Dệt may Việt Nam: Khi đàn sếu bay đi

Khó khăn sụt giảm đơn hàng chưa từng có mà ngành dệt may đang phải đối diện có lẽ chưa dừng lại, khi các doanh nghiệp dệt may như đàn sếu đang tìm kiếm những môi trường giá rẻ hơn, nhiều lợi thế hơn Việt Nam để đậu lại.

Dệt may vẫn đang “dậm chân” gia công ở cuối nguồn, không phát triển được các ngành thượng nguồn có công nghệ, có giá trị gia tăng cao. Nguồn ảnh: Dangcongsan.vn

Kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực Đông Á đã chứng kiến sự dịch chuyển trung tâm sản xuất theo mô hình đàn sếu bay, thể hiện rõ nhất ở ngành dệt may, từ Nhật Bản sang các nước công nghiệp mới (NIC), rồi sau đó tiếp tục dịch chuyển tới đến các nước ASEAN4 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines), tiếp đến là Trung Quốc, Ấn Độ, và Việt Nam. 

Nhờ sự dịch chuyển ở trên, từ sau khi mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã được hưởng lợi từ mô hình đàn sếu bay, thu hút được lượng lớn vốn đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ba thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của ngành dệt may, đóng góp to lớn vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn trên toàn cầu. 

Nếu như năm 1995, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam mới đạt hơn 1 tỷ USD thì đến 2022, con số này tăng hơn 50 lần, đạt trên 50 tỷ USD, đứng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh. Hàng may mặc của Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 quốc gia trên toàn cầu. 

Đến 2020, cả nước có khoảng hơn 13.000 doanh nghiệp dệt may với tổng vốn sản xuất kinh doanh đạt trên 800 ngàn tỷ đồng, và tạo việc làm cho hơn 1,7 triệu lao động.

Đạt được thành tựu này là nhờ sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp và mức đầu tư vào ngành. Năm 2000, cả nước có khoảng gần 1.000 doanh nghiệp dệt may với tổng vốn sản xuất kinh doanh đạt khoảng 40 ngàn tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 500 ngàn lao động. Còn đến 2020, cả nước có khoảng hơn 13.000 doanh nghiệp dệt may với tổng vốn sản xuất kinh doanh đạt trên 800 ngàn tỷ đồng, và tạo việc làm cho hơn 1,7 triệu lao động. 

Lợi thế cũ đã mất

Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ này không duy trì được mãi. Từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam đang có xu hướng chững lại, một phần do suy thoái kinh tế dẫn đến việc cắt giảm đơn hàng từ các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. 

Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh này, ở một số nước khác đơn hàng vẫn tăng. Đơn cử như kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc suốt từ tháng 9/2021 đến tháng 4/2023 của Việt Nam chưa khi nào vượt Bangladesh. Và tại thời điểm tháng 12/2022 và tháng 1/2023, trong khi xuất khẩu dệt may của Việt Nam giảm thì của Bangladesh vẫn tăng. Điều này đặt ra câu hỏi, đây có phải là dấu hiệu việc đàn sếu ngành may mặc đang chuẩn bị rời khỏi Việt Nam để tìm đến những địa điểm sản xuất mới có lợi thế hơn.

Nguyên nhân sâu xa hơn có lẽ là do ngành dệt may trong nước đang: dần mất đi lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ, vừa phải chịu áp lực từ mức lương cơ bản tăng, vừa phải cạnh tranh với các ngành công nghiệp khác về lao động; “dậm chân” gia công ở cuối nguồn, không phát triển được các ngành thượng nguồn có công nghệ, có giá trị gia tăng cao; và không kịp chuẩn bị cho xu hướng chuyển đổi “xanh”. Đàn sếu dệt may đã đến và dừng chân tại Việt Nam trong khoảng hai, ba thập kỷ, và hiện nay đang có xu hướng rời khỏi Việt Nam để tìm đến các nước có lợi thế hơn. 

Công nhân trong nhà máy tại Ashulia, một trong những trung tâm sản xuất dệt may của Bangladesh. Ảnh: Getty.

Nhưng chúng ta đã không chớp được thời cơ khi đàn sếu dừng chân. Trong hai, ba thập kỷ phát triển, dệt may Việt Nam vẫn không phát triển được các ngành thượng nguồn, không hình thành được chuỗi cung ứng trong nước, phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Quá trình toàn cầu hóa cho phép các tập đoàn đa quốc gia tái cơ cấu chuỗi giá trị nhằm tối ưu hóa các nguồn lực ở các quốc gia khác nhau. Nhưng Việt Nam đã không tận dụng được sự dịch chuyển và tái cơ cấu chuỗi cung ứng để làm tăng giá trị gia tăng trong nước, xây dựng nội lực, nền móng công nghiệp trong nước vững mạnh để có thể độc lập, tự chủ và bắt kịp các nước đi trước. 

Xét về số doanh nghiệp theo chuỗi sản xuất từ sợi đến vải, đến hàng may mặc, có thể thấy Việt Nam có quá nhiều doanh nghiệp may nhưng lại ít doanh nghiệp dệt và sợi. Quá ít nhà cung cấp vải làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước là bất lợi của ngành dệt may Việt Nam, vì như thế sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu của quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). 

Mặc dù thuộc nhóm các nước có độ mở nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã ký kết FTA với hầu hết các thị trường lớn trên thế giới, nhưng việc không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ thì cũng không tận dụng được các ưu đãi thuế của của các FTA này. 

Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu hàng may mặc vào các thị trường này đều ở mức cao, thường từ 9 – 12%, không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế đồng nghĩa với việc hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam phải chấp nhận bị áp mức thuế nhập khẩu cao, làm tăng giá thành và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Khi sức cạnh tranh của sản phẩm không còn là lúc các đơn hàng có xu hướng rời khỏi Việt Nam để sang các nước có lợi thế hơn. 

Hơn thế nữa, ngành dệt may ngày nay đã khác nhiều so với trước đây. Ngoài các yêu cầu về chất lượng, giá thành sản phẩm, thời gian giao hàng, các nhà máy gia công còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn “xanh” an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, điều kiện làm việc phải đảm bảo các quyền cơ bản của người lao động, và gần đây còn có thêm các yêu cầu về phát triển bền vững, tuần hoàn, trách nhiệm thẩm định chuỗi cung ứng… Trước đây các tiêu chuẩn này chỉ có tính khuyến khích, các nhãn hàng làm theo chủ yếu để xây dựng hình ảnh, thương hiệu, thì giờ đây các tiêu chuẩn này đã được quy định bởi luật pháp nên doanh nghiệp nào đáp ứng được các yêu cầu, quy định về phát triển bền vững thì sẽ dễ nhận được đơn hàng hơn. 

Chỉ riêng trong lĩnh vực phát triển bền vững, ngành dệt may đã có vài chục bộ tiêu chuẩn, chứng chỉ khác nhau do các tổ chức hay nhãn hàng ở các nước nhập khẩu đặt ra. Các doanh nghiệp, các nước tham gia công đoạn gia công trong chuỗi cung ứng dệt may không có quyền quyết định áp dụng tiêu chuẩn, lấy chứng chỉ nào mà chủ yếu phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng.

Đối thủ không ngồi yên

Trong khi Việt Nam yên vị ở vị trí công xưởng gia công lớn, không có sự chuẩn bị cho chuyển đổi, thì một trong những đối thủ cạnh tranh của Việt Nam về xuất khẩu hàng may mặc là Bangladesh lại tuần tự chuẩn bị từ lâu. Tại thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, trong khi xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam có xu hướng giảm thì của Bangladesh vẫn tăng. 

So sánh các điều kiện phát triển của ngành cho thấy Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh so với Bangladesh. Về số lượng doanh nghiệp, Việt Nam có nhiều hơn khoảng 1.000 doanh nghiệp may, nhưng số doanh nghiệp dệt chỉ bằng khoảng một phần ba của Bangladesh. Điều này có nghĩa là, các doanh nghiệp may Bangladesh có nhiều lựa chọn hơn để hình thành chuỗi cung ứng trong nước, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ so với các doanh nghiệp may Việt Nam. 

Tìm về và nâng tầm các phương thức dệt may truyền thống, phát triển các loại vải dệt từ nguyên liệu sẵn có trong nước là một trong những hướng đi đúng đắn mà một số doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đã và đang theo đuổi. 

Hiện nay, Bangladesh vẫn đang được hưởng cơ chế ưu đãi thuế dành cho các nước kém phát triển với yêu cầu về quy tắc xuất xứ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, họ cũng đã không ngừng nỗ lực để tiến lên, đáp ứng những yêu cầu mới nhất từ các nước nhập khẩu. Khi chuỗi cung ứng trong nước đã sẵn sàng, ngành dệt may của Bangladesh sẽ không gặp khó khăn để đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ khắt khe hơn khi cơ chế ưu đãi này kết thúc, dự kiến vào năm 2026. 

Không chỉ có sự chuẩn bị trước về phát triển chuỗi cung ứng trong nước, dệt may Bangladesh dường như cũng đã có sự chuẩn bị trước về việc đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững. 

Báo cáo của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam cho biết, tại Bangladesh nếu một nhà máy sản xuất hàng may mặc đạt được chứng nhận Công trình xanh thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập là 10%, thay vì 12%. Năm 2016, Ngân hàng Trung ương Bangladesh đã công bố “Quỹ chuyển đổi xanh” trị giá 200 triệu USD, ban đầu sẽ tập trung vào chuyển đổi xanh các hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dệt may và da. 

Mặc dù vẫn còn trong giai đoạn phát triển ban đầu, những sáng kiến này đã thúc đẩy ngành dệt may đi đến một con đường bền vững hơn. Tính đến cuối năm 2020, Bangladesh có 150 dự án được cấp chứng chỉ LEED (chứng nhận công trình xây dựng xanh), 84% trong số đó là các nhà máy đến từ ngành may mặc. Những nỗ lực này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì danh tiếng và lợi thế cạnh tranh của ngành xuất khẩu hàng đầu của đất nước”.3 

Trước thực trạng này, ngành dệt may Việt Nam sẽ đi về đâu trong thời gian tới?

Hạ cánh mềm 

Khi cạnh tranh về giá, chi phí lao động không còn là lợi thế của ngành, để tìm được chỗ đứng của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp dệt may cần tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới, tìm đến những thị trường ngách, phù hợp với đơn hàng nhỏ, giá trị cao, mang những nét đặc trưng riêng có của Việt Nam. Đặc biệt phải chú trọng đến xu hướng bền vững, tuần hoàn và giảm phát thải carbon. 

Tìm về và nâng tầm các phương thức dệt may truyền thống, phát triển các loại vải dệt từ nguyên liệu sẵn có trong nước là một trong những hướng đi đúng đắn mà một số doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đã và đang theo đuổi. 

Tiếp đó, ở quy mô nhỏ sẽ cho phép các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc hoàn chỉnh chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước dựa vào nguồn lực sẵn có trong nước nhờ kết nối theo chiều dọc các doanh nghiệp sản xuất, các nhà thiết kế, các thương hiệu trong nước. Nhưng để làm vậy cần tạo ra các sân chơi về thời trang cho các bên gặp gỡ, kết nối, giao lưu, giới thiệu sản phẩm. Cần có Hiệp hội đủ mạnh, đủ uy tín, để có thể kết nối các bên với nhau, và kết nối Việt Nam với thế giới. 

Cùng với hai giải pháp trên thì Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách, chương trình phát triển ngành dệt may để hỗ trợ các hướng phát triển mới, đảm bảo cú “hạ cánh mềm” cho ngành khi các đơn hàng lớn rút dần khỏi Việt Nam, trang bị cho người lao động có kỹ năng, việc làm mới để có thể tìm được việc làm trong các ngành công nghiệp mới.

*Ths Nguyễn Thị Xuân Thúy, chuyên gia công nghiệp  

1 Do Kaname Akamatsu giới thiệu từ những năm 1930.

2 Flying Geese Model (grips.ac.jp)

3 https://vgbc.vn/…/why-green-building-is-crucial-for…/

4 https://bgmea.com.bd/page/Sustainability_Environment

Tác giả

(Visited 26 times, 1 visits today)