Để Việt Nam có một nền báo chí khoa học phát triển
Giống như mọi loại hình báo chí khác, muốn phát triển và đến được với đại chúng, báo chí khoa học phải thỏa mãn người đọc ít nhất một trong hai yêu cầu: Đem lại những thông tin có giá trị thực tiễn; phục vụ được nhu cầu giải trí. Hai đòi hỏi ấy đối với một tờ báo khoa học quả là có phần khắt khe, nhất là trong bối cảnh khoa học và công nghệ của chúng ta còn lạc hậu, thiếu tính cạnh tranh trong khu vực cũng như với thế giới.
Nền kinh tế phát triển chủ yếu phải dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên, khoáng sản thô và sức lao động kỹ thuật thấp, gần như chưa có sự ứng dụng công nghệ tiên tiến một cách sâu rộng vào lao động sản xuất. Cho nên cũng dễ hiểu vì sao đa số người dân có thái độ thờ ơ với khoa học, với những thông tin trên báo chí khoa học. Có chăng thì họ chỉ quan tâm tới những thông tin hỗ trợ việc sử dụng, mua bán, bảo dưỡng ô tô, máy tính, điện thoại cá nhân, máy lạnh…, và những mẩu tin ngắn, mang tính chất chuyện lạ có thật, với những cỗ máy, thiết bị tinh xảo kỳ bí, những phát kiến giật gân kích thích trí tò mò đăng tải trên những tờ báo phát hành hằng ngày hoặc các tạp chí chuyên ngành khác. Mặt khác một số tạp chí khoa học, những bài viết nội dung thường cứng nhắc, không phù hợp với thị hiếu số đông, và bản thân vẫn còn khá nhiều khiếm khuyết cần được khắc phục trước khi có thể trở thành những tờ báo khoa học đích thực, nên chẳng mấy được quan tâm (ngay trong giới nghiên cứu).
Báo chí khoa học chưa làm tốt việc tuyên truyền, quảng bá sâu rộng, toàn diện và trung thực mọi lĩnh vực của hoạt động KH&CN. Ví dụ, báo chí chỉ đề cập đến những hiện tượng tiêu cực, lãng phí trong tuyển chọn, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu trong mua trang thiết bị, trong sử dụng người tài… nhưng chưa đề cập lý giải một cách thực sự sâu sắc nguyên nhân của những hiện tượng tiêu cực, lãng phí đó. Hoặc trước những sáng kiến cải tiến của người nông dân, những thành công trong các cuộc thi sáng tạo của tuổi trẻ như Robocom, Trí tuệ Việt Nam, các kỳ Olympic Toán, Vật lý… báo chí tuyên truyền rầm rộ, đề cao quá mức. Thậm chí có báo còn đăng tải những thông tin sai lạc, “phong” cho một nhà toán học của Việt Nam là “thiên tài thế kỷ 21”, hay ngợi ca trí tuệ Việt Nam qua một số “nhà khoa học hoang tưởng”. Trong khi đó, hầu như rất ít các bài viết về các nhà khoa học tài năng, có tâm huyết thực sự có những đóng góp cho đất nước; ngay cả những nhà khoa học dù không có những công trình nhưng tận tụy, đam mê làm khoa học cũng rất đáng được báo chí nêu gương. Trước hết người làm báo khoa học phải đặt ra câu hỏi: Mình muốn cái gì? Nghĩa là câu hỏi về mục tiêu mà báo cần hướng tới. Nước ta chưa có báo khoa học đúng nghĩa, cũng chưa đủ trình độ và các điều kiện cần thiết để làm được những tờ báo có chất lượng tầm cỡ quốc tế. Trước đây đã có những tờ báo phổ biến các kiến thức khoa học bằng những câu chuyện thú vị, cách đặt vấn đề cuốn hút, mang đến cho người đọc nhiều kiến thức hữu ích có độ chính xác cao và khơi dậy ở người đọc đam mê tìm tòi, khám phá những vấn đề xung quanh cuộc sống. Trong khi đó, ngày nay, trước những yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống, báo khoa học lại có xu hướng ngày càng kém đi về chất lượng và giảm đi về số lượng độc giả. Ba chân kiềng của một tờ báo khoa học tốt là: Nhà báo chuyên nghiệp, người kinh doanh báo chí chuyên nghiệp và một hậu phương vững chắc là các nhà khoa học có nhiệt huyết trong việc phổ biến tri thức khoa học mà đời sống cần với tiêu chí cao nhất là tính độc lập, sự chuẩn xác về mặt khoa học và tính phổ cập. Nếu báo chí khoa học hướng tới phục vụ theo lứa tuổi với trình độ và hứng thú riêng thì sẽ thu hút nhiều độc giả hơn là làm một tờ chung chung. Ở Việt Nam đã có một số báo làm theo hình thức như thế (chẳng hạn tờ Toán học Tuổi trẻ). Việc hình thành những tờ báo khoa học như vậy không dễ dàng bởi viết các bài báo khoa học ứng dụng là rất khó, nhất là khoa học cho cho thanh thiếu niên và trẻ em. |
Đó là những nguyên nhân chủ yếu khiến báo chí khoa học ngày nay không được bạn đọc đón nhận như tờ Khoa học và Đời sống cách đây vài chục năm và hầu như ở một vị thế thấp kém trong làng báo hiện nay.
Đây là câu hỏi chúng ta cần đặt ra trước khi nghiêm túc hướng tới một nền báo chí khoa học đúng nghĩa.
Khoa học là một hệ thống kiến thức được tích lũy và không ngừng được chắt lọc và làm giàu thêm nhờ tư duy phân tích, so sánh, và tìm hiểu các mối liên hệ nhân quả. Khoa học là tri thức, vì nó phục vụ nỗ lực của con người đạt được những thông hiểu thấu đáo, chặt chẽ và khách quan đối với các sự vật.
Như vậy, khoa học không chỉ dành cho thiểu số. Khoa học gần gũi với tất cả mọi người. Không chỉ có tàu vũ trụ, bom nguyên tử, thuyết tương đối mới là khoa học. Mọi hiểu biết về cuộc sống xung quanh ta, cách ta đánh giá, cảm nhận các sự vật, đó chính là thứ khoa học tương đối của mỗi con người. Mọi mảnh vụn tri thức đều đáng trân trọng nếu con người giành được nó trong một nỗ lực hướng tới sự hiểu biết chân thật và khách quan.
Ý thức hướng tới nắm bắt tri thức một cách tổng thể cùng với thái độ thận trọng, khách quan khiến tri thức khoa học đóng góp đáng kể vào văn hóa của con người. Việc truyền bá khoa học có ý nghĩa tích cực cho việc xây dựng một nền văn hóa tiến bộ. Nó cũng giúp xã hội hình thành nên những nhân cách lớn.
Dân trí Việt Nam liệu có thấp để hấp thụ tri thức khoa học?
Khi khẳng định rằng khoa học gần gũi với tất cả mọi người thì nghiễm nhiên chúng ta đã trả lời câu hỏi này.
Trẻ em tới trường cần tiếp thu những thông tin giản dị, được kết nối mạch lạc, gọn gàng. Những người làm cha làm mẹ cần tiếp thu những thông tin có tính chắt lọc cao giúp nuôi dạy các em sao cho hiệu quả.
Các bà nội trợ cần một hệ thống thông tin được thu thập, kiểm chứng khách quan, xác thực về chất lượng, độ an toàn của thực phẩm.
Phản hồi của những người tiêu dùng cần được thu thập, thống kê, giúp định hình khách quan chất lượng của các nhãn hiệu hàng hóa.
Thông tin về ô nhiễm môi trường cần được kết nối chính xác tới những nguy cơ y tế đi kèm với phí tổn cho người bệnh.
Các đô thị ngày một đông đúc, ùn tắc, cần các nhà chuyên môn trực tiếp đóng góp ý tưởng quy hoạch.
Các công trình, dự án trọng điểm quốc gia cần được đóng góp ý kiến thẩm định, đánh giá về hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội.
Các doanh nghiệp ở các mảng ngành nghề khác nhau cần được cung cấp thông tin về những công nghệ sản xuất và quản lý, không nhất thiết cứ phải là công nghệ cao thì mới đáp ứng hiệu quả các nhu cầu thiết thực trước mắt.
Nếu cứ tiếp tục liệt kê thì sẽ còn rất nhiều những mảng thông tin mà bạn đọc có thể coi là thiết thực và có nhu cầu hấp thụ. Nhưng đáng tiếc, cho tới nay hầu như tất cả những thông tin như thế này chưa thấy hoặc rất hiếm khi xuất hiện trên các trang báo khoa học Việt Nam.
Trách nhiệm chính thuộc về các nhà khoa học!
Vì sao những thông tin thiết thực và giản dị kể trên không trở thành những bài báo khoa học hữu ích dành cho đại chúng? Có thể có những nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân trực tiếp là ở các nhà khoa học. Phải chăng là do họ sống trong tháp ngà nên thiếu nhận thức về thời cuộc? Có lẽ không phải vậy. Lâu nay đã xuất hiện rất nhiều những bài viết tâm huyết chỉ ra những tồn tại cần được cải thiện trong thực tế. Nhưng mặt khác, còn rất thiếu các bài viết chỉ ra được cách giải quyết cụ thể và chu đáo. Không thiếu những bài viết có tính phê phán đanh thép, khiến cho nhiều người cùng đọc gật gù đồng tình. Nhưng còn rất thiếu những bài viết khiến người đọc phản tỉnh, giúp họ vượt ra khỏi thế giới đã biết để đối diện với những trường thông tin thực sự mới mẻ. Qua đó để họ nhìn nhận lại các sự vật một cách mạch lạc, thông suốt hơn, và tìm thấy hướng đi thiết thực cho bản thân và cho cộng đồng. Chẳng phải công việc bắc cầu này là bản chất của nghiên cứu khoa học? Các nhà khoa học là những thành phần ưu tú nhất, được đào tạo và rèn luyện chuyên nghiệp nhất trên con đường khám phá, tìm kiếm tri thức. Đương nhiên họ có trách nhiệm lớn nhất trong việc bắc cầu phục vụ đồng loại. Sẽ là kỳ quặc nếu nhà khoa học chối bỏ trách nhiệm của mình, đổ lỗi hoàn toàn cho dân trí, thời cuộc, cơ chế…
Viết báo là một công việc khoa học
Tôi xin dùng nhận xét này thay lời kết cho bài viết. Bản thân công việc viết báo đã đòi hỏi những phẩm chất cần có ở một nhà khoa học. Yêu cầu đặc thù về tiết kiệm số trang, số chữ, và đòi hỏi nhanh chóng giành sự quan tâm của người đọc buộc nhà báo sắp xếp và cung cấp thông tin một cách chắt lọc, gọn gàng, và sáng sủa. Bên cạnh đó vẫn luôn phải thể hiện được thái độ khách quan, không áp đặt. Các nhà khoa học có thuận lợi là bằng văn hóa khoa học của mình, cụ thể nhất là qua quá trình rèn luyện tư duy trên các trang viết cho tạp chí chuyên ngành, họ đã quen thuộc với việc này.
Nhưng một yêu cầu khác được đặt ra là làm sao đặt mình vào tâm thế của người đọc, hình dung ra trường thông tin, cách thức tư duy của họ. Từ đó dẫn dắt, giúp người đọc từng bước trải qua các bước tư duy mạch lạc, khám phá điều chưa biết thông qua sự đối chiếu với những gì mà người đó đã biết, đã quen thuộc từ trước.
Qua đó, những gì một nhà báo đích thực gửi gắm không chỉ là một số thông tin, một số quan điểm, mà là một trình tự các bước tư duy. Sản phẩm người đọc cầm trên tay là một nội dung sáng sủa, cho phép họ được đi một hành trình độc lập: Tự tư duy, tự khám phá, tự phản biện.
Mặc dù việc chiều theo thị hiếu của người đọc không phải là ưu tiên của một bài báo khoa học, nhưng cần có sự tìm hiểu và tôn trọng những mối lưu tâm của họ. Từ đó bắc cầu nối chúng với những mối lưu tâm của người viết. Như vậy, giữa người viết và người đọc một mặt có sự đồng cảm, mặt khác trường thông tin với các mối lưu tâm của người đọc được mở rộng. Đây là một quá trình cải thiện “dân trí” cho cả người đọc và người viết.
Hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục của đất nước hiện nay đều rất cần tri thức khoa học và công nghệ. Các nhà khoa học chân chính có bổn phận đáp ứng và báo chí chính là công cụ có tính hiệu quả hàng đầu giúp họ thực hiện bổn phận này. Hơn ai hết, nhà khoa học có trách nhiệm tham gia vào sân chơi một cách nghiêm túc và chuyên cần, ngay cả khi trong xã hội còn chưa có một nền báo chí khoa học chuyên nghiệp.