Gulabi Gang: Một kiểu đấu tranh của phụ nữ Ấn Độ
<span style="font-size:14.0pt; font-family:"Times New Roman";mso-fareast-font-family:"Times New Roman"">Khoác sari hồng và mang theo gậy cũng mầu hồng, họ bao vây trạm cảnh sát và các cơ quan chính phủ, gây tắc nghẽn trên đường phố và lật nhào các chính khách... Phương pháp của họ không bình thường và rất hiệu quả.
“Ở Ấn Độ không gì khốn khổ hơn nếu sinh ra ở tầng đáy của xã hội, làm phụ nữ cũng khốn khổ khốn nạn không kém gì những người ở tầng đáy đó,” bà Sampat Pal Devi, người đấu tranh tích cực vì quyền lợi của người phụ nữ đã phát biểu như trên khi đề cập tình trạng của người phụ nữ ở một đất nước mà vận mệnh của họ hầu như nằm trong tay người đàn ông. Xuất phát từ kinh nghiệm đau thương của bản thân, Sampat Pal đã gia nhập phong trào Gulabi Gang, nghĩa là Băng nhóm mầu hồng, để đấu tranh chống lại tình trạng này.
Gulabi Gang xuất phát từ Uttar Pradesh, một trong những bang đông đúc và nghèo khổ nhất, đồng thời có tỷ lệ tội phạm hình sự vào loại cao nhất Ấn Độ. Gulabi Gang đấu tranh chống tệ nạn bạo lực tình dục và bạo lực thân thể, chống bất công xã hội, tham nhũng và nạn tảo hôn.
Phương pháp của Gulabi Gang khác thường và hiệu quả. Khi hàng trăm chị em khoác sari hồng và mang gậy gộc cũng mầu hồng bao vây trụ sở cảnh sát la hét đòi thả “người chị em” của họ bị bắt giữ phi pháp, điều này gây ấn tượng mạnh mẽ. Chị em thuộc Gulabi Gang không chỉ đáng sợ vì họ mang gây gộc hay vì sự hiện diện của họ. Họ được trang bị một loại vũ khí mà những viên cảnh sát lười biếng, những nghị sỹ tham nhũng và những tên tội phạm hung bạo đều phải chùn bước, đó là sự công khai.
Bên cạnh đó, chị em sẵn sàng chống trả một cách mạnh mẽ, quyết liệt những gã vũ phu, truy đuổi bọn tội phạm hình sự đến cùng – nhận xét của bà Amana Fontanella-Khan, người đã sinh hoạt với Gulabi Gang được vài ba năm và viết cuốn sách mang tựa đề “Cách mạng sari hồng”.
Theo bà Fontanella-Khan, người dân và giới truyền thông ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng chị em với gậy gộc trong tay cương quyết vùng lên phá vỡ sự phân biệt, bất bình đẳng nam – nữ. Những ông chồng vũ phu, hung bạo và cả những quan chức cấp cao trong bộ máy công quyền cũng phải ấn tượng trước thái độ chống trả quyết liệt của chị em – Gulabi Gang từng hạ bệ một số nghị sỹ đầy thế lực.
Điều gây ngạc nhiên hơn nữa là phần lớn chị em tham gia đấu tranh trong Gulabi Gang là những người thuộc tầng lớp đáy của xã hội, không có điều kiện học hành, không biết đọc, biết viết. Họ bù đắp sự thiếu hiểu biết của mình bằng sự đoàn kết và tính tổ chức.
Truyền thông Ấn Độ thời gian qua đưa rất nhiều tin tức, hình ảnh về bạo lực đối với phụ nữ ở đất nước này; trong bối cảnh đó, hoạt động, hình ảnh của Gulabi Gang là một dấu ấn hết sức rõ ràng về cuộc đấu tranh chống lại chế độ gia trưởng.
Cách tiếp cận của Gulabi Gang không mang tính đặc thù của phái yếu; ở Ấn Độ mầu hồng cũng không phải là mầu tượng trưng của phái yếu. Mầu này được chọn chỉ vì các mầu khác đã được các phe nhóm chính trị khác chọn lựa cả rồi. Chiến thuật đấu tranh của Gulabi Gang được khích lệ bởi một hình thức đấu tranh không phân biệt giới tính phổ biến ở Ấn Độ, có tên là Gherao. Những người dân bị đối xử không công bằng và cũng không thể trông chờ vào sự công minh của hệ thống tư pháp, tập hợp nhau lại để chiếm đồn công an, toà án, trường đại học hoặc một nhà máy và không cho bất kỳ ai rời khỏi những nơi này cho tới khi nguyện vọng của họ được chú ý lắng nghe.
Xuân Hoài dịch