do VN chọn tạo được chuyển giao và ứng dụng đạt 4,6 triệu ha, chiếm 59% diện tích lúa cả nước. Đến năm 2018, đã có đến 800 tiêu chuẩn, 210 quy chuẩn kỹ thuật được công nhận, ban hành và áp dụng hiệu quả; KH&CN ứng dụng vào sản xuất có những bước phát triển vượt bậc, làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp (NN), các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 30%, v.v… 

Nhưng cũng có một thực tế là, chúng ta vẫn chưa thể nâng tầm hạt gạo Việt thoát khỏi thân phận ‘chiếu dưới’: giá rẻ, chất lượng thấp, không thương hiệu, chuỗi ngành hàng ngắn, bấp bênh, mở được thị trường nhưng chưa làm chủ được thị trường. Các nhà xuất nhập khẩu gạo thế giới nhìn hạt gạo VN với con mắt thiếu tôn trọng, nên chỉ có các thị trường dễ tính như châu Phi, Trung Quốc và vài nước Đông Nam Á ngó ngàng tới, mặc cho VN vẫn tự hào là một trong các cường quốc về xuất khẩu nông sản. Tệ hơn, chúng ta còn để mất thị trường ‘ngay trên sân nhà’, khi tầng lớp trung lưu và thị dân xa rời dần hạt gạo Việt, họ tìm đến với gạo Thái, gạo Campuchia. Không phải người ta không biết đến thực trạng này, nên cả Nhà nước, người dân, nhà KH và đội ngũ doanh nhân đã loay hoay tìm lối bứt phá, nhằm thoát khỏi phân khúc thị trường lúa gạo giá rẻ.

Ấy thế mà (nhưng hoàn toàn không bất ngờ), chiếm lĩnh vị trí danh giá nhất của công tác giống lúa VN lại là một nhóm các nhà NC ‘tư nhân’. Giống lúa ST25 của họ đã trở thành một trong những điểm sáng nhất về KH&CN nông nghiệp của năm 2019, giống lúa đã mở ra cơ hội vàng cho ngành lúa gạo nước ta. Sự kỳ diệu ấy được kĩ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của các giống lúa mang tên Sóc Trăng (ST) quê hương ông, trần tình giản dị: muốn có thành công thì phải có khát vọng, phải biết dấn thân, kiên trì đi theo hướng mà mình tin là đúng, không chạy theo tiền bạc, không bon chen hư danh… Ông nửa đùa nửa thật bảo, nếu tôi mà cũng ‘làm đề tài’ nhà nước thì có lẽ bây giờ khó có được ST25 mà chỉ có các đống báo cáo ‘KH ’ được viết theo đúng qui định và các giống lúa ‘có cô thì chợ cũng đông’ mà thôi! 

Nhóm NC của ông gồm các nhà KH  cùng chí hướng, cùng đam mê, nhiệt huyết, với tâm niệm ‘hãy bắt đầu từ những gì ta có’. Họ biết chắt chiu, dành dụm và sử dụng với trách nhiệm cao nhất, tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất từng đồng tiền, từng chút kiến thức, từng mảnh kĩ năng mồ hôi nước mắt mà họ đã dành dụm và tích lũy được để kiên trì, và miệt mài lai tạo, chọn lọc giống theo hướng lúa thơm, chất lượng cao, chống chịu tốt, thích ứng rộng. 

Nhớ lại, khi giống lúa ST20 ra đời vào năm 2011 cũng là lúc một công sự thân tín của ông, Tiến sỹ Trần Tấn Phương, bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ tại trường Đại học NN I – Hà Nội, khẳng định lý thuyết KH của nhóm xuất phát từ thực tiễn NC và sản xuất lúa thơm chất lượng cao ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là đúng hướng, có tính khả thi cao. Và họ tiếp tục vững bước cho ra đời các giống lúa thơm chất lượng cao khác, đều là kết quả của các tổ hợp lai phức hợp gồm nhiều giống bố mẹ, trong đó hội tụ nhiều đặc tính ưu việt: dẻo, thơm, ngon, bổ dưỡng, sạch (vì canh tác hữu cơ). Đồng thời, ST25 còn có các đặc tính vượt trội về phòng chống bệnh (nên ít dùng thuốc bảo vệ thực vật), kháng mặn và đặc biệt là có tính thích ứng rộng (gieo trồng được nhiều vụ trong năm, ở nhiều vùng sinh thái khác nhau) và có năng suất khá cao.

Kỹ sư Hồ Quang Cua được phong tặng Anh hùng lao động, nhóm của ông được 7 Huân chương lao động của Chủ tịch nước, 2 giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ NN&PTNT. Nhưng điều vinh dự hơn cả có lẽ là sự ghi nhận của lòng dân. Người ta đã nhiều lần chứng kiến những người nông dân chân chất của khắp các huyện nghèo ở Sóc Trăng từ Mỹ Tú, Kế sách, Cù lao Dung, Thạnh Trị đến Vĩnh Châu, Ngã Năm, Mỹ Xuyên và trên các miền quê khác, từ Tây Nguyên cho đến Nam Định, vui mừng và thân thiết như thế nào khi gặp ông Cua, họ gọi ông là ‘ông kỹ sư’ trọng thị và thành kính. 
Nhưng kết quả của ST25 cũng khiến ta phải đặt lại câu hỏi là tại sao đến tận những ngày cuối năm 2019 vừa qua, sau 30 năm xuất khẩu, hạt gạo VN lần đầu tiên mới được thế giới vinh danh nhờ sự góp mặt của ST25? 


 Nhiều người lo ngại gạo Việt lép vế ngay trên sân nhà, khi gạo Thái, gạo Campuchia ngày càng được ưa chuộng hơn. Nguồn: internet.

Những vấn đề thuộc về quản lý KH&CN

Nguyên nhân có nhiều, trong đó có ‘những vấn đề do lịch sử để lại’, và có những vấn đề thuộc về quản lý KH&CN.

Lịch sử NN trong những năm cận đại và hiện đại cho thấy, đất nước ta, nhất là miền Bắc và miền Trung, luôn bị nạn đói đe dọa, đã nhiều lần bị chìm trong nạn thiếu hụt lương thực kinh niên, phải chăng điều ấy đã sinh ra nền NN số lượng? Cho nên ‘đua nhau’ tăng năng suất, tăng sản lượng, từ 1 vụ thành 2 vụ rồi 3-4 vụ. Rồi luân canh, xen canh, gối vụ, du nhập và chọn tạo các giống chịu thâm canh, thâm dụng tài nguyên đất, nước, thâm dụng lao động, phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất và sản lượng cao nhất. Nhưng, như một lẽ tự nhiên không vui, vì thế ta lại trở thành một quốc gia nhập khẩu máy móc, thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, thức ăn chăn nuôi… một sự đánh đổi từ phụ thuộc về lương thực sang phụ thuộc ‘đầu vào’ trong sản xuất nông nghiệp. 

Và cũng vì tư duy nặng ‘tích cốc phòng cơ’ nên ta vẫn chưa thể chuyển hướng sang xây dựng một nền NN hàng hóa lấy chất lượng và giá trị gia tăng theo chuỗi ngành hàng nông sản và thu nhập của nhà nông làm thước đo của sự phát triển. Chúng ta cũng chậm trễ trong việc thiết kế lại tổ chức sản xuất và tổ chức thị trường phù hợp với lợi thế, tiềm năng.

Còn về mặt quản lý KH thì sao, lề thói của chúng ta dường như vẫn còn mang dấu ấn của thời kỳ quan liêu bao cấp, kế hoạch hóa tập trung, nặng về đảm bảo thủ tục hành chính và chứng từ tài chính. Cung cách quản lý KH&CN ấy đã làm mỏi mệt các nhà KH chân chính. NCKH là để tìm hiểu và phát minh ra những cái mới, những cái chưa biết, hoặc là để hoàn thiện thêm, làm tốt hơn những gì đã có; nhưng theo hồ sơ đăng ký đề tài các cấp hiện hành thì dù chưa biết cũng phải dự kiến sau 2-3 năm có sản phẩm gì, qua những sản phẩm trung gian nào, đã có kế hoạch sử dụng hết bao nhiêu hóa chất, đã có kế hoạch phân tích kế hoạch chi tiêu bao nhiêu chỉ tiêu, địa chỉ ứng dụng ở đâu, kết quả thế nào. Các kết quả NC ấy lại phải ra đời đúng tiến độ, theo đúng kế hoạch về thời gian và tiền bạc đã được duyệt, nếu sai khác đi thì phải làm các thủ tục điều chỉnh khá phức tạp. Trong khi đó, ở một trường đại học bên Bỉ, theo một bài báo gần đây, với 1000 GS và 2000 đề tài, dự án KH&CN hằng năm, nhưng chỉ cần có một kế toán viên!

Chúng ta nhìn lại cách thức công ty tư nhân Hồ Quang Trí làm NC và phát triển công nghệ trong điều kiện gần như không có phòng thí nghiệm, cái gì thật cần thiết thì đi thuê các phòng thí nghiệm uy tín phân tích, nhiều khi phải mang mẫu vật ra tận Hà Nội. Họ đã dũng cảm và đam mê thực hiện hàng loạt đề tài ‘tư nhân’ cấp công ty, cấp gia đình và đã rất thành công mà nếu đưa ra các hội đồng còn mang nặng tính hành chính trong khu vực quốc doanh như ta vẫn thường thấy, thì chắc chắn sẽ khó được duyệt, khó được nghiệm thu, vì không theo các thể thức, quy định hiện hành. Có lẽ mấu chốt của sự khác biệt là ở chỗ: hình như ở xứ ta, NCKH và ‘làm đề tài NC nhà nước’ chưa hẳn đã là một; có lúc chúng còn khác nhau về bản chất.

Tổ chức lại nghiên cứu và sản xuất

Rõ ràng là, có nhiều yếu tố cần phải được tổ chức lại, như cần phải tổ chức NC, tổ chức sản xuất giống, tổ chức sản xuất lúa hàng hóa, tổ chức chế biến và tổ chức thị trường sao cho tối ưu để mang lại ‘cơ hội vàng’ cho hạt gạo VN, cho nông sản VN. Nhưng trước hết có lẽ nên tập trung vào ba nhóm yếu tố quan trọng nhất để nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa:

(1) Để ngày càng có nhiều nông sản được công nhận ở quy mô quốc tế, thì KH&CN phải giải các bài toán đang và sẽ đặt ra cho thực tiễn ngành NN VN, trong đó công tác giống phải được đưa lên hàng đầu.

Giống tốt là những giống phải tích hợp được nhiều tính trạng vượt trội: chất lượng cao, năng suất ‘chấp nhận được’, an toàn thực phẩm và an toàn sinh học, vừa là thức ăn vừa là dược liệu, chống chịu tốt với thời tiết, sâu bệnh (giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật) thích ứng rộng. Đây là công việc của các nhà KH. Đồng thời, các nhà KH, tác giả của các giống chất lượng cao mang thương hiệu quốc gia cần liên tục cải tiến giống. 

Về phía quản lý nhà nước, cần sớm ban hành danh mục giống lúa (cũng như các giống cây trồngg khác) để xây dựng thương hiệu quốc gia và các quy chuẩn tương thích của từng giống, ban hành chỉ dẫn địa lý và xuất xứ cho từng giống, tiêu chuẩn độ thuần của gạo để cấp quyền sử dụng thương hiệu quốc gia, xây dựng chuẩn mực cho gạo thơm, gạo chất lượng cao quốc gia, và các chuẩn này liên tục được nâng lên hằng năm qua các cuộc thi. Các doanh nghiệp tự xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình theo những quy chuẩn do Nhà nước ban hành, khi đó nhà nước mới cho doanh nghiệp được phép mang thương hiệu quốc gia của một mặt hàng nông sản nào đó. Doanh nghiệp khắc phục bằng được điểm yếu trong khâu tổ chức sản xuất và chế biến hạt giống, phát triển ngành công nghiệp hạt giống xứng tầm với vị thế của một cường quốc về nông nghiệp, của một dân tộc có nền văn minh lúa nước.

Để thực hiện nghiêm túc việc bảo hộ quyền tác giả, bộ KH&CN phải đồng hành với các nhà KH trong việc công nhận sở hữu trí tuệ, bản quyền, tăng cường áp dụng chỉ dẫn địa lý và nguồn gốc xuất xứ nông sản… Từ đó hình thành nền công nghiệp hạt giống – khâu yếu nhất trong sản xuất NN của chúng ta hiện nay.

Quản lý chặt chẽ thị trường giống, ai kinh doanh giống giả, giống kém chất lượng thì phải xử lý thích đáng, thậm chí có nguy cơ bị sạt nghiệp; từ đó hạn chế, tiến tới xóa bỏ thị trường giống giả, giống nhái. Nếu nhà nước cứ để thật giả lẫn lộn như hiện nay, để cho các nhà KH và nông dân phải tự loay hoay chống đỡ với nạn giống giả, gạo giả, thì sẽ rất khó phát triển và củng cố thị trường giống cây trồng lành mạnh, củng cố và nâng tầm các nông sản có uy tín như ST25.

(2) Tổ chức sản xuất: Việc đầu tiên là phải quy hoạch định hướng thị trường cho các vùng nguyên liệu chủ lực đủ lớn, trên cơ sở nông dân liên kết cùng nông dân với sự hỗ trợ và vào cuộc thực sự của các doanh nghiệp trong việc cung cấp các yếu tố đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, trong đó có việc xây dựng các loại kho chứa, nhà máy xay xát, các thiết bị chế biến sâu và hệ thống logistis đi cùng; nhà nước hỗ trợ về cơ sở hạ tầng (giao thông, hệ thống thủy lợi, cảng biển, cảng sông, kho chứa), hỗ trợ vốn, lãi suất, thúc đẩy kết nối thị trường… từ đó hình thành các ‘đại nông’ trên cơ sở các ‘đơn vị cấu thành’ là các ‘tiểu nông’ và ‘trung nông’; nhờ thế mới có thể đẩy mạnh cơ giới hóa để tăng năng suất lao động, từ đó hình thành các chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra do doanh nghiệp dẫn dắt và một tầng lớp nông dân biết kinh doanh nông nghiệp, biết mở mang kinh tế nông thôn; hình thành nền công nghiệp lúa gạo, công nghiệp trái cây, các Agroholding (tạm dịch là các công ty cổ phần nông nghiệp)…

Việc tổ chức lại sản xuất không phải chỉ có vai trò của Bộ NN&PTNT, mà cần tới sự đồng hành của doanh nghiệp, của các bộ ngành liên quan, khơi dậy niềm tự hào, tính kỷ luật của người nông dân, thực hành NN tốt, sản xuất theo các quy trình và tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, tổ chức tốt các liên kết ngang và liên kết dọc. 

Chúng ta không lo thiếu thị trường nếu có nông sản chất lượng cao, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Như hiện nay ST25 đã tạo một cơn sốt thực sự trong thị trường nội địa, nếu như trước đây chỉ bán được chừng 30 tấn/ngày, thì nay nhu cầu lên tới 300 tấn/ngày và còn tiếp tục tăng. 

(3) Tổ chức thị trường: Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các tổ chức có liên quan như Hiệp hội lương thực, Tổng công ty lương thực các vùng miền, Bộ Công thương lo mở thị trường, xúc tiến thương mại, đưa hạt gạo và các nông sản VN khác ra với thế giới. Tuy vậy phải lường trước rủi ro của thị trường để có cái nhìn dài hạn, tránh ‘ăn sổi’, và hơn nữa phải đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu, kéo dài chuỗi giá trị nông sản, nâng cao giá trị gia tăng, để nhờ đó, chúng ta có thể làm chủ thị trường ở mức độ cao hơn, vì chúng ta làm chủ nguồn hàng, chủ động hơn về giá cả. 

Làm được vậy sẽ không còn cảnh cam, bưởi… bán rẻ như cho giữa mùa trái cây rộ nhất, hay trái thanh long phải cho bò ăn và các chiến dịch ‘giải cứu’ nông sản do cung vượt cầu quá lớn cũng sẽ được giảm thiểu.

Quay trở lại ST 25, rõ ràng nhà nước, trong đó có trách nhiệm của những người làm quản lý KH, phải làm sao để người dân trồng lúa thơm chất lượng cao này thực sự có lãi, có thị trường. Đừng để ST 25 trở thành tấm huy chương treo cao để nhớ về một thời huy hoàng đã qua như ĐS1, RVT, Jasmine 85, Hương Lài, Nàng Hoa 9, Đài thơm 8 và các giống lúa có gạo ngon nức tiếng một thời khác nhưng không vươn xa được. 

Nhìn từ sự thành công của ST25 và sự ra đời của các quỹ NC tư nhân gần đây như của Vingroup, Phenikaa, với cung cách quản lý cởi mở, tin tưởng và tôn trọng thực tài, thì có nhiều bài học rút ra để, sẽ mở ra một cách làm mới, tiếp cận mới cho công tác NCKH và quản lý KH&CN của nhà nước. Với các NC ứng dụng, phục vụ trực tiếp quốc kế dân sinh, nhà nước cần có các Chương trình KHCN định hướng mục tiêu theo các sản phẩm quốc gia lâu dài (lên tới vài ba mươi năm), với số lượng và chất lượng rõ ràng, có thể đo đếm được, từ đó xác lập các đề tài nghiên cứu, các dự án triển khai theo mục tiêu của kết quả đầu ra (mong đợi) cuối cùng, qua hàng loạt các sản phẩm trung gian. Các nhà KH, không cứ bằng cấp hay chức danh, nhà nước, tập thể hay tư nhân đều có quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau trong việc đấu thầu theo các sản phẩm đầu ra (KPIs) cuối cùng hay các sản phẩm trung gian nào đó; hoặc là nhà nước đi tìm người tài để giao việc (kiểu như các nhà tổ chức giải Nobel đi tìm người tài để trao giải chứ không bắt các nhà KH phải làm đơn xin rồi xét duyệt, nghiệm thu). Kinh phí giao theo KPIs do Nhà nước đặt hàng hoặc do các nhà KH hay tổ chức KHCN đăng ký. (Tất nhiên cách làm này chỉ với các NC ứng dụng, còn các NC cơ bản thì có đặc thù khác).

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)