Đi tìm cá tra, gặp Việt Nam

Để tìm hiểu Việt Nam, không có cách nào thú vị hơn là tìm hiểu thực phẩm mà người Việt Nam ăn trong nước, hay đưa ra thế giới cho người khác thưởng thức.

Năm giờ sáng tôi bước ra ban mai mát lạnh của Sài Gòn để nhảy lên yên xe gắn máy của Long, người bạn kiêm người thông dịch của tôi. Bình minh vừa rạng chân trời phơn phớt màu chàm – Vẫn còn quá sớm đối với người Mỹ, nhưng Sài Gòn nhộn nhịp lạ lùng ngay cả khi mặt trời chưa mọc. Người xe ngược xuôi, tuôn chảy, lạn lách, chạy lo công việc trước khi ngày thực sự bắt đầu. Một số người đã bày bán hàng điểm tâm trên lề đường, và người ta uống café trong quầng sáng đèn nê ông hắt ra cửa tiệm. Đây là bắt đầu một ngày khảo sát độc lập của tôi ở Việt Nam với tư cách sinh viên nghiên cứu về cá tra và hệ thống thực phẩm ở Việt Nam cùng những cơ hội trao đổi văn hóa với người dân của đất nước vốn xa lạ này.

Trong khi tìm hiểu chuyện về mậu dịch cá tra tôi cũng đâm ra chú ý đến luồng lưu thông thực phẩm ở trong nước Việt Nam. Đồ ăn Việt Nam nổi tiếng ở Mỹ – phần lớn người Mỹ biết tới Việt Nam trước tiên qua đồ ăn Việt Nam. Tôi muốn biết những thức ăn này được sản xuất, mua bán và tiêu thụ như thế nào ở Việt Nam. Tôi nhận thấy thức ăn thể hiện tính cách một dân tộc qua nhiều cách khác nhau. Chúng ta cần ăn để sống, nhưng mỗi dân tộc hình thành những cách phân phối và tiêu thụ thức ăn khác nhau. Vì vậy tôi tìm hiểu Việt Nam bằng cách tìm hiểu ẩm thực Việt Nam, ngay trên đất nước Việt Nam. Công bằng mà nói, tôi cũng được ngon miệng.

Để tìm hiểu về kỹ nghệ cá tra, trước tiên tôi thám hiểm những ngôi chợ truyền thống, chợ buôn sỉ, siêu thị, và một nhà máy sản xuất phi lê cá đông lạnh. Ngoài ra tôi còn chụp hình mọi bữa ăn của tôi, hỏi những người bạn Việt Nam về thói quen đi chợ, và thăm viếng cảnh trí nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hầu như ngày nào ở Việt Nam tôi cũng đi hết chợ này đến chợ khác, và ở đó tôi chứng kiến dòng chuyển lưu thực phẩm ở Việt Nam đạt tới cao điểm. Có lẽ chỉ có mấy cái “chợ nông dân” (famer’s market) ở Mỹ là có điểm tương đương với những cái chợ Việt Nam. Nông dân Mỹ đem sản phẩm của họ bán trực tiếp cho người tiêu dùng ở “chợ nông dân”, nhưng chợ phiên này chỉ mở vào một số ngày nào đó, và nói chung kiểu mua bán này không được coi là chính thống, không phải mạch chủ lưu của nền kinh tế Mỹ. Cho nên tôi thấy cảnh chợ họp mỗi ngày hầu như ở mỗi khu phố ở các thành phố lớn của Việt Nam thật là mới lạ. Đồ ăn bán ở chợ rõ ràng là tươi, rất khác với sản phẩm đã đóng gói bán ở Mỹ. Từ chợ này đến chợ khác, xe cộ nườm nượp, đối với tôi chẳng khác nào mê hồn trận như những quan hệ mua bán trong các chợ. Nhìn vào chợ cứ thấy tít mù loạn xạ, nhưng ai cũng có vẻ giao tiếp tốt đẹp, thông thạo đường đi nước bước, và hàng hóa được mua bán nhanh chóng hiệu quả.

Để biết những người bán lẻ ở các chợ nhỏ lấy hàng hóa từ đâu, tôi đến chợ bán sỉ Bình Điền ở thành phố Hồ Chí Minh vào lúc trời chưa sáng hẳn. Ở đó tôi nhìn thấy hành trình của cá được chuyển từ nơi sản xuất đến các vựa cá, rồi đến những người buôn bán lẻ. Tôi được những người bán cá đặt một con cá còn sống đang quẫy vào lòng bàn tay trần của tôi. Tôi đứng xem những người chở cá thả những thùng cá từ trên xe tải xuống, những chủ vựa phân phối những thùng cá cho các đầu mối, và những người quản lý đếm những xấp tiền thu được, tất cả diễn ra trong những vựa cá nồng mùi biển và loang loáng nước tràn lan khắp sàn. Tôi ngập theo nghĩa đen trong hệ thống lưu thông phân phối thực phẩm ở thành phố Hồ Chí Minh khi tôi đi trong những cái chợ – và học hỏi cách nào mà những nơi đó diễn ra đủ tất cả các loại hình trao đổi bán mua.

Nếu thực phẩm ở chợ đến thẳng từ sông biển ruộng vườn Việt Nam thì dường như cũng có một xu hướng ngược lại ở các siêu thị mới phát triển ở Việt Nam. Tôi để ý thấy thực phẩm ở các siêu thị có thứ được sản xuất, chế biến và vận chuyển từ châu Âu, Nam Mỹ, Mỹ và các nước Á châu khác. Có thể nói siêu thị là một cái mốc thay đổi trong hệ thống phấn phối thực phẩm ở Việt Nam, nó tiêu biểu cho sự kết nối của Việt Nam với thế giới và hệ thống thực phẩm hiện đại.

Cuộc “chiến tranh” cá tra giữa Việt Nam và Mỹ có vai trò gì, như một kinh nghiệm quan trọng chẳng hạn, trong thành công của Việt Nam trên thị trường cá tra toàn cầu, và hiện nay còn những vấn đề mậu dịch gì giữa Việt Nam và Mỹ, là những câu hỏi mà tôi mang theo đến Việt Nam. Tuy tôi chưa tìm được ngay câu trả lời, nhưng tôi lại khám phá ra một điều là cái thế giới mà tôi từng nghĩ rất cách biệt với thế giới tôi sống hóa ra lại có những kết nối trong nhiều phương diện hơn tôi tưởng. Ban đầu, kiến thức của tôi về Việt Nam chỉ là những giai thoại, ẩn dụ về chiến tranh Việt – Mỹ mà tôi nghe trong những lớp học lịch sử và từ những người thuộc thế hệ đã sống qua cuộc chiến ấy. Tôi thử gắn cuộc đôi co mậu dịch giữa hai nước và cuộc chiến tranh trước đó, nghĩ rằng có thể có một mối tỵ hiềm chưa giải quyết xong giữa hai nước. Giờ thì tôi nhận ra rằng cuộc đôi co mậu dịch ấy là một bước trên con đường phát triển hữu nghị hơn là khác biệt – là những dàn xếp với nhau để chúng ta cùng ngồi xuống chia sẻ thực phẩm trên một bàn ăn, dù cho tốt hơn hay dở hơn. Chúng ta là cái chúng ta ăn, hay nói cách khác thực phẩm chúng ta ăn biểu lộ văn hóa của chúng ta. Và để tìm hiểu Việt Nam thì không có cách nào thú vị hơn là tìm hiểu thực phẩm mà người Việt Nam ăn trong nước, hay đưa ra thế giới cho người khác thưởng thức.

Lý Lan dịch

* Sinh viên Khoa báo chí, ĐH Western Washington, Mỹ.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)