Điều gì quí vị tin là có thật nhưng không thể chứng minh được?
“Điều gì quí vị tin là có thật nhưng không thể chứng minh được?” (What do you believe is true even though you cannot prouve it?). Những ý kiến dưới đây là của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau về những vấn đề nổi cộm của thời đại được đăng trên tạp chí Edge. Đây cũng là những hiện tượng khoa học và xã hội đang hoặc sẽ diễn ra ở các nước đang phát triển mà chúng ta cần quan tâm và thảo luận.
Tôi tin-nhưng không thể chứng minh được rằng trẻ em ngày nay đang vô tình là nạn nhân của các tiến bộ công nghệ và phát triển kinh tế. Một điều hiển nhiên là các tiến bộ công nghệ và sự thịnh vượng đang giúp tất cả chúng ta có một cuộc sống tốt hơn, trên nhiều góc cạnh. Thế nhưng dường như chính cái lực đẩy, cái sức ép không thể cưỡng lại được này cũng đã dẫn tới một số hậu quả tồi tệ trong việc biến đổi cuộc sống trẻ thơ. Ngay cả khi chỉ số thông minh IQ của trẻ hiện nay khá hơn so với thế kỷ trước, người ta vẫn nhận thấy dường như một số các khả năng cảm xúc và giao tiếp xã hội cơ bản ở trẻ đã tụt giảm đáng kể trong vòng 3 thập kỷ vừa qua.
Mà đó lại là những khả năng quan trọng để giúp những đứa trẻ trở thành những người làm việc, các nhà lãnh đạo hiệu quả, trở thành những ông bố, bà mẹ và các thành viên xứng đáng trong cộng đồng. Một cách ngẫu nhiên, các cuộc thu thập dữ liệu diễn ra lần đầu tiên vào đầu thập kỷ 1970, lần thứ hai diễn ra khoảng 15 năm sau đó, tức là giữa thập kỷ 80 và lần mới nhất vào cuối thập kỷ 90 ở hơn 3.000 đứa trẻ Mỹ ở độ tuổi 7-16 (các bậc phụ huynh và thày cô giáo, những người gần với trẻ nhất là người đánh giá) đã chứng tỏ chỉ số về khả năng giao tiếp xã hội và chỉ số tình cảm ở trẻ dường như đang trượt theo một hướng sai lệch.
Những đứa trẻ ở Mỹ đã cảm thấy chúng sống ngày càng thu mình, hay hờn dỗi và bất hạnh hơn. Chưa kể tới việc chúng luôn ở trạng thái lo lắng và căng thẳng, hấp tấp và khó tập trung hơn. Đặc biệt chúng hiếu chiến và phạm tội nhiều hơn.Trong khoảng thời gian từ đầu thập kỷ 1970 tới giữa thập kỷ 80, những đứa trẻ đã kém hơn ở 42 chỉ số và chẳng có chỉ số nào khá hơn so với trước. Đến cuối những năm 1990, tốc độ tụt giảm các chỉ số tình cảm và xã hội ở trẻ ít đi nhưng các chỉ số này vẫn kém rất xa so với đầu thập kỷ 70. Đó là những số liệu. Điều khiến tôi tin nhưng không chứng minh được là sự tụt giảm này liệu có phải là hậu quả chủ yếu gây ra bởi các động lực tăng trưởng kinh tế và công nghệ.
Lý do đầu tiên là cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng mãnh liệt diễn ra trong hai thập kỷ vừa qua đã khiến các thế hệ phụ huynh ngày càng phải làm việc nhiều hơn để duy trì cái tiêu chuẩn sinh hoạt mà thế hệ trước đó đã có. Dường như hiện nay hầu hết các gia đình đều có cả bố và mẹ làm việc trong khi 50 năm trước kia chỉ có một người làm việc.
Như vậy không phải các bậc phụ huynh giờ ít yêu quí con cái của mình hơn trước mà họ có ít thời gian để chia sẻ với con cái hơn so với ông bà thời trước. Việc di chuyển chổ ở của các gia đình dễ dàng và nhiều hơn đồng nghĩa với việc ngày càng ít những đứa trẻ được sống gần họ hàng thân thiết. Việc chăm sóc trẻ ngày càng tốt hơn, đặc biệt đối với những đứa trẻ ở các gia đình có điều kiện kinh tế khiến những đứa trẻ ngày càng ít có cơ hội tự chăm sóc mình (bởi cha mẹ hoặc người khác đã làm hộ những kỹ năng mà đáng ra chúng phải tự có-ND).
Đối với những đứa trẻ thuộc các gia đình ở tầng lớp trung lưu, chúng cũng được “chăm sóc” khá kỹ càng. Một chương trình giáo dục dày đặc luôn bao vây chúng: nào là lớp học khiêu vũ, nào là buổi học đàn, rồi câu lạc bộ thể thao… Những đứa trẻ chóng mặt vì những hoạt động đáng ra của người lớn. Thời gian biểu kín chỗ này đã khiến những đứa trẻ không còn giờ phút nào để chơi những trò chơi của tuổi thơ. Thế là những kỹ năng phát triển tình cảm và quan hệ xã hội của trẻ theo cách truyền thống lẽ ra phải có đã mất đi. Một lý do khác liên quan tới mặt công nghệ. Những đứa trẻ chưa bao giờ dành nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử như ngày nay.
Tất nhiên, tiếp cận với máy tính sớm sẽ giúp các kỹ năng làm việc của chúng thành thạo hơn khi đến tuổi trưởng thành nhưng tôi không nghĩ là những kỹ năng này giúp cho bọn trẻ giao tiếp tốt hơn nếu xét theo tiêu chí giữa người với người. Phương pháp giáo dục thông minh ở đây sẽ là việc giúp bọn trẻ học được các kỹ năng tình cảm và xã hội thông qua các bài học ở lớp hơn là để chúng tự do phát triển theo hướng cá nhân. Linh cảm củatôi (mà chưa thể chứng minh được) là ở chỗ chúng ta phải hướng lũ trẻ tới con đường phát triển tốt nhất để chúng khỏi phải trả giá cho cuộc sống hiện đại mà chúng ta đang có.
DANIEL GOLEMAN, nhà tâm lý học,
tác giả cuốn “Emotional Intelligence” (tạm dịch: Trí óc mẫn cảm)