Hồ Chí Minh, “người giàu chất người nhất”

Từ năm 1949 đến năm 1969 là quãng thời gian nhà nghiên cứu Việt Phương được ở gần và có những lần được giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nói, “đây là một niềm hạnh phúc mà nhiều khi nghĩ lại tôi thấy mình chưa làm gì để xứng đáng với niềm hạnh phúc ấy”. Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông chia sẻ với Tia Sáng những câu chuyện mà ông không bao giờ quên về Người.

Nghĩ đến Bác, tôi thường nhớ đến một câu trong bài viết của một nhà văn châu Á năm 1962: “Chúng ta có thể và đã nhiều lần cùng nhau bàn luận để tìm xem trên đời này ai là người vĩ đại nhất, danh tiếng nhất, tài giỏi nhất, uyên bác nhất… nhưng Hồ Chí Minh là người hoàn toàn nhất. Đó là người trong các chặng đường suốt cuộc đời là người giàu chất người nhất.” Ngày nay chúng ta nói nhiều về Minh triết Hồ Chí Minh với nhiều cách hiểu khác nhau. Tôi xin kể vài câu chuyện về Bác với thiên nhiên và con người, như một cách hiểu giản dị về khái niệm đó.

Bác Hồ với cây cỏ

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác về Hà Nội và chuyển đến sống ở Phủ Toàn Quyền trước đây. Phủ Toàn Quyền lúc này tiêu điều, xơ xác do bị xao nhãng vào buổi rã đám. Bác đã tự tay cùng các anh em phục hồi lại toàn bộ cây cối trong khuôn viên rộng lớn ấy, và trồng thêm nhiều hoa và cây ăn quả, trong đó có cam Xã Đoài quê Bác. Mặc dù trồng ở đất Hà Nội, cam không thật ngon và ngọt, nhưng họp Hội đồng Chính phủ cuối năm, bao giờ bác cũng có món quà nhỏ là một quả cam Xã Đoài do tự tay Bác trồng và chăm sóc tặng cho các vị Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ và cán bộ.

Bấy giờ có một cây muỗm cổ thụ sắp chết, thân cây nứt toác, bên trong rỗng ruột, cành lá khô héo cả. Bác nói với anh em phải cứu sống cây và bắt tay ngay vào trộn rơm với đất mùn lấy ở ao cá, đắp vào thân cây, lấp đầy bộ rễ. Một thời gian sau, cái cây đã được Bác hồi sinh.

Cạnh nhà Bác, ngay phía đầu hồi Bác ngồi làm việc, có một cây to bóng rợp. Anh em sợ tán cây che hết ánh sáng, định chặt đi, Bác biết thế bèn ngăn lại và nói anh em chỉ nên tỉa bớt cành lá. “Các chú ơi, nó là một cái cây mà,” Bác chỉ nói vậy.

Bác Hồ với chim muông

Phủ Chủ tịch có nhiều cây xanh và bóng mát nên chim chóc kéo về rất đông. Trong số các anh em giúp việc cho Bác, có một anh người miền nam săn bắn rất giỏi, có lần anh định đem súng ra bắn chim. Bác biết được, tỏ ý không hài lòng và nói, không nên bắn chim, làm như vậy sẽ kinh động đến các loài chim và chúng không bay về nữa. Không hiểu có phải vì biết tình cảm của Bác mà chim chóc “thân” với Bác hơn, khuôn viên rất rộng nhưng tôi để ý, chim chóc tụ về và hót gần nếp nhà của Bác nhiều nhất.

Ao cá của Bác thì ai cũng biết rồi. Chiều chiều, khoảng 5 giờ Bác lại ra cho cá ăn, dần dần thành nếp, cứ gần giờ đó cá lại nổi lên chờ. Bởi vậy, mỗi lần đi công tác, Bác đều dặn lại rất cẩn thận, phải cho cá ăn đúng giờ, Bác sợ cá nổi lên chờ mà không được ăn. Hàng ngày, Bác đều đi từ nhà sàn đến bếp ăn ở phía bên kia hồ, mặc dù anh em đề nghị được mang cơm tận nơi cho Bác. Rất nhiều người đi lại ở bờ hồ, nhưng không hiểu sao chỉ khi Bác đi qua, cá mới nổi lên từng đàn và bơi theo rất quyến luyến, như thể chúng phân biệt được tiếng chân của Bác với tiếng chân của những người khác vậy.

Tôi có một kỷ niệm vui và cũng là một bài học thấm thía với Bác. Đầu năm 1961, khi đó tôi 32 tuổi, có làm một bài thơ và như lệ thường, tôi đọc cho Bác nghe để Bác góp ý. Trong bài thơ, tôi nhắc đến một số loài vật:

“Chó không bao giờ ăn thịt chó

Người ăn thịt người xương không bỏ

Cuộc đời nhăn nhở như đười ươi

Cuộc đời rình mò như cú vọ

Cuộc đời nham hiểm như cáo già

Cuộc đời độc ác như báo hổ”

Bác nghe xong, lắc đầu nói: “Loài vật không xấu xa như thế đâu chú, đó chỉ là định kiến của con người thôi.” Từ sau lần đó, bản thân tôi đã hiểu lại về sự sống, sự sống tinh diệu lắm, rộng lớn lắm, và không chỉ có con người, mà còn có chim muông, cỏ cây, cát bụi…

Bác Hồ với con người

Ngày 20-5-1948, khi đó Bác 58 tuổi, đang ở Việt Bắc. Được tin cụ Phùng Lục ở Ứng Hòa, Hà Tây quyết định không tổ chức thượng thọ mà dùng tiền làm thượng thọ đóng góp cho Quỹ Kháng chiến cứu quốc, Bác đã viết một bức thư gửi cụ. Bức thư có đoạn: “Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn Cụ và trân trọng chúc Cụ sống lâu, mạnh khỏe để kêu gọi con cháu tham gia kháng chiến cứu quốc. Cháu lại kính gửi Cụ lời chào thân ái và quyết thắng. Hồ Chí Minh”. Là một người luôn tâm niệm “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, nhưng ở cương vị lãnh tụ, Bác lại viết một bức công thư thấm đẫm tình người, đồng thời thể hiện vẻ đẹp truyền thống xưng hô của người Việt Nam. Bức công thư đó về sau đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Cứu quốc.

Một câu chuyện khác khá vui về sự khen thưởng của Bác. Hằng năm, Bác đều gửi tặng huy hiệu của mình cho một số người mà lẽ thường ai cũng nghĩ phải là những người có công với nước. Nhưng cuối năm 1946, Bác đã gửi tặng huy hiệu cho một một học viên tên là Vương Quỳnh Anh, vừa đỗ tốt nghiệp với điểm số thấp nhất trong số gần 300 học viên Lục quân Trần Quốc Tuấn Khóa 1. Đó có lẽ là một cách động viên hết sức hóm hỉnh và tế nhị.

Tôi cũng nhớ chuyện về thiếu tướng Dương Văn Nuôi, người xuất thân từ gia đình địa chủ giàu sang quyền quý, luôn mặc cảm cho rằng mình thuộc thành phần không đáng tin cậy. Gặp thiếu tướng năm 1963, Bác nói: “Chú là con quan à? Tham gia kháng chiến từ đầu, lại có tài chỉ huy đánh Pháp, con quan như thế là rất tốt chứ! Bác cũng là con quan đây này. Thế chú đã bao giờ được gọi là cậu ấm chưa?” Chỉ vài câu nói vui thân tình, Bác đã hoàn toàn xóa đi mặc cảm ở vị tướng.

Hằng năm, cứ vào ngày 30 tháng Chạp, Bác lại đi chúc Tết người dân, trong đó có các nhân sĩ trí thức, nhưng chủ yếu là những người nghèo không có Tết. Đầu năm 1955, Bác đến thăm một chị phu đổi thùng góa chồng. Lúc Bác đến đã 11 giờ đêm mà chị vẫn chưa về, nhà chỉ có hai đứa trẻ không có quần áo mới đón Tết. Trên bàn thờ cắm ba nén hương chưa thắp và bầy một nải chuối xanh, chứ không có bánh chưng, khoanh giò hay mâm ngũ quả như nhiều nhà khác. Bác mang quà Tết đặt lên bàn thờ và ngồi chờ chủ nhà. Gần 12 giờ, về đến nhà, nhận ra Bác, chị ngồi thụp xuống ôm mặt khóc, để mặc hai cái thùng tuột khỏi vai. Bác lại gần chị và nói: “Thôi, cháu đừng khóc nữa, sắp giao thừa rồi, Bác đến chúc Tết mẹ con cháu đây.” “Cháu chỉ là phu đổi thùng, không ngờ lại được Bác đến thăm.” “Từ nay cháu không phải là phu đổi thùng nữa mà là công nhân vệ sinh, một công việc rất có ích và đáng tự hào. Vào ngày lễ tết, Hồ Chí Minh không đi thăm những người như cháu thì đi thăm ai!”

Con người Hồ Chí Minh là như vậy đó, có sự kết hợp giữa Đông và Tây rất mực nhuần nhuyễn. Ở Bác, có những nét nhân cách hoàn toàn phương Tây. Tôi vẫn nhớ lần Bác kể với chúng tôi câu chuyện ở Pháp: Một gia đình nọ mời thợ đến sửa đường ống nước. Khi anh này vào thì hóa ra cô con gái chủ nhà đang tắm. Anh thợ không vội vã đóng sầm cửa mà từ từ khép lại rồi nói: “Rất xin lỗi đã làm phiền ông!” Sau đó, Bác giảng giải cho chúng tôi về sự vi tế trong phép lịch sự của người phương Tây. Nhưng cũng ở Bác lại có những nét nhân cách hoàn toàn Việt Nam, qua cách thể hiện tình yêu và sự quan tâm chăm sóc đối với những con người và thiên nhiên quanh mình, như mấy câu chuyện tôi vừa kể ở trên.

     Thái Thanh ghi

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)