Hiến pháp Việt Nam trong cách nhìn của một học giả phương Tây

Với suy nghĩ, việc xem xét một cách toàn diện các cách nhìn khác nhau của cả các học giả trong nước và các học giả quốc tế về sự phát triển của hiến pháp ở Việt Nam là điều cần thiết, chúng tôi giới thiệu cách nhìn của một học giả phương Tây về hiến pháp Việt Nam.

Nghiên cứu về Hiến pháp Việt Nam ở nước ngoài

Trước tiên, cần phải thừa nhận rằng những nghiên cứu ở nước ngoài về hiến pháp Việt Nam không nhiều. Có lẽ nhà báo và nhà phân tích người Mỹ Bernard B. Fall là người rất sớm quan tâm đến lịch sự phát triển của hiến pháp Việt Nam. Trong một cuốn sách nghiên cứu về Việt Minh, ông đã dành khá nhiều trang phân tính bối cảnh ra đời, cấu trúc cơ bản của Hiến pháp 1946 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.1 Ngoài ra, Fall cũng có những bài viết nghiên cứu về Hiến pháp 1959 sau đó.2 Liên quan đến Hiến pháp 1980, cần phải kể ra một giới thiệu có tính chất tổng quát của nhà sử họcWilliam J. Duiker.3 Một số học giả phương Tây khác như Robert Devereux, J.A.C Grant, Milton Sacks cũng có những nghiên cứu về hệ thống hiến pháp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Miền nam Việt Nam trước giải phóng.4

Ngoài một số nghiên cứu về lịch sử hiến pháp ở Việt Nam, có thể nói rằng những nghiên cứu về các vấn đề hiến pháp Việt Nam đương đại ở phương Tây rất hiếm hoi. Về những học giả nước ngoài có nhiều nghiên cứu của luật pháp Việt Nam nói chung,chúng ta có thể kể đến John Gillespie (Đại học Monash, Úc), Pip Nicholson (Đại học Melbourne, Úc), và Mark Sidel (Đại học Wisconsin, Mỹ). Trong đó John Gillespie quan tâm nhiều đến luật kinh doanh của Việt Nam, Pip Nicholson quan tâm đến hệ thống tòa án Việt Nam, và Mark Sidel đặt biệt quan tâm đến các vấn đề hiến pháp Việt Nam hiện tại. Do vậy, trong bài viết này chúng tôi xem xét các nghiên cứu về Hiến pháp Việt Nam của giáo sư Mark Sidel.

Nghiên cứu của Mark Sidel về hiến pháp Việt Nam

Mark Sidel hiện là giáo sư luật ở Trường Luật thuộc Đại học Wisconsin. Ông cũng là cố vấn quốc tế của Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) ở Việt Nam. Mark chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa hợp hiến so sánh (tập trung chủ yếu vào Việt Nam và Trung Quốc), các tổ chức phi lợi nhuận và nhân đạo ở Mỹ, quan hệ của xã hội dân sự và pháp luật. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng của các trường luật lớn khác như Trường Luật Harvard, Trường Luật Melbourne (Úc), Trường Luật thuộc Đại học Victoria (Canada)… Mark đặc biệt quan tâm đến các vấn đề pháp triển nói chung và vấn đề hiến pháp nói riêng ở Việt Nam. Ông đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế, viết một số sách về luật pháp và hiến pháp ở Việt Nam.5

Một trong những nghiên cứu của Mark về hiến pháp Việt Nam cần kể đến trước tiên là một bài viết công bố trên tạp chí quốc tế ở Singapore năm 2002.6 Trong bài viết này, tác giải phân tích các cuộc thảo luận xung quanh quá trình sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam năm 2001. Từ cơ sở những phân tích đó, tác giả đề nghị một cách nhìn khác về vai trò đang thay đổi của hiến pháp xã hội chủ nghĩa. Trong khi các học giả phương Tây khác thường nhìn nhận hiến pháp xã hội chủ nghĩa như một văn bản có tính chất chương trình, như một phương tiện để biểu đạt các chính sách chính trị, Mark cho rằng cách nhìn này không còn thích hợp trong việc nhìn nhận vai trò của hiến pháp trong các xã hội chủ nghĩa đang chuyển đổi như Việt Nam. Phân tích các cuộc thảo luận liên quan đến sửa đổi hiến pháp năm 2001, Mark kết luận rằng hiến pháp ở Việt Nam bây giờ là một nền tảng cho các nhà lập pháp, các nhà luật học, các luật sư, và những người khác thảo luận về các vấn đề chính sách hiện tại và các định hướng về chủ nghĩa hợp hiến.7

Năm 2008, Mark Sidel công bố một cuốn sách có tiêu đề “Law and Society in Vietnam” (Luật và Xã hội ở Việt Nam).8 Hai phần ba cuốn sách này bàn về các vấn đề hiến pháp Việt Nam hiện nay. Nội dung của bài báo nói trên được xuất bản lại trong cuốn sách này. Ngoài ra, một vấn đề hiến pháp mới được thảo luận trong cuốn sách này là vấn đề bảo hiến ở Việt Nam. Tác giả dành hai chương thảo luận về vấn đề này: một chương phân tích các thảo luận về chế độ bảo hiến ở Việt Nam gần đây; và một chương bàn về những ý nghĩa về mặt bảo hiến của việc bãi bỏ chính sách hạn chế đăng ký xe máy (“một người một xe máy”) năm 2005 trên cơ sở những lý do khác nhau trong đó có lý do chính sách này không phù hợp với quyền sở hữu tư liệu hợp pháp được quy định trong hiến pháp, một hiện tượng mà ông gọi là “chủ nghĩa hợp hiến xe máy” (motobike constitutionalism).

Gần đây nhất (2009), Mark Sidel công bố một cuốn sách có tên “The Constitution of Vietnam.” (Hiến pháp Việt Nam).9 Cuốn sách này nằm trong một dự án xuất bản về “Các hệ thống hiến pháp trên thế giới” của Nhà xuất bản Hart. Dự án này nhằm mục đích cung cấp cho các học giả, những người nghiên cứu, và sinh viên có một cách nhìn tổng quan về các hệ thống hiến pháp trên thế giới. Mỗi một cuốn sách thuộc dự án này sẽ viết về hiến pháp của một quốc gia. Mark viết về hiến pháp của Việt Nam. Cuốn sách “The Constitution of Vietnam” của Mark Sidel được phát triển trên cơ sở các nghiên cứu của tác giả đã công bố trước đó, các bài giảng của tác giả ở các trường luật khác nhau, các báo cáo cho các chương trình mà tác giả là cố vấn.

Để viết cuốn sách này, tác giả đã có một quá trình nghiên cứu các nguồn tài liệu khác nhau, đặc biệt các tài liệu viết bằng tiếng Việt. Tác giả đã tham khảo các sách vở của các thế hệ các nhà luật học khác nhau ở Việt Nam: từ các học giả lớp đầu như Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Đình Hòe, các học giả ở Sài Gòn trước giải phóng như Lê Đình Chân, Nguyễn Văn Bông, đến các học giả Việt Nam hiện nay như Nguyễn Đăng Dung, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Văn Thảo, Đào Trí Úc, Tô Văn Hòa.

Cuốn sách được chia làm 9 chương. Chương 1 giới thiệu một số chủ đề cơ bản trong thảo luận về hiến pháp ở Việt Nam. Bốn chương tiếp theo bàn về bốn bản hiến pháp ở Việt Nam. Chương 6 bàn về sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam năm 2001. Ba chương cuối cùng bàn về ba vấn đề khác nhau liên quan đến những cuộc thảo luận quan trọng về sự phát triển của hiến pháp ở Việt Nam hiện nay – đó là, quyền lập hội trong hiến pháp, tư pháp độc lập, và chế độ bảo hiến.

Nói chung, cuốn sách là một tài liệu đầu tiên viết bằng tiếng Anh giới thiệu một cách chi tiết quá trình pháp triển của hiến pháp Việt Nam: từ bản hiến pháp đầu tiên cho đến các thảo luận sôi nổi về bảo hiến ở Việt Nam trong những năm gần đây. Trong bốn chương về bốn bản hiến pháp, tác giả phân tích bối cảnh hình thành, những nội dung cơ bản về quyền và nghĩa vụ công dân, cấu trúc chính quyền, các chính sách nhà nước. Trong phần kết luận, Mark cho rằng có ba xu hướng chính trong quá trình phát triển hiến pháp ở Việt Nam hiện nay:

Thứ nhất, các cuộc thảo luận về những vấn đề then chốt của chủ nghĩa hợp hiến ở Việt Nam. Tác giả cho rằng ở Việt Nam, những nhà luật học, luật sư không còn thuần túy mô tả các quy tắc hiến pháp mà đã chuyển sang phân tích những vấn đề then chốt của chủ nghĩa hợp hiến ở Việt Nam: vai trò và chức năng của Quốc hội, chính quyền địa phương, hệ thống tòa án, Viện kiểm sát, việc thực thi các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Thứ hai, Việt Nam sẽ tiến hành sửa đổi hiến pháp trong thời gian tới, và những vấn đề chính sẽ liên quan đến: cấu trúc của hệ thống tòa án, tiền năng của một hệ thống bảo hiến; vai trò đang thay đổi của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, và Ủy ban nhân dân; các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Thứ ba, các cuộc thảo luận tiếp tục về chế độ bảo hiến và tiềm năng của một tòa án hiến pháp hay một hội đồng hiến pháp. Các thảo luận về bảo hiến bắt đầu trở lại từ hồi đầu thập kỷ trước, trở nên sôi nổi trong thời gian gần đây và sẽ tiếp tục là một chủ đề quan trọng khi Việt Nam xem xét sửa đổi hiến pháp.10

Thay lời kết

Nhìn chung, các học giả phương Tây khi đánh giá về các hiến pháp xã hội chủ nghĩa như hiến pháp Việt Nam thường dựa trên những tiêu chuẩn của chủ nghĩa hợp hiến tự do phương Tây hiện đại, những điều mà họ đã được đào tạo trong các trường luật ở phương Tây và định hướng tư duy của họ. Họ thường có khuynh hướng đem các vấn đề hiến pháp ở các hệ thống xã hội chủ nghĩa đối chiếu với các chuẩn mực phương Tây như: tam quyền phân lập, kìm chế đối trọng, tài phán hiến pháp, tư pháp độc lập…

Điều đặc biệt trong nghiên cứu về Hiến pháp Việt Nam của Mark Sidel là những biểu hiện của sự thoát khỏi khuynh hướng đó. Học sử ở Đại học Princeton và Đại học Yale, học luật ở Trường Luật Columbia, nhưng Mark không hoàn toàn bị thống trị bởi các chuẩn mực phương Tây trong đánh giá các vấn đề hiến pháp Việt Nam. Ngược lại, nghiên cứu của Mark có khuynh hướng bản địa hóa. Mark đến Việt Nam, gặp gỡ, trao đổi với các học giả Việt Nam, đọc sách của họ, tham dự các hội thảo quốc gia về hiến pháp, nghe những thảo luận của các học giả bạn địa. Các nghiên cứu của Mark về hiến pháp Việt Nam bám sát các vấn đề thực tế nhất đang diễn ra trong đời sống hiến pháp ở Việt Nam, từ vụ án Đồ Sơn, vụ hạn chế đăng ký xe máy cho đến các thảo luận trong nước về bảo hiến. Chính vì vậy, Mark đặt các vấn đề hiến pháp ở Việt Nam vào môi trường của Việt Nam, đánh giá nó trên cơ sở thực tế của Việt Nam thay vì áp đặt các chuẩn mực phương Tây trong việc đánh giá.

Xét về mặt nội dung, Mark vạch ra được tinh thần cơ bản của các vấn đề hiến pháp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những phân tích về nội dung của các vấn đề sẽ sâu sắc hơn và thuyết phục hơn nêu Mark khai thác nhiều hơn các bài báo của các học giả trong nước đăng trên các tạp chí luật của Việt Nam. Mark đọc nhiều sách về hiến pháp được viết bởi các học giả Việt Nam, nhưng các bài nghiên cứu trong nước trên các tạp chí luật chưa được phân tích đầy đủ. Trong khi Mark muốn tìm hiểu những thảo luận sôi nổi về hiến pháp ở Việt Nam, các tạp chí luật là nơi biển đạt tinh thần này rõ nhất.

1.    Bernard B. Fall, The Viet- Minh Regime: Government and Administration in the Democratic Republic of Vietnam (New York: Institute of Pacific Relations, 1956).

2.    Bernard B. Fall, “North Vietnam’s Constitution and Government”, Pacific Affairs 34 (1960): 282; Bernard B. Fall, “Constitution-Writing in a Communist State: The New Constitution of North Vietnam,” Howard Law Journal, 6 (1960): 157.

3.    William J. Duiker, “The Constitutional System of the Socialist Republic of Vietnam” in Lawrence W.Beer (ed) Constitutional Systems in Late Twentieth Century Asia (Washington: University of Washington Press, 1992).

4.    Robert Devereux, “South Vietnam’s New Constitutional Structure” Asian Survey, (8 (8) 1968): 627; J.A.C Grant, “The Vietnam Constitution of 1956” American Political Science Review 52 (2) (1958): 437; Milton Sacks, “Restructuring the Government in South Vietnam” Asian Survey 7 (8) (1967): 515

5.    Chi tiết hơn về tác giả, xem: http://law.wisc.edu/profiles/[email protected]

6.    Mark Sidel, “Analytical Models for Understanding Constitutions and Constitutional Dialogues in Socialist Transitional States: Re-Interpreting Constitutional Dialogues in Vietnam” Singapore Journal of International and Comparative Law, 6(2002).

7.    Như trên, 87.

8.    Mark Sidel, Law and Society in Vietnam (Cambridge: Cambridge University Press, 2008).

9.    Mark Sidel, The Constitution of Vietnam (U.S.A and Canada: Hart Publishing, 2009)

10.    Như trên, 211.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)