Đổi mới sự lãnh đạo và phẩm chất của người lãnh đạo

“Tôi sẽ là người sung sướng nhất đời nếu có cách gì làm cho người cầm quyền tăng thêm được tri thức về những việc họ phải quản lý, và làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi họ tuân lệnh”. Montesquieu Mấy thế kỷ đã trôi qua, ý tưởng ấy của nhà “Khai sáng” dường như sống động hẳn lên trong đời sống của đất nước đang đứng trước một đòi hỏi thật bức xúc: đổi mới sự lãnh đạo và phẩm chất của người lãnh đạo.


Vụ án “quan ăn đất” với bản án của toà sơ thẩm Hải Phòng, một trò hề lố bịch và là sự khiêu khích trắng trợn của bọn tham nhũng đối với dư luận, và rồi quyết định phúc thẩm của TANDTC ngày 10.10.2006 hủy bỏ bản án sơ thẩm đó, là một ví dụ khá tiêu biểu. Khi phiên tòa phúc thẩm ngày 10.10.2006 tuyên hủy bỏ bản án sơ thẩm đáng xấu hổ kia, nhân dân đã biểu tỏ sự tán đồng bằng những tràng vỗ tay vang dội và công kênh “người anh hùng” của họ, người kiên trì cuộc đấu tranh chống lại bọn tham nhũng được sự bảo kê của các nhà cầm quyền Đồ Sơn và thành phố Hải Phòng.
Thái độ đó đã nói lên khát vọng của dân. Đó là khát vọng công lý, khát vọng dân chủ. Từ vụ án Đồ Sơn, bài học cần rút ra chính là bài học về “xây dựng và hoàn thiện thể chế giám sát, kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền” mà Đại hội X đã nêu lên*. Đó chính là bài học về quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền, đảm bảo pháp quyền đứng trên Nhà nước, nhằm thực hiện khát vọng ngàn đời của nhân dân và cũng là sự đúc kết lý luận về Nhà nước của những bộ óc lớn của loài người: quyền lực là của dân và chỉ có thể là của dân, không thể của ai khác”.
Vở diễn quá vụng về của tòa sơ thẩm Hải Phòng, theo kịch bản đã soạn trước và đạo diễn là lực lượng đứng trên

 
Các bị cáo trong vụ án “quan ăn đất” ở

Hải Phòng

Tòa án, thách thức dư luận về tính bất hợp hiến và bất hợp pháp của sự “can thiệp quá sâu vào vụ án” của Đảng và Chính quyền thành phố Hải Phòng. Chính “các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền” nói trên, những hoạt động bất hợp hiến và bất hợp pháp ấy đã biến việc xét xử của Toà án, một thể chế hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật trở thành con rối bị giật dây. Người điều hành con rối ấy, không ai khác, chính là “hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”, đối tượng mà Nghị quyết Đại hội X đòi hỏi phải “giám sát, kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp”. Hành động vi hiến, đứng trên luật pháp của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hải phòng là một ví dụ điển hình. Điển hình cho cái gì, cho ai? Đấy mới là vấn đề của vấn đề.
Từ một vụ chống tham nhũng mà bật ra một trong cái gốc của tham nhũng. Bởi lẽ, quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối. Lord Acton đúc kết thực tế qua một sự khái quát mang tính quy luật ấy của mọi quyền lực từ cổ chí kim, từ tây sang đông. Bởi thế, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải có cơ chế ngăn chặn và kiểm soát cái “xu hướng” đó, mà cơ bản nhất, lâu dài nhất là thấm nhuần điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quyền hành và lực lượng đều nơi dân”. “Quyền lực tuyệt đối” chỉ có thể là của dân, không thể để rơi vào tay cá nhân hay tổ chức nào. Quyền lực của Nhà nước cũng là quyền của dân trao cho. Làm sao để dân trao quyền mà không bị mất quyền, không bị lạm quyền, không bị tiếm quyền, đó là vấn đề hóc búa nhất của hành trình xây dưng nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Trong điều kiện đặc thù của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền với sự lãnh đạo của một Đảng, thì cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là sự đúc kết thực tiễn để đưa ra một khái quát lý luận rất sáng tạo, có ý nghĩa chỉ đạo rất sinh động và cập nhật nhưng gần đây thấy ít nói đến. Đảng lãnh đạo Nhà nước để Nhà nước thực hiện thật tốt chức năng quản lý. Nhà nước quản lý tốt chính là thể hiện sinh động và thuyết phục về sự lãnh đạo của Đảng. Và, cái đích hướng tới của cả lãnh đạo và quản lý là nhằm thực hiện trong thực tế và bằng hành động vai trò làm chủ của nhân dân trên đất nước dân chủ của mình. Đây là một nét đặc trưng nhà nước dân chủ của ta so với các nhà nước dân chủ khác, trong đó, có thể có dân chủ song nhân dân chưa phải là người làm chủ. Chính vì thế, không thể gọi một nước do dân làm chủ mà lại không thực hiện dân chủ, không thành tâm mở rộng dân chủ, thể hiện trong cơ chế vận hành, trong chủ trương chính sách, và nhất là trong ứng xử đối với dân của bộ máy cầm quyền.
Từ bài học vụ án “quan ăn đất” ở Hải Phòng với phiên tòa sơ thẩm tai tiếng buộc phải có phiên phúc thẩm của TANDTC hủy bỏ bản án sơ thẩm tệ hại kia, cho thấy cuộc chiến gay go giữa cái “quán tính quyền lực” với hành trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền đang còn nhiều gian truân. Cái quán tính của một thứ quyền lực quen tự tung, tự tác vốn xem “chỉ thị, nghị quyết” của cấp ủy địa phương, một thứ “lệ” cao hơn “Luật”, thậm chí đặt “nghị quyết” trên cả Hiến pháp và Luật pháp. Bài học sâu sắc từ sự kiện nói trên càng thấy rõ, việc “xây dựng và hoàn thiện thể chế giám sát, kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền” là một đòi hỏi bức xúc. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đó là một nhân tố cực kỳ quan trọng của phòng chống tham nhũng.

_______________________________
*Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. NXBCTQG. 2006, tr.45

Tương Lai

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)