Thiệt hại kinh tế của bạo lực tình dục tại nơi làm việc
Thông thường bạo lực tình dục tại nơi làm việc vẫn được tiếp cận ở góc độ “vấn nạn xã hội”, gây căng thẳng về cảm xúc hoặc thể chất của những cá nhân. Ít ai biết rằng nó trực tiếp làm giảm năng suất lao động, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Hậu quả kinh tế cho cả nạn nhân và người quấy rối
Bạo lực tình dục nơi công sở là một vấn nạn xã hội nghiêm trọng. Bạo lực tình dục nơi công sở, bao gồm hành vi quấy rối và nặng hơn là tấn công tình dục, rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Các ước lượng của Willness và Lee (2007) và Breiding và cộng sự (2014) lần lượt cho thấy có đến 40-75% phụ nữ đã gặp phải việc bị quấy rối ở nơi làm việc và 36% phụ nữ đã là nạn nhân của tấn công tình dục từ đồng nghiệp trong cuộc đời làm việc ở Mỹ. Con số này có thể còn lớn hơn vì nhiều phụ nữ không tố cáo hành vi bạo lực của đồng nghiệp mà giữ im lặng. Phong trào #MeToo lan tỏa ở nhiều quốc gia đã cho thấy tình trạng đấu tranh chống bạo lực tình dục nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng. Không chỉ làm phá hủy môi trường xã hội lành mạnh và bao trùm, bạo lực tình dục có thể làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới trên thị trường lao động khi mà nạn nhân thường là phụ nữ.
Các nghiên cứu kinh tế học gần đây chỉ ra rằng bạo lực tình dục gây ra tổn thất kinh tế và góp phần gia tăng bất bình đẳng giới theo hướng bất lợi cho nữ giới. Nghiên cứu của Folke và Rickne (2022) sử dụng dữ liệu từ Thụy Điển chứng minh rằng quấy rối tình dục nơi công sở gây ra hiện tượng bất cân bằng lực lượng lao động và bất bình đẳng về mức lương theo giới tính. Phụ nữ thường là nạn nhân quấy rối từ đồng nghiệp và người quản lý trong môi trường công sở mà nam giới chiếm phần lớn và ngược lại nam giới phàn nàn nhiều hơn về tình trạng quấy rối tình dục ở môi trường công việc mà phụ nữ chiếm áp đảo. Hiện tượng này tạo nên sự chênh lệch về giới trong cấu trúc lao động khi người lao động sẽ tránh nơi làm việc có tình trạng quấy rối tình dục mà giới tính của họ chiếm thiểu số. Quấy rối tình dục là nguyên nhân nhiều người lao động, chủ yếu là phụ nữ, rời bỏ nơi làm việc để tìm một công việc mới an toàn hơn ở nơi giới tính của họ là đa số và thường chấp nhận mức lương thấp hơn.
Nghiên cứu gần đây của Adams-Prassl và cộng sự (2024) sử dụng dữ liệu dân số kết hợp với dữ liệu tội phạm tình dục do cảnh sát Phần Lan cung cấp để đánh giá tác động của hành vi tấn công tình dục nơi do nam giới gây ra đến sự nghiệp của nạn nhân, đối tượng gây ra tấn công tình dục, và cả doanh nghiệp. Kết quả cho thấy tấn công bạo lực tình dục gây nên tổn thất sự nghiệp, cụ thể là làm giảm tỷ lệ tham gia làm việc không chỉ cho nạn nhân mà còn cho chính chủ thể tấn công. Tuy nhiên, mức độ tổn thất giữa nạn nhân và chủ thể phụ thuộc vào giới tính của họ. Nếu nạn nhân là nữ giới và chủ thể là nam giới thì tổn thất sự nghiệp ở nạn nhân là 9.1 điểm phần trăm và 7.1 điểm phần trăm ở chủ thể sau 5 năm kể từ thời điểm xảy ra vụ việc. Nếu cả nạn nhân và chủ thể đều là nam giới thì tác động giảm là 7.5 điểm phần trăm ở nạn nhân và 12.3 điểm phần trăm ở chủ thể. Như vậy, nữ giới thường chịu nhiều tổn thất hơn khi họ là nạn nhân của tấn công tình dục bởi nam giới. Không những thế, nếu chủ thể tấn công tình dục là người có thâm niên công tác cao thì thường chịu tổn thất sự nghiệp do hành vi của họ gây ra thấp hơn.
Vai trò của người quản lý
Các tác giả cũng chỉ ra rằng tấn công tình dục không chỉ gây ra hậu quả kinh tế trực tiếp đến nạn nhân và cả chủ thể gây ra sự việc mà nó còn gây ra hậu quả cho doanh nghiệp thông qua các tác động lan tỏa đến cấu trúc lao động theo giới ở doanh nghiệp. Đối với việc tuyển dụng và giữ chân người lao động, bạo lực nam-nữ làm giảm tỷ lệ phụ nữ làm việc trong doanh nghiệp do nữ giới rời khỏi doanh nghiệp và ít nữ giới được tuyển dụng mới hơn. Công lý trong việc trừng phạt hành vi tấn công tình dục thường không đứng về phía nữ giới khi họ là nạn nhân. Như bạo lực tình dục nơi công sở tác động tiêu cực đến môi trường làm việc ở doanh nghiệp và có xu hướng đẩy nữ giới ra khỏi nơi làm việc. Và điều đó lại càng gây ra tình trạng chênh lệch về giới trong cấu trúc nhân sự.
Người quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc trong việc điều tiết các tác động tiêu cực của tấn công tình dục lên hoạt động quản lý nhân sự của doanh nghiệp. Ở các doanh nghiệp do nam giới quản lý, phụ nữ thường rời bỏ doanh nghiệp sau khi bị tấn công tình dục. Trong khi đó, xác suất chủ thể tấn công tình dục là nam bị sa thải cao hơn rất nhiều nếu họ tấn công đồng nghiệp nữ ở các doanh nghiệp do phụ nữ quản lý. Như vậy, phụ nữ làm quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc trừng phạt hành vi tấn công tình dục hơn so với nam giới làm quản lý.
Những kết quả từ nghiên cứu này cho thấy hành vi tấn công tình dục tại nơi công sở góp phần gây ra bất bình đẳng về giới nơi công sở. Một sự thật được phơi bày là không phải lúc nào chủ thể gây ra cũng bị tổn thất nặng nhất, mà người gánh chịu tổn thất nặng nhất là nạn nhân nữ. Điều này có thể được lý giải do tình trạng bất cân xứng về quyền lực giữa nam giới và nữ giới ở nơi công sở vốn vẫn tồn tại lâu nay. Nữ giới thường ít quyền hơn và do vậy tiếng nói của họ cũng ít được lắng nghe hơn.
Hậu quả sức khỏe
Rất nghiên cứu y khoa và y tế cộng đồng chỉ ra mối quan hệ thuận chiều giữa bạo lực tình dục nơi công sở và suy giảm giảm sức khỏe thể chất và tinh thần của nạn nhân. Kết quả từ nghiên cứu của Thurston và cộng sự (2019) cho thấy phụ nữ bị quấy rối tình dục gặp phải các vấn đề sức khỏe nhiều hơn so với phụ nữ không bị quấy rối như bệnh cao huyết áp (10%), tình trạng mất ngủ (18%), trầm cảm (22%), và rối loạn lo âu (17%).
Bạo lực tình dục nơi công sở gây ra các hệ lụy nghiêm trọng khác về mặt sức khỏe cho nạn nhân, không chỉ sức khỏe thể chất tại thời điểm bị tấn công mà đặc biệt là tổn thất dai dẳng về sức khỏe tinh thần nhiều năm sau đó. Tồn tại ký ức bị tấn công tình dục thường làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh và ảnh hưởng đến tinh thần trong dài hạn. Nạn nhân thường gặp phải các vấn đề như rối loạn lo âu, mất ngủ, trầm cảm, rối loạn về cảm xúc, cảm thấy bị cô lập và tệ nhất là suy nghĩ về tự vẫn. Tình trạng sức khỏe tinh thần còn trầm trọng hơn nếu nạn nhân không nhận được sự thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ từ người thân và cộng đồng. Tình trạng sức khỏe yếu cũng góp phần làm cho nạn nhân của bạo lực tình dục, chủ yếu là phụ nữ, càng trở nên yếu thế trên thị lao động thông qua việc suy giảm năng suất làm việc và thăng tiến nghề nghiệp.
Hàm ý chính sách
Bạo lực tình dục nơi công sở rõ ràng gây ra các hệ quả kinh tế nghiêm trọng bên cạnh việc phá vỡ các giá trị xã hội tốt đẹp. Do vậy, các chính sách ngăn ngừa và trừng phạt hành vi bạo lực tình dục là rất quan trọng để tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, các tổ chức và rộng lớn hơn là cả nền kinh tế. Các quy định mang tính luật hóa cần được ban hành và thực thi nghiêm túc, không chỉ giúp bảo vệ nạn nhân mà còn giúp đảm bảo việc thực thi công lý trừng phạt chủ thể gây ra bạo lực tình dục. Năm 2022 chính quyền Tổng thống Biden đã thông qua hai đạo luật (the Speak Out Act và the Ending Forced Arbitration of Sexual Assault and Sexual Harassment Act) ở Mỹ nhằm bảo vệ quyền lên tiếng của nạn nhân bạo lực tình dục và trừng phạt chủ thể gây ra bạo lực tình dục. Cũng rất cần thiết để nhấn mạnh rằng bên cạnh việc ban hành luật, khía cạnh thực thi nghiêm khắc cũng rất quan trọng để đảm bảo mục tiêu của luật đạt được.
Ủng hộ và có chính sách gia tăng sự hiện diện của phụ nữ trong các nhóm quản lý và ra quyết định ở các doanh nghiệp và tổ chức là rất cần thiết. Quản lý là nữ giới sẽ góp thúc đẩy phụ nữ vốn thường là nạn nhân của quấy rối tình dục lên tiếng và chính họ sẽ góp phần bảo vệ nạn nhân. Giảm tình trạng chênh lệch về giới ở các cấp quản lý theo hướng bất lợi cho phụ nữ có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp giảm bất bình đẳng về giới trên thị trường lao động thông qua việc thúc đẩy môi trường làm việc lành mạnh và bao trùm.
Ở Việt Nam, vấn đề quấy rối tình dục ở nơi làm việc và nơi công cộng rất đáng được quan tâm. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể về tác động của quấy rối tình dục ở nơi làm việc nhưng đã có những khảo sát chung về tình trạng này ở nơi công cộng: 87% phụ nữ từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng, trong khi 89% nam giới và người ngoài cuộc chứng kiến hành vi quấy rối mà phần lớn là không có phản ứng gì (Khảo sát Actionaid, CGFED và Plan 2014). Ở nơi làm việc, Việt Nam đã có bộ quy tắc về chống quấy rối ở nơi làm việc của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam ban hành. Vì vậy, các cơ quan sử dụng lao động cần dựa vào đó, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị làm cơ sở cho việc phòng, chống hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhằm mục đích phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất và chất lượng cao.
Ngoài khía cạnh pháp luật và quản lý thì truyền thông và dư luận xã hội cũng đóng vai trò quan trọng nhằm thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc chống lại bạo lực tình dục, gia tăng hơn nữa năng lực bảo vệ nạn nhân, và xây dựng thiết chế văn hóa chống lại bạo lực tình dục nơi công sở. Bên cạnh đó, rất cần thiết có các thiết chế hỗ trợ chăm sóc nạn nhân, đặc biệt về sức khỏe tinh thần- nhằm giảm tác động tiêu cực của quấy rối tình dục nơi công sở. □
——–
*TS, Nghiên cứu cao cấp tại Đại học Turku, Phần Lan; Nghiên cứu viên tại Viện Y tế Công Na Uy (FHI); và Nghiên cứu viên tại Trung tâm Môi trường cho Phát triển (EfD-Vietnam), Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH).
Tham khảo
Adams-Prassl, A., Huttunen, K., Nix, E., & Zhang, N. (2024). Violence against women at work. The Quarterly Journal of Economics, 139(2), 937-991.
Breiding, M. J., Smith, S. G., Basile, K. C., Walters, M. L., Chen, J., & Merrick, M. T. (2014). Prevalence and characteristics of sexual violence, stalking, and intimate partner violence victimization—National Intimate Partner and Sexual Violence Survey, United States, 2011. MMWR Surveill Summ, 63(8), 1-18.
Folke, O., & Rickne, J. (2022). Sexual harassment and gender inequality in the labor market. The Quarterly Journal of Economics, 137(4), 2163-2212.
Khảo sát Actionaid, CGFED và Plan (2014). Safe Cities for women and girls – Can dreams come true? Truy cập tại> https://vietnam.actionaid.org/en/publications/2014/safe-cities-women-and-girls-can-dreams-come-true
Thurston, R. C., Chang, Y., Matthews, K. A., Von Känel, R., & Koenen, K. (2019). Association of sexual harassment and sexual assault with midlife women’s mental and physical health. JAMA internal medicine, 179(1), 48-53.
Willness, C. R., Steel, P., & Lee, K. (2007). A meta-analysis of the antecedents and consequences of workplace sexual harassment. Personnel psychology, 60(1), 127-162.
Bài đăng Tia Sáng số 9/2024