Giữ lấy vốn liếng mà thiên nhiên ban tặng
Tình trạng bát nháo trong khai thác khoáng sản ở Cao Bằng, rồi vụ “cướp than” ở Quảng Ninh  mà báo chí liên tục đưa mới đây chỉ là một góc nổi của bức tranh “đầy ấn tượng” về hiện trạng quản lý, khai thác và buôn bán tài nguyên khoáng sản (TNKS) tại Việt Nam. Các chuyên gia và nhiều nhà khoa học lớn cho rằng nếu không thay đổi tư duy và cách quản lý tài nguyên khoáng sản, Việt Nam sẽ nhanh chóng đánh mất tài sản lớn nhất mà thiên nhiên và cha ông đã để lại cho chúng ta.
“Cái mình có” và “cái người ta cần”
Theo báo cáo tóm tắt “Nghiên cứu, đánh giá và kiến nghị chính sách về quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam” của Tổng hội Địa chất Việt Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam và Viện Tư vấn Phát triển (CODE), TNKS của Việt Nam được đánh giá là đa dạng về chủng loại nhưng tiềm năng lại hạn chế. Cụ thể là các loại khoáng sản được thị trường thế giới ưa chuộng như vàng, bạc, kim cương thì Việt Nam lại không có nhiều, hoặc đã khai thác gần như cạn kiệt (như dầu mỏ, than). Còn những loại khoáng sản có trữ lượng còn nhiều ở Việt Nam, như bauxite, ilminite, đất hiếm thì một mặt chúng ta chưa đánh giá được một cách đầy đủ, mặt khác trữ lượng những loại khoáng sản này trên thế giới còn nhiều, nhu cầu tiêu thụ lại không cao do đó dẫn tới giá trị xuất khẩu không cao. “Có thể nói ngắn gọn lại về tình trạng TNKS của Việt Nam như sau: cái người ta cần thì mình không có còn cái mình có thì người ta lại chưa thực sự cần”, ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện CODE nói.
Những cảnh đào vàng theo kiểu thủ công như thế này không phải là chuyện lạ ở rất nhiều tỉnh trên khắp VN |
Ai cũng biết rằng TNKS phần lớn là không tái tạo, vì vậy có thể coi chúng như một loại tài sản hay vốn dự trữ của quốc gia. Khai thác, sử dụng nguồn dự trữ này là “tiêu vào vốn” của chính mình. Khai thác, buôn bán càng nhiều tài nguyên thì vốn dự trữ còn lại càng ít.
Tuy nhiên, nguồn vốn dự trữ này ở Việt Nam đến ngay “chủ sở hữu”, tức là Nhà nước hiện cũng chưa thể đánh giá và biết chính xác là bao nhiêu. Theo đánh giá của một số chuyên gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm về điều tra địa chất, khảo sát thăm dò tiềm năng dự trữ khoáng sản tổng thể để đưa vào quản lý, hiện cũng chưa thể biết chính xác trữ lượng các loại khoáng sản ở Việt Nam. Những con số có được đến nay chỉ mới ở dạng dự báo. Báo cáo nói trên viết: “Công tác thăm dò khoáng sản chưa đi trước theo yêu cầu của các hoạt động kinh tế xã hội. Kết quả điều tra thăm dò trong một số trường hợp còn có độ tin cậy thấp, cơ sở dữ liệu chưa được cập nhật và hệ thống hóa”. Tệ hơn, với xu hướng “xã hội hóa, kinh tế hóa” ngành tài nguyên khoáng sản, thì “công tác thăm dò tỉ mỉ khoáng sản ở Việt Nam đang được phó thác, khoán trắng cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thu thuế trên số liệu báo cáo của doanh nghiệp dẫn đến thất thoát tài nguyên và thu ngân sách, đơn giản bởi “doanh nghiệp có 10 thường chỉ khai 1”, ông Tú nói.
Như vậy, các tác giả của báo cáo nói trên cho rằng: “Nhà nước cần đầu tư ngân sách để thực hiện hoạt động điều tra, thăm dò tỉ mỉ tài nguyên khoáng sản và coi đây là khoản đầu tư ban đầu để sau đó thu lại bằng cách tính vào giá mỏ đối với các cuộc đấu thầu”.
Thời của doanh nghiệp?
Vẫn theo ông Tú, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào việc khai thác khoáng sản, theo các lập luận ban đầu được đưa ra là để “giảm cơ chế xin cho, tăng ngân sách của Nhà nước”, đặc biệt ở các tỉnh nghèo vốn có nguồn thu ngân sách thấp và trình độ phát triển công nghiệp còn thấp. Chính vì thế đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp ồ ạt lao vào khai thác khoáng sản, xuất khẩu khoáng sản thô bằng mọi giá. Về mặt các địa phương, nhiều lãnh đạo đã coi khoáng sản là “của trời cho”, vì vậy doanh nghiệp cứ trình phương án khai thác khoáng sản là được duyệt. Bởi theo quan niệm của không ít lãnh đạo các tỉnh, điều này không chỉ “tăng thêm nguồn thu” cho ngân sách của tỉnh, mà còn đạt được các chỉ tiêu “chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa” mà hầu như Hội đồng nhân dân của bất cứ tỉnh nào cũng đã nêu ra.
Một nhà máy sơ chế titan tại Bình Định |
Số lượng khoáng sản khai thác được ở một số địa phương có thể minh chứng cho sự phát triển quá nóng của doanh nghiệp. Thí dụ tại Bình Định, theo Qui hoạch được tỉnh phê duyệt vào năm 2007, lượng titan khai thác ở tỉnh này chỉ vào khoảng 10.000-20.000 tấn/năm và đạt tới mức cao nhất là 50.000 tấn vào năm 2020. Thế nhưng trên thực tế trong năm 2009 vừa qua, mức khai thác titan thực tế của Bình Định đã đạt con số 730.000 tấn, tức là gấp gần… 15 lần so với sản lượng khai thác dự kiến cho năm 2020!
Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây cũng đã lên tiếng báo động về tình trạng khai thác khoáng sản ồ ạt của các thành phần kinh tế. Số liệu của Thanh tra Chính phủ cho thấy riêng tại huyện Quì Hợp (Nghệ An), sau một đợt thanh tra, 214 mỏ khai thác khoáng sản đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện có những vi phạm trong khai thác, quản lý lao động và hủy hoại môi trường. Thanh tra Chính phủ cũng đã yêu cầu tỉnh rút giấy phép khai thác tại các mỏ này. Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành ban hành các qui định ngưng xuất khẩu thô một số khoáng sản như titan, sắt. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục tìm cách xuất khẩu khoáng sản thô bằng các giấy phép gia hạn xuất khẩu. Bộ Tài chính vào cuối năm 2009 thậm chí còn có quyết định giảm mức thuế xuất khẩu mặt hàng quặng apatit xuống còn 7% (từ mức 10%), và Bộ Công Thương cũng có tờ trình đề nghị Thủ tướng cho phép xuất khẩu một số khối lượng rất lớn tinh quặng sắt, tinh quặng magnetit, kẽm…
Xuất khẩu thô khoáng sản không những nhanh chóng làm cạn kiệt các mỏ khoáng sản ở Việt Nam, mà tệ hơn là giá trị thu được từ xuất khẩu khoáng sản thô cực kỳ thấp. Thí dụ, theo tính toán của các chuyên gia, đối với titan chẳng hạn, nếu sản xuất được xỉ titan (từ ilmenit) thì giá trị sản phẩm sẽ tăng 2,5 lần, sản xuất được pigmen thì giá trị sản phẩm tăng khoảng 10 lần và nếu sản xuất được titan kim loại thì giá trị sản phẩm tăng lên tới gần 80 lần so với sản xuất ilmenit thô như hiện tại.
Những nguy cơ
Không ít các nhà khoa học, các trí thức lớn đã lên tiếng Việt Nam có nguy cơ không tránh được “lời nguyền tài nguyên”, tức là sa vào tình trạng “nền kinh tế giàu tài nguyên thiên nhiên có xu hướng phát triển chậm hơn những nền kinh tế không có các tài nguyên thiên nhiên đáng kể” (Sach & Warner 1997, 2). Những bài học cay đắng từ việc khai thác tài nguyên ồ ạt của một số nước trên thế giới như Nigeria, Hà Lan, Mêhicô đáng để chúng ta suy ngẫm và tìm cách tránh “đi theo vết xe đổ”. Nigeria đã kiếm được 350 tỉ USD từ các nguồn thu nhập dầu mỏ từ năm 1965 đến năm 2000, nhưng thu nhập bình quân trên đầu người lại giảm từ 1.113 USD xuống còn 1.084 USD trong năm 2000. Và đất nước này hiện đang là một trong số 15 nước nghèo nhất thế giới. Trong một cuộc hội thảo về “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam” tổ chức mới đây tại Hà Nội, GS Kenichi Ohno (Học viện cao học quốc gia về nghiên cứu chính sách-Tokyo), cũng đã nhấn mạnh rằng tăng trưởng chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên, luồng vốn ODA hay vị trí địa lý thì sớm muộn cũng sẽ đi đến hồi kết. Như vậy,Việt Nam khó có khả năng thoát khỏi cái “bẫy thu nhập trung bình”.
Tình trạng khai thác titan hiện đang rất bát nháo tại nhiều tỉnh miền Trung của Việt Nam. Trong ảnh là một địa điểm khai thác titan tại Hà Tĩnh |
Nguy cơ hiện hữu hơn là việc quản lý kém trong khai thác khoáng sản chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng biến TNKS từ sở hữu của Nhà nước và toàn dân sang sở hữu của một số các nhà tài phiệt, như trường hợp đã xảy ra ở nước Nga trong thời kỳ chủ nghĩa xã hội sụp đổ. “Một khi lợi ích từ khai thác TNKS không được chia sẻ hợp lý giữa doanh nghiệp, nhà nước và cộng đồng thì chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn và xung đột xã hội”, nghiên cứu “Tổng quan thực trạng khai thác tài nguyên khoáng sản Việt Nam” của Viện CODE viết.
Một vấn đề cũng cần nói tới là tổn thất trong khai thác tài nguyên tại Việt Nam hiện vẫn còn rất cao, chủ yếu do hạn chế về công nghệ, năng lực khai tác TNKS của các doanh nghiệp. Một số điều tra, nghiên cứu cho biết tổn thất khai thác than hầm lò lên tới 40-60%, trong dầu khí cũng lên tới 50-60%, trong khai thác apatit là từ 26-43%, quặng kim loại là từ 15-30%… Theo báo cáo của TKV, tổn thất trong khai thác than Quảng Ninh vào khoảng 28-32% trong khai thác hầm lò và 7,3-7,7% trong khai thác lộ thiên. Lãng phí trong khai thác sẽ dẫn tới sản lượng khai thác ngày một nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và doanh số. Điều này đồng nghĩa là TNKS sẽ cạn kiệt trong thời gian nhanh hơn.
Bảo đảm tính phát triển bền vững
Trong Hội thảo “Tài nguyên khoáng sản và phát triển bền vững ở Việt Nam” tổ chức cách đây không lâu ở Hà Nội, những kiến nghị mà nhiều chuyên gia đưa ra, tựu chung lại là các vấn đề liên quan tới quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác TNKS, đẩy mạnh công tác điều tra, thăm dò tỉ mỉ trữ lượng khoáng sản, đưa ra các qui hoạch, chiến lược cụ thể, khả thi về quản lý, sử dụng TNKS, hạn chế việc cấp phép tràn lan (đặc biệt tại các tỉnh) và đưa ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực khai khoáng đối với doanh nghiệp.
“Thực hiện công khai, minh bạch” trong các hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản cũng được nhiều chuyên gia trong nhắc tới và coi là mục tiêu quan trọng để việc có thể quản lý và sử dụng TNKS một cách bền vững ở Việt Nam.
Xin mượn lời phát biểu của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung, nguyên là thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cũng trong hội thảo nói trên để kết thúc bài viết này: “Là nước đi sau, nguồn tài nguyên các loại và khoáng sản dồi dào của nước ta chỉ có thể thực sự phát huy được lợi thế khi đất nước có nguồn nhân lực và khả năng quản lý quốc gia đạt trình độ cao. Vì lẽ này, trong hiện tại và trong nhiều thập kỷ tới, ưu tiên hàng đầu của nước ta phải là phát triển nguồn nhân lực, phát triển thể chế quốc gia và kết cấu hạ tầng, tận dụng mọi điều kiện cho phép để “làm giàu” trên đất đai chứ không phải đi “bóc” đất đai./.