Để tăng trưởng đi cùng phát triển
Với những nỗ lực to lớn, trong những năm vừa qua Việt Nam đã tạo được những xung lực mới cho quá trình phát triển, đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng, vượt qua tác động tiêu cực của khủng hoảng toàn cầu và duy trì được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hằng năm bình quân khoảng 7,0%, về cơ bản bảo đảm an sinh xã hội. Mốc vượt qua ngưỡng nước nghèo, bước vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình đang tạo đà rất quan trọng cho thời kỳ của những chiến lược phát triển mới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có vấn đề chúng ta mới chỉ đạt được thành tích trong tăng trưởng, mà chưa thực sự phát triển (tức là yếu tố chất lượng và tính cân đối, hài hòa còn đang ở mức độ sơ khai, chưa thực sự hiện hữu), tình trạng suy thoái môi trường và hậu quả của biến đổi khí hậu khôn lường. Yếu tố chất lượng và cân đối của tăng trưởng (tức là phát triển) là một trong số những biến số quan trọng nhất trong tiến trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong những thập niên tới.
Mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển
Để có cách hiểu chung, cần nêu lại một cách khái quát 2 khái niệm tăng trưởng và phát triển. Tăng trưởng chỉ là sự gia tăng về lượng; còn Phát triển chỉ sự gia tăng về chất và đảm bảo yếu tố cân đối, hài hòa. Như vậy, khi nói tăng trưởng kinh tế là chỉ sự gia tăng về lượng của những chỉ tiêu đặc trưng cho một trạng thái kinh tế. Còn phát triển kinh tế chỉ sự gia tăng đạt được đi kèm những đòi hỏi về chất lượng, về sự cân đối hài hoà.
Trong Báo cáo về phát triển thế giới 1992: “Phát triển và môi trường”, nội dung của sự phát triển được nhắc lại như sau: “Phát triển là nâng cao phúc lợi của nhân dân. Nâng cao mức sống và tiến bộ trong giáo dục, y tế và bình đẳng về cơ hội là tất cả những thành phần cơ bản của phát triển kinh tế. Bảo đảm các quyền chính trị và công dân là một mục tiêu phát triển rộng hơn. Tăng trưởng kinh tế là một cách cơ bản để có thể có được phát triển, nhưng trong nội tại, nó là một đại lượng rất không trọn vẹn của sự tiến bộ” (xem thêm [1]).
Đi sâu hơn vào mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển nhà kinh tế học nổi tiếng người Pháp François Perroux đã viết (xem thêm [2]): “Cần chú ý đến sự nguy hiểm của tăng trưởng mà không phát triển. Sự nguy hiểm này tồn tại một cách rõ rệt ở các nước đang phát triển khi hoạt động kinh tế được tập trung xung quanh những ngành của các hãng nước ngoài hoặc các công trình công cộng lớn và không có ảnh hưởng trong toàn quốc. Ngay ở các nước phát triển, chúng ta thấy rằng, khi tăng trưởng tiến triển, các lợi ích của phát triển được phân bố không đồng đều về phương diện địa lý…, và về phương diện xã hội…”.
Như vậy, cần phân biệt sự khác nhau giữa tăng trưởng và phát triển. Sự phân biệt này không phải là vấn đề thuật ngữ mà chính là vấn đề sự nhận thức về sự tiến bộ của một quốc gia, nhận thức về việc đánh giá về sự thành bại của các chính sách quốc gia và rộng hơn là sự tiến bộ của nền văn minh thế giới. Điều quan trọng nhất là thấy rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển: tăng trưởng chưa chắc đã là phát triển nhưng không thể nói phát triển mà không có tăng trưởng.
Tuy nhiên, phát triển một cách đúng nhất là phát triển bền vững. Các nước đang phát triển rất cần và rất muốn phát triển nhanh, song phát triển nhanh phải được đặt trong khuôn khổ phát triển bền vững thì mới không dẫn đến những hậu quả tiêu cực về xã hội và môi trường.
Vậy Phát triển bền vững là gì? Khái niệm này đã xuất hiện một cách rõ rệt lần đầu tiên vào năm 1980 khi Liên hiệp hội Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN – International Union for the Conversation of Nature and Natural Resources) đưa ra “Chiến lược bảo tồn thế giới” (WCS – World Conservation Strategy), với mục tiêu tổng thể là đạt được sự phát triển bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sống. Tuy nhiên, định nghĩa này thực chất chỉ đề cập đến vấn đề bền vững sinh thái chứ chưa bào hàm nội dung phát triển bền vững.
Một định nghĩa rất khái quát về phát triển bền vững là định nghĩa của Uỷ ban Thế giới về Môi trường và Phát triển WCED (World Commission on Environment and Development): “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm thương tổn đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai”. (xem thêm [3]).
Nội dung cơ bản của định nghĩa này bao gồm những ý diễn giải sau đây: Kích thích tăng trưởng; Khuyến khích tăng chất lượng của tăng trưởng; Đáp ứng các nhu cầu cốt yếu về việc làm, lương thực, năng lượng, nước và vệ sinh; Bảo đảm một mức phát triển dân số bền vững; Bảo vệ và tăng cường cơ sở tài nguyên; Định hướng lại công nghệ và quản lý rủi ro; Tính đến các nhân tố môi trường và kinh tế trong việc ra quyết định; Định hướng lại các quan hệ kinh tế quốc tế; Thúc đấy phát triển trên cơ sở có sự tham gia của đa số các tầng lớp nhân dân.
Vấn đề hiện nay được nêu nhiều trong các bài phát biểu góp ý cho văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng, đó là phát triển nhanh trên cơ sở phát triển bền vững. Thật ra, đã phát triển nhanh, thì khó ổn định và khó bền vững. Song nếu nói phát triển nhanh trên cơ sở phát triển bền vững thì không sai. Đây là nhiệm vụ khó, nhưng không phải không giải quyết được. Chỉ có điều, đó phải là cách thức cực kỳ thông minh, trí tuệ và do vậy mà không thể thiếu yếu tố tri thức của người tài, của khoa học và công nghệ.
6 giải pháp để phát triển bền vững
Có 3 yếu tố có ảnh hưởng quan trọng tới tốc độ phát triển đó là: yếu tố văn hóa vì sự phát triển làm nền cho phát triển; Môi trường cạnh tranh lành mạnh trong mọi lĩnh vực xã hội làm động lực cho phát triển và Trình độ khoa học và công nghệ làm công cụ đắc lực cho phát triển. Nhưng yếu tố quyết định cho phát triển (kể cả phát triển bền vững) của toàn bộ xã hội lại chính là Tầm tri thức, năng lực quản lý và chủ thuyết khoa học phát triển xã hội của các nhà lãnh đạo quốc gia.
Mỗi quốc gia phát triển đều có sẵn một tiền đề của một nền văn hoá (hoặc cao hơn nữa có thể là một nền văn minh). Văn hoá của một dân tộc là nền cơ bản cho sự phát triển lâu dài. Tuỳ thuộc vào trình độ của nền văn hoá, người ta có thể dự báo trước hay khẳng định khả năng thành bại của công cuộc đổi mới, của sự phát triển. Một điều rõ ràng: yếu tố văn hoá vì sự phát triển được hình thành qua suốt quá trình lịch sử của cả một dân tộc, của cả quốc gia, chứ tuyệt nhiên không phụ thuộc vào tầng lớp nào, một số cá nhân nào. Đó là vấn đề của cả một dân tộc.
Nếu như yếu tố văn hoá là vấn đề của dân tộc thì hai yếu tố còn lại: môi trường cạnh tranh lành mạnh cho phát triển và trình độ tri thức là vấn đề của các nhà lãnh đạo. Một môi trường có thực sự tạo điều kiện hay kìm hãm sự phát triển điều đó phụ thuộc cơ bản vào nhận thức và tài năng của chính các nhà lãnh đạo quốc gia. Có nhận thức đúng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là sẽ có một môi trường phát triển. Đạo đức, tri thức, tài năng và đôi khi cả lòng quả cảm của các nhà lãnh đạo quốc gia là nhân tố quyết định để có thể có môi trường thực sự phát triển. Có thể nói ngắn gọn: nhìn vào môi trường phát triển, trình độ khoa học và công nghệ của bất kỳ quốc gia nào, người ta có thể có những kết luận khá chính xác về khả năng và tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo.
Một xã hội, trong đó hệ thống giá trị vật chất và tinh thần được môi trường phát triển đặt đúng chỗ, được đánh giá chuẩn xác, đó là một xã hội có môi trường phát triển tích cực, lành mạnh. Ngược lại, thì đó là một môi trường không chuẩn, có vấn đề phải xét lại ngay, nếu muốn tránh một tai hoạ là kìm hãm sự phát triển, dẫn tới khủng hoảng, hỗn loạn và an ninh quốc gia sẽ tất yếu bị đe doạ. Như vậy, môi trường phát triển là yếu tố quyết định trong sự nghiệp phát triển.
Sau đây là một số giải pháp có thể góp phần thực hiện phát triển nhanh trên cơ sở phát triển bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước:
Thứ nhất: Cần chủ động hội nhập toàn diện, tạo mọi trường pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo cơ chế thị trường được vận hành, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh đối với mọi doanh nghiệp, mọi vị trí công việc.
Thứ hai: Cần làm sâu sắc hơn và cụ thể hóa nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, tiếp cận mô hình “Phát triển kinh tế xanh”.
Thứ ba: Khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn trên cơ sở sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch.
Thứ tư: Đảm bảo xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội và cuộc sống an sinh của nhân dân.
Thứ năm: Đảm bảo tỷ lệ đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo với tư cách là những quốc sách ưu tiên hàng đầu.
Thứ sáu: Nâng cao vai trò và huy động tối đa các nguồn lực phát triển của cộng đồng trong nước và quốc tế.
———————-
Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ
Tài liệu tham khảo:
1. World Bank. Development and Environment. World Development Report 1992, Oxford University Press, 1992.
2. F. P. Perroux. A New Concept of Development. Basic Tenets, UNESCO, Paris, 1983.
3. Đặng Mông Lân, Nguyễn Như Thịnh. Công nghiệp hoá, một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm các nước. Trung tâm Thông tin Khoa học Kỹ thuật Hoá chất. Hà Nội, 1994.
4. M. Justman, M. Teubal. A structuralist perspective on the role of technology in economic growth and development”. World Development, 1991, Vol. 19, No. 9.1167-1183.
5. Hoàng Đình Phu, Đặng Mộng Lân. Báo cáo chính đề tài 60 UB-01: Cách mạng công nghệ trên thế giới với nhiêm vụ phát triển công nghệ và kinh tế ở Việt Nam, Hà Nội, tháng 2-1991.
6. M. Reddy, D.Zhao. “International technology transfer: A review” Research Policy, 1990 Vol.19.285-307.
7. Đặng Mộng Lân. Phân tích năng lực công nghệ quốc gia. Đề tài KC 01.03, Hà Nội, 1993.
8. Tổng quan cách đặt vấn đề về công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt nam trrong giai đoạn từ này đến năm 2020. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Kinh tế học, Hà Nội, 1996.