Đổi mới cách xây dựng chiến lược

Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, tiềm lực KH&CN là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển đất nước. Vì vậy việc Bộ KH&CN đang xúc tiến xây dựng Chiến lược KH&CN giai đoạn 2010-2020 là một việc hết sức cần thiết. Nhưng để có được chiến lược đúng và khả thi thì không thể tiến hành xây dựng Chiến lược như đã từng làm với chiến lược KH&CN giai đoạn 2001-2010.

Dù chưa tổng kết, đánh giá việc thực hiện chiến lược KH&CN giai đoan 2001-2010, nhưng qua thực trạng KH&CN hiện nay ta có thể thấy mục tiêu tổng thể của chiến lược KH&CN 2001-2010 là đưa KH&CN Việt Nam đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực vào năm 2010 chắc chắn sẽ không đạt (cũng có thể coi là phá sản). Nếu lấy trình độ KHCN của Malaysia và Thailand là 2 nước có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực để so sánh thì ta còn kém xa 2 nước này ở bất cứ chỉ tiêu phát triển KHCN nào.
Có thể lý giải chiến lược KH&CN giai đoạn 2001-2010 không có tính khả thi do một số nguyên nhân chủ yếu:
– Chiến lược 2001-2010 không khả thi: Mục tiêu chiến lược chỉ là tham vọng chưa xuất phát từ thực lực, điều này cũng có nghĩa là những người vạch ra mục tiêu chiến lược trên một cái nền không chuẩn
– Các biện pháp thực hiện chiến lược chỉ mang tính khẩu hiệu, không cụ thể, chi tiết và thiếu tính đồng bộ
– Xây dựng chiến lược để đút ngăn kéo – làm xong chiến lược coi như đã thành công: 
Một trong những căn bệnh trầm kha của chúng ta là làm ra nhiều đường lối, chiến lược thường khá nghe có vẻ hoành tráng thật nhưng xây chiến lược xong coi như hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta vẫn thích đao to búa lớn, vẽ hết chiến lược này đến chiến lược kia nhưng vẽ xong để đấy không cần vận hành, hoặc coi nhẹ khâu vận hành: Việc triển khai, giám sát thực hiện, các điều kiện cần và đủ để chiến lược đi vào cuộc sống hầu như không được quan tâm đúng mức. Không giao trách nhiệm cụ thể, không có chế tài xử phạt nếu chiến lược không được thực hiện hoặc thực hiện không đạt mục tiêu đề ra. Thiếu vắng các biện pháp thực thi cụ thể này thì dù chiến lược có đúng đắn cũng không có tác dụng
Một số nguyên nhân thực tế mà chiến lược chưa thấy hết hoặc cố tình bị bỏ qua: Trình độ năng lực đội ngũ cán bộ KHCN của Việt Nam (đây cũng là yếu tố hạt nhân của chiến lược) còn yếu kém. Sự yếu kém này chủ yếu do kết quả đào tạo nguồn bằng trình độ và công nghệ lạc hậu và cũng do chưa có cơ chế khơi dậy ý chí, niềm tin, tinh thần tiến thủ và khả năng sáng tạo, thậm chí cơ chế hiện hành còn triệt tiêu những người dám “vượt trội”. Cách thức sử dụng nguồn nhân lực yếu kém (tổ chức biên chế lạc hậu, dàn đều, không coi trọng các tiêu chí khách quan về năng lực chuyên môn, thiếu dân chủ, kéo dài cơ chế bao cấp xin cho, chưa có môi trường hoạt động KHCN), làm triệt tiêu khả năng sáng tạo. Mô hình hoạt động KHCN lạc hậu, vừa cồng kềnh, phân tán lại vừa chồng chéo, chưa có hệ thống KHCN chuẩn mực từ viện nghiên cứu, trường đại học đến các doanh nghiệp sản xuất. Việc kéo dài hệ thống biên chế KHCN theo kiểu quản lý cán bộ công chức hành chính đã làm triệt tiêu sự sáng tạo của nhà KHCN.

Đổi mới cách làm chiến lược

Để có được một chiến lược để làm chiến lược KHCN đúng đắn và khả thi, thiết nghĩ chúng ta cần trả lời được 5 câu hỏi tối thiểu gồm 4W + 1H, sau: 1/ Ta là ai (Who we are)?  2/ Ta đang ở đâu (Where we are) ? 3/ Ta cần gì  (What we need) ? 4/ Tại sao (Why we do) ? và 5/ Bằng cách nào (How we do)? Trả lời các câu hỏi trên tưởng như đơn giản nhưng để có sự chuẩn xác cho mỗi câu trả lời cần có các thông tin đầy đủ, đúng đắn và thật sự khách quan. Nghĩa là muốn làm gì trước hết cũng biết mình, biết người, phải nhận dạng đúng chân tướng của mình, cái mạnh, cái yếu, phải biết mình đang ở đâu (bằng các minh chứng khoa học cụ thể như qua số lượng công bố quốc tế, bằng đăng ký phát minh sáng chế, v.v.). Đừng tự ru ngủ mình bởi một số lĩnh vực mà Việt Nam có thể mạnh như Toán hay Vật lý lý thuyết (mạnh so với ai, qua số liệu, chỉ tiêu so sánh nào?) đề tự vạch ra các mục tiêu hão huyền. Xác định mục tiêu đúng (cần gì và tại sao lại là như thế mà không phải là khác) là điều quan trọng, và quan trọng là phải làm gì để đạt mục tiêu đó. Điều này có nghĩa là chiến lược được viết ra có thể chỉ một vài chục trang thôi, nhưng kèm theo nó là hàng ngàn trang phụ lục các số liệu tính toán kèm theo để minh chứng, luận giải hoặc thuyết phục cho mỗi câu, mỗi chữ trong văn bản chiến lược.
Cần quan niệm chiến lược cũng như một dề án: có đề cương được thiết kế đúng, mục tiêu đưa ra chuẩn xác và có tính khả thi cao, phương pháp hay biện pháp thực thi phù hợp với lộ trình rõ ràng, các điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí để thực hiện;  người chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, người triển khai giám sát, có báo cáo và kiểm tra tiến độ, có tiêu chí đánh giá cuối cùng. Mọi cái phải được vạch ra từ đầu khi bắt tay xây dựng chiến lược.
Chiến lược KH&CN là sản phẩm của trí tuệ, mà trí tuệ thì không thể là độc quyền của một tổ chức cá nhân nào. Vì vậy nên xã hội hóa việc làm chiến lược. Thay bằng cơ quan chức năng (Viện chiến lược và chính sách KHCN- Bộ KH&CN) tự thiết kế làm ra chiến lược, rồi công khai lấy ý kiến “rộng rãi”, thì nay Bộ KH&CN chỉ cần xây dựng barem đưa ra yêu cầu chiến lược, thời gian và phương thức tuyển chọn. Trên cơ sở đó công khai thông báo cho tất cả các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài, các tổ chức, hội, nhóm liên quan đến KHCN trong và ngoài nước có thể tham gia đăng ký xây dựng và tuyển chọn chiến lược KHCN. Kinh phí dùng cho cơ quan chức năng xây dựng chiến lược được sử dụng làm tiền thưởng cho đề án chiến lược nào được bình chọn. Thay vì, vừa vất vả phải tự soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến, chỉnh sửa nhiều lần mà vẫn bị nhiều tai tiếng từ dư luận như Dự thảo Chiến lược giáo dục Việt Nam đến năm 2020, Bộ KH&CN chỉ cần thành lập Hội đồng tư vấn tuyển chọn. Thực ra đây cũng là cách làm khôn ngoan và hiệu quả của nhiều nước trên thế giới.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)