Hai nhiệm vụ quan trọng sống còn của đất nước

Trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Dự thảo Cương lĩnh, và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của Đại hội Đảng XI đã đề ra, theo tôi có hai nhiệm vụ có tính sống còn của đất nước hiện nay là chống tham nhũng và thực hiện nhiệm vụ khoa học và giáo dục theo Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII.

Tham nhũng đã trở thành quốc nạn và là một trong những nỗi niềm trăn trở của bất cứ ai có tấm lòng với đất nước. Nhiều nhà lãnh đạo qua các thời kỳ đã khẳng định sẽ quyết liệt chống tham nhũng, nhiều tổ chức được hình thành, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng cho đến nay chúng ta vẫn thuộc top những nước tham nhũng nhất thế giới. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, tham nhũng nặng, lại muốn tăng trưởng nhanh, bảo đảm an sinh tối thiểu cho người dân đã trải qua nhiều gian khổ hy sinh trong mấy chục năm qua thì chỉ còn cách duy nhất là khai thác tối đa tài nguyên xuất khẩu, vay nợ và thu hút đầu tư nước ngoài. Đầu tư nhiều chương trình, dự án tràn lan, không kể gì đến những tác hại về môi trường, về công nghệ lạc hậu. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nền kinh tế phát triển theo bề rộng, hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững, đạo đức của không ít cán bộ đảng viên bị tha hóa, hiệu lực của bộ máy công quyền trong quản lý kinh tế, xã hội kém, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng… dẫn đến những bất an, lòng tin đối với Đảng bị giảm sút.

Nhìn quanh ta thấy Indonesia, Philippines cũng đã có một thời kỳ phát triển khá ấn tượng nhưng vì tham nhũng nên kinh tế xã hội tụt dần, cả chục năm nay vẫn chưa vực dậy được. Trái lại, Singapore, HongKong, Hàn Quốc đã có những phát triển vượt bậc do bộ máy công quyền ít bị níu kéo bởi tham nhũng.

Vì vậy hơn lúc nào hết chúng ta cần xem xét cơ chế quản lý, kinh tế xã hội để phát hiện loại trừ những khuyết tật của hệ thống, mà trước hết là giải tỏa các nghịch lý lương/thu nhập- mảnh đất nuôi dưỡng tham nhũng phát triển. Phải coi chống tham nhũng là trọng tâm số 1 của Đảng trong nhiệm kỳ tới.

Khoa học và giáo dục (KH&GD) ở thời đại ngày nay mà lạc hậu thì đừng nói đến chuyện cạnh tranh với các nước, thậm chí chưa chắc đã tồn tại ở mức tối thiểu. Với nhận thức như vậy, NQTW2 khóa VIII đã nói rất kỹ về các chủ trương và giải pháp để phát triển KH&GD, sau đó nhiều kỳ họp TW cũng nhấn mạnh những việc này. Cuối nhiệm kỳ của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Phan Văn Khải đã công khai thừa nhận chúng ta đã chưa thành công về KH&GD. Chính vì thế trong Nghị quyết của Đại hội X đã ghi rõ phải cải cách giáo dục và ở các Hội nghị TƯ 3, 7, 9 cũng đòi hỏi phải tiến hành cải cách giáo dục. Nhưng những người có trách nhiệm trực tiếp quản lý giáo dục chỉ triển khai xây dựng chiến lược phát triển giáo dục với những mục tiêu mà công luận cho rằng thiếu tính khả thi như đào tạo 20.000 tiến sĩ, xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế…; đề án đổi mới quản lý chương trình đào tạo với những quan niệm, tư duy giáo dục xa lạ với nền giáo dục hiện đại. Do vậy cho đến nay chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khủng khoảng triền miên của giáo dục hơn hai mươi năm qua như ý kiến của nhiều nhà KH, GD có tâm huyết, uy tín.

Gần đây, tại buổi lễ chúc mừng GS Ngô Bảo Châu được giải Fields, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến việc cần cải cách giáo dục- coi đó là khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong bài viết trên Tia Sáng và Tuổi trẻ cũng cho rằng trước thực trạng yếu kém, lạc hậu của cả nền giáo dục quốc gia mà rộng hơn nữa là bất cập về dân trí, nhân lực, nhân tài trước yêu cầu phát triển của đất nước, Nghị quyết của Đại hội Đảng XI cần đề ra nhiệm vụ cải cách giáo dục.

Có thể khẳng định, nếu chống được tham nhũng thì có được bộ máy lãnh đạo trong sạch, một hệ thống chính trị vững mạnh, từ đó sẽ có một xã hội tốt đẹp. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh và có khoa học, các Nghị quyết của TƯ về KH&GD, đặc biệt là về giáo dục đất nước sẽ có năng lực cạnh tranh với thế giới. Và khi đó chúng ta mới có thể đạt tới mục tiêu Cương lĩnh của Đại hội Đảng XI và cũng là mục tiêu tối thượng của Đảng: “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ và văn minh”.

Lược ghi phát biểu của GS Hoàng Tụy tại cuộc Hội thảo góp ý với Dự thảo Cương lĩnh và Chiến lược phát triển KT-XH của Đại hội Đảng XI do Liên hiệp các Hội KH&KT VN tổ chức

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)