Facebook, nước Úc, và bài toán tiền nong: Tái phân phối thu nhập từ các tập đoàn công nghệ
Năm 2020, một cuộc Điều tra về Nền tảng Kỹ thuật số (Digital Platforms Inquiry) do Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) thực hiện đã báo hiệu sự khởi đầu cho việc Chính phủ Úc chính thức tìm hiểu một cách có hệ thống các phương án quản lý doanh nghiệp công nghệ. Sức mạnh thị trường, chính trị, kinh tế, và xã hội ngày càng to lớn của các “gã khổng lồ công nghệ” vốn đã làm dậy lên các cuộc thảo luận về việc quản lý từ cấp chính quyền đến cấp tổ chức đa bên liên quan quốc tế trong nhiều năm qua. Sau khi chính quyền Úc thông qua Quy tắc Thương lượng Bắt buộc cho Truyền thông tin tức và Nền tảng kỹ thuật số (‘the Code’), qua đó yêu cầu Facebook và Google cần phải trả tiền cho các cơ quan báo chí, Google đã chủ động thương lượng trực tiếp với Chính phủ Úc, trong khi Facebook đưa ra quyết định gỡ bỏ toàn bộ các trang tin tức hoạt động tại Úc trên trang của mình. Sau hành động cực đoan của Facebook, Chính phủ Úc và Facebook đã cùng ngồi lại thương thảo các điều khoản của Quy tắc và đạt đến sự đồng thuận.
“The Code” của Úc có ý định điều chỉnh cả Facebook và Google nhưng trong khi Google đã nhanh chóng thương lượng thì Facebook lại mạnh mẽ đáp trả. Ảnh: Niemanlab.org
Cuộc đối đầu giữa Facebook và Úc gần đây có ý nghĩa gì cho vấn đề quản lý mạng xã hội trong thập niên tới?
Động cơ và diễn biến của “cuộc đối đầu” lịch sử giữa Facebook và Úc
Tuy những tranh cãi giữa Facebook và Chính phủ Úc trong đợt sóng gió pháp luật lần này thường được mô tả xung quanh vấn đề nội dung báo chí mà Facebook được cho là đang hưởng lợi miễn phí thông qua việc cho các cơ quan báo chí đăng tải trên nền tảng công nghệ của mình, nguồn gốc và phạm vi liên quan việc dẫn đến Chính phủ Úc đưa ra những quy định “mạnh tay” như vừa qua là phức tạp hơn như vậy. Đằng sau những diễn biến tranh chấp bề nổi này là cuộc chiến về doanh thu quảng cáo, việc thu thập và sử dụng dữ liệu người tiêu dùng, và rộng hơn là “nền kinh tế của sự chú ý” (economy of attention) dựa trên mô hình kinh doanh của các nền tảng công nghệ này. Chính quyền Liên bang Úc vào năm ngoái đã thực hiện một cuộc rà soát lớn cho Luật Quyền riêng tư được thảo năm 1988 với mục đích bổ sung và cập nhật những quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Úc trước bối cảnh thông tin cá nhân của người dân Úc đang ngày càng được sử dụng cho việc quảng cáo cá nhân hóa – vốn là cốt lõi của mô hình kinh doanh của các công ty như Google hay Facebook. Có thể nói, đây là động thái của Chính phủ Úc đang dần vạch ra hướng đi riêng trong việc thực hiện quy định về dữ liệu và quyền riêng tư, nối gót sau bộ luật Bảo vệ dữ liệu chúng GDPR của châu Âu cách đây không lâu.
Báo cáo của ACCC nhấn mạnh rằng, các công ty như Facebook hay Google nắm giữ độc quyền các hệ thống phân phối quảng cáo trực tiếp đến người dùng thông qua nền tảng của họ, và cơ sở hạ tầng thu thập dữ liệu khổng lồ của họ chính là phương thức khiến hiện trạng độc quyền này trở nên khó bị lật đổ nếu không có sự can thiệp nghiêm túc từ chính phủ. ACCC khuyến cáo rằng, sự độc quyền của các công ty công nghệ đa quốc gia này tạo nên một môi trường kinh tế thiếu lành mạnh, thiếu vắng sự cạnh tranh, tính lựa chọn cho người dùng, và ngăn cản tính minh bạch kinh tế. Ví dụ điển hình cho sự thiếu minh bạch trong cách mô hình quảng cáo của Facebook và Google là việc gần đây, các nghiên cứu cho thấy rằng người dùng iPhone đã bị tính phí nhiều hơn trên các trang web du lịch và đặt phòng, vì họ được định kiến là giàu có hơn so với những người dùng điện thoại Android. Tương tự như vậy, loại thiết bị điện tử mà bạn dùng có thể cung cấp thông tin cho các thuật toán, và chúng có thể “điều khiển” chuyển hướng bạn tới các sản phẩm cụ thể khi mua sắm trực tuyến. Gần đây, Facebook cũng đã bị lên án nặng nề khi bị phát hiện đưa tin quảng cáo rao bán các căn nhà có chất lượng tốt hơn cho các nhóm người thuộc một số chủng tộc và nhóm thu nhập nhất định, ngay cả khi khách hàng yêu cầu Facebook không được thực hiện hành vi mang tính phân biệt này. Trước sự mập mờ thiếu kiểm soát của cách mà các nền tảng công nghệ lớn này hoạt động, mà cái giá mang tính xã hội của sự mập mờ này có thể rất cao, chính phủ liên bang Úc chính thức đưa ra những thử nghiệm trong việc tiến hành thực hiện các điều lệ chỉnh đốn mang tính ràng buộc, mà ‘the Code’ là nỗ lực đầu tiên.
Kể cả Facebook, Google chịu trả tiền cho các cơ quan báo chí, liệu số tiền đó có được đầu tư ngược lại cho việc sản xuất tin? Ảnh: Wired.com
Vậy việc thực hiện bộ luật mới này, vốn được thông qua bởi cả Thượng và Hạ viện Úc, có gì khiến gây tranh cãi? Về cơ bản, bộ luật cho phép các cơ quan thông tin truyền thông với thu nhập trên 150,000 đô la Úc được quyền đăng ký yêu cầu được hưởng lợi nhuận quảng cáo thu về từ các nền tảng công nghệ như mạng xã hội và bộ máy tìm kiếm. Song song với quá trình này, Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg có trách nhiệm phải xem xét câu hỏi về việc “chỉ định” các nền tảng kỹ thuật số như Google và Facebook và các dịch vụ mà họ cung cấp – xem các dịch vụ này thuộc vào hạng mục được quản lý nào – ví dụ như dịch vụ tìm kiếm thông tin, hoặc dịch vụ cung cấp tin tức. Bộ trưởng Ngân khố cũng đưa ra quyết định xem liệu các nền tảng liên quan có đang nắm giữ thế thượng phong trong tình huống mất cân bằng quyền lực với các cơ quan thông tin báo chí hay không. Quyết định này cần được thực hiện trong 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo. Sau khi được chỉ định, các nền tảng thông tin có nhiệm vụ bắt đầu đàm phán với các doanh nghiệp tin tức về số tiền phải trả cho nội dung mà họ cung cấp thông qua quá trình thương lượng hòa giải. Nếu thất bại, chính phủ có trách nhiệm can thiệp và đưa ra quyết định cuối cùng.
Ngay từ khi bộ luật trên được nhen nhóm, Google và Facebook đã tích cực phản đối và đưa ra những lời hăm dọa ngưng hoạt động tại Úc. Tuy nhiên, Google sớm có động thái thương lượng với chính phủ liên bang sau những lời đe doạ; trong khi đó, Facebook đã làm đảo lộn cuộc sống thông tin tại Úc và trở thành tiêu điểm của chú ý khi quyết định ngưng đăng tải toàn bộ tin tức đến từ Úc trên nền tảng của mình như một lời thách thức đến Chính phủ Úc. Điểm khá buồn cười là thuật toán của Facebook, sau khi được huấn luyện để tự động nhận dạng trang thông tin báo chí và ngưng đăng tải thông tin, đã tự vô hiệu hóa chính trang đại diện của Facebook trên Facebook tại Úc. Thế nhưng, sau một tuần thách thức, cuối cùng Facebook cũng chấp thuận ngồi xuống đàm phán với Chính phủ Úc và gỡ bỏ việc ngưng đăng tải tin tức tại thị trường Úc.
Những lộ trình thay thế cho tái phân phối thu nhập công nghệ
Lí do nào khiến Facebook lại có động thái cực đoan đến như vậy trong đợt “va chạm” này? Facebook vốn đã là một thương hiệu không có mấy tiếng tăm tốt đẹp sau nhiều vụ bê bối trong hơn nửa thập kỷ qua trên mọi lĩnh vực ảnh hưởng xã hội; cách Facebook bất chấp “tiếng xấu” và phản ứng mang tính khiêu khích Chính phủ Úc tuy có thể gây sốc, nhưng lại không hề mang tính bất ngờ. Cách bộ luật thương thảo mới đề ra quy định yêu cầu tái phân phối thu nhập công nghệ như trên đặt các công ty như Google và Facebook vào thế bất khả dĩ: nếu đồng ý với việc dành trọn quyền điều đình cho chính phủ, khả năng chính phủ đứng về phía các công ty nội địa và không đạt được thỏa thuận với các công ty công nghệ lớn là vô cùng cao. Hơn thế nữa, việc đồng ý với quyết định của Chính phủ Úc sẽ là tiền lệ cho việc tất cả các quốc gia mà Facebook và Google hoạt động tiến hành đưa ra các quy định quản lý tương tự. Viễn cảnh bị buộc phải chi trả các khoản tiền khổng lồ cho tất cả các trang thông tin báo chí trên toàn thế giới trong một sắp đặt mà chính Facebook hoặc Google đều không có khả năng thương lượng hiệu quả hiển nhiên khiến hai “ông lớn” phản ứng gay gắt.
News Corp, tập đoàn tin tức của ông trùm Rupert Murdoch vận động hành lang rất mạnh mẽ cho “The Code” khiến nhiều người nghi ngờ về động cơ của quy tắc này. Ảnh: axios.com
Chúng ta cần nhấn mạnh rằng, tuy việc phản ứng gay gắt của Facebook là có thể hiểu được, xu hướng yêu cầu tái phân phối thu nhập công nghệ có lẽ đã chín muồi. Tuy nhiên, cách Chính phủ Úc tiếp cận và thiết kế bộ luật quản lý lần này đã không khôn ngoan và hiệu quả. Cả Facebook và Chính phủ Úc đều tuyên bố thắng cuộc sau khi hai bên ngồi xuống và đàm phán cách vượt qua thế tiến thoái lưỡng nan sau hành động có phần cực đoan của cả hai bên. Ở thời điểm hiện tại, Facebook đã chủ động thương thảo với các cơ quan báo chí truyền thông lớn nhất tại úc như News Corp, Nine, và Seven West Media. Chính vì động thái này, phía Úc hi vọng rằng trong vòng một tháng tới, Facebook sẽ liên tục đưa ra nhiều thương thảo với hầu hết các cơ quan báo chí truyền thông đủ điều kiện được bảo vệ dưới bộ luật mới. Mặc khác, nếu Facebook không thực sự chủ động thực hiện các phi vụ thương thảo này trong thời gian tới, Bộ trưởng Ngân khố có quyền tiến hành chỉ định Facebook theo bộ luật. Trong kịch bản đó, chúng ta có thể chờ đợi việc Facebook tiếp tục ngưng cung cấp tin tức từ Úc một lần nữa, kéo dài cuộc chiến giữa chính phủ và tập đoàn công nghệ này.
Tuy dư luận rất dễ đứng về phía Chính phủ Úc trong cuộc chiến lần này, đặc biệt là sau thái độ bất hợp tác của Facebook, chúng ta cần nhìn rõ lại nhiều vấn đề bất cập trong bộ luật. Thứ nhất, và có lẽ là quan trọng nhất, bộ luật không hề có ràng buộc nào về việc các khoản trợ cấp từ những công ty công nghệ liên quan phải được chi cho việc thu thập tin tức. Điều này đồng nghĩa với việc các tập đoàn truyền thông báo chí tại Úc hoàn toàn có thể nhận lấy nguồn thu mới từ các tập đoàn công nghệ và không đầu tư vào việc thuê, huấn luyện, và đào tạo các nhà báo mới, hay trang bị cho lực lượng phóng viên các thiết bị kĩ thuật cần thiết cho việc tác nghiệp của họ. Thứ nhì, việc nhà tài phiệt Rupert Murdoch, người sở hữu 57% thị trường truyền thông tại Úc, hăng hái vận động hành lang cho bộ luật lần này khiến dư luận Úc thêm phần nghi ngờ động cơ thực sự của bộ luật, và những hệ quả của việc thi hành luật. Rất khó có thể tin rằng một thị trường truyền thông mang tính tập trung như Úc, nơi mà phần đa lợi nhuận chỉ đi vào túi của số ít, có thể được hưởng lợi từ một bộ luật soạn thảo như trên. Thứ ba, cách bắt buộc các tập đoàn công nghệ phải thương thảo việc chia sẻ lợi nhuận của họ một cách trực tiếp với các công ty truyền thông không phải là cách duy nhất để có thể kiến tạo một lộ trình tái phân phối thu nhập công nghệ. Chính phủ đã có sẵn công cụ quản lý hết sức quyền lực từ rất lâu đời, đó chính là đánh thuế. Việc soạn thảo chính sách thuế mạnh mẽ và tái phân phối lượng thuế này cho báo chí một cách công khai, minh bạch, dưới dạng tiền trợ cấp hoặc quỹ tiền thưởng, là một phương pháp có nhiều khả năng thành công, mang tính chắc chắn, kêu gọi được sự thi đua cạnh tranh, và giúp người dân có thể quan sát và giám sát dễ dàng hơn.
Khi cả hai bên đều tuyên bố thắng cuộc: liệu “kẻ thua” có phải là người dùng?
Sau một loạt các cuộc gọi giữa Mark Zuckerberg và Josh Frydenberg, Facebook đã thương lượng những thay đổi nhỏ nhưng quan trọng với Chính phủ Úc, khiến có nhiều khả năng bộ luật sẽ không bao giờ được mang ra sử dụng. Facebook đạt được thỏa thuận quy định rằng trước khi một nền tảng công nghệ bị buộc phải tuân theo những quy định của bộ luật, Bộ trưởng Ngân khố cần phải xem xét xem liệu công ty công nghệ đã đạt được thỏa thuận thương mại với các doanh nghiệp truyền thông tin tức hay chưa. Một nhượng bộ nữa mà phía Úc đã phải đồng ý đó là Bộ Ngân khố cần phải thông báo ít nhất một tháng trước khi tiến hành áp dụng luật. Điều đồng nghĩa rằng Facebook sẽ có một tháng để thực hiện nhiều giao dịch thỏa thuận với các công ty truyền thông, hoặc tiếp tục gỡ bỏ tin tức ra khỏi nền tảng Facebook một lần nữa để không phải tuân thủ luật.
Ai cũng thắng, liệu người dùng có phải là người thua? Ảnh: Dado Ruvic/Reuters
Việc Facebook sẽ có quyền thương lượng giao dịch với các công ty truyền thông trước khi chịu ràng buộc của bộ luật đồng nghĩa với việc Facebook vẫn giữ rất nhiều quyền lực trong các vụ giao dịch này. Điều quan trọng hơn nữa đó là, các báo cáo cho thấy Facebook vốn đã có dự định thành lập dịch vụ Facebook News tại Úc. Facebook News là một ứng dụng mới trên nền tảng Facebook mà công ty này đã đang thử nghiệm tại Vương Quốc Anh; ứng dụng này cho phép người dùng tại Anh xem tin tức chính thống đến từ những công ty truyền thông mà Facebook đã ký kết hợp tác. Nhiều chuyên gia tại Úc cho rằng, sau khi những ồn ào xung quanh việc Chính phủ Úc thực hiện chính sách quản lý thương lượng bắt buộc này, số tiền mà Facebook sẽ chi trả cho các công ty truyền thông báo chí có thể sẽ tương đương với số tiền mà Facebook vốn đã hoạch định sẽ chi trả cho ứng dụng Facebook News, và con số này nhiều khả năng sẽ nhỏ hơn con số mà Chính phủ Úc hi vọng Facebook sẽ chi trả cho khối kinh doanh truyền thông báo chí tại Úc.
Chính phủ Úc vẫn cương quyết cho rằng nếu bộ luật này không được thông qua và đi vào hiện hành, các thương lượng giữa giới truyền thông báo chí và Facebook sẽ không thể nào xảy ra. Đây cũng có thể là một nhận định đúng. Tuy nhiên, nếu nói rằng bộ luật lần này do Úc tiên phong đưa vào thực hiện là một thành công rực rỡ thì hoàn toàn sai. Chính phủ Úc đã có thể chọn một phương tiện cưỡng chế khác, và tạo nên một tiền lệ khác, thay vì tái thiết lập sự lệ thuộc của nền báo chí vào các nền tảng công nghệ thương mại mà lợi nhuận đến trực tiếp từ việc khuếch trương các câu chuyện giật gân, tin sai, và sự chia rẽ xã hội. Thay vì góp phần dần làm mờ nhạt vai trò cơ sở hạ tầng thiết yếu của Facebook trong việc lan truyền tin tức, Chính phủ Úc đã vô hình trung đẩy mạnh tầm quan trọng của công ty này. Hơn thế nữa, Chính phủ Úc đã bỏ qua một cơ hội lớn để có thể mở rộng quá trình giám sát trách nhiệm của các công ty công nghệ đến đông đảo người dân Úc. Sự tức giận của dư luận Úc trong một tuần Facebook gỡ bỏ các trang tin tức, cũng như vô tình gỡ bỏ sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp các lĩnh vực không liên quan đến báo chí như mỹ phẩm, giải trí, thời trang do lỗi thuật toán có thể đẩy mạnh tiến trình tẩy chay mạng xã hội này tại Úc, vốn đã nhen nhóm trong năm năm qua. Khi chính phủ thương lượng với khối doanh nghiệp với chính logic của doanh nghiệp mà bỏ qua chính đặc tính quản lý công của mình, nhóm chịu thiệt thòi nhất chính là người dân.□