Google trước làn sóng AI
Tháng Chín này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của internet: sinh nhật lần thứ 25 của Google. Với hàng tỷ lượt tìm kiếm được thực hiện mỗi ngày, thật khó mà nhớ chúng ta đã từng sống như thế nào khi không có công cụ tìm kiếm. Điều gì ở Google đã khiến nó làm nên cuộc cách mạng trong việc truy cập thông tin?
Và liệu trí tuệ nhân tạo (AI) có khiến Google trở nên lỗi thời hay khiến công cụ này mạnh mẽ hơn?
Hãy xem cách truy cập thông tin của chúng ta đã thay đổi như thế nào qua nhiều thập kỷ – và nó có thể dẫn chúng ta đến đâu khi AI tiên tiến và Google Tìm kiếm ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau.
Những năm 1950: thư viện công cộng là trung tâm cộng đồng
Trong những năm sau Thế chiến II, người ta cho rằng một thành phố thịnh vượng sau chiến tranh phải có khả năng cung cấp tiềm lực cho công dân – và điều đó bao gồm khả năng tiếp cận thông tin mở.
Vì thế, vào những năm 1950, các thư viện địa phương chủ yếu là nơi cung cấp thông tin cho người dân ở các nước phương Tây. Bản thân các thủ thư đã là một loại “công cụ tìm kiếm bằng con người”. Họ phản hồi lại các thắc mắc qua điện thoại từ các doanh nghiệp và trả lời thư của độc giả, giúp mọi người tìm kiếm thông tin nhanh chóng và chính xác.
Thư viện không chỉ là nơi để mượn sách. Đó còn là nơi các bậc cha mẹ đến tìm kiếm thông tin sức khỏe, nơi du khách hỏi các mẹo nhỏ khi đi du lịch và các doanh nghiệp tìm tòi lời khuyên để tiếp thị sản phẩm.
Tuy không cần trả tiền để tiến hành việc tìm kiếm, song bạn phải nhờ các thủ thư hỗ trợ, cần rất nhiều công sức lao động cũng như các quy trình tìm kiếm dựa trên danh mục. Những câu hỏi mà giờ đây chúng ta có thể giải quyết trong vòng vài phút đã từng phải mất hằng giờ, hằng ngày hay thậm chí hàng tuần mới có lời giải đáp.
Những năm 1990: Các dịch vụ tìm kiếm tính phí trỗi dậy
Đến những năm 1990, các thư viện đã mở rộng, trang bị máy tính cá nhân và truy cập trực tuyến vào các dịch vụ thông tin. Các công ty tìm kiếm thương mại phát triển mạnh khi mọi người có thể truy cập thông tin ở thư viện thông qua dịch vụ thuê bao đắt đỏ.
Những hệ thống này phức tạp đến mức chỉ những chuyên gia được đào tạo mới có thể sử dụng và người tiêu dùng phải trả tiền mới có kết quả. Dịch vụ thông tin trực tuyến Dialog, được phát triển tại Tập đoàn Lockheed Martin vào những năm 1960, vẫn là một trong những ví dụ điển hình nhất. Ngày nay, Dialog tuyên bố sẽ cung cấp cho khách hàng quyền truy cập “vào hơn 1,7 tỷ hồ sơ trên hơn 140 cơ sở dữ liệu chứa các tài liệu được bình duyệt”.
Một hệ thống tìm kiếm thương mại khác, FT PROFILE của tờ báo Financial Times, cho phép độc giả truy cập vào các bài viết trên mọi tờ báo chính luận của Vương quốc Anh trong khoảng thời gian năm năm.
Song, việc sử dụng hệ thống này để tìm kiếm không hề đơn giản. Người dùng phải nhớ các lệnh đã gõ để chọn bộ sưu tập, sử dụng các từ cụ thể để giảm danh sách tài liệu được trả về. Các bài viết được sắp xếp theo ngày tháng để người đọc có thể tìm kiếm những mục phù hợp nhất.
FT PROFILE giúp những người ngoài giới kinh doanh có thể truy cập nhanh chóng vào những thông tin giá trị, đi kèm với một khoản phí không hề rẻ. Vào những năm 1990, chi phí truy cập là 1,60 Euro/phút – tương đương với 4,65 Euro (hoặc 119,784VNĐ) ngày nay.
Google trỗi dậy
Sau khi world wide web ra mắt vào năm 1993, số lượng trang web đã tăng mạnh theo cấp số nhân.
Các thư viện cho phép truy cập web công cộng và các dịch vụ, cung cấp quyền truy cập với chi phí thấp cho các tổ chức. Các thủ thư hướng dẫn người dùng tìm thông tin trực tuyến và xây dựng trang web. Tuy nhiên, các hệ thống tìm kiếm phức tạp phải vật lộn với lượng nội dung bùng nổ và số lượng lớn người dùng mới.
Năm 1994, cuốn sách Managing Gigabytes của ba nhà khoa học máy tính người New Zealand đã trình bày giải pháp cho vấn đề này. Từ những năm 1950, các nhà nghiên cứu đã hình dung ra một công cụ tìm kiếm nhanh, ai cũng truy cập được và sắp xếp tài liệu theo mức độ liên quan.
Vào những năm 1990, một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon bắt đầu áp dụng kiến thức này – Larry Page và Sergey Brin đã sử dụng các nguyên tắc trong Managing Gigabytes để thiết kế cấu trúc mang tính biểu tượng của Google.
Sau khi ra mắt vào ngày 4/9/1998, cuộc cách mạng Google được khởi động. Mọi người yêu thích sự đơn giản của hộp tìm kiếm, cũng như cách trình bày kết quả tân tiến, tóm tắt các trang được tìm kiếm phù hợp với yêu cầu.
Về mặt chức năng, Google Tìm kiếm hoạt động hiệu quả với một số lý do như sau. Nó sử dụng cách tiếp cận sáng tạo để mang lại kết quả bằng cách đếm các liên kết web trong một trang (quy trình này được gọi là PageRank). Nhưng quan trọng hơn, thuật toán của nó rất phức tạp; nó không chỉ khớp các yêu cầu tìm kiếm với văn bản trong một trang mà còn với những văn bản khác liên kết đến trang đó (được gọi là văn bản neo).
Độ phổ biến của Google nhanh chóng vượt mặt mọi đối thủ như AltaVista và Yahoo Search. Với hơn 85% thị phần hiện nay, nó vẫn là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất.
Tuy nhiên, khi trang web được mở rộng, chi phí truy cập lại trở thành điều gây tranh cãi.
Dù hiện nay người dùng không phải trả phí khi tìm kiếm trên Google, nhưng nếu muốn tải xuống một số bài viết và sách nhất định thì họ vẫn phải bỏ tiền ra. Nhiều người dùng vẫn dựa vào thư viện để tiết kiệm – song chính các thư viện cũng đang phải vật lộn với chi phí mua tài liệu ngày càng tăng để cung cấp miễn phí cho công chúng.
Viễn cảnh trong 25 năm tới sẽ là gì?
Google đã mở rộng dịch vụ của mình chứ không chỉ thuần túy là công cụ tìm kiếm. Gmail, Google Drive, Lịch Google, các thiết bị Pixel và nhiều dịch vụ khác cho thấy phạm vi tiếp cận của Google rất rộng lớn.
Với việc ra đời các công cụ AI, bao gồm Bard của Google và Gemini được công bố gần đây (đối thủ cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT), Google một lần nữa chuẩn bị cách mạng hóa tìm kiếm.
Khi Google tiếp tục đưa AI tạo sinh vào công cụ tìm kiếm, việc đọc tóm tắt thông tin nhanh ở đầu trang kết quả sẽ trở nên phổ biến, thay vì người dùng tự tìm kiếm thông tin. Một thách thức chính sẽ là đảm bảo mọi người không trở nên chủ quan tới mức tin tưởng mù quáng vào kết quả được tạo ra.
Việc kiểm chứng độ chính xác của thông tin dựa trên các nguồn ban đầu sẽ vẫn là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Rốt cuộc, chúng ta đã thấy các công cụ AI tạo sinh như ChatGPT bị lên án vì gây “ảo giác” và đưa ra thông tin sai lệch.
Hơn nữa, ngay cả khi các công cụ AI cách mạng hóa việc tìm kiếm, chúng vẫn có thể không cách mạng hóa được khả năng truy cập. Trong quá trình ngành AI phát triển, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi theo hướng phải bỏ tiền mới có thể truy cập nội dung hoặc cần đăng ký trả phí. Ví dụ, để sử dụng MidJourney – Ai tạo hình ảnh từ mô tả văn bản, người dùng sẽ cần trả từ 10USD – 120USD.
Sự bùng nổ của AI cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại những vấn đề căng thẳng giữa khả năng truy cập công khai và các thực thể thương mại đang ngày càng phát triển.
Mạnh Hà