Hội đồng ngành – yếu tố quyết định
sự thành bại của NAFOSTED
Tới cuối ngày 31/3 một số lớn đề tài nghiên cứu cơ bản đã đăng ký xin tài trợ từ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED). Với cơ chế tài trợ và quản lý mới, Quỹ NAFOSTED đã đem nhiều hy vọng đến cho những người làm khoa học và công nghệ.
Bình mới rượu cũ hay một cuộc cách tân?
Ý kiến phổ biến là chúng ta chưa có một nền khoa học và công nghệ như mong muốn, và cách tài trợ các hoạt động nghiên cứu trong mấy chục năm qua chưa hỗ trợ hiệu quả sự phát triển khoa học và công nghệ nước nhà. Do vậy dễ hiểu vì sao sự ra đời của Quỹ NAFOSTED với những tiêu chí đổi mới đang đem lại nhiều hy vọng. Những người lâu nay kiên trì nghiên cứu khoa học đang rất mong được Nhà nước tài trợ xứng đáng để có thể dành tâm sức cho công việc và có kết quả sánh được với thiên hạ. Nhiều người tại các đại học hay viện nghiên cứu nhưng lâu nay chưa làm nghiên cứu, hoặc lâu nay chưa hướng đến công bố quốc tế chất lượng cao , …lại dường như ít nhiều lo lắng với những đổi mới này. Đang có một tâm trạng chờ xem mọi sự sẽ ra sao. Sẽ là bình mới rượu cũ hay sẽ là một sự đổi mới thật sự của việc tài trợ nghiên cứu? Tiếc là ta mới có NAFOSTED tổ chức xét đăng ký và tài trợ cho các đề tài nghiên cứu cơ bản, và chưa thấy công bố gì về kế hoạch Nhà nước tài trợ cho các loại hình nghiên cứu khác, như nghiên cứu phát triển. Chính vì vậy nhiều nhóm nghiên cứu, dù không làm nghiên cứu cơ bản, cũng hối hả chuẩn bị và nộp đề cương xin tài trợ của NAFOSTED vì “không thấy gì khác ngoài cái này”.
Phụ trách đề tài phải là người có công bố quốc tế tốt
Yêu cầu người làm nghiên cứu cơ bản phải hướng đến công bố quốc tế là kết quả của một cuộc tranh luận khá lâu, và là một bước tiến đáng ghi nhận. Dẫu sao, việc Quỹ khẳng định lại rõ ràng điều kiện có công bố ở các tạp chí trong danh sách xếp hạng của ISI trong 5 năm vừa qua của chủ nhiệm đề tài cũng là một “sự kiện” của giới khoa học. Cùng với việc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức thu thập thông tin về các công bố quốc tế, các tiêu chuẩn này của NAFOSTED đã làm cho hầu hết cán bộ khoa học của ta phải tìm hiểu xem SCI và SCIE là gì, vào đấy khó dễ thế nào, …thiết nghĩ, đây chính là một thành công ban đầu của Quỹ. Nghiên cứu cơ bản là một loại nghiên cứu nhiều rủi ro, và do vậy việc xét chọn (do ta làm) là quan trọng và khó hơn rất nhiều so với việc đánh giá kết quả cuối (chủ yếu dùng kết quả đánh giá của các tạp chí hay các hội nghị quốc tế hàng đầu). Thường có hai tiêu chuẩn chính để đảm bảo cho các đề tài nghiên cứu cơ bản giảm được rủi ro của thất bại. Một là đảm bảo về chất lượng của nội dung và kế hoạch nghiên cứu do các chuyên gia trong hội đồng ngành của NAFOSTED đánh giá, và hai là đảm bảo về tính khả thi dựa trên thành tích nghiên cứu của các thành viên đề tài trong quá khứ. Nếu các thành viên và chủ nhiệm đề tài đã có những bài báo đăng ở các tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, như trong các danh sách SCI/SCIE, nhất là vào những năm gần đây thì khả năng đạt được mục tiêu của đề tài trong quãng thời gian hai hay ba năm sẽ cao hơn, và ngược lại. Do vậy, ở giai đoạn đầu của cuộc đổi mới tài trợ, điều kiện về công bố SCI/SCIE của các chủ nhiệm đề tài theo tôi là cần thiết.
Các hội đồng ngành là yếu tố quyết định
Rất nhiều người quan tâm đến NAFOSTED cho rằng chất lượng các hội đồng ngành là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại của Quỹ. Nếu các hội đồng gồm những người làm nghiên cứu giỏi và làm việc khách quan, Quỹ sẽ thành công và ngược lại. Hiện tượng đánh giá thiếu khách quan và cảm tính lâu nay đã và vẫn tồn tại nhiều ở ta. Do vậy các hội đồng của NAFOSTED cần bao gồm những nhà khoa học xuất sắc nhất, không kể tuổi tác, chức vụ, vùng miền. Người tham gia hội đồng cần là người đang thực sự làm nghiên cứu, công tâm, hiểu biết sâu và theo dõi được sự phát triển của lĩnh vực chuyên môn trên thế giới. Cụ thể, những người này ít nhất phải có được tiêu chuẩn về công bố quốc tế của các chủ nhiệm đề tài, và nói chung phải có thành tích khoa học cao hơn nhiều so với mức tối thiểu này. Sẽ tốt hơn nếu các hội đồng có nhiều thành viên có uy tín quốc tế (như trong ban biên tập các tạp chí quốc tế, được mời báo cáo ở phiên toàn thể tại các hội nghị quốc tế, chủ trì các hội nghị quốc tế chất lượng cao, …). Ở những ngành ta còn thiếu cán bộ đủ tiêu chí khoa học, cần mời các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ.
Một phần của những suy nghĩ trên được tổng hợp lại từ trao đổi của nhiều người làm nghiên cứu trong thời gian qua. Mong muốn và hy vọng chung là những người điều hành Quỹ sẽ kiên trì các tiêu chí đổi mới để góp phần thúc đẩy nền khoa học và công nghệ nước nhà.