Đồng bằng Sông Cửu Long: Những thách thức hiện nay và ngày mai

Hiện nay và trong thời gian tới, ĐBSCL phải đương đầu với ít nhất hai thách thức toàn cầu, một thách thức khu vực và một thách thức từ chính sự khai thác đồng bằng. Toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế. Các thách thức đó không tác động riêng lẻ mà cùng nhau và liên hoàn tác động, nhân lên hậu quả của các tác hại là thách thức tổng hợp đối với sự phát triển bền vững của đồng bằng.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở ngoài cùng của châu thổ sông Mekong giáp với biển, được hình thành từ khoảng 6000 năm nay, từ trầm tích mà sông Mekong tải ra biển cộng với quá trình biển lùi. Nước và trầm tích là hai yếu tố thuộc về bản chất của đồng bằng.

Là một châu thổ trẻ, mẫn cảm với các tác động từ bên ngoài và từ bên trong, đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động kép từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và từ việc sử dụng nguồn nước từ thượng nguồn. Gọi là kép vì hai tác động này không tách biệt nhau mà quyện vào nhau1.

Hệ lụy từ việc khai thác Đồng bằng Sông Cửu Long

Sau năm 1975, Việt Nam bắt tay vào quy hoạch khai thác ĐBSCL. Các vấn đề cần hiểu rõ và giải quyết cho được và đúng quy luật, là phèn, chua và mặn để khai thác ba tiểu vùng đất rộng người thưa lúc bấy giờ là Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau.

Thách thức khi đó đối với đồng bằng, đặc biệt trong ba tiểu vùng, là vào mùa mưa thì thừa nước, lũ ngập mênh mông, nhưng vào mùa khô thì thiếu nước trầm trọng, đất nứt nẻ, phèn xì lên từ những lớp đất phèn bên dưới bị oxy hóa. Lại thêm vào mùa khô, nước mặn theo triều xâm nhập sâu vào đồng bằng. Đầu mùa mưa, phèn được rửa, chảy vào kênh rạch kéo độ pH xuống thấp. Phải chờ cho đất bớt phèn mới canh tác lúa được. 

Ở Việt Nam, không có “Vạn lý trường thành” nhưng ĐBSCL có “Vạn lý đường kênh”. Chỉ tính riêng trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười và tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, từ năm 1975 đến cuối thập niên 1990, hơn hai vạn km kênh các loại đã được đào, để “ém phèn” cắt đứt oxy hóa các tầng jarosite và pyrite, để thau chua, rửa mặn và đưa phù sa sông Mekong vào sâu trong Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. (Hình 1).
 


Hình 1. Mạng lưới kênh rạch ở ĐBSCL năm 1964 (trái) và năm 2011 (phải).

Một mặt khác, chính quyền các cấp và nhân dân cũng đã xây dựng rất nhiều cống ngăn mặn, nhằm giữ ngọt và “ngọt hóa” những vùng bị nhiễm mặn như các vùng Gò Công, Nam Măng Thít, sông Ba Lai, vùng trung tâm của Bán đảo Cà Mau, … Mục đích là để tăng diện tích canh tác lúa hai vụ nơi nào có thể. 

Cái giá phải trả cho nỗ lực đẩy mạnh sản xuất lúa gạo, làm tròn nhiệm vụ “vựa lúa của cả nước” là diện tích rừng tràm biến mất nhanh chóng trong Đồng Tháp Mười, trong Tứ giác Long Xuyên và tại rừng U Minh (Thượng và Hạ). Hơn thế nữa các vùng trũng bị “chắt nước” cạn để tăng vụ. (Hình 2). Mất rừng là mất nước. Chắt cạn nước chứa đựng nguy cơ mực nước thủy cấp trong khu vực sẽ xuống thấp khi nước sông Mekong về đồng bằng không còn dồi dào như trước nữa.
 


Hình 2. Diễn biến của Đồng Tháp Mười năm 1979 (trái) và năm 2005 (phải).

Không ngừng lại ở hai vụ, nhiều tỉnh, bắt đầu từ An Giang, Đồng Tháp, bao đê vượt lũ để làm lúa vụ ba từ những năm 1990. Tổng diện tích lúa vụ ba có đến trên 300.000 ha. Tăng thêm thu nhập được đánh đổi bằng chế độ thủy văn bị xáo trộn bên ngoài đê bao. Bên trong thì độ phì của đất giảm sút, môi trường suy thoái.

Đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, kể cả thủy sản biển còn khiêm tốn trong thập niên 1980. Nay, diện tích nuôi tôm lớn lên từng ngày. Quy hoạch diện tích nuôi tôm cho năm năm đã được các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang hoàn thành trong một đến hai năm, thậm chí có nơi còn nhanh hơn. Có cả những cống ngăn mặn trước đây được xây để canh tác lúa, bị bửa ra để lấy nước mặn nuôi tôm. Có nhiều cống ngăn mặn trong vùng ngọt hóa Bán đảo Cà Mau được mở ra để cho nước mặn vào các vuông tôm trong vùng ngọt hóa.

Cái giá phải trả còn là mất rừng ngập mặn để đào vuông nuôi tôm. Thiếu nước ngọt để giữ độ mặn trong ao phù hợp cho nuôi tôm, nước ngầm đã được bơm lên. Ở một số nơi trong vùng đã ngọt hóa, người dân còn khai thác nước ngầm mặn để đảm bảo độ mặn trong vuông cho tôm phát triển.
 


Hình 3. Diễn biến rừng ngập mặn ở Cà Mau. Ảnh vệ tinh từ trái qua phải 1973, 1983 và 2010.

Có phải chúng ta đã hiểu hết về đồng bằng, hiểu rõ những phản ứng của vùng đất này để khai thác nó đúng quy luật? Tôi cho là chưa. Tiếp tục theo dõi, điều tra nghiên cứu (không chỉ về khoa học tự nhiên mà còn cả về kinh tế xã hội) vẫn là cần thiết. Nếu không, lợi sẽ bất cập hại, cái lợi trước mắt sẽ không bù được cái hại trong trung và dài hạn về tài nguyên nước và môi trường nói chung. Nhận thức về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường, một cột trụ của phát triển bền vững là một thách thức khác.

Những thách thức hiện nay và ngày mai

Châu thổ sông Mekong được đánh giá là một trong ba châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Trái đất càng ấm lên, băng tan càng nhanh, ĐBSCL càng phải đối đầu với ngập, lún chìm, bờ biển bị xâm thực và mặn ngày càng xâm nhập vào sâu. Trong bối cảnh bị đe dọa như vậy, thách thức từ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế buộc nền kinh tế đồng bằng phải có sức cạnh tranh cao hơn và phải có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thách thức khu vực đó là việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước sang lưu vực sông khác, và nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống trong khi nhu cầu về nước ngày càng tăng.

Theo Ủy hội sông Mekong (MRC) (2009), sáu đập thủy điện của Trung Quốc + 11 đập ở hạ lưu vực + 30 đập trên các chi lưu sẽ tích lại một lượng nước của sông Mekong vào năm 2030 là 65,5 tỷ m3 trong khi đó nhu cầu về nước trong hạ lưu vực vào năm này sẽ tăng 50% so với năm 2000.

Nhóm chuyên gia về trầm tích, trong Phụ lục của Báo cáo SEA của MRC đã đánh giá: “Tác động của các đập của Trung Quốc đối với trầm tích sông Mekong là rất to lớn, trong hàng trăm năm, một khi tất cả các đập đi vào hoạt động. Lượng trầm tích của sông Mekong ước tính sẽ bị các đập Trung Quốc giữ lại vào khoảng từ ⅓ đến ½ của tổng lượng trầm tích bình quân chảy về châu thổ sông Mekong”2.

Các đập thủy điện giữ lại trầm tích trong hồ, gây nên thâm hụt trong cán cân trầm tích ở hạ du, làm thay đổi địa mạo lòng sông, đáy sông, cửa biển. Sự sạt lở nghiêm trọng đê biển ở Gành Hào, đường phòng hộ ven biển ở Bạc Liêu mà tôi vừa chứng kiến trong tháng 2.2016 là một minh họa cụ thể của tác động kép lên đồng bằng từ biến đổi khí hậu và từ khai thác nguồn nước ở thượng nguồn.

Trong thách thức khu vực, còn có việc xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong ở hạ lưu vực (chín trên đất Lào và hai trên lãnh thổ Campuchia), và dự án của Thái Lan chuyển một lượng nước từ sông Mekong sang lưu vực sông Chao Phraya.

Tác động kép sẽ càng mãnh liệt hơn. Đồng bằng bị đe dọa trong chính sự tồn tại của mình.

Thách thức tại địa bàn, ngoài việc mất rừng ngập mặn và rừng tràm, còn là việc khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu, làm trầm trọng thêm sự thâm hụt cán cân trầm tích3; là việc khai thác quá mức nước ngầm làm mặt đất sụt lún kéo theo mực nước biển dâng thực tế ngày càng nhanh hơn4,5. (Hình 4) còn là phát triển nông nghiệp vẫn thiên về chiều rộng hơn chiều sâu, vẫn thiên về số lượng hơn chất lượng, dẫn đến lãng phí tài nguyên, đặc biệt tài nguyên đất và tài nguyên nước.
 


Hình 4. Khai thác cát, sỏi và cuội trong hạ lưu vực.
 

Thách thức tại địa bàn còn do năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực rất thấp, là cơ giới hóa và hạ tầng cơ sở chưa tương xứng với tiềm năng của đồng bằng và nhất là do thiếu một cơ chế phát triển vùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả vùng; do thiếu sự liên kết chuỗi nên giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam thấp, sức cạnh tranh yếu.
 


Hình 5. Tốc độ tụt của mực nước ngầm (trái) và tốc độ sụt lún bề mặt của đồng bằng (phải).

Hành động

1. Đã đến lúc sáu nước trong lưu vực phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực, với tinh thần hợp tác để cùng phát triển. Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong – Lan Thương lần thứ nhất tại Tam Á (Trung Quốc) liên quan đến sử dụng nguồn nước sông Mekong ngày 23.3.2016 là bước đi đầu tiên, cần được thể hiện bằng những hành động, dự án cụ thể, chân thực đúng với tinh thần này.

2. Các bộ, Ủy ban Quốc gia sông Mekong, cùng các nhà khoa học cần phát hiện, theo dõi, đánh giá tác động của các dự án khai thác nguồn nước ở thượng nguồn từ khi chúng mới manh nha, chỉ ra kịp thời các tác hại để chính phủ có cơ sở đàm phán vì lợi ích của đồng bằng và vì lợi ích của cả lưu vực. 

3. Hơn bao giờ, trong bối cảnh mới, phải rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, và các quy hoạch phát triển ngành, địa phương theo hướng phải tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn và mặn, khai thác nước mặn như là một tài nguyên như nhiều nước đã làm thành công, đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt của người dân. Mô hình phát triển ở đồng bằng phải chuyển dần, nhưng tích cực nhất có thể được, sang chiều sâu. Mảng công việc này đang chờ đợi sự cống hiến của các nhà khoa học.

4. Các bộ, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau để đối diện với các thách thức. Vấn đề đổi mới thể chế và xác định cơ chế phối hợp là bức thiết.

5. Hơn bao giờ, về cơ chế, sự liên kết chuỗi, liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng là bức thiết. Để phát triển bền vững, phải giải quyết tình trạng đồng bằng đang là vùng trũng về giáo dục. Cần đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng cơ sở ở đồng bằng.

Sau hội nghị COP 21, nhiều nước sẵn sàng góp sức cùng Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Khai thác có hiệu quả hay không sự sẵn sàng này tùy thuộc ở chúng ta.
——–
* GS.TSKH. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chuyên gia cao cấp Hội đồng Chính sách KH&CN QG.
1 Nguyễn Ngọc Trân, 2010, Tác động kép của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long, Hội thảo khoa học “Khoa học Địa lý và vấn đề biến đổi khí hậu: nghiên cứu và giảng dạy”, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp Hồ Chí Minh, trong Những hòn đá nhỏ vì sự phát triển bền vững, trang 132-151, Nhà XB Trẻ, 2011.
2 C.Thorne, G.Annandale, J.Jensen, Review of Sediment Transport, Morphology, and Nutrient Balance, Part of The MRCS Xayaburi Prior Consultation Project Review Report, March 2011.
3 J.P. Bravard, M. Goichot, S. Gaillot, Geography of Sand and Gravel Mining in the Lower Mekong River, First Survey and Impact Assessment, EchoGeo, 26 (2013), 10-12.2013.
4 J.P. Ericson, C.J. Vorosmarty, S.L. Dingman, L.G. Ward, M. Meybaeck. Effective sea-level rise and deltas: Causes of change and human implications. Global and Planetary Change, vol. 50, Issues 1-2, pp. 63-82, 02.2006.
5 Laura E Erban, Steven M Gorelick and Howard A Zebker, Groundwater extraction, land subsidence, and sea-level rise in the Mekong Delta,Vietnam  Environ. Res. Lett. 9 (2014) 084010 (6pp).

Tác giả

(Visited 78 times, 1 visits today)