Địa Đồ lịch sử Trung Quốc và vùng biển phía Nam

Năm 2003, phòng lưu trữ hồ sơ lịch sử Số 1 thuộc Tổng cục lưu trữ Trung ương Trung Quốc phối hợp với Cục lưu trữ thành phố Quảng Châu công bố “Quảng Châu lịch sử địa đồ tinh túy”. Toàn tập tuyển chọn 97 bức, gồm địa đồ thế giới, địa đồ toàn Trung Quốc, địa đồ tỉnh Quảng Đông, thành phố Quảng Châu và các phủ, huyện… do giới quan chức hành chánh, quân sự soạn/vẽ/in trong triều Thanh và Dân Quốc.

Qua khảo sát, chúng tôi thấy đa số các bức địa đồ này chưa được học giới Trung Quốc dẫn dụng trong các công trình nghiên cứu về Nam Hải chư đảo đã in thành sách. Mặt khác,  cũng chưa thấy học giới Việt Nam dẫn dụng trong các luận văn về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc các nghiên cứu chung về biển Đông, để góp thêm tư liệu cho học giới, xin giới thiệu sơ lược vài bức tiêu biểu trong tập địa đồ nêu trên.
Loại địa đồ hành chánh tỉnh Quảng Đông gồm 10 bức có niên đại sớm nhất là “Quảng Đông tổng đồ”, kích thước 295×196 cm, vẽ màu trên lụa, khoảng 1685 (Khang Hi 24). Phần trên của địa đồ là nội dung thuyết minh (Quảng Đông toàn tỉnh đồ thuyết), giới thiệu tổng quan về tỉnh Quảng Đông, nói rõ về tứ chí (bốn hướng giáp giới) cùng các đơn vị hành chánh. Địa đồ này và 9 bức cùng loại cho thấy cương giới tỉnh Quảng Đông chỉ đến hết phủ Quỳnh Châu (Hải Nam).
Loại địa đồ hành chánh toàn quốc được tuyển 2 bức “Thiên hạ toàn đồ”, kích thước 142×231,6 cm và “Hoàng triều dư địa toàn đồ”, kích thước 57×57,3 cm, khoảng 1728, 1729. Hai địa đồ này cho thấy cương giới phía Nam Trung Quốc chỉ đến phủ Quỳnh Châu.
Loại địa đồ thể hiện cương giới biển có 2 bức “Duyên hải thất tỉnh khẩu ngạn hiểm yêu đồ”, kích thước 30×36,7 cm, khoảng 1887 và “Thất tỉnh duyên hải toàn dương đồ” [Hình 1], kích thước 28×914,2 cm, khoảng năm 1862-1908 (Quang Tự). Hai địa đồ này cho thấy vùng biển Nam Trung Quốc không vượt quá 180 độ vĩ Bắc.

 
Hình 2: Quảng Đông thủy sư doanh quan binh trú phòng đồ

Loại địa đồ bố trí doanh trại thủy/hải quân tỉnh Quảng Đông có bức “Quảng Đông thủy sư doanh quan binh trú phòng đồ”, [Hình 2] kích thước 32×560 cm, vẽ màu trên giấy, ước sau 1866. Địa đồ quân sự này thể hiện chi tiết về núi sông, đảo dư, cửa khẩu, doanh trại, pháo đài… (trên các đảo và ven bờ biển), ghi rõ các nơi giáp giới vùng biển Giao Chỉ [trích đoạn]. Các chi tiết cho thấy không nhóm đảo hoặc hòn đảo nào ứng với Tây Sa và Nam Sa.
Trong các luận văn hoặc các công trình nghiên cứu về Nam Hải, học giới Trung Quốc thường dẫn dụng khoảng 50 bức địa đồ thời Minh, Thanh khác với các bức in trong tập “Quảng Châu lịch sử địa đồ tinh túy” để lý luận về chủ quyền lịch sử. Họ phát biểu [đại ý] rằng: “địa đồ lịch sử Trung Quốc đã ghi nhận về hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (bằng tên gọi của thời đó, như Vạn lý Trường Sa, Thiên lý Thạch Đường…) chứng tỏ các vương triều Trung Quốc đã xác định chủ quyền đối với những đảo, quần đảo này”.
Sự thực là có nhiều địa đồ hành chánh thời Minh, Thanh vẽ vùng biển phía Nam rất rộng, Nam đến Indonesia, Tây đến India, tuy nhiên phải xem đây là mục đích phụ của việc soạn vẽ địa đồ, chúng chỉ nhằm biểu diễn sự ảnh hưởng của đế chế đương thời qua sự bang giao hoặc quan hệ thương mại đối  với các nước trong vùng Nam Á (thời Minh, Thanh gọi chung là các nước Tây Dương). Tiêu biểu cho loại địa đồ này có thể tham khảo “Đại Thanh vạn niên nhất thống địa lý toàn đồ”, khoảng năm 1810, [hiện lưu trữ ở thư viện Đại học Waseda, Tokyo, Japan – mã số 1159, loại 11].

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)