Đôi điều từ bài viết về GS. Phạm Lợi Vũ

Bài viết về nhà khoa học 73 tuổi - GS Phạm Lợi Vũ trên Tia Sáng số 6-20.3.2007 là một loại bài về sự tận tụy và trung thực trong giới khoa học nên có thường xuyên trên Tia Sáng - một diễn đàn của trí thức. Và qua tấm gương lao động và ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của GS. Phạm Lợi Vũ đã gợi cho tôi đôi điều suy nghĩ về nhà khoa học.

GS Phạm Lợi Vũ không được đào tạo chính quy và liên tục như nhiều người khác. Ông phải tự học cho hết chương trình phổ thông, rồi đi dạy bổ túc văn hóa và tham gia công tác xóa nạn mù chữ. Chọn nghề làm khoa học, ông xác định phải phấn đấu vươn lên tới trình độ cao ngay khi còn giảng dạy ở ĐHSP Việt Bắc. Trong nhiều năm, vượt qua bao khó khăn về tuổi tác, điều kiện nghiên cứu và cả sự thờ ơ bất cần của một số quan chức khoa học cùng cơ chế quản lý quan liêu lạc hậu, ông đã lao động kiên trì, nhất quán trong nhiều năm để đạt được mục tiêu của mình. Và ở độ tuổi 60-70 ông mới đạt tới đỉnh cao lao động sáng tạo, để cứ một hoặc hai năm công bố được một bài báo ở tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, và phần lớn các công trình công bố quốc tế của mình ông thực hiện ở Việt Nam.

Trong khi nhiều nhà khoa học chuyên nghiệp (kể cả những người có chức danh, học vị cao và giữ các vị trí được coi là đầu tàu) của chúng ta thường lảng tránh trách nhiệm công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế, với lý do điều kiện sống và làm việc khó khăn ở Việt Nam, rằng đó là công việc của thời còn trẻ còn sung sức, rằng còn phải bận tâm chủ trì những loại đề tài nghiên cứu khoa học lớn – mà theo họ – không cần phải có công bố quốc tế thì thái độ đòi hỏi cao về chuẩn mực trong công việc và lối sống đối với bản thân và đồng nghiệp xung quanh của GS. Phạm Lợi Vũ khiến một số người theo chủ nghĩa hình thức, dễ dãi và cơ hội không ưa, nhưng ông lại nhận được sự tôn trọng của những người biết quý trọng sự trung thực trong khoa học.

Công bố quốc tế là thước đo của các nhà khoa học, khi các công trình của họ được kiểm định nghiêm ngặt bởi các chuyên gia ẩn danh hàng đầu am hiểu lĩnh vực chuyên môn sâu. Đó không chỉ là trách nhiệm chuyên môn suốt đời của một nhà khoa học chuyên nghiệp đóng góp phần mình cho nghề nghiệp, mà điều quan trọng không kém là buộc họ phải liên tục học hỏi cập nhật thông tin quốc tế để giữ được trình độ của mình (từ đó mới có thể làm mới được!) trong một nền khoa học và công nghệ liên tục vận động phát triển như hiện nay. Tất cả các nhà khoa học chuyên nghiệp ở các Đại học và Viện nghiên cứu đều phải đi theo con đường đó, dù họ làm nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng, trong khoa học tự nhiên hay kỹ thuật, công nghệ, dù họ xuất xứ  từ các nền khoa học tiên tiến Âu Mỹ ngày nay hay từ các nước anh em Đông Âu gần gũi với ta xưa kia, từ  Hàn-Nhật xa xôi tới các láng giềng Trung Quốc, Thái Lan, Philippine bên cạnh. Câu nói bất hủ ở các ĐH Mỹ “Công bố (bài báo khoa học) hay là chết” [Publish or Perish] đã tóm lược được một cách súc tích sự thật đó.

GS Vũ nằm trong số ít nhà khoa học tâm huyết hiện nay ở Việt Nam làm việc vươn tới trình độ quốc tế nhưng không nhận được sự tôn trọng và hỗ trợ thích đáng, từ hệ thống quản lý yếu và một số – như ông nói – quyền chức khoa học tham lam, ích kỷ và giả dối. Chúng ta không thể có một nền khoa học phát triển đích thực chỉ dựa trên tâm huyết của một số nhà khoa học. Chúng ta cần có chính sách cụ thể động viên tạo điều kiện cho các nhà khoa học làm việc tốt hơn, để họ thực hiện bổn phận nghề nghiệp của mình, vì lợi ích chính đáng của bản thân họ và sự tiến bộ của xã hội.

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)