Định hướng chiến lược

Bản thảo “Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020” mới có 13 lần điều chỉnh hay sẽ còn có thêm 130 lần, 1300 lần… thì cũng rứa thôi. Cũng rứa thôi, dù bỏ ra 13 lần, 130 lần, 1300 lần tu sửa, cải tiến, hoàn thiện, bào nhẵn, sơn màu cày chìa vôi quê mùa, chất phác, hồn nhiên, biến thành cày chìa vôi tân thời, đỏng đảnh làm dáng… Mà chưa biết chừng mèo nào cắn mỉu nào, nhé! Câu chuyện “chiến lược” phải bắt đầu và tiếp tục và trở đi trở lại với câu hỏi: Vẫn chấp nhận cày chìa vôi hay phải làm ra cái mới chưa hề có, ví dụ máy cày? Đó là câu hỏi về định hướng chiến lược.  

Chiến lược mới sẵn có một cơ sở vật chất là cuộc sống thực của hàng triệu người, của cả dân tộc, với triết lý gốc là: Gì thì gì, trước hết người ta phải sống đã. Sống được rồi thì mới tính chuyện sống tốt hơn. “Phải sống đã” hay “Sống tốt hơn” là do cung cách làm ăn, mà sức mạnh vật chất là sức lao động.
Cày chìa vôi là hiện thân của sức mạnh cơ bắp, kẻ làm nên Lẽ sống và Sức sống của Nền sản xuất tự cung tự cấp tiểu nông – tiểu thủ công.
Máy cày là hiện thân của sức mạnh trí óc, kẻ làm nên Lẽ sống và Sức sống của Nền sản xuất hiện đại (tính từ sự thắng lợi dứt khoát của đại công nghiệp, thế kỷ XVIII).
2. Tư tưởng định hướng cho việc Thiết kế một chiến lược giáo dục phải dựa trên cơ sở vật chất – nền tảng lịch sử hiện thực, là nền sản xuất vật chất, xét toàn xã hội, còn xét theo từng người, là sức lao động cá nhân.
Để “phải sống đã”, sống bình thường, trong xã hội đương thời, người ta cần có sức lao động gì? Đấy là câu hỏi vừa có tính tư tưởng sâu xa nhất vừa có tính thực tiễn sống còn trực tiếp nhất.
Ngày trước, 95% không đi học vẫn sống bình thường, vì sức lao động chân tay cấp cho nền sản xuất ấy chỉ cần kinh nghiệm tại chỗ, không cần đến học vấn nhà trường.
Ngày nay, cả 100% dân cư phải đi học, để có sức lao động trí óc, thì mới có thể sống được, sống bình thường, dù là chỉ để “phải sống đã”, chưa tính chuyện “sống tốt hơn”.
Như vậy, dựa vào triết lý gốc của cuộc sống thực là “phải sống đã”, để hy vọng sẽ “sống tốt hơn” thì triết lý gốc ấy buộc chiến lược giáo dục hiện nay phải thực hiện sự chuyển đổi chiến lược từ sự hình thành tự nhiên tự phát sức lao động chân tay (trong Cuộc sống ngàn đời) sang sự hình thành tự giác sức lao động trí óc (trong Cuộc sống hiện đại).

Trước tình trạng đáng buồn triền miên của giáo dục ở vùng sâu, vùng xa thuộc 3 Tây (Tây Bắc / Tây Nguyên / Tây Nam Bộ), Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đưa Phương án Công nghệ giáo dục về với 10 ngàn học sinh lớp Một ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La, KonTum, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang.

3. Nhận thức được sự chuyển đổi chiến lược trong lòng Cuộc sống thực nước ta, Đảng định hướng đường lối chiến lược mới: Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá. Định hướng ấy, về mặt tư tưởng, là rất táo bạo đối với một đất nước 80% dân cư là nông dân ở nông thôn, bị chiến tranh tàn phá đến cùng kiệt.
Trong Cuộc sống, về mặt thực tiễn, Công nghiệp hoá tạo ra sức mạnh vật chất để hiện đại hoá. Chỉ có thể thắng một sức mạnh vật chất hiện có bằng một sức mạnh vật chất lớn hơn. Muốn vậy phải thay đổi nguyên lý tạo ra sức mạnh vật chất: Từ nền kinh tế tập trung bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường. Chỉ có cộc lốc như vậy thì khó tránh những rủi ro có thể, nên phải kèm thêm “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng, cả về tư tưởng lẫn thực tiễn. Định hướng xã hội chủ nghĩa lại càng đúng với chiến lược giáo dục, cả về tư tưởng lẫn thực tiễn.
Định hướng nghĩa là đã xác định dứt khoát hướng đi, có mục tiêu rõ ràng ở phía trước. Định hướng để đi tới, để phát triển, mà để phát triển, để đi tới… thì phải có sức mạnh vật chất: sức mạnh nhãn tiền – công nghiệp hoá, sức mạnh tiềm năng – giáo dục. Giáo dục là lực lượng chiến lược của cách mạng.
4. Sức mạnh vật chất của giáo dục cấp cho sự phát triển chiến lược của đất nước là sức lao động trí óc.
Thuở trước, cần có sức lao động trí óc để làm quan. Ngày nay, làm người dân thường hiện đại cũng cần đến sức lao động trí óc.
Học sinh bước vào lớp Một là bắt đầu học các thao tác trí óc, học cách làm việc trí óc, mà trong xã hội hiện đại, chỉ có Thầy giáo mới có cách làm. Riêng một ví dụ ấy thôi cũng cho thấy Nền giáo dục hiện đại phải cao hơn một tầm nguyên lý so với nền giáo dục hiện hành, cả tư tưởng lẫn thực tiễn.
Chiến lược giáo dục phải lấy sức lao động trí óc làm cốt lõi vật chất cho cả nền giáo dục lẫn cho từng học sinh hiện đại.
Sức lao động trí óc là CÁI gì?
Bằng CÁCH nào để có?
Đó là hai câu hỏi mà tác giả Chiến lược giáo dục phải trả lời rành rẽ, dứt khoát. Nếu không thì nói gì cũng đều là tào lao, là trò chơi chữ nghĩa.
5. Phạm trù cá nhân là thành quả tự nhiên từ nền sản xuất đại công nghiệp (thế kỷ XVIII), cũng là thành quả tự nhiên từ lịch sử Phạm trù người. Là con đẻ của nền văn minh đương thời, nền giáo dục hiện đại phải tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân phát triển thành chính mình. “Bản vị vàng” của tư tưởng ấy là sức lao động trí óc của cá nhân hiện đại. Quá trình tạo ra sức lao động trí óc cá nhân, cũng là quá trình cá nhân ấy phát triển tự nhiên thành chính mình. Vì vậy, Nghiệp vụ sư phạm hiện đại, với tư cách kẻ thừa hành, sớm muộn cũng phải có, nhất thiết phải có nghiệp vụ triển khai thực tiễn giáo dục với cốt lõi là tổ chức và kiểm soát quá trình mỗi cá nhân làm ra sức lao động trí óc như một sản phẩm tất yếu.
Sức lao động trí óc sẽ là sản phẩm tất yếu, nếu nó là sản phẩm làm ra từ khoa học hiện đại, từ các khái niệm (hệ thống khái niệm) khoa học hiện đại. Chừng nào làm được việc này, giáo dục mới thực hiện được “bước nhảy sinh mệnh” từ kinh nghiệm sang khoa học, mà nền sản xuất vật chất đã làm được từ lâu, từ thế kỷ XVIII.
6. Nếu các bác thợ cả với sức lao động chân tay, công cụ thủ công và bí quyết tay nghề từng đóng vai trò chủ đạo, chủ yếu trong nền sản xuất tiểu nông – tiểu thủ công cho đến thời công trường thủ công (thế kỷ XVI – XVII), thì sang thời đại đại công nghiệp vai trò đó lịch sử trao cho Khoa học – Công nghệ và sản xuất bằng máy móc. Đương nhiên, các nhà Khoa học – Công nghệ mới có tư cách đứng ra thiết kế chiến lược mới.
Ở nước ta hiện nay, rất đông, đông lắm, quá đông những “bác thợ cả” lành nghề. Họ có thể làm tinh xảo hơn, sang trọng hơn chiếc cày chìa vôi, mà theo kinh nghiệm của họ thì máy cày là điều “ngông cuồng”, “ảo tưởng”, ngay cả khi họ trông thấy bằng mắt trần chiếc máy cày có thật. Vấn đề ở đây không phải là lòng tốt, là đạo đức… mà là trí khôn – sức lao động trí óc. Kinh nghiệm của các bác thợ cả chỉ có vậy. Cả đời gắn với cày chìa vôi, sống nhờ cày chìa vôi, ăn nên làm ra nhờ cày chìa vôi, các bác thợ cả lại luôn luôn có quyền uy với đám học việc và người làm… thì dễ gì thuyết phục nổi họ có thật máy cày! Rồi cũng đến lúc lịch sử phải sản xuất hàng loạt máy cày, lúc ấy tiền tu sửa cày chìa vôi đã giải ngân, chắc là các bác thợ cả không còn thắc mắc gì nữa.
7. Thiết kế và thực thi Chiến lược giáo dục theo thể thức nào?
Năm 1978, chúng tôi đưa ra khẩu hiệu chiến lược “Dỡ ra làm lại từ đầu”, khi sắp triển khai Cuộc cải cách giáo dục năm 1981.
Năm học đầu tiên Cải cách giáo dục có 80 vạn học sinh lớp Một lưu ban, các năm sau khá hơn, còn khoảng 50-60 vạn. Trước tình hình ấy, Bộ Giáo dục cho phép chúng tôi nhập cuộc. Năm học 1986-1987, Phương án Công nghệ giáo dục đưa về 12 tỉnh/thành trong cả nước, rồi mở rộng dần đến 43 tỉnh/thành, đồng thời triển khai tự nhiên từ lớp 1 đến lớp 5, nhưng vào năm học 2001-2002 thì toàn bộ Hệ thống Công nghệ giáo dục trong cả nước bị “bóp mũi” cho chết, thế chỗ là Quyển sách e/b đầy tai tiếng ở lớp Một, rồi các quyển “đồng loại” tuần tự thế chỗ ở các lớp Hai, Ba, Bốn, Năm.
Năm 2008, trước tình trạng đáng buồn triền miên của giáo dục ở vùng sâu, vùng xa thuộc 3 Tây (Tây Bắc / Tây Nguyên / Tây Nam Bộ), Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đưa Phương án Công nghệ giáo dục về với 10 ngàn học sinh lớp Một ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La, KonTum, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang.
Thực tiễn hai lần về địa phương cho thấy, về bản chất nội dung – phương pháp, Phương án Công nghệ giáo dục đã thực sự, thực chất “Dỡ ra làm lại từ đầu”, mà trên thực tế triển khai là “Làm mới từ đầu, từ lớp Một.
8. Làm mới từ đầu, từ lớp Một là xu hướng cơ bản của Chiến lược giáo dục mới.
Về bản chất, nền giáo dục mới phải cao hơn một tầm nguyên lý so với nền giáo dục hiện hành, như khoa học cao hơn một tầm nguyên lý so với kinh nghiệm của các bác thợ cả, do đó, dù muốn dù không, cũng phải “Dỡ ra làm lại từ đầu”, chỉ có điều, trong thực tiễn triển khai thì “Bắt đầu làm mới từ lớp Một”, nghĩa là hiểu ngầm rằng đành cứ để cái đang có tự nhiên trôi đi theo ngày tháng. Đã từng mất 30 năm thì dẫu có mất thêm mươi năm nữa cũng là may lắm rồi!
Máy cày đành rằng cũng có những chức năng cơ bản như cày chìa vôi, nhưng các Thành phần cấu trúc thì hoàn toàn khác. Cái Thành phần gần như “bản sao” là lưỡi cày, thì chỉ còn là một chi tiết trong Thành phần công tác của máy cày. Còn hai Thành phần kia (động lực và truyền lực) thì hoàn toàn khác.
Nền giáo dục mới cũng có Thành phần “nội dung”, nhưng được chọn lựa và cấu tạo theo nguyên tắc mới. Thành phần “phương pháp” lại càng khác xa hơn, giống như đi, mà đi bộ bằng hai chân thịt thì khác xa đi bằng xe máy, ô tô, máy bay… Vậy nên các “bác thợ cả” làm cày chìa vôi hình dùng sao nổi (thì làm sao có thể chấp nhận) cái mới là máy cày. Nên Chiến lược mới đích thực phải là chiến lược làm “máy cày”, chứ không phải tu sửa “cày chìa vôi”.

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)