Giải pháp xây dựng mạng lưới giao thông công cộng của các đô thị 

Chúng ta cùng tham khảo những giải pháp bao phủ mạng lưới giao thông công cộng ở một số đô thị lớn trên thế giới.

Ảnh: Shutterstock.

Thủ đô Bắc Kinh, ngày 15/12/2024 chính thức khai trương ba tuyến tàu điện ngầm mới, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị của thành phố lên 879 km, đứng đầu trong số các đô thị của Trung Quốc. Với dân số gần 22 triệu, mạng lưới đường sắt đô thị của Bắc Kinh hiện có 522 nhà ga, bao gồm 98 nhà ga trung chuyển. Thành phố Thượng Hải, với gần 25 triệu dân cũng có hệ thống tàu điện ngầm là 837km. 

Tại Singapore, mạng lưới tàu điện ngầm bao gồm khoảng 242,6 km, với 142 nhà ga hoạt động phân tán trên sáu tuyến sắp xếp theo cấu trúc kết hợp vành đai và xuyên tâm. Tại Hàn Quốc, kể từ khi tuyến tàu điện ngầm đầu tiên, Tuyến số 1, bắt đầu được xây dựng vào năm 1971 và vận hành vào năm 1974, thì đến năm 2022, mạng lưới đường sắt đô thị tại Seoul có 331,5 km. Hầu hết các đoàn tàu đều do Hyundai Rotem, nhà sản xuất tàu hỏa hàng đầu của Hàn Quốc, chế tạo.

Tại châu Âu, London và Paris cũng là những đô thị có mạng lưới đường sắt đô thị hàng đầu. Tổng chiều dài mười một tuyến của London Underground là 402 km, trở thành hệ thống tàu điện ngầm dài thứ 11 trên thế giới. Tàu điện ngầm Paris hiện có 16 tuyến và 303 nhà ga trải dài 225 km đường ray. Mỗi năm, mạng lưới này cung cấp 1,5 tỷ chuyến đi, cho phép người dân Paris và du khách nhanh chóng di chuyển khắp thành phố.

STTĐô thịDân số năm 2023 (1000 người)Chiều dài các tuyến đường sắt đô thị (km)
1Bắc Kinh21.766879
2Thượng Hải24.870837
3Seoul9.988332
4Singapore5.918243
5London Metro Area9.648402
6Paris Metro Area11.277225

Dân số và chiều dài đường sắt đô thị tại một số thành phố trên thế giới

Bên cạnh giải pháp tạo dựng mạng lưới công cộng bao phủ rộng khắp, chính quyền đô thị các quốc gia còn khiến cho hệ thống đi lại rẻ, phù hợp với những nhóm người có thu nhập thấp như học sinh sinh viên, người lao động địa phương. Nhờ có hàng loạt chính sách trợ giá, đa dạng hình thức vé (vé năm, vé tháng, vé theo nhóm, vé cuối tuần…) mà hầu hết các nhóm cư dân đô thị đều có thể chi trả được chi phí giao thông.

Không chỉ vậy, họ còn áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong việc tổ chức giao thông ưu tiên, khiến việc đi lại bằng giao thông công cộng luôn mất ít thời gian hơn so với đi lại bằng xe cá nhân trên cùng một hành lang tuyến. Tại Seoul, làn xe buýt được bố trí đi riêng, nên thường xuyên thấy cảnh làn xe hơi bên cạnh đang kẹt cứng, thì xe buýt vẫn di chuyển thuận lợi. Tại Đức, tại các nút giao có bố trí pha đèn riêng cho xe buýt và tramway, phương tiện này có chu kì đèn xanh sớm hơn, xuất phát sớm hơn so với các phương tiện ô tô bên cạnh. 

Nhiều quốc gia đã đầu tư và vận hành các tuyến buýt nhanh BRT trong đô thị, với làn đường được ưu tiên. Theo Ngân hàng Thế giới, các dự án xe buýt nhanh có sức chứa đa dạng đã được triển khai tại Argentina, Bangladesh, Brazil, Colombia, Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya, Lebanon, Mexico, Nigeria, Pakistan, Peru, Philippines, Senegal, Tanzania và Việt Nam. Hệ thống BRT tuy năng lực thông qua chưa bằng đường sắt đô thị, nhưng phù hợp trên những hành lang nhu cầu đi lại không quá lớn, và chi phí đầu tư thì ít hơn nhiều.□

Bài đăng Tia Sáng số 24/2024

Tác giả

(Visited 39 times, 5 visits today)