Gió thị trường lái cơn bão thuế quan (kỳ cuối): Mùa bão có thể kéo dài thêm vài năm
Như các sự kiện gần đây cho thấy, điều có thể vừa gây thất vọng vừa an ủi là các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận nào cũng không có khả năng vĩnh viễn và sẽ vẫn phản ứng rất cao với các tín hiệu của thị trường.

Nếu thị trường tài chính phản ứng tiêu cực với bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào, chính quyền Trump có thể sẽ thấy mình chịu áp lực phải nới lỏng thuế quan một lần nữa. Ngược lại, nếu dư luận về Tổng thống (TT) Trump phục hồi và tâm lý kinh tế cải thiện, có thể sẽ có những nỗ lực mới để đẩy thuế quan lên cao hơn. Thật không may, mùa bão có thể kéo dài thêm vài năm.
Phản ứng mạnh mẽ của thị trường đối với chính sách thuế quan của TT Trump – và những thay đổi chính sách tiếp theo phản ứng áp lực thị trường – cho thấy giới hạn của chính sách này. Trong khi thị trường tài chính đã phục hồi hầu hết khoản lỗ và trở lại mức tương đương với tháng 1/2025, điều quan trọng cần lưu ý là những sự phục hồi này luôn diễn ra sau khi chính quyền thông báo rút lui giảm thuế quan thay vì bất kỳ tiến triển nào hướng tới việc đạt được các mục tiêu chính sách thương mại rộng hơn của mình. Các phiên phục hồi của thị trường diễn ra sau lệnh tạm dừng áp thuế quan qua lại vào ngày 9/4, thông báo về thỏa thuận thương mại của Vương quốc Anh vào ngày 8/5 và lệnh giảm thuế quan của Trung Quốc vào ngày 12/5 – mỗi đợt đều thể hiện sự lùi bước chứ không phải sự leo thang của chương trình nghị sự về thuế quan như ban đầu chính quyền Mỹ tuyên bố. Các sự kiện này cho thấy các nhà đầu tư coi việc điều tiết thuế quan, chứ không phải sự nhượng bộ từ các quốc gia đối tác mới là lí do đằng sau sự chuyển biến tích cực của thị trường.
Phản ứng của thị trường: Ba hạn chế đối với thuế quan của Trump
Chính quyền Trump đã định hình chiến lược thuế quan của mình về cơ bản là “Nước Mỹ trên hết”, coi thuế quan là một loại thuế đánh vào người nước ngoài sẽ có lợi cho người Mỹ bằng cách bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và giảm thâm hụt thương mại. Câu chuyện này cho thấy thuế quan là một cách “miễn phí” để củng cố vị thế kinh tế của Mỹ bằng cách gây tổn hại đến các đối tác thương mại.
Khi mức thuế quan tăng lên mức chưa từng có trong lịch sử và hàng hóa được tích trữ tức tốc trước ngày chính quyền Mỹ tuyên bố mức thuế quan mới đã cạn kiệt, ngay cả những nhà bán lẻ lớn nhất và hiệu quả nhất cũng buộc phải thừa nhận rằng việc chuyển chi phí sang người tiêu dùng là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, thuế quan thực chất là một gánh nặng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Một mặt thuế quan có thể có lợi cho một số nhà sản xuất trong nước trong các ngành được bảo hộ, nhưng mặt khác, nó vô hình trung áp đặt chi phí lên người tiêu dùng khi họ phải trả giá cao hơn cho hàng hóa họ mua. Lý do là bởi, nhiều công ty trong nước phụ thuộc vào hàng nhập khẩu làm đầu vào sản xuất và sau đó phải bán sản phẩm của họ cho người tiêu dùng mà hầu hết đều nhạy cảm về giá.
Phản ứng của thị trường từ người tiêu dùng và các công ty và phản ứng từ Cục Dự trữ Liên bang cho thấy những tác động không được nhắc đến của thuế quan. Thay vì lấy tiền của người nước ngoài chuyển sang cho người Mỹ như tưởng tượng ban đầu, thuế quan tạo ra áp lực kinh tế trong nước và từ đó kiềm chế ngược lại hành động của chính quyền.
Tâm lý người tiêu dùng: Bi quan sâu sắc mặc dù có sự cứu trợ một phần
Tâm lý người tiêu dùng đã trải qua một trong những sự suy giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ cuộc suy thoái đầu những năm 1980. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã giảm mạnh từ 64,7 vào tháng hai xuống 50,8 trong bản đọc sơ bộ của tháng năm. Điều đáng lo ngại nhất là kỳ vọng lạm phát đã mất neo một cách nghiêm trọng. Kỳ vọng lạm phát trong năm tới tăng vọt lên 7,3% vào tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 1981, trong khi kỳ vọng lạm phát dài hạn tăng lên 4,6%.
Ngay cả sau khi chính quyền công bố giảm thuế quan Mỹ-Trung từ 145% xuống 30%, tâm lý người tiêu dùng chỉ cho thấy sự cải thiện này “quá nhỏ để thay đổi bức tranh toàn cảnh”, theo Giám đốc khảo sát Joanne Hsu. Tâm lý thất vọng đã diễn ra rộng rãi trên khắp các đảng phái, với đảng Cộng hòa ghi nhận mức giảm 10% trong chỉ số kỳ vọng của họ (Expectation Index – chỉ số đo lường triển vọng ngắn hạn của người tiêu dùng về thu nhập, kinh doanh và thị trường lao động), cử tri độc lập chứng kiến mức giảm 12% và đảng Dân chủ trải qua mức giảm 24%. Sự bi quan lưỡng đảng cho thấy những tác động kinh tế tiêu cực của sự không chắc chắn về thuế quan không phân biệt ý thức hệ và đảng phái, và là hạn chế đối với mục tiêu chính sách của chính quyền.
Phản ứng của nhà sản xuất trong nước: Từ hấp thụ đến chuyển qua
Trong khi tâm lý người tiêu dùng có thể phản ánh nhận thức và tâm lý, triển vọng và quyết định của các doanh nghiệp đại diện phản ứng đối với chi phí cụ thể và dự báo khách quan. Phản ứng của công ty đối với chính sách thuế quan đã phát triển theo ba giai đoạn. Ban đầu, nhiều công ty đã cố gắng hấp thụ chi phí thuế quan để duy trì giá cả cạnh tranh và thị phần. Các công ty cũng tạm thời trì hoãn việc tăng giá bằng cách tích trữ hàng hóa trước khi chính quyền tuyên bố mức thuế quan mới, bằng chứng là dữ liệu GDP quý I cho thấy việc mua hàng lưu kho được tăng tốc. Tuy nhiên, khi mức thuế quan tăng lên mức chưa từng có trong lịch sử và hàng hóa tích trữ thông qua chiến lược này đã cạn kiệt, ngay cả những nhà bán lẻ lớn nhất và hiệu quả nhất cũng buộc phải thừa nhận rằng việc chuyển chi phí sang người tiêu dùng là điều không thể tránh khỏi.

Thông báo ngày 15/5 của Walmart đại diện cho một thời điểm quan trọng trong phản ứng của các công ty Mỹ đối với thuế quan. Là nhà bán lẻ lớn nhất của quốc gia – gần một nửa dân số Mỹ mua sắm tại Walmart mỗi năm – Walmart sở hữu lợi thế về quy mô vô song, quản lý chuỗi cung ứng tinh vi và mô hình kinh doanh được xây dựng xung quanh việc duy trì giá thấp. Tuy nhiên, CEO Doug McMillon đã khẳng định trong đánh giá của mình: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giữ giá ở mức thấp nhất có thể. Nhưng xét đến quy mô của thuế quan, ngay cả ở mức giảm được công bố trong tuần này, chúng tôi không thể hấp thụ hết mọi áp lực do thực tế là biên lợi nhuận bán lẻ hẹp”. Tổng thống Trump đã công khai chỉ trích quyết định của Walmart.
Mốc thời gian tăng giá của Walmart – với CFO John David Rainey lưu ý rằng người tiêu dùng sẽ “bắt đầu thấy giá cao hơn vào cuối tháng năm, với nhiều đợt tăng giá hơn vào tháng sáu” – cho thấy ngay cả việc giảm thuế một phần đối với hàng Trung Quốc cũng không thể ngăn chặn được việc chuyển chi phí sang người tiêu dùng. Các sản phẩm tăng giá bao gồm các mặt hàng hằng ngày như chuối, bơ, cà phê, hoa hồng, đồ chơi, đồ điện tử, cho thấy tác động của thuế quan sẽ được cảm nhận trên diện rộng của kinh tế Mỹ.
Sự đầu hàng của công ty này về giá cho thấy hạn chế cơ bản đối với chiến lược thuế quan của TT Trump. Nếu các nhà bán lẻ có lợi thế như Walmart không thể hấp thụ chi phí thuế quan, các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn sẽ phải đối mặt với áp lực tăng giá thậm chí còn lớn hơn. Thực tế này làm suy yếu một trong những lập luận chính trị quan trọng của chính quyền – rằng thuế quan chủ yếu sẽ tác động đến các nhà sản xuất nước ngoài chứ không phải người tiêu dùng Mỹ.
Phản ứng của thị trường chứng khoán đối với thông báo về thuế quan đặc biệt nghiêm trọng đối với các công ty có sự tiếp xúc đáng kể với hoạt động sản xuất tại Đông Nam Á. Khi TT Trump công bố mức thuế quan có đi có lại bao gồm 46% đối với Việt Nam, các công ty phụ thuộc nhiều vào các trung tâm sản xuất trong vùng đã chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc. Cổ phiếu Nike đã giảm 14%, xóa sổ 14 tỷ USD giá trị cổ đông, Under Armour lao dốc 20% và nhà sản xuất giày thể thao On Holding giảm 16%. Công ty đồ thể thao Amer Sports giảm 13%, phản ánh sự công nhận của các nhà đầu tư rằng các công ty lấy nguồn từ Việt Nam – nơi sản xuất gần 50% giày dép và 30% quần áo của Nike – phải đối mặt với áp lực chi phí lớn có khả năng sẽ buộc phải tăng giá hoặc nén biên lợi nhuận.
Mô hình rộng hơn trên khắp các công ty Mỹ cho thấy sự thừa nhận ngày càng tăng rằng việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng và hấp thụ chi phí có giới hạn. Trong khi một số công ty ban đầu đẩy nhanh việc mua hàng lưu kho hoặc chuyển đổi nhà cung cấp để giảm thiểu tác động của thuế quan, những điều chỉnh chiến thuật này không thể bù đắp hoàn toàn chi phí nhập khẩu cao hơn. Khi ngày càng nhiều công ty noi theo sự dẫn dắt của Walmart trong việc công bố tăng giá, tính bền vững về mặt chính trị của mức thuế quan cao sẽ phải chịu áp lực ngày càng tăng.
Phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang: Neo giữ kỳ vọng trong khi hạn chế tăng trưởng
Người tiêu dùng và các công ty, trực tiếp và gián tiếp thông qua thị trường tài chính, đã đưa ra phán quyết rõ ràng về chiến lược thuế quan của Trump: chi phí kinh tế có khả năng rất lớn. Sự sụt giảm ban đầu của thị trường – một trong những đợt sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ năm 2020 – phản ánh mối lo ngại sâu sắc về tình trạng lạm phát đình trệ, sự kết hợp độc hại giữa tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng ám ảnh nền kinh tế Mỹ trong những năm 1970. Đánh giá này được hỗ trợ bởi các cuộc thăm dò cho thấy các nhà kinh tế đã tăng đáng kể ước tính khả năng suy thoái, với Goldman Sachs nâng khả năng suy thoái của Mỹ lên 45% trong 12 tháng tới, trong khi JP Morgan đã tăng rủi ro suy thoái toàn cầu lên 60%, đặc biệt trích dẫn rằng “ngay cả với bước lùi mới nhất từ các biện pháp khắc nghiệt của Ngày Giải phóng, những gì còn lại vẫn đủ để đẩy Mỹ” đến suy thoái. Phân tích của Morningstar cũng đã nâng tỷ lệ suy thoái lên “khả năng suy thoái của Mỹ trong năm tới là 40%-50%”. Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy mối lo ngại về lạm phát, với kỳ vọng một năm ở mức 7,3% vào tháng năm, mức cao nhất kể từ năm 1981.
Để hiểu cơ chế đằng sau lạm phát và suy thoái đồng thời, hãy nhận diện thuế quan hoạt động như một cú sốc cung cổ điển đối với nền kinh tế. Bằng cách tăng chi phí của hàng hóa và linh kiện nhập khẩu, thuế quan làm tăng giá trên nhiều sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp. Điều này tạo ra một đợt lạm phát ban đầu – mức giá tăng một lần khi chi phí cao hơn tác động đến chuỗi cung ứng. Khi mức giá cao hơn làm giảm sức mua của người tiêu dùng, họ mua ít hơn, gây ra sự suy giảm tổng cầu. Các doanh nghiệp, đối mặt với khối lượng bán hàng giảm, bắt đầu cắt giảm sản xuất và cuối cùng là lực lượng lao động, làm tăng tình trạng thất nghiệp. Sự kết hợp này – giá cả tăng cùng với sự suy giảm kinh tế – định nghĩa tình trạng lạm phát đình trệ trong ngắn hạn.
Những gì xảy ra sau cú sốc ban đầu phụ thuộc vào phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang và kỳ vọng lạm phát của thị trường, mà đến lượt nó lại phụ thuộc vào việc thuế quan được coi là tạm thời hay lâu dài hơn. Nhận thức sâu sắc của giáo sư Milton Friedman là về lâu dài, lạm phát thể hiện mối quan hệ giữa sự tăng trưởng của nguồn cung tiền và sự tăng trưởng của sản lượng kinh tế thực. Nói một cách đơn giản, lạm phát xảy ra khi nguồn cung tiền tăng trưởng nhanh hơn năng lực sản xuất của nền kinh tế, thể hiện các giao dịch đòi hỏi phải sử dụng số tiền đó – và không chỉ đơn thuần là do giá cả thay đổi đối với từng mặt hàng ở cấp độ vi mô.
Hiểu được bản chất tiền tệ của lạm phát, nếu thị trường coi thuế quan là tạm thời, phản ứng tối ưu của Fed có thể là can thiệp tối thiểu. Khi chuỗi cung ứng thích ứng và tái cấu trúc, nguồn cung cuối cùng sẽ trở lại mức cân bằng dài hạn được xác định bởi các yếu tố cơ bản như công nghệ, đầu tư vốn và năng suất lao động. Tổng cầu cũng sẽ phục hồi tương tự và nền kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng dài hạn và do đó là tỷ lệ lạm phát dài hạn sẽ thấp mà không cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Với một cú sốc tạm thời, Fed có thể không cần phải phản ứng với mức tăng giá ban đầu bằng cách tăng lãi suất. Fed thậm chí có thể cắt giảm lãi suất nhỏ để giảm bớt nỗi đau từ tình trạng thất nghiệp trong ngắn hạn mà không gây lạm phát quá cao. Đây là một quyết định mang tính phán đoán đòi hỏi phải cân bằng giữa rủi ro khi để kỳ vọng lạm phát bị thả nổi với những khó khăn kinh tế do duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ trong thời gian gián đoạn tạm thời.
Tình hình trở nên rắc rối hơn nếu thị trường kỳ vọng mức thuế quan sẽ kéo dài hơn. Trong trường hợp này, năng lực sản xuất dài hạn sẽ giảm sút khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị phân mảnh và hiệu quả kinh tế xấu đi. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu để ứng phó với các thông báo về thuế quan, thừa nhận sự thay đổi cơ bản về tiềm năng sản xuất. Với năng lực sản lượng dài hạn thấp hơn mà không có sự thắt chặt tiền tệ tương ứng, tỷ lệ lạm phát dài hạn chắc chắn sẽ tăng. Nếu những người tham gia thị trường dự đoán tỷ lệ lạm phát cao hơn, nó sẽ tự ứng nghiệm khi những kỳ vọng này được đưa vào quá trình các doanh nghiệp định giá và người lao động đàm phán tiền lương. Khi đó, việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của Fed sẽ đòi hỏi chính sách tiền tệ thắt chặt – tăng lãi suất, chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và chịu đựng tăng trưởng chậm hơn trong một thời gian dài.
Nhưng bằng cách liên tục gây sức ép công khai lên Cục Dự trữ Liên bang để cắt giảm lãi suất (để ngăn chặn suy thoái) và đe dọa sẽ cách chức Chủ tịch Jerome Powell trừ khi Fed tuân thủ, Tổng thống Trump đang tạo ra thêm áp lực lạm phát thông qua kỳ vọng. Việc thay thế Powell trong những trường hợp này sẽ báo hiệu cho thị trường tài chính rằng người được Trump bổ nhiệm thay thế có thể sẽ thể hiện khuynh hướng lạm phát, ưu tiên tăng trưởng ngắn hạn hơn là ổn định giá cả. Chỉ riêng nhận thức này sẽ ngay lập tức chuyển kỳ vọng lạm phát của thị trường lên cao, điều này có thể tự ứng nghiệm mức lạm phát cao hơn. Nếu Fed chịu khuất phục trước áp lực này bằng cách giảm lãi suất, thì việc mở rộng nguồn cung tiền sẽ biến ngay cả một cú sốc giá tạm thời thành lạm phát kéo dài – chính là kết quả mà chính sách tiền tệ nên tránh trong kịch bản này.
Sự tương đồng trong lịch sử với tình trạng lạm phát đình trệ của những năm 1970 và đầu thập niên 1980 sau Cú sốc Nixon là một bài học bổ ích. Khi Cục Dự trữ Liên bang dưới thời Chủ tịch Arthur Burns chấp thuận yêu cầu của Nixon về việc hạ lãi suất, điều này đã tạo tiền đề cho nhiều năm lạm phát tăng tốc lên tới 14,8% vào năm 1980. Để cuối cùng phá vỡ chu kỳ lạm phát, Chủ tịch Paul Volcker đã phải tăng mạnh lãi suất quỹ liên bang (lãi suất) bắt đầu từ năm 1979, đạt mức chưa từng có là 20% vào năm 1981, dẫn đến một cuộc suy thoái nghiêm trọng với tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh 10,8% vào tháng 11/1982 – một sự điều chỉnh kinh tế đau đớn kéo dài nhiều năm.
Chủ tịch Powell và Ủy ban Thị trường Mở của Cục Dự trữ Liên bang hiện tại chắc chắn nhớ cả giai đoạn lịch sử này và tính toán sai lầm gần đây hơn của Fed trong đại dịch COVID, khi họ ban đầu coi sự gián đoạn chuỗi cung ứng là tạm thời và duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tổng cầu trong thời gian quá dài. Điều này dẫn đến lạm phát vượt quá 9% vào năm 2022, đòi hỏi phải tăng lãi suất mạnh mẽ để kiểm soát. Ngày nay, kỳ vọng lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Kinh nghiệm gần đây khiến Fed đặc biệt cảnh giác với việc hạ lãi suất trước thời hạn để ngăn chặn những tác động bất lợi của cú sốc thuế quan, nhận ra rằng việc lấy lại sự ổn định giá cả sẽ đòi hỏi nỗi đau kinh tế lớn hơn nhiều so với việc ngăn chặn lạm phát ngay từ đầu. Bất chấp lời kêu gọi công khai của TT Trump về việc cắt giảm lãi suất, Chủ tịch Powell đã chỉ ra rằng ngân hàng Trung ương sẽ ưu tiên duy trì “kỳ vọng lạm phát được neo giữ chặt chẽ” trước khi kích thích tăng trưởng. Lập trường này có thể phản ánh kinh nghiệm của Fed với lạm phát sau COVID và quyết tâm tránh lặp lại sai lầm chính sách đó.
Có lẽ chi phí đáng kể nhất của chính sách thuế quan được công bố chỉ hơn một tháng trước, ngoài những tác động kinh tế tức thời, là đối với uy tín của chính quyền Trump. Chuỗi hỗn loạn của các thông báo thuế quan cực đoan tiếp theo là các đợt rút lui vội vàng để ứng phó với sự hỗn loạn của thị trường đã gieo mầm nghi ngờ về năng lực và tầm nhìn chiến lược của chính quyền, ngay cả trong số những người ủng hộ trước đây. Khoảng cách uy tín được phản ánh trong số liệu thăm dò giảm nhanh chóng. Theo cuộc thăm dò của YouGov/Economist được thực hiện vào đầu tháng tư, tỷ lệ chấp thuận chung của Trump đã giảm xuống còn 43%, với 51% không chấp thuận. Tỷ lệ chấp thuận ròng của ông về các vấn đề kinh tế đã giảm xuống -10, từ -4 hai tuần trước đó.
Dữ liệu thăm dò cho thấy, sự hoài nghi cơ bản về chính chiến lược thuế quan. Chỉ có 36% người Mỹ chấp thuận mức thuế quan mới, trong khi 52% không chấp thuận. Đáng chú ý hơn, phần lớn người Mỹ (58%) không tin rằng TT Trump có chiến lược rõ ràng khi công bố và thực hiện thuế quan, theo cuộc thăm dò của CNN được tiến hành từ ngày 17 đến 24/4. Những lời giải thích mâu thuẫn của chính quyền về chính sách thuế quan của mình – đồng thời mô tả chúng là đòn bẩy đàm phán, khả năng thay thế cho thuế thu nhập, thúc đẩy việc đưa sản xuất trở lại, giảm thâm hụt thương mại – trong khi phủ nhận chi phí kinh tế rõ ràng đã làm xói mòn thêm niềm tin vào cách quản lý kinh tế của chính quyền.
Sự mất lòng tin gây áp lực rất lớn lên chính quyền để đạt được những kết quả tích cực hữu hình sớm hơn là muộn. Với mỗi tuần trôi qua của sự bất ổn và biến động, chi phí chính trị tăng lên. Con đường rõ ràng nhất để lấy lại uy tín thông qua những chiến thắng rõ ràng trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra – đặc biệt với các quốc gia như Việt Nam.
Những lời giải thích mâu thuẫn của chính quyền về chính sách thuế quan của mình – đồng thời mô tả chúng là đòn bẩy đàm phán, khả năng thay thế cho thuế thu nhập, thúc đẩy việc đưa sản xuất trở lại, giảm thâm hụt thương mại – trong khi phủ nhận chi phí kinh tế rõ ràng đã làm xói mòn thêm niềm tin vào cách quản lý kinh tế của chính quyền.
Những gì mong đợi cho thuế quan đối với Việt Nam
Thỏa thuận thương mại Mỹ – Anh ngày 8 tháng 5 đã xác định rằng ngay cả các quốc gia mà Mỹ có thặng dư thương mại cũng sẽ phải đối mặt với mức thuế cơ sở ít nhất là 10% (ít nhất là hiện tại). Nhưng phản ứng của thị trường kể từ khi bị trừng phạt nghiêm khắc sau thông báo ngày 2/4 – từ sự lao dốc của thị trường chứng khoán đến đợt bán tháo đáng báo động của thị trường trái phiếu – chứng minh rằng việc duy trì mức thuế “có đi có lại” ở mức cao ban đầu được đề xuất cũng rất khó xảy ra.
Việt Nam đang ở trong một vị thế trớ trêu trong cuộc xung đột thương mại này. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung 2018-2019, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng vọt khi các nhà sản xuất tìm cách tránh thuế quan của Trung Quốc bằng cách di dời sản xuất và các nhà nhập khẩu Mỹ tích cực tìm kiếm các nhà sản xuất có chi phí thấp hơn để mua hàng, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lực sản xuất sang Việt Nam. Thành công đó hiện đã trở thành một gánh nặng, với thặng dư thương mại đáng kể của Việt Nam với Mỹ chiếm trực tiếp mức thuế quan 46% được đề xuất vào ngày 2/4. Tuy nhiên, phản ứng của thị trường cho thấy Việt Nam cuối cùng nên có điều khoản thuận lợi hơn vì một số lý do.

Đầu tiên, ngày càng có nhiều sự công nhận rằng sự chuyển hướng thương mại sang Việt Nam và các quốc gia khác đóng vai trò an toàn quan trọng trong cuộc chiến thương mại đầu tiên. Trong khi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức thuế quan 20% đến 30% đối với hàng hóa Trung Quốc hầu như được chuyển hoàn toàn sang mức giá cao hơn cho các sản phẩm bị ảnh hưởng, thì đáng ngạc nhiên là có rất ít tác động đến lạm phát nói chung. Cục Dự trữ Liên bang ước tính mức thuế quan năm 2018 chỉ chiếm 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm trong lạm phát PCE cốt lõi. Tác động tối thiểu đối với lạm phát nói chung chắc chắn một phần là do việc sản xuất các mặt hàng thay thế cho các mặt hàng bị ảnh hưởng có thể diễn ra ở các quốc gia như Việt Nam. Điều này đóng vai trò như một biện pháp giải tỏa áp lực ngăn chặn các kết quả kinh tế tồi tệ hơn. Chính quyền Trump, bị tổn thương bởi phản ứng tiêu cực dữ dội của thị trường cuối cùng cũng đã nhận ra mức thuế quan trên diện rộng sẽ phá vỡ các van an toàn, ngay cả khi ban đầu họ đã nghĩ về nó theo hướng tiêu cực.
Thứ hai, các công ty lớn của Mỹ đã đưa Việt Nam trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của họ, tạo ra hoạt động vận động hành lang mạnh mẽ của công ty để được giảm thuế. Apple đưa ra một ví dụ quan trọng. Trong cuộc gọi thu nhập vào tháng năm, CEO Tim Cook cho biết thuế quan có thể làm tăng thêm khoảng 900 triệu USD chi phí chỉ trong quý tới. Cook cũng tuyên bố rằng “phần lớn iPhone được bán tại Mỹ hiện sẽ đến từ Ấn Độ và hầu hết iPad, Mac và Apple Watch sẽ đến từ Việt Nam”. Tiết lộ này làm nổi bật tình trạng dễ bị tổn thương của Apple trước thuế quan đối với Việt Nam và do đó, vận may và phúc lợi của người tiêu dùng Mỹ hiện gắn liền với kết quả của các cuộc đàm phán thuế quan.
Các công ty lớn của Mỹ đã đưa Việt Nam trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của họ, tạo ra hoạt động vận động hành lang mạnh mẽ của công ty để được giảm thuế.
Ngành may mặc và giày dép cung cấp thêm nhiều ví dụ về tầm quan trọng của Việt Nam đối với các tập đoàn và người tiêu dùng Mỹ. Khi TT Trump công bố mức thuế 46% đối với Việt Nam, cổ phiếu Nike giảm mạnh gần 12% chỉ trong một ngày, Lululemon giảm 13% và Adidas giảm 12%. Đối với các công ty này, Việt Nam là trung tâm sản xuất chính của họ. Nike sản xuất khoảng 50% giày dép và 28% hàng may mặc tại Việt Nam. Adidas phụ thuộc vào Việt Nam để sản xuất 39% giày dép và 18% hàng may mặc. On Holdings, Công ty Giày thể thao Thụy Sĩ, sản xuất tới 90% giày dép của mình tại Việt Nam.
Phản ứng mạnh mẽ của thị trường cho thấy các công ty này – và theo đó là người tiêu dùng Mỹ – phụ thuộc sâu sắc như thế nào vào sản xuất của Việt Nam. Các nhà phân tích của UBS ước tính, chỉ riêng việc bù đắp thuế quan của Việt Nam sẽ đòi hỏi các công ty này phải tăng giá 10-12%, mà không có giải pháp thay thế khả thi nào trong ngắn hạn cho việc di dời sản xuất.
Đối với Việt Nam, những tín hiệu thị trường hướng đến một chiến lược đàm phán tập trung vào các nhượng bộ thương mại hữu hình như giải quyết các rào cản phi thuế quan cụ thể mà chính quyền Mỹ đã xác định rõ ràng. Báo cáo ước tính thương mại quốc gia năm 2025 từ Đại diện thương mại Mỹ đã nêu bật một số mối quan tâm chính, bao gồm các hạn chế của Việt Nam đối với luồng dữ liệu xuyên biên giới, quy trình phê duyệt hạn chế đối với các cơ sở xuất khẩu nông sản mới của Mỹ, các vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam đã thể hiện thiện chí nhượng bộ trong một số lĩnh vực – phê duyệt các thử nghiệm dịch vụ vệ tinh Starlink và giảm thuế đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng và ô tô của Mỹ. Sự phục hồi của thị trường trong tháng qua cho thấy các nhà đầu tư dự đoán Việt Nam sẽ đảm bảo được việc giảm thuế quan có ý nghĩa trong thời gian đàm phán 90 ngày. Đối với mức thuế cơ sở 10%, điều thú vị cần lưu ý là khoản phụ thu nhập khẩu 10% từ Cú sốc Nixon đã được dỡ bỏ vào tháng 12/1971, chỉ bốn tháng sau khi áp dụng.□
—-
Tác giả là GS, Đại học Baylor, Mỹ
Bài đăng Tia Sáng số 10/2025