Dự báo sai, ai có lỗi?

Cả nước trở tay không kịp khi phải ứng phó với 5 thiên tai khí tượng liên tiếp trong một tháng do dự báo sai, sai liên tục và nghiêm trọng.

Trận mưa kỷ lục ở Hà Nội vừa qua là hiện tượng khí tượng hết sức bất thường. Nó ập đến vào mùa khô khi dải hội tụ nhiệt đới (một trong những nguyên nhân gây mưa lớn về mùa hè) đã lùi xa về phía xích đạo, không có áp thấp rập rình trên biển Đông, và chưa xuất hiện dấu hiệu đặc biệt nào về hiện tượng El Nino/La Nina ở hai đầu Đông – Tây Thái Bình Dương.

Trong khi đó, không khí lục địa khô lạnh từ áp cao Đông Bắc Á đã lấn xuống gần sát biên giới phía bắc nước ta. Thông thường, khi không khí lạnh tràn xuống qua lục địa Trung Hoa, những xáo động gần mặt tiếp giáp giữa hai khối khí khô lạnh và nóng ẩm chỉ gây ra mưa thường và kéo dài không lâu. Nhưng lần này, hơn 500 mm nước, tức một phần ba lượng mưa cả năm, đã trút xuống trạm khí tượng Láng trong vài ngày liền.

Trận mưa không chỉ bất ngờ, mà rất khó dự báo. Chuyện đã qua, chắc giờ đây các chuyên gia khí tượng đang xem xét lại những gì đã xảy ra trên các lớp khí quyển trong và ngoài địa phận nước ta để phân tích, suy ngẫm, tìm ra sai sót nhằm nâng cao nghiệp vụ dự báo của mình. Song, thật ngạc nhiên khi người trong cuộc vẫn cho rằng dự báo không sai bởi “… dự báo luôn có xác suất, không thể chính xác tuyệt đối được … và cần tuyên truyền cho người dân hiểu để họ không cho rằng chúng tôi dự báo sai, nói bão vào rồi lại không có bão vào…” (VNN, 21/11/08).

Dự báo khí tượng luôn là bài toán hóc búa trong khoa học. Hệ thống quan trắc chưa bao phủ rộng khắp và chi tiết, những quá trình vật lý trong khí quyển lại rất phức tạp, phi tuyến, thậm chí khoa học chưa thể mô tả hết, năng lực máy tính dù rất mạnh vẫn còn hạn chế. Với những khó khăn đó, kết quả dự báo luôn kèm theo một độ bất định (uncertainty) là chuyện không thể tránh khỏi.

Nào có ai đòi hỏi dự báo khí tượng phải chính xác tuyệt đối, một khái niệm vốn không tồn tại trong khoa học? Song, độ bất định trong mọi kết quả dự báo không hề là chuyện tù mù khiến người ta có thể biện minh chuyện sai thành đúng. Nó có thang độ rành mạch, được đo đạc một cách khoa học, chẳng hạn dựa trên tần suất dự báo sai (chẳng hạn, bao nhiêu lần sai trong 100 lần dự báo), sai đến mức khiến mọi người phải rơi vào tình trạng trở tay không kịp khi thiên tai ập đến. Đây cũng chính là tiêu chí thể hiện năng lực của cơ quan dự báo. Lại dựa vào đây, công chúng có thể đánh giá và cảm thông cho trọng trách đầy khó khăn này. 

Công bằng mà nói, không thể đổ hết lỗi lên đầu cơ quan dự báo, bởi dự báo khí tượng là đỉnh cao nhất của khoa học khí quyển mà khoa học này hầu như đang bị lãng quên, hoặc chưa đến nơi đến chốn, ở nước ta. Thật tai hại khi giờ này mà những cấp có thẩm quyền lại yên trí rằng chúng ta đã có tất cả, cái gì chưa có sẽ sắm ngay vì tiền không thiếu, cho nên sắp đến chỉ cần uốn nắn là dự báo sẽ tốt lên. Liệu một ngành khoa học vốn lâu đời nhất, phải xây dựng công phu theo nguyên tắc kế thừa liên tục, lại ngày càng đan xen với nhiều khoa học khác, mà đang bị lãng quên thì uốn nắn ai và bằng cách nào đây?

Thực ra trước đây vài thập kỷ, Việt Nam đã từng xây được những nền móng sơ khai về khoa học khí quyển. Sách “Khí hậu Việt Nam” của Phạm Ngọc Toàn và Phạm Tất Đắc in lần thứ hai năm 1993 trên giấy đen lờ mờ thời bao cấp đã nói lên phần nào thành quả đạt được trong thời kỳ sơ khai ấy của khoa học khí quyển Việt Nam. Không dễ gì nắm được những tri thức khí tượng phức tạp và khá chính xác như thế khi thời ấy chúng ta chưa có công cụ tính toán mạnh như ngày nay. Người viết bài này đã học được rất nhiều điều bổ ích từ quyển sách nói trên.

Nhưng cũng phải thừa nhận khoa học khí quyển ngày càng phức tạp hơn, đòi hỏi cả phương tiện hiện đại và nhà nghiên cứu đa năng hơn trước. Cạnh ta, Hồng Kông là một trung tâm quốc tế lớn với sân bay và cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới. Mưa bão lớn lại xảy ra thường xuyên nên dự báo khí tượng là chuyện sống còn, chẳng những đối với họ, mà còn cả thế giới. Trước đây vài thập kỷ những cơn bão nhiệt đới ập vào Hồng Kông có khi đã giết chết hàng trăm người hàng năm. Từ hai thập kỷ nay con số này chỉ còn vài người. Tần suất dự báo sai đã giảm đi rõ rệt nhờ có nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, có đầu tư đích đáng và nhất là có đội ngũ chuyên gia tầm cỡ thế giới.

Khí quyển bao trùm toàn cầu nên khí tượng học từ lâu đã là một khoa học được quốc tế hóa. Một nhiễu động trên cao ở vùng hồ Baikal, thậm chí ở vùng núi Ural, vào đầu mùa đông, sự thay đổi nhiệt độ nước biển chưa đầy vài độ bách phân tại hai đầu Thái Bình Dương ở Tahiti và Darwin đều ảnh hưởng đến thời tiết nhiều vùng rộng lớn trên thế giới, trong đó có nước ta. Bởi vậy, khí tượng là bài toán toàn cầu, nhà nghiên cứu khí tượng phải vươn ra tầm quốc tế mới khẳng định được tính chuyên nghiệp của mình.

Mặt khác, mọi quốc gia đều có thể dễ dàng cập nhật những thông tin khí tượng toàn cầu. Chúng ta làm sao có thể dự báo bão nếu không sử dụng kết quả quan trắc bằng vệ tinh, radar của các nước tiên tiến. Ngay như Hong Kong cũng vậy, họ vẫn phải thu nhận hình ảnh khí quyển từ vệ tinh địa tĩnh của Nhật Bản để làm cơ sở cho những dự báo xa. Nhưng ngoài ra, họ còn có những radar quan trắc tầm gần và tầm trung rất hiện đại để cung cấp số liệu đầu vào cho trung tâm mô phỏng với máy tính cực mạnh, từ đó liên tục phát đi những dự báo thời tiết.

Với tầm nhìn đúng đắn và phương tiện nghiên cứu hiện đại, trong ba thập kỷ gần đây, Đài Khí tượng Hong Kong đã công bố hơn 700 công trình nghiên cứu tầm quốc tế bao trùm nhiều lãnh vực về khí quyển quy mô vùng và toàn cầu. Rất nhiều tri thức mới được phát hiện về chế độ gió mùa Đông Á, khí tượng cao không, bão nhiệt đới trên Thái Bình Dương,  hiện tượng El Nino/La Nina v.v… Phân tích chuỗi số liệu quan trắc từ hơn 120 năm qua, họ đã chứng minh nhiệt độ Hong Kong tăng lên 0,6oC trong mấy thập kỷ gần đây, trong đó chỉ có 0,4oC do biến đổi khí hậu toàn cầu, phần còn lại 0,2oC do quá trình đô thị hóa (đảo nhiệt). Chính những kết quả nghiên cứu khoa học này đã đóng dấu kiểm định chất lượng cho các dự báo khí tượng của Hong Kong.

Hầu như chưa thấy công bố quốc tế tương tự nào từ nước ta. Chúng ta chưa xây xong nền tảng ban đầu cho khoa học khí quyển để có những dự báo khí tượng đáng tin cậy. Cần đầu tư nâng cấp các cơ sở thực nghiệm và đội ngũ để nhiều chuyên gia và sản phẩm nghiên cứu của họ có thể sánh vai với các đồng nghiệp quốc tế. Mà việc này không thể làm trong ngày một, ngày hai, theo lối tư duy mỳ ăn liền.

Không chỉ riêng khoa học khí quyển, nhiều khoa học khác thiết yếu cho đời sống hiện nay của chúng ta cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cho nên, rất cần một nhạc trưởng vừa có tầm nhìn chiến lược lại vừa đủ thẩm quyền vượt qua mọi cản trở do lối quản lý hành chính hóa xơ cứng và hội chứng “nhiệm kỳ” hiện nay để đem khoa học công nghệ đặt lại đúng quỹ đạo phát triển bình thường của nó.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)