Đông Nam Á với bài toán rác thải điện tử
Cuộc khủng hoảng đan cài, chồng chéo vô số vấn đề có mối liên hệ với nhau, từ việc nhập khẩu bất hợp pháp đến những thiếu sót trong hệ thống quản lý rác thải.
Những con số biết nói
Theo dữ liệu gần đây từ Đại học Liên Hợp Quốc, bài toán về rác thải điện tử ở Đông Nam Á đang ngày càng trở nên hóc búa. Với con số đáng kinh ngạc là 12,3 triệu tấn rác thải điện tử được tạo ra chỉ riêng trong năm 2021, tình hình ô nhiễm môi trường của khu vực đã leo thang từ một mối lo ngại đã trở thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, khẩn cấp.
Vấn đề nhập khẩu và xử lý rác thải điện tử bất hợp pháp đã vô tình biến các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam và Philippines thành những điểm nóng. Hoạt động này đã gây ra hiệu ứng dây chuyền đối với cơ sở hạ tầng môi trường và sức khỏe cộng đồng vốn đã căng thẳng tại các quốc gia trong khu vực.
Có thể lấy Thái Lan làm ví dụ điển hình. Theo báo cáo của Ủy ban Môi trường Quốc gia, Thái Lan đã phải vật lộn với một khối lượng khổng lồ lên tới 435.000 tấn rác thải điện tử vào năm 2020. Chỉ 100.000 tấn trong số này – chưa đầy một phần tư – được đưa đi xử lý. Phần còn lại không được xử lý có khả năng tàn phá môi trường và gây ra cuộc thảm họa sức khỏe cộng đồng.
Việc xử lý và tái chế rác thải điện tử không đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng lên môi trường. Khi các thiết bị điện tử không được tái chế đúng cách, các vật liệu nguy hiểm như chì, thủy ngân và cadmium có thể gây ô nhiễm đất, nước và không khí. Những chất độc hại này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Một nghiên cứu do Greenpeace East Asia thực hiện cho thấy các mẫu đất và nước lấy từ các khu vực gần các địa điểm tái chế rác thải điện tử ở Thái Lan chứa hàm lượng kim loại nặng và các chất độc hại cao đáng báo động. Ví dụ, những mẫu đất từ một địa điểm tái chế rác thải điện tử không chính thức có hàm lượng chì cao hơn tới 19 lần so với mức giới hạn cho phép.
Như vậy, cuộc khủng hoảng rác thải điện tử ở Đông Nam Á đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta không thể xử lý chỉ bằng một vài biện pháp đơn giản. Cuộc khủng hoảng đan cài, chồng chéo vô số vấn đề có mối liên hệ với nhau, từ việc nhập khẩu bất hợp pháp đến những thiếu sót trong hệ thống quản lý rác thải. Thực trạng này đòi hỏi một nỗ lực toàn diện, thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ chính phủ, doanh nghiệp đến người dân.
Các giải pháp tổng thể không chỉ giúp giải quyết các thách thức hiện tại mà còn thiết lập các biện pháp phòng ngừa và thúc đẩy các hoạt động quản lý rác thải bền vững.
Cần nhiều nỗ lực
Để giải quyết vấn đề này, trước hết chính phủ các nước Đông Nam Á cần cải thiện khung pháp lý trong việc giải quyết vấn đề rác thải điện tử. Chính phủ nên áp dụng các chính sách nghiêm ngặt để quản lý và áp dụng hình phạt đích đáng đối với việc nhập khẩu bất hợp pháp và xử lý không đúng cách. Ví dụ, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) đã giới thiệu chương trình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) vào năm 2021, yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm xử lý sản phẩm của họ khi hết vòng đời. Họ học hỏi chính sách này từ Thụy Điển và Đan Mạch, nơi tái chế lần lượt là 52% và 43% rác thải điện tử của họ .
Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết để quản lý rác thải điện tử có thể giúp giải quyết phần nào vấn đề. Việc thành lập các cơ sở tái chế chính thức đảm bảo rằng rác thải điện tử được xử lý an toàn và hiệu quả, giảm thiểu các mối nguy hại cho môi trường. Một tấm gương thành công điển hình là Hệ thống quản lý rác thải điện tử tích hợp (IEWMS) của Malaysia, đây là kết quả hợp tác giữa các cơ quan chính phủ và các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân, nhằm hợp lý hóa và tiêu chuẩn hóa các quy trình tái chế rác thải điện tử.
Với quy mô nhỏ hơn, Chương trình Việt Nam tái chế hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện của người tiêu dùng. Bên cạnh việc thu gom miễn phí rác thải điện – điện tử, Chương trình còn giáo dục người dân ý thức về những tác hại nguy hiểm của rác thải điện tử, từ đó, họ tự nguyện mang các thiết bị không còn giá trị sử dụng đến các điểm thu gom, hình thành những thói quen thu gom xử lý rác thải điện tử một cách khoa học… Chương trình cũng nhằm mục đích hỗ trợ cho các nhà sản xuất sản phẩm điện tử nâng cao trách nhiệm trong việc thu nhận, xử lý và tái chế các thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp hết niên hạn sử dụng.
Việt Nam tái chế đã thiết lập và vận hành 10 điểm thu hồi (5 điểm tại Hà Nội và 5 điểm tại TP.HCM) để người dân có nơi thải bỏ rác thải điện tử đúng cách. Khối lượng rác điện tử mà Chương trình nhận được tại các điểm thu hồi gia tăng qua các năm. Nếu như năm đầu tiên khởi động, Việt Nam tái chế chỉ thu gom được khoảng 840 kg rác thải điện tử, thì đến năm 2018, Chương trình thu được hơn 10 tấn thiết bị điện tử bị hỏng. Đặc biệt, Việt Nam tái chế đã thu gom hơn 24 tấn rác thải điện tử trong năm 2019.
Quả thực, giáo dục công chúng về tầm quan trọng của việc xử lý rác thải điện tử có trách nhiệm là yếu tố cần thiết nếu muốn thúc đẩy thay đổi hành vi. Chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tư nhân có thể hợp tác với nhau để tạo ra các chiến dịch nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin về các phương pháp xử lý rác thải điện tử phù hợp.
Ví dụ, sáng kiến “Cuộc đua rác thải điện tử” ở Philippines được tổ chức nhằm khuyến khích các trường học cùng nhau thu gom và xử lý rác thải điện tử một cách có trách nhiệm, thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường của học sinh. Tại Malaysia, Bộ Môi trường và Nước đã thông báo rằng bắt đầu từ tháng 1/2021, mỗi thứ bảy cuối cùng của tháng là ngày thu gom rác thải điện tử .
Các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Công ước Basel về Kiểm soát Vận chuyển xuyên biên giới các rác thải độc hại và việc tiêu hủy chúng, nên cung cấp bản hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ cho các sáng kiến quản lý rác thải điện tử ở Đông Nam Á. Ví dụ, “Học viện rác thải điện tử” của UNEP đã đào tạo các nhà hoạch định chính sách và các học viên từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Philippines và Việt Nam, về các chiến lược quản lý rác thải điện tử bền vững.
Ngoài ra, chúng ta nên thúc đẩy việc tái sử dụng, tân trang và tái chế các thiết bị điện tử. Chính phủ và doanh nghiệp có thể hợp tác để tạo ra các ưu đãi khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp điện tử như giảm thuế, trợ cấp và các ưu đãi tài chính.
Khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề rác thải điện tử. Các nhà sản xuất thiết bị điện tử có thể tham gia vào cuộc chiến này bằng cách thiết kế các sản phẩm bền vững hơn, có dạng mô-đun dễ tháo rời và dễ sửa chữa hơn, nhờ đó kéo dài tuổi thọ và giảm lượng rác thải điện tử tạo ra.
Một số công ty tiên phong áp dụng các sáng kiến này có thể kể đến Fairphone. Đội ngũ kỹ sư của công ty đã đi tiên phong trong việc phát triển điện thoại thông minh kiểu mô-đun, cho phép người dùng thay thế các bộ phận riêng lẻ thay vì loại bỏ toàn bộ thiết bị khi một bộ phận bị trục trặc hoặc lỗi thời.
Một công ty khác, iFixit, thì gửi cho khách hàng hướng dẫn sửa chữa và công cụ để sửa chữa các thiết bị của họ (tất cả đều miễn phí). Nỗ lực này giúp giảm đáng kể việc tạo ra rác thải điện tử. Bản thân những gã khổng lồ như Apple và Dell đã triển khai các chương trình thu hồi cho phép khách hàng trả lại thiết bị cũ của họ để tái chế, đảm bảo xử lý có trách nhiệm và giảm thiểu rác thải điện tử.
Vấn đề rác thải điện tử đang gia tăng ở Đông Nam Á đặt ra một thách thức to lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng của khu vực. Tuy nhiên, bằng cách xây dựng các quy định nghiêm ngặt, đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục người dân, đổi mới công nghệ, hợp tác quốc tế, sự tham gia của khu vực tư nhân v.v., Đông Nam Á có tiềm năng biến thách thức này thành cơ hội để tăng trưởng bền vững.
Nguyễn V Quang