Điện mặt trời của Việt Nam: Một bước tiến ngoạn mục

Sự phát triển điện mặt trời của Việt Nam từ con số 0 lên 10 GW chỉ trong chưa đầy ba năm vừa qua là một bước tiến ngoạn mục vượt ra ngoài sự tưởng tượng của tất cả những người làm chính sách và những nhà nghiên cứu. Mặc dù sự phát triển nóng này cũng có những hệ lụy nhất định nhưng nó cũng cho thấy một tương lai hứa hẹn của điện mặt trời trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Tia Sáng đã có buổi trao đổi với chị Vũ Chi Mai, trưởng hợp phần năng lượng tái tạo, dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng thuộc Chương trình Hỗ trợ Phát triển Năng lượng của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) về điều này.


Vũ Chi Mai. Nguồn: GIZ Việt Nam.

Chỉ trong chưa đầy hai năm từ 2019 đến 2020, tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời ở Việt Nam từ con số 0 đến đứng thứ hai Đông Nam Á. Theo chị, đó là một dấu hiệu đáng mừng hay là đáng lo?

So với các nước trong khu vực thì đây đúng là một bước phát triển ngoạn mục và không chuyên gia quốc tế nào có thể tin được là sau hai năm, điện mặt trời của Việt Nam từ con số 0 có thể tăng lên được trên 10GW với hơn một trăm ngàn dự án* (trong đó điện mặt trời mặt đất là khoảng 8,6 GW***, điện mặt trời mái nhà là 9.4GW** và hơn một trăm MW điện mặt trời nổi trên hồ). Điều đó cho thấy các chính sách là một công cụ tiên quyết để tạo cơ hội cho một ngành phát triển.

Do cơ chế FIT (feed-in tariff, tạm dịch là giá bán điện cố định) rất hấp dẫn (của Quyết định 11 và 13 của Thủ tướng về việc khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời) cộng với việc cơ chế này có hạn chót (với Quyết định 11 là 31/12/2019 và Quyết định 13 là 31/12/2020) nên các dự án phải triển khai khẩn trương để được hưởng ưu đãi đó. Một mặt nữa lý giải tại sao điện mặt trời ở Việt Nam lại tăng nhanh như vậy là giá công nghệ của điện mặt trời cực kỳ giảm trong 10 năm vừa rồi, giảm tới 80% nên giá thành sản xuất điện mặt trời rất hấp dẫn, rất rẻ đến nỗi ở nhiều nơi trên thế giới, nó có thể cạnh tranh với các loại điện truyền thống. Ngoài ra, việc huy động vốn cho các dự án điện mặt trời càng trở nên thuận lợi hơn so với thời gian đầu (những năm 2010). Các ngân hàng thương mại trong nước đã hiểu hơn về điện mặt trời để thẩm định dự án và cho vay vốn. Còn riêng điện mặt trời mái nhà đạt được 6,3GW như hiện nay còn là do rất nhiều gia đình tự đầu tư. Đây cũng là điều tôi thấy tuyệt vời vì đó là ví dụ thành công về việc huy động vốn trong dân mà không cần đến vốn ngân hàng để phát triển điện tái tạo.

Nhưng người ta đã nhìn thấy đâu đó có sự tắc nghẽn vì phát triển nóng ở những nơi có tiềm năng điện mặt trời cao nhưng lưới điện phát triển chưa đủ nhanh để tiếp nhận điện mặt trời. Một số dự án buộc phải giảm công suất phát lên lưới. Tiếp theo, bởi vì phát triển nóng nên nó cũng gây gánh nặng về mặt thủ tục hành chính rất lớn lên các cơ quan địa phương cũng như cơ quan Trung ương khi phải thẩm định một số lượng lớn các dự án. Thêm nữa là các dự án “chạy deadline” vào lưới nên ai cũng cố gắng làm nhanh nhất có thể. Vấn đề về kĩ thuật, vấn đề về an toàn như vậy chắc chắn sẽ không được đảm bảo như  so với việc nếu dự án có nhiều thời gian hơn để triển khai. Một hệ lụy tiếp theo nữa của phát triển nóng, rất nhiều nhà đầu tư ồ ạt vào là “bất cứ ai” cũng có thể trở thành nhà lắp đặt điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà của các hộ dân. Khi mà ai cũng có thể làm được thì chứng tỏ các tiêu chuẩn được ban hành chưa ra đủ nhanh để đòi hỏi và để buộc các dự án phải tuân thủ chặt chẽ các điều kiện kĩ thuật. Bản thân các nhà đầu tư tư nhân cũng không có đủ thông tin về các nhà cung cấp thiết bị, lắp đặt nào là tốt nhất. Mà với một dự án điện mặt trời có tuổi thọ khoảng 20 năm, trong đó những chuệch choạc về mặt kĩ thuật có sẽ dần ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn không chỉ của dự án mà còn của cả hệ thống lưới điện trong dài hạn.

Điều đó có nghĩa là các chính sách nếu được thông báo đến nhà đầu tư đủ sớm để họ có đủ thời gian chuẩn bị thì tính hiệu quả và bền vững sẽ tốt hơn rất nhiều.

 

Như chị vừa trao đổi, giá sản xuất của điện mặt trời hiện nay có thể cạnh tranh với điện than nhưng trên thực tế, nhiều người than phiền rằng dù giá sản xuất điện mặt trời rẻ nhưng giá truyền tải điện mặt trời rẻ thì lại đắt?

Đó là bởi vì lưới điện chưa phát triển kịp với nguồn điện, giống như có một con đường được thiết kế để đi 100 xe, giờ có 1.000 xe muốn tham gia vào đó nên dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn. Nhiều dự án điện mặt trời không muốn bị tắc ở đó, họ xin cơ chế tự xây lưới để giải phóng lượng điện sản xuất ra nên chi phí đầu tư vào dự án của họ cuối cùng lớn hơn dự kiến. Ngoài ra, điện mặt trời nói riêng và điện tái tạo nói chung có tính bất ổn, chỉ có thể phát vào những thời điểm nhất định (phụ thuộc vào mùa, vào thời tiết) nên công suất phát chỉ bằng 30-35% so với điện than vốn luôn luôn duy trì phát điện ở một công suất nhất định. Vì vậy, khi một hệ thống có tỷ lệ điện tái tạo cao, thì cần có thêm nguồn điện khác ổn định hơn chạy nền khi năng lượng tái tạo (NLTT) có công suất phát thấp, đảm bảo ổn định hệ thống.


Dự án điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện Đa Mi tại Bình Thuận. Nguồn: Tapchicongthuong.vn

 

Liệu có phải lưới điện của Việt Nam đã lạc hậu và đáng lẽ phải nâng cấp từ lâu nhưng đến giờ “mất bò mới lo làm chuồng không?”

Nói thế thì hoàn toàn không công bằng với những nỗ lực của EVN và chính phủ trong việc cải thiện hệ thống điện của Việt Nam. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam hiện đứng thứ tư khu vực ASEAN với 99,5% hộ dân trên cả nước có điện sử dụng. Hãy nhìn sang Lào, con số này chỉ là 20% và ở Myanmar là dưới 30%. Tôi vẫn hay nói Việt Nam coi điện là thứ hiển nhiên mà mình có trong khi đó là sự nỗ lực rất nhiều của ngành điện Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá rằng hệ thống điện Việt Nam được đầu tư rất bài bản với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức. Tính ổn định lưới của hệ thống điện Việt Nam được đánh giá tốt so với các nước trong khu vực.

Lí do khiến nhiều nhà máy chưa thể đưa 100% điện lên lưới hay giảm công suất phát trong một vài năm đầu chỉ là vì phát triển các nhà máy điện mặt trời nhanh hơn rất nhiều so với phát triển dự án lưới điện (8 -12 tháng so với 3-4 năm). Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chúng ta lên kế hoạch công suất lắp đặt của điện mặt trời chỉ là 850MW và đường dây cũng được thiết kế để hấp thụ 850MW cho đến năm 2020. Không ai tin được, chính chúng tôi trong ngành cũng không hình dung được, Việt Nam có thể đạt được 5,5GW điện mặt trời mặt đất, gấp 7 lần so với  mục tiêu đặt ra.

Ngay khi nhận thấy điều này, EVN và các bên truyền tải điện cũng được Bộ Công thương và Thủ tướng chỉ đạo và cấp kinh phí để nâng cấp và đầu tư mới lưới điện. Tiến độ thực hiện được báo cáo công khai, một số dự án hoàn thành sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên cơ chế chi tiêu của EVN không thể linh hoạt như của các nhà đầu tư tư nhân. Một nhà đầu tư thương mại có thể hoàn thành một dự án điện mặt trời và hạ tầng lưới trong vòng một năm nhưng EVN phải trải qua những quy trình, thủ tục nhà nước mà ít nhất ba năm mới có thể hoàn thanh dự án lưới. Đó còn chưa kể đến việc đền bù giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư có thể linh hoạt hơn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng sao cho dự án kịp tiến độ để hưởng ưu đãi nhưng EVN thì phải tuân thủ theo quy định chi tiêu của nhà nước. Điều này khiến tiến độ thực hiện của EVN kéo dài hơn so với một dự án đầu tư tư nhân..

Khi thị trường được dẫn dắt bởi nhiều nhà đầu tư khác nhau cả trong lẫn ngoài nước và quy mô các dự án cũng đa dạng thì thị trường càng sôi động, càng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời cũng tạo ra sự cạnh tranh khiến giá điện tái tạo có thể ngày càng rẻ hơn. Phát triển điện mặt trời – một nguồn năng lượng sạch cũng đóng góp rất nhiều vào việc giảm khí thải CO2, nhờ đó giúp Việt Nam hoàn thành tốt hơn những cam kết về môi trường với quốc tế. Hơn nữa, nó cũng tạo ra hệ sinh thái công ăn việc làm bao gồm cả ngắn hạn (đối với việc lắp đặt) và dài hạn (đối với việc vận hành, duy trì, bảo dưỡng dự án) cho người dân.

Ngoài ra, đúng là các dự án điện mặt trời ở Việt Nam hiện chưa có lãi và có phần “chịu thiệt thòi” trong một vài năm đầu nhưng họ vẫn có lợi về lâu dài do được hưởng giá mua điện cố định trong suốt 20 năm.  Hơn nữa, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cũng cố gắng huy động tối đa điện từ các dự án điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung.

 

Vậy hiện nay Việt Nam đã cần phải đầu tư vào lưới điện thông minh chưa hay chỉ cần mở rộng mạng lưới hiện tại là đủ?

Ở các nước châu Âu, lưới điện liên thông với nhau nên một nước sản xuất điện dư thừa có thể chuyển sang nước khác. Điều đó hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo tốt. Theo các chuyên gia, nếu tỉ lệ điện tái tạo trong tổng công suất điện của cả nước  ở mức dưới 10% thì chỉ cần công tác điều độ tốt. Tuy nhiên Việt Nam không có lưới điện liên khu vực như châu Âu và tổng công suất lắp đặt riêng điện mặt trời ở Việt Nam đã chiếm 20% tổng công suất điện của cả nước và đến cuối năm 2021 dự kiến còn nhiều dự án điện gió được nối lưới nữa nên việc tính toán các giải pháp công nghệ để nâng cấp lưới điện từ bây giờ là cần thiết.

 

Nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam vẫn đang tăng 10% mỗi năm, nếu nguồn cung cấp điện năng của Việt Nam phần lớn dựa vào điện tái tạo thì có khả thi? Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì điện than vẫn chiếm phần lớn tỉ trọng tổng công suất điện của cả nước, liệu có phải nhà nước vẫn đang dành “ưu ái” nhất định cho điện than?   

Nói thế thì nó cũng chưa chính xác vì như tôi chia sẻ ở trên, hệ thống điện hiện tại của Việt Nam không thể dựa phần lớn, thậm chí là không thể chấp nhận ngay 50% điện tái tạo trong tổng công suất phát điện vì lưới điện của nước ta là độc lập, tách biệt, không liên thông như châu Âu. Thử hình dung nếu toàn bộ điện mặt trời ở Việt Nam hiện nay dừng hoạt động cùng lúc vì sự cố trong cùng một thời điểm cũng đủ để tạo ra một cuộc khủng hoảng không nhỏ. Vì vậy, điện than vẫn đóng một vai trò nhất định trong việc duy trì độ cân bằng của hệ thống điện. Bản thân điện than không xấu, nó chỉ xấu và không nên khuyến khích khi các nhà máy không tuân thủ đúng các điều kiện về mặt môi trường và xã hội do các định chế tài chính hay quy định quản lý nhà nước đưa ra mà thôi.    

 

Như vậy thì liệu có phải trong tương lai Việt Nam vẫn cần phát triển điện than?

Không. Có nhiều cách để đáp ứng được nhu cầu điện tăng mà không cần tập trung vào việc tăng nhà máy sản xuất điện.

Hiện nay Việt Nam đang sử dụng điện chưa hiệu quả. Hệ số đàn hồi điện năng của Việt Nam cao hơn Thái Lan là 1,4 lần và Malaysia là 1,6 lần. Nghĩa là để có được một phần trăm tăng trưởng GDP, chúng ta sử dụng quá nhiều điện. Việt Nam vẫn ưu tiên các công ty trong lĩnh vực công nghiệp vốn tiêu tốn rất nhiều điện năng như sản xuất thép, sản xuất xi măng, sản xuất giấy, dệt may… được mua điện với giá rẻ, tính ra giá rẻ chỉ bằng một nửa so với giá bán cho các hộ gia đình. Trước đây, ưu đãi này còn có thể chấp nhận được khi chúng ta tập trung vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa và khi giá sản xuất điện của Việt Nam còn rẻ vì dựa chủ yếu vào thủy điện (thủy điện không cần nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như than).


Hiện nay điện mặt trời đã chiếm khoảng 20% tổng công suất điện của cả nước và Việt Nam phải đầu tư vào lưới điện thông minh từ bây giờ. Nguồn: EVN.

Nhưng sắp tới, và đã xảy ra, thủy điện không còn khả năng mở rộng, điện than khó phát triển do khó tiếp cận vốn, khi các dạng năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỉ trọng càng lớn trong công suất phát điện của cả nước, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia vào ngành điện đòi hỏi giá năng lượng phải theo giá thị trường, cần phải đánh giá lại giá trị, đóng góp vào GDP của những ngành công nghiệp này để xem họ có thực sự cần những ưu đãi đó nữa không. Trên thực tế, các ngành này hiện đang chiếm hơn 50% lượng điện thương phẩm (2016) nhưng chỉ đóng góp dưới 35% GDP (2018). Nếu giá điện cho những ngành công nghiệp này cứ rẻ mãi thì họ không có nhu cầu sử dụng công nghệ hiện đại hơn để giảm thiểu việc tiêu thụ điện. Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu cụ thể đối với ngành thép phải tăng hiệu quả sử dụng điện lên 16,5% và ngành xi măng là 11% nhưng trên thực tế cũng vẫn chưa có chế tài và chính sách khuyến khích để đảm bảo những mục tiêu này được thực hiện như thế nào.

Các định chế tài chính ngày càng nói “không” với điện than, kể cả với công nghệ hiện đại nhất. Hơn nữa, với một số sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu, đối tác sẽ yêu cầu phía Việt Nam phải sử dụng một tỉ lệ năng lượng tái tạo nhất định để tạo ra các sản phẩm đó. Vì vậy, trong Quy hoạch điện VIII sắp tới, Chính phủ Việt Nam cũng kì vọng chủ yếu vào năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng mới, hạn chế việc gia tăng điện than. Việc kiểm soát một dự án điện than đáp ứng đúng các điều kiện về môi trường và xã hội trong suốt 40 – 50 năm hoạt động không phải là chuyện đơn giản. Vì vậy nên điện mặt trời hay điện gió vẫn là một giải pháp tốt, ít nhất là giảm được khí thải và không phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào.

Về vấn đề tác động môi trường của điện mặt trời, gần đây có ý kiến đại biểu Quốc hội e ngại về việc phát triển điện mặt trời ồ ạt sẽ để lại một loạt các tấm pin năng lượng mặt trời mà không biết sẽ xử lý ra sao. Vậy đây có phải là vấn đề đáng lo ngại trong thời điểm hiện nay không?

Thứ nhất là phải nói rất rõ chúng ta sẽ không gọi đó là tấm pin điện mặt trời mà là tấm quang hợp điện mặt trời. Bởi lẽ, gọi các panel này là pin sẽ khiến mọi người sẽ đánh đồng chúng với các loại pin của động cơ điện vốn có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hơn rất nhiều.

Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là điện mặt trời không tạo ra các rác thải sau khi dự án kết thúc. Có hai vấn đề đáng lo ngại về các tấm quang hợp điện mặt trời: thứ nhất là sản xuất chúng sử dụng rất nhiều kim loại và hợp chất quý hiếm, nếu phát triển điện mặt trời quá nhiều liệu có dẫn đến việc khai thác cạn kiệt những quặng này không? Thứ hai thì các panel này vẫn là rác thải được xử lý. Hiện nay người ta cho rằng có thể tái chế được 80% nguyên liệu trong đó (bao gồm cả việc thu lại các chất dẫn và kim loại quý) còn lại là chôn lấp. Quan trọng là các cơ quan chức năng cần phải tính toán lượng rác thải từ điện mặt trời trong từng thời điểm để có biện pháp xử lý kịp thời. Hiện nay chi phí xử lý rác thải điện mặt trời mặc dù lớn, nhưng cũng như công nghệ điện mặt trời, 20 năm sau có thể nó sẽ giảm tới mức ta không thể ngờ tới. Nhiều nước đang nhìn thấy một ngành công nghiệp và hướng làm ăn mới với xử lý rác thải từ hệ thống điện mặt trời.

 

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này! □    

 

* Bổ sung mới của chị Vũ Chi Mai

** Thay đổi với bản in là 6.3GW

*** Thay đổi với bản in là 5.5GW

 

Hảo Linh thực hiện

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)