Hôi nào cũng là hôi

Với những cuộc hôi của mà sản phẩm chiếm đoạt được thuần túy là của cải vật chất, thì có lẽ xuất phát từ tư duy ngắn hạn, sống chỉ biết trước mắt, nuông chiều lòng tham. Nhưng có những cuộc hôi của hướng tới chiếm dụng các nguồn lợi tinh thần, hay nói cách khác, là của cải vô hình, thì lại xuất phát từ một nguyên lý khác, liên quan tới sự háo danh.

1.

Loot (Hôi của)1, là tên một truyện ngắn nằm trong tập Loot: and other stories (tạm dịch: Hôi của và những truyện khác), xuất bản năm 2003 của Nadine Gordimer, nhà văn Nam Phi từng nhận giải Nobel văn học năm 1991.

Như dụ ngôn phảng phất âm hưởng của trận đại hồng thủy trong Kinh Thánh Cựu ước, Nadine Gordimer kể về trận động đất mạnh chưa từng có xảy ra tại một miền duyên hải. Trận động đất, thay vì gây ra tình trạng ngập lụt như thường thấy, thì ngược lại, nó đẩy lùi đại dương ra thật xa và làm cho những gì ẩn kín nhất của thế giới nằm sâu trong lòng biển cả ngàn năm bỗng được phơi bày lồ lộ trước mắt thiên hạ. Của cải quý hiếm nằm lẫn với các phế phẩm. Xác những con tàu đắm nằm chung với những lưỡi gươm báu quyền uy bám đầy vỏ hàu…

Cư dân ở ngôi làng ven biển nọ, sau khi tháo chạy lên ngọn đồi để tránh hiểm họa, đã bất ngờ xô đạp nhau chạy ngược trở về, lao xuống lòng đại dương để giành giật những món đồ vô chủ.

Cảnh hỗn loạn bi hài đó được nhà văn mô tả như sau: “Người ta nháo nhào chạy đi lấy; lấy, lấy. Cái này ấy à – lúc nào, bất cứ lúc nào cũng có giá, một lúc nào đó sẽ có giá, cái nọ có thể hữu ích, cái này là gì đây, ờ, chắc có người biết, cái này hồi xưa chắc là của người giàu, cái này giờ là của tôi, nếu mày không chộp cái ở đằng kia thì sẽ có kẻ khác chộp đó, chân lê lết trơn chuội trên rong biển và thụt sâu vào cát sũng, những thực vật biển há hốc mồm nhìn họ… Cơ hội hôi của các cửa hàng – vốn là thói quen thường tình của thiên hạ trong những thời loạn lạc – thật không có gì sánh nổi. Niềm vui cuồng loạn khiến cho đàn ông, đàn bà và con cái họ có đủ sức lôi ra khỏi bùn và cát những gì mà chính họ chẳng biết rằng họ muốn, lảo đảo đi tới đi lui càng lúc càng nhanh; đấy không chỉ là thủ lợi nhờ tình huống ngẫu nhiên, đó còn là cướp đoạt sức mạnh của tự nhiên, cái sức mạnh từng khiến họ cuống cuồng chạy trong vô vọng. Lấy, lấy; trong vơ vét, họ có thể quên rằng nhà họ đã đổ nát hoang tàn và họ đã mất sạch những thứ của cải bị ràng buộc với thời gian…”

Và trong sự nhốn nháo của cuộc hôi của tập thể, những con – người – bầy – đàn đã bỏ ngoài tai một thứ âm thanh cuồng nộ từ xa đang tiến dần về phía mình. Rồi, như một nhát chổi lớn quét đi mọi thứ trong chốc lát: “Biển đã trở lại, vùi lấp họ để làm giàu thêm kho tàng của nó”, nữ nhà văn người Nam Phi viết.

Nhưng đó là cái chết của đám đông, của toàn cảnh một thế giới đầy vật dục bị hủy diệt. Nadine Gordimer “nham hiểm” hơn khi dành hai phần ba truyện mô tả cái chết của một quan chức danh tiếng đã về hưu, sống phong lưu và đơn độc trong căn biệt thự trên ngọn đồi ven biển. Không thuộc về cái đám đông cơ bắp ham muốn của cải tầm thường, ra sức vơ vét toàn những món đồ cổ quý báu, hay ít ra là có giá trị sử dụng cao, nhà chính trị về hưu này chẳng thiếu thốn gì, thế nên ông đã cướp từ biển một chiếc gương và nhanh chóng rút về căn nhà của mình. Nhưng, lại cũng nhận một kết liễu sòng phẳng và công bằng trong viễn cảnh của một cuộc tận thế: “Và ngọn sóng lớn đến từ sau đầu giường đã cuốn ông đi”.

Truyện có cái kết thúc bi hài của một hí kịch nhân sinh. Nó không bị chi phối bởi bất cứ lời nguyền thịnh nộ nào theo cách thức mà trận đại hồng thủy trong áng văn Cựu ước đã từng. Nó cũng không lấy quy chiếu luân lý chống lại sự tham lam bề mặt để hạ thấp con người, tôn vinh uy quyền thần thánh trong cuộc định phận lịch sử một dân tộc, một giống dân nào đó theo mô thức huyền thoại Biển Đỏ thời kỳ Moses2. Nhưng với chỉ chưa đến ba ngàn từ mang chất phúng dụ hiện đại, truyện đủ mạnh để làm nghiêng chao mặt đất dưới chân mà con người đang nuôi ảo tưởng vững bền, và từ đó, làm tròng trành cõi đại dương bí ẩn của nhân tính bằng một phép thử về lòng tham, sự tha hóa.

Quy luật sinh tử nghiệt ngã, những con sóng thần sẽ không cần biết đến câu trả lời vì sao con người lại say mê, mụ mị thái quá với những thứ chóng qua trong cuộc đời này đến vậy. Như thời gian, chúng cuốn đi tất thảy, mà không cần phân biệt một thanh gươm với một chiếc gương soi, một con tàu với một cây chổi, một kẻ giàu có hay một tên nghèo hèn, nắm xương của một chính trị gia về hưu hay một tên cướp cạn.

Chúng cuốn trôi, hòa trộn tất cả và “làm giàu thêm” kho tàng của mình.

2.

Trả lời báo chí, người mẹ hôi bia cảm thấy nhục nhã khi đứa con ngơ ngác hỏi: “Nhà mình không ai uống bia, mẹ lấy về làm gì?”3. Khoảnh khắc biết xấu hổ, sực tỉnh trước truy vấn hồn nhiên của một đứa trẻ cho thấy, người mẹ còn có một chút kháng thể trước việc làm xấu mà mình bị truyền nhiễm, dẫn dắt bởi đám đông và thực hiện nó trong vô thức. Bà mẹ đã làm cái điều mà nhiều người không có khả năng làm – không ít người biết sai mà vẫn cố tình làm sai, biết vô luân mà vẫn sống vô luân, biết vô đạo mà vẫn hành vô đạo. Những người đó quá mức khôn khéo, biết cách giấu tội, hoặc đủ quyền uy để bịt mắt thiên hạ.

Với những cuộc hôi của mà sản phẩm chiếm đoạt được thuần túy là của cải vật chất, thì có lẽ xuất phát từ tư duy ngắn hạn, sống chỉ biết trước mắt, nuông chiều lòng tham. Nhưng có những cuộc hôi của hướng tới chiếm dụng các nguồn lợi tinh thần, hay nói cách khác, là của cải vô hình, thì lại xuất phát từ một nguyên lý khác, liên quan tới sự háo danh.

Tồn tại ngay trong học giới, nhiều kẻ vì quá ý thức về sức mạnh của hiểu biết, quyền lực của danh tiếng, hiểu rõ và biết vận dụng lợi thế của công cụ truyền thông trong xã hội thông tin, đã luôn nháo nhào giành giật cái quyền sở hữu chân lý, thao túng quyền lực trong học thuật bằng mọi giá. Một khi tham vọng, niềm mê say chiếm lĩnh sức ảnh hưởng trong đại chúng không có điểm dừng, thì đám người này lộ rõ bản chất của sự hám danh; và từ hám danh tới hôi danh chỉ là một bước ngắn. Từ nỗi lo bị lãng quên đến hành động kiếm tìm, ăn theo sự bất tử (thực ra chỉ là ảo giác) là một bước ngắn, mà có khi chẳng cứ phải hành động, cái xấu sẽ tự đến trong não quyển của những kẻ bất tài.

Không khó để nhận diện những người này. Ban đầu họ tìm cách tạo ra các tụ điểm, bằng mọi giá có chân trong các đoàn hội, sống đời văn nghệ, thực chất là tụ bạ, liên kết sức mạnh, tạo ra ảnh hưởng thông qua các hoạt động xã hội; luôn sẵn lòng lên tiếng, bày tỏ quan điểm một cách ôn tồn hay sôi nổi, bất kể đó là vấn đề nằm ngoài chuyên môn chưa thực sự tỏ tường.

Một dạng thức dễ thấy khác, đó là sau cái chết của những tên tuổi lớn, bao giờ trên các mặt báo cũng xuất hiện dàn đồng ca của một đám văn nghệ sĩ trí thức lau nhau thi thố kể chuyện giai thoại, kỷ niệm với người đã khuất không ngoài mục đích tự đôn mình lên ngang vai phải lứa, ăn cùng mâm ngồi cùng chiếu với các bậc danh gia được xã hội trọng vọng và tiếc thương. Có những nhân vật lớn, trí thức thực thụ trong những năm cuối đời bị đẩy vào những nghi án, cô độc và đau đớn, nhục nhã và ê chề, nhưng vừa mới tắt thở đã xuất hiện nhiều bạn bè, đệ tử đến vậy.

3.

Kẻ thô lậu thì hôi của, người có chút học thức thì hôi danh. Xét cho cùng, danh cũng là thứ gián tiếp đem lại nguồn của cải hữu hình lẫn vô hình.

Nhưng cái thói hôi danh bằng mọi giá có khác chi tấm gương nhà chính trị về hưu kia “hôi” được từ biển cả, để đóng cửa mê đắm nhìn ngắm chân dung méo mó, bần tiện và bệnh hoạn của bản thân?

Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. Họ cố lờ đi cơn sóng dữ đang ập đến từ phía đầu giường.

1 Trần Tiễn Cao Đăng dịch, giới thiệu trên evan.vnexpress.net, 2005.

2 Moses là nhà tiên tri, nhà quân sự, thủ lĩnh đã được Thiên Chúa chọn để đưa dân Israel thoát khỏi sự cai trị của người Ai Cập. Theo sách Xuất hành (thuộc Ngũ thư, Kinh thánh Cựu ước), Thiên Chúa đã ban cho ông một cây gậy thần, có thể phù phép gây ra cho dân Ai Cập mười tai họa sinh thái đầy kinh hoàng. Và đỉnh điểm, là cây gậy của Moses đã trỏ xuống dòng nước Hồng Hải, làm cho nước dựng lên như hai bức tường thành để dân Israel thoát khỏi đất Ai Cập ráo chân. Sau đó, với cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nước biển Hồng Hải đã ập lại vùi lấp những đoàn chiến xa, kỵ mã của người Ai Cập đuổi theo phía sau.

3 Bà Nguyễn Hồng Ng., một trong số hàng trăm người tham gia hôi bia trong vụ lật xe chở bia ở tỉnh Đồng Nai vào đầu tháng 12.2013. Bà đã chia sẻ với báo chí: “Tôi quá nhục nhã trước con mình khi đã hành động như thế.”

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)