Đúng quy trình và quy trình đúng
Trong cuộc họp báo đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, ngày 23 - 07 - 2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói: "Ta cứ nói đúng quy trình nhưng có thể không đúng tiêu chuẩn, cán bộ có xứng đáng ngồi ở vị trí đó không". Đây là lời của một chính khách chính thức cất lên để phản ánh tình trạng thực hiện đúng quy trình nhưng lại đưa đến những kết quả tai hại đã rồi mà xã hội phải liên tiếp gánh chịu trong thời gian qua. Hi vọng rằng sau phát biểu tường minh này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, những diễn ngôn thực hiện đúng quy trình sẽ được thực đổi thành thực hiện đúng quy trình một quy trình trình đúng.
“Ta cứ nói đúng quy trình nhưng có thể không đúng tiêu chuẩn…”. Ảnh: Vietnamnet.vn
Từ quan hệ nhân quả
Tiếng Việt có một hiện tượng thú vị mà không mấy ngôn ngữ trên thế giới có đó là hiện tượng đảo trật tự từ. Cùng là một số lượng từ ngữ nhất định song khi người ta đảo cái thứ tự tồn tại của các từ ngữ mà các nhà ngôn ngữ học hay gọi là trật tự từ thì chúng ta có thể có những cách thức và nội dung biểu đạt, quan hệ lô gích rất khác nhau. Ví dụ: đóng cửa -> cửa đóng, mở cửa -> cửa mở, xây nhà -> nhà xây, câu cá – > cá câu, rán gà -> gàn rán, quay vịt -> vịt quay,…Chúng ta có thể có vô vàn ví dụ kiểu này ở trong tiếng Việt, có thể gặp cách nói này ở bất cứ đâu và ở bất kì người nào. Hình thức thể hiện đơn giản và dễ dàng, dễ hiểu là vậy nhưng bên trong nó là cả một quá trình tư duy và lập luận lô gích rất nghiêm ngặt trong tiếng Việt của người Việt. Tất cả những từ ngữ nằm phía bên trái mũi tên là những từ ngữ nói về quá trình hay hoạt động; tất cả những từ ngữ đứng ở bên phải mũi tên nói về thực thể hay trạng thái: Phải có hành vi đóng cửa thì mới có trạng thái cửa đóng, phải có hành động mở cửa thì mới có trạng thái cửa mở, phải có hành vi xây nhà thì mới có sản phẩm nhà xây, phải đi câu cá thì mới có sản phẩm cá câu, phải rán gà thì mới có sản phẩm gà rán,… Nói theo ngôn ngữ của lô gích học và của ngôn ngữ học thì quan hệ giữa những biểu thức nằm bên trái mũi tên và những biểu thức nằm bên phải mũi tên là quan hệ nguyên nhân – kết quả, gọi tắt là quan hệ nhân quả. Nguyên nhân là cái thường diễn ra trước kết quả (xây nhà – nhà xây), trong một số ít trường hợp nguyên nhân và kết quả là diễn ra đồng thời (đóng cửa – cửa đóng). Theo cách hiểu thông thường nhất, quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả này trong tư duy – ngôn ngữ của người Việt là quan hệ tất suy, có cái này ắt có cái kia, cái này giả định sự xuất hiện của cái kia, sự xuất hiện của cái này là kết quả của cái kia, cái này tồn tại dựa trên sự tồn tại của cái kia,… Cho nên, người Việt đã rất có lí khi nói rằng đóng cửa thì cửa sẽ đóng, rán gà thì sẽ có gà rán, sơn tường sẽ thì sẽ có tường được sơn; và ngược lại, cửa đóng vì có hành vi đóng cửa, có gà rán là do có hành vi rán gà, tường được sơn vì người ta sơn tường,…
Qua quan hệ phi nhân quả
Quan hệ lô gích nhân quả trong tư duy và lập luận như trên của người Việt được thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ hằng ngày. Nhưng việc đảo trật tự như thế có phải lúc nào cũng đưa đến quan hệ nhân quả hay không? Xét ví dụ: trong nhà – > nhà trong, dưới sông -> sông dưới, yêu vợ -> vợ yêu, đá bóng -> bóng đá,… Hình thức thể hiện của những biểu thức ngôn ngữ này cũng giống như trên, nhưng quá trình tư duy, lập luận bên trong của nó hoàn toàn khác những biểu thức trên. Chúng không phải là quan hệ lô gích nhân quả. Không phải vì có hành vi trong nhà mà có nhà trong, không phải vị có hành vi yêu vợ mà có vợ yêu,… Ai cũng có thể kể ra được vô số những ví dụ kiểu này một cách ngay tắp lự. Và dĩ nhiên, người Việt không ai hiểu quan hệ giữa hai vế của những trường hợp này là quan hệ nhân quả. Không có chuyện vì trong nhà nên có nhà trong, không có chuyện có sông dưới là do có dưới sông,… Và đặc biệt, cụ thể: Người Việt không ai ngây thơ hiểu và thực tế là không có cơ sở để hiểu quá trình đúng quy trình tồn tại dựa trên quy trình đúng, đúng quy trình có nghĩa là quy trình đúng,… Nếu người ta nói rán cá đúng quy trình mà kết quả lại không có cá rán thì ngay lập tức người ta có thể nhận ra ngay được rằng quy trình rán cá ấy là quy trình sai, và cố nhiên, để có cá rán, người ta sẽ sửa ngay cái quy trình sai ấy để có thể có một quy trình đúng bằng cách xem xét số lượng, thành phần hay phẩm chất của những thành tố chất liệu làm nên quy trình ấy, xem xét lại người thực hiện quy trình ấy là người như thế nào,…
Đến một phương thức tư duy bao biện, nguỵ biện, và ngộ biện
Ấy thế mà có những người có học hàm học vị rất cao, có tri thức rất nhiều, lập luận bình thường thì rất chặt chẽ, nói năng bình thường thì rất lưu loát,… Và đặc biệt, họ là những người luôn biết và luôn nghĩ, và cũng luôn cho rằng và đã luôn áp đặt rằng mọi người phải nói ra những thông tin đúng vào đúng thời điểm hay thời điểm đúng. Không được nói thông tin đúng vào thời điểm sai. Nói thông tin đúng sai thời điểm là có thể vi phạm một cái gì đó ví dụ như quy chế, quy tắc, chủ trương, chính sách,… Những người này là ai? Họ là những người luôn luôn nói ra quy trình đúng, họ làm đúng quy trình hay quy trình được triển khai đúng, họ xét tuyển đúng quy trình hay được xét tuyển đúng quy trình, họ phẫu thuật đúng quy trình hay quy trình được thực hiện đúng, họ xây đúng quy trình hay một cái gì đó được xây đúng quy trình, họ phá đúng quy trình hay quy trình phá được thực hiện đúng, họ bổ nhiệm hay được bổ nhiệm đúng quy trình, phê duyệt đúng quy trình hay quy trình phê duyệt được tiến hành đúng, vân vân và vân vân. Những la liệt diễn ngôn giải thích vuốt đuôi của những cán bộ đương chức đương quyền hay đã nghỉ hưu bị phát hiện hay bị cho là sai phạm, buông lỏng quản lí,… trong thời gian vừa rồi là những minh chứng hùng hồn nhất cho điều này.
Chỉ có điều liệu lập luận, giải thích của họ có đúng? Tôi không cho là họ không phải là những người không hiểu hay không phân biệt được sự khác nhau về bản chất trong tư duy và lập luận lô gích của trường hợp đóng cửa – cửa đóng và trường hợp trong nhà – nhà trong. Vấn đề là ở chỗ nào? Vấn đề nằm ở chỗ họ nhận thức rất rõ ràng được rằng: đúng quy trình rất khác với quy trình đúng, thực hiện đúng quy trình hay quy trình được thực hiện đúng rất khác với quy trình thực hiện đúng, bổ nhiệm đúng quy trình rất khác quy trình bổ nhiệm đúng, phê duyệt đúng quy trình rất khác quy trình phê duyệt đúng,v.v. Họ đã cố tình đánh đồng cái quan hệ quy trình đúng và đúng quy trình là quan hệ nhân quả tất suy: đúng quy trình tất suy ra quy trình đúng giống như trường hợp rán gà thì tất có gà rán. Họ đánh đồng đúng quy trình với quy trình đúng để bao biện, nguỵ biện, ngộ biện cho cái quy trình sai vốn rất không đúng của họ hay của một ai đó có ảnh hưởng đến họ, và quan trọng hơn, để họ lảng tránh cái việc xem xét lại cái quy trình mà họ thực hiện đúng ấy là một quy trình đúng hay quy trình sai, để họ tạm thời sửa sai cái việc làm đúng quy trình một quy trình sai của họ, để họ tiếp tục và ngang nhiên thậm chí là điềm nhiên, đương nhiên thực hiện đúng một quy trình sai để trục lợi cho cá nhân hay nhóm lợi ích của riêng họ.