Đôi điều về chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam
Toàn văn bản chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam dài 23 trang, trong đó hai trang rưỡi đầu là một bản thành tích tô hồng và khẳng định những thành tích này đã đóng vai trò quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Nhưng trái ngược hẳn với bản thành tích tô hồng nói trên, chiến lược đã vạch ra 5 yếu kém bao gồm:
1- Nội dung và phương pháp giảng dạy ở các cấp nặng nề, thiếu thực tiễn, không phù hợp với khả năng và nhu cầu của học sinh.
2- Có sự mâu thuẫn chạy theo số lượng và chất lượng, dẫn đến hành vi dối trá: muốn mở trường họ khai bịa có nhiều tiến sĩ, thực ra chỉ có một!
3- Hệ thống giáo dục thiếu cân đối, chưa chú trọng đến nhu cầu nhân lực của xã hội (thừa thầy kém, thiếu thợ giỏi).
4- Đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được nhiệm vụ trong thời kì mới.
5- Cơ sở vật chất của các trường còn nghèo nàn và lạc hậu.
Để khắc phục những bất cập của giáo dục hiện nay, bản chiến lược liệt kê 11 giải pháp có tính đột phá gọi là những giải pháp chiến lược.
Theo văn bản này thì cứ vấn đề nào lớn, có tầm quốc gia, tác giả đều gọi là chiến lược. Vậy ta nên hiểu từ chiến lược thế nào cho đúng?
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người’’ thì Người đã coi giáo dục có tầm chiến lược cho tương lai của đất nước. Vì thế Người đã chọn những trí thức lớn có tâm và có tầm như Đặng Thai Mai, Vũ Đình Hòe, rồi Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Sau này, nhà trí thức lớn Tạ Quang Bửu được cử làm Bộ trưởng Đại học, và với tầm nhìn chiến lược, Ông đã chọn những người giỏi có nhiều triển vọng để đào tạo nhân tài cho đất nước. Nhưng những kẻ cơ hội tả khuynh lại ghép ông cùng với nhà bác học Lê Văn Thiêm vào tội thiếu lập trường giai cấp và theo “thiên tài chủ nghĩa’’.
Sau này mặc dù Đảng và Nhà nước vẫn luôn khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhưng vì một lý do nào đó, lại bố trí không ít người phụ trách ngành giáo dục ở các cấp có tâm nhưng thiếu tầm, thậm chí thiếu cả tâm lẫn tầm. Đó chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nền giáo dục nước ta suy thoái ngày càng nặng nề.
Tôi nghĩ rằng ông Bộ trưởng giáo dục hiện nay không thiếu tâm, thiếu tầm nhưng do phải kiêm nhiệm một chức vị quan trọng hơn, và hẳn thường xuyên bận vào những sự vụ khác nên không thể toàn tâm toàn ý cho ngành giáo dục, thậm chí chưa chắc có nhiều thời gian để suy nghĩ thấu đáo về bản chiến lược này. Do vậy trong chiến lược mới đề ra những giải pháp thiếu tính khả thi, chẳng hạn như làm sao có được những giáo sư đại học Việt Nam có trình độ cao để thực hiện được việc xây dựng 4 trường đại học Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế vào năm 2015 (tức 6 năm nữa). Nhất là với kế hoạch đến năm 2020 sẽ đào tạo 2 vạn tiến sĩ, thì tôi thấy chính những người xây dựng bản chiến lược này cũng lại mắc bệnh thành tích, bệnh chạy theo số lượng.
Hoa Kỳ hiện nay là nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, năm nào cũng có các nhà khoa học nhận giải thưởng Nobel .Giả thử ông gửi sang Mỹ 1 vạn cử nhân nhờ họ đào tạo thành những người tài cho đất nước, thì những em nào chịu khó chăm chỉ học tập có thể thành người tài thật. Còn nếu ông đặt hàng hãy đào tạo cho tôi 1 vạn tiến sĩ trong 5 năm thì đến hạn họ sẵn sàng trả cho ta đủ 1 vạn người có bằng tiến sĩ, nhưng tiếc thay bằng thì thật, còn người có bằng chưa chắc đã thật. Tình trạng cũng tương tự như trước đây ta nhờ Liên Xô đào tạo cho kĩ sư và cử nhân: đến hạn các thầy Liên Xô sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí làm hộ luận án để cháu nào về nước cũng có bằng đại học mà không viết nổi một câu tiếng Nga, thậm chí một bài tiếng Việt.
Đối với một bệnh mạn tính kéo dài hàng mấy chục năm của ngành giáo dục Việt Nam, thì không thể có một phương thuốc tiên dứt bệnh ngay được, lại không thể liệt kê trải mành mành 11 giải pháp, trên thực tế chỉ là 11 việc trong kế hoạch dài hạn của ngành giáo dục. Suy nghĩ kĩ, tôi thấy khâu quan trọng nhất, khâu đột phá có thể tác động đến toàn ngành giáo dục, không ai khác chính là người thầy. Bởi vì suy cho cùng thì người trực tiếp lên lớp, soạn bài giảng, cải tiến phương pháp sư phạp, cải tiến chương trình, biên soạn sách giáo khoa cũng là người thầy, một mình ông Bộ trưởng Giáo dục dù giỏi đến đâu cũng không làm được. Muốn vậy phải khôi phục truyền thống tôn sư trọng đạo của toàn xã hội đối với người thầy. Cần coi người thầy là một trí thức có nhiệm vụ cao quý, là người tác động đến tâm hồn và trí tuệ của lớp trẻ, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để họ không bắt học sinh học thêm, hoặc nhận quà biếu của phụ huynh, mà có thì giờ để đọc sách học thêm trau dồi đạo đức, nghề nghiệp, và không nên xếp họ vào thang cuối cùng của xã hội ( công, nông, binh, trí ).
Ngày nay, sự yếu kém của nền giáo dục quốc dân không chỉ giới hạn ở nhà trường. Nó đã ảnh hưởng đến đạo đức của toàn xã hội với những tiêu cực lớn nhỏ nhan nhản trên báo chí hằng ngày. Một cơ trưởng lái máy bay hẳn đã học xong bậc đại học, lại cùng với mấy lưu học sinh tham gia vào các vụ ăn cắp vặt ở Nhật Bản, thật là một quốc sỉ cho một dân tộc anh hùng! Bởi vì mỗi trẻ em được cha mẹ dạy tốt rồi, đến trường cũng được dạy tốt, vẫn có thể bị ảnh hưởng tai hại của xã hội mà trở nên hư đốn. Vấn đề to lớn và quá khó khăn này, chắc chỉ khi những vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước có quan tâm thì may ra mới giải quyết được.