Hai con dê, một chiếc cầu

Tự do, Pháp luật và Đạo đức là những thứ rất trừu tượng. Những thứ này đều có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Nhưng vai trò của chúng là rất khác nhau. Xin phân tích điều trên từ một bài tập đọc mà chúng ta ai cũng đều biết. Đó là bài tập đọc vỡ lòng về việc hai con dê cùng qua một chiếc cầu.


Đại loại, hai con dê cùng qua một chiếc cầu- con dê trắng đi từ bên này cầu qua bên kia cầu; con dê đen đi từ bên kia cầu qua bên này cầu. Cả hai con đều tranh nhau đi trước, không con nào chịu nhường con nào. Chúng xô đẩy nhau, nên cả hai cùng lăn tòm xuống suối.
Bài học nói trên là một bài học về đạo lý. Đạo đức dạy rằng nếu hai con dê biết nhường nhịn nhau, thì chúng sẽ không bị rơi vào tình cảnh cả hai cùng lăn tòm xuống suối. Sự thể là như vậy. Tuy nhiên, không phải bao giờ đạo đức cũng là một công cụ hiệu năng. Xin được lấy ngay ví dụ nói trên để phân tích. Nếu cả hai con dê trắng và đen đều có đạo đức như nhau, thì việc qua cầu sẽ không phải dễ: chúng sẽ nhường nhau, mà không con nào chịu qua trước cả. “Em xin mời bác qua trước. Em đâu dám qua trước bác”. “Không, em xin mời bác qua trước. Em nhất định không chịu qua trước bác đâu”.
Cái mà chúng ta có thể nhận thấy ngay là đạo đức có thể gây ra sự tốn kém về thời gian. Thời gian mất đi, nhưng vấn đề vẫn còn đó. Việc hai con dê cùng qua một chiếc cầu thì nên như thế nào vẫn không được làm rõ. Đó là chưa nói tới trường hợp, nếu trong hai con dê có một con đạo đức yếu kém hơn, thì con này bao giờ cũng sẽ qua cầu trước. Đạo đức vì vậy không nên bị lạm dụng.
Pháp luật mới có thể giải quyết được vấn đề một cách cơ bản hơn. Tuy nhiên, pháp luật cũng không nên bị lạm dụng. Bởi vì việc lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến tự do. Trong lúc đó, tự do mới là một giá trị tự thân và mới là một giá trị tuyệt đối. Những con người tự do cần có pháp luật là để tránh được sự xung đột với nhau. Mọi việc lạm dụng vượt qua sự cần thiết nói trên đều chứa đựng rủi ro biến pháp luật trở thành xiềng xích.
Xin trở lại với ví dụ về hai con dê và một chiếc cầu để phân tích. Nếu hai con dê chỉ đi mỗi con bên một bờ sông khác nhau, thì rõ ràng pháp luật là không cần thiết. Trong trường hợp này thì tự do muôn năm!
Trong trường hợp hai con dê cùng phải qua cầu, nhưng chiếc cầu đủ rộng, thì sự can thiệp của pháp luật chỉ nên là mỗi con dê phải đi bên tay phải (hoặc bên tay trái) của mình. Mọi sự can thiệp quá mức như vậy đều không hợp lý và không cần thiết. Vì nó có thể gây ra tốn kém không đáng có cho cả việc tuân thủ và cho cả việc áp đặt thi hành.
Trong trường hợp, chiếc cầu chỉ đủ cho mỗi một con qua, thì quy định của pháp luật chỉ nên là: con dê nào bước chân lên cầu trước thì có quyền qua trước. Điều này là rất sáng tỏ. Tuy nhiên, nếu hai con dê cùng bước chân lên cầu một lúc thì sao? (Chuyện này là rất ít khi xảy ra. Nhưng về mặt lý thuyết, nó hoàn toàn có thể xảy ra). Ở đây, chúng ta sẽ có hai cách tiếp cận pháp lý khác nhau.
Cách tiếp cận thứ nhất, lần đầu tiên con đê đen qua trước; lần thứ hai con trắng qua (hoặc ngược lại). Và cứ như thế thay phiên nhau mà qua cầu.
Cách tiếp cận thứ hai, bắt thăm (hoặc oẳn tù tỳ) con nào thắng thì con ấy qua trước.
Trong hai cách tiếp cận này, cách tiếp cận thứ nhất có vẻ đạt được công bằng ở mức cao hơn, nhưng gây ra tốn kém nhiều hơn. Bởi vì rằng không có hệ thống thống kê và ghi nhận các lần hai chú dê qua cầu sẽ rất khó xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi chú và rất khó giải quyết được tranh chấp.
Cách tiếp cận thứ hai đạt công bằng ở mức thấp hơn, nhưng đạt hiệu quả kinh tế ở mức cao hơn. Việc rút thăm (hoặc oẳn tù tỳ) là rất dễ dàng và chẳng gây tốn kém gì đáng kể.
Làm luật thì nên chọn được giải pháp dễ dàng thực hiện nhất và ít tốn kém nhất. Chính điều này sẽ dẫn chúng ta đến một cuộc sống thanh bình và thịnh vượng hơn.


Nguyễn Sĩ Dũng

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)