Hội nhập khoa học công nghệ: Chúng ta cần làm gì?

Quá trình hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Đây là một cơ hội lớn mà Việt Nam không thể không tìm cách khai thác để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng X đề ra.

Quá trình toàn cầu hóa thương mại đã dẫn đến quá trình quốc tế hóa tri thức với sự di chuyển địa điểm của hoạt động R&D từ một nước ra nước ngoài và ngược lại; sự di chuyển này đã tăng nhanh hơn sự di chuyển của các hoạt động sản xuất và kinh doanh. Quá trình này đang diễn ra ở những nước có khoa học và công nghệ phát triển cao và các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam phải có những cố gắng rất lớn phát triển khoa học và công nghệ để có thể tham gia nhiều hơn vào quá trình này.
Khoa học và công nghệ thế giới đã đến Việt Nam khi người Pháp xâm chiếm nước ta. Thực dân Pháp cần phải đào tạo một số người bản xứ để mở rộng và tăng cường khai thác thuộc địa và phục vụ bộ máy cai trị của chúng. Nhưng việc đào tạo này chỉ hạn chế ở một số ít lĩnh vực với mức tối thiểu và ở những cấp học dưới, những chuyên gia trình độ cao được đưa từ chính quốc sang. Ở nhà máy dệt Nam Định chẳng hạn, kỹ sư hóa chất về nhuộm là người Pháp. Lúc bấy giờ ở Đông Dương chỉ có duy nhất một người Việt Nam là kỹ sư hóa nhuộm. Đó là ông Đặng Vũ Tiếu. Ông đi học ở Pháp không phải vì chính phủ thuộc địa quý trọng ông (ông bị đuổi khỏi trường Albert Sarraut vì  cãi nhau với hiệu trưởng) mà là do học bổng của nhà tư sản Vũ Văn An ở Hà Nội muốn có chuyên gia của mình để mở nhà máy nhuộm cạnh tranh với người Pháp.
Do đòi hỏi của nhiều thanh niên trí thức không có điều kiện xuất ngoại, thực dân Pháp đã buộc phải mở những trường đào tạo cấp cao hơn: trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương được thành lập năm 1920 và tuyển sinh lần cuối cùng năm 1930, song nặng về văn chương hơn là về khoa học (tốt nghiệp trường này có các ông Dương Quảng Hàm, Nguyễn Lân, Nguyễn Đình Hưởng, Vũ Tam Tập…; các bà Tăng Xuân An, Hoàng Thị Nga); trường Đại học Khoa học Hà Nội thành lập năm 1941 với các chứng chỉ về toán, lý hóa và vạn vật (khóa đầu tiên có các ông Nguyễn Văn Chiển, Nguyễn Chung Tú…).
Việc đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ tuy rất hạn chế về số lượng và cấp học, nhưng về chất lượng thì người Pháp chẳng dại gì mà hạn chế để chỉ có những nhân viên kém cỏi có hại cho mục đích cướp bóc tài nguyên và đàn áp nhân dân thuộc địa của họ. Trình độ của những người được đào tạo ở thuộc địa do đó cũng tuân theo các tiêu chuẩn ở chính quốc. Thí dụ như một người tốt nghiệp tú tài toán toàn phần ở Đông Dương có thể tự động được nhận vào Đại học Sorbonne ở Paris. Nếu cán bộ khoa học và công nghệ của chúng ta được đào tạo để phục vụ công cuộc xây dựng đất nước cũng với trình độ như vậy (cũng có nghĩa là theo tiêu chuẩn quốc tế) mà lại với quy mô như đã thực hiện thì chắc chắn vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế của ta hiện nay sẽ ít phải làm các nhà lãnh đạo Nhà nước băn khoăn.
Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ cũng như bất kỳ hoạt động nào khác về phát triển khoa học và công nghệ đều luôn đòi hỏi những con người có trình độ đạt các tiêu chuẩn chung trên thế giới. Một hệ thống giáo dục và đào tạo lảng tránh các tiêu chuẩn quốc tế sẽ mang lại nhiều điều tệ hại cho quốc gia. Chính hệ thống đó đã đào tạo ra hoặc tạo điều kiện tồn tại cho những người biên soạn sách giáo khoa năm nào cũng phải sửa, những người tổ chức việc thi cử năm nào cũng thay đổi, và có nhiều thứ “sáng kiến” kỳ lạ khác (thí dụ như biên soạn “sách giáo khoa sạch”), những việc làm mà những người đó đáng ra phải nhận trách nhiệm về những tổn thất do làm đi làm lại nhưng lại xem là một công việc mà học sinh buộc phải là khách hàng của họ!
Vừa mới đây, theo báo cáo “Cạnh tranh toàn cầu” của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), so với Thái Lan, các chỉ số xếp hạng về công nghệ của ta ở rất xa phía dưới: công nghệ: 92(VN) – 43(TL), đổi mới công nghệ: 79-37, chuyển giao công nghệ: 60-4, thông tin và truyền thông: 86-55, sử dụng công nghệ cao trong công nghiệp: 20%-31%. Theo báo cáo của cơ quan Tình báo kinh tế (EIU) về chỉ số sẵn sàng điện tử của 65 nước năm 2005 thì Việt Nam đứng ở thứ 61 trong khi Inđônêxia là 60, Trung Quốc 54, Philippin 51, Thái Lan 44, Mailaixia 35, Xingapo 11. Tình trạng này khó có thể nói là không có liên quan đến tình trạng thấp kém của giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ của ta hiện nay.
Nhiều nhà khoa học và giáo dục của ta đã bàn rất nhiều, năm này qua năm khác, về tình trạng giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ của ta hiện có quá nhiều vấn đề nghiêm trọng (xem: Khoa học- Giáo dục: Đi tìm diện mạo mới, NXB Trẻ/Tia Sáng, 2006). Lẽ nào mà cái tình trạng này vẫn cứ tồn tại, mọi người lại tiếp tục bàn cãi và tạp chí Tia Sáng lại phải mất nhiều trang cho những vấn đề không có gì là mới mẻ cả?!

Đặng Mộng Lân

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)